Chuyện về quê lần này không phải là "cháo bột", mà là chuyện "mộ và giỗ họ".
Tôi là đời thứ 21 của họ Nguyễn "nhất" ở làng Diên Sanh. Nguyễn là họ, còn "nhất" là thứ bậc trong làng. Nếu tôi nhớ không nhầm thì làng tôi có 15 họ, trong đó 12 họ chính và 3 họ ngụ cư; có 5 họ "chính tiền khai canh" thay phiên nhau chủ lễ trong đình làng, đứng gian giữa. Trong 5 họ đó thì họ tôi được xếp hàng đầu. Vua (thời xưa) ban cho họ tôi lấy Đông Chí làm giỗ ông, Xuân Phân làm giỗ bà, không cần biết ngày giỗ lấy theo ngày mất như truyền thống dân gian.
Chuyện 5 họ chính tiền khai canh thay phiên nhau được làm chủ lễ, đứng gian giữa đình ngày hội làng là cả một câu chuyện dài đòi bình đẳng của các họ khác từ xưa cho đến gần đây. Người ta kể rằng khi Ngô Đình Diệm lần đầu tiên được bổ làm tri huyện thì chính là ở huyện Hải Lăng tôi. Ông ta đã từng được đề nghị giải quyết chuyện này. Trả lời của ông ta là "ai dám ký thì tôi đưa bút cho ký chứ tôi không dám". Gần đây nhất là ông anh họ tôi mất bạn là một ông đại tá thông tin. Hai ông cùng làng khác họ, đều là dân tập kết, qua 2 cuộc kháng chiến, về hưu cùng ở xứ Gia Lâm, thường qua lại nói chuyện làng xóm. Đồng hương xa quê quý nhau lắm. Vậy mà khi có lại chuyện bình đẳng thời cộng sản, hai ông đâm ra không nhìn mặt nhau, đến giờ vẫn vậy. Mà không chỉ có hai ông ấy, còn cả một loạt các ông anh, ông bác khác của tôi, nếu có họ nhưng không cùng họ là đều dính. Tất nhiên chủ yếu là các bác có tuổi.
Chuyến này tôi về quê là giỗ họ Chi. Dưới Họ Lớn là 3 Đầu, dưới Đầu là mấy Phái, dưới Phái là mấy Chi, dưới Chi là mấy Cố, dưới thêm mấy bậc nữa thì đến mình, đại loại là vậy.
Buối sớm về đến quê thì buổi chiều tôi cùng mọi người đi làm mộ. Mấy trăm ngôi mộ của Chi rải rác khắp trong vùng mà theo một cậu em họ thì 50 thế hệ nữa vẫn còn chỗ chôn. Bởi quê tôi toàn cát, chả ai tranh chấp nhau. Buổi cuối tôi tham gia thì làm mộ trong rú, là cồn cát có rừng. Những ngôi mộ trong rừng không theo thứ tự gì, có chỗ thưa, chỗ mau, mộ lớn mộ nhỏ, tất cả đều hình tròn. Việc chính là phát rừng cho quang quẻ, vun cát lên cho thành hình mộ như trong hình kèm theo đây.
Mộ trong rừng không bị gió bay mất cát nên làm nhanh hơn mộ ngoài trảng. Một đầu để bia mộ, đầu kia chôn một búi cỏ làm dấu. Tôi không biết, suýt thì "lập công" đào bụi cỏ ấy đi. Đây là một ngôi mộ có kích thước vào hàng khá, hai tầng.
Một ngôi khác, chỉ có một tầng. Các mộ được đánh dấu bằng số để kiểm kê và chữ chỉ ở Chi nào. Chúng rải rác trong rừng.
Cũng có những "trại" mà thậm chí bia mộ cũng không có. Ai ở dưới những ngôi mộ ấy, có khi không biết.
Có nhà xây khuôn viên cho mộ gia đình, cha mẹ mộ tròn, con đời mới mộ dài. Và cả phần để sẵn. Những ngôi mộ nhà lầu này cũng ở trong rừng, chỉ có lối mòn dẫn tới.
Đây là mộ Chi, tức là người mà ngày mai làm giỗ. Ông này là đầu Chi của tất cả các ông và vợ có mộ được làm trong dịp này. Ngôi mộ này to một cách ấn tượng, nhưng chưa phải to nhất.
To nhất là ngôi mộ này, mộ ông Họ Lớn của họ Nguyễn nhất lớn nhất làng. Chính ông này được làm giỗ vào ngày Đông Chí. Bên cạnh ngôi mộ này là ngôi nhỏ hơn, là mộ của cha ông ta. Theo truyền lại trong gia phả thì hài cốt ông cha được đưa từ kinh thành về. Bởi thế tuy là cha nhưng không phải là ông nhất họ Nguyễn của làng. Diện tích mặt trên của ngôi mộ này có thể để lọt cả sân bóng chuyền.
Gọi là giỗ Chi nên con cháu trai trong Chi đều đi làm mộ. Mọi người nói đùa là bây giờ mà cháy làng thì không có ai cứu, vì đàn ông đều đi cả. Và không chỉ có vậy. Cả các cháu ngoại (con cháu của các bà đi lấy chồng họ khác) cũng được huy động. Thực tế chi tôi đi làm mộ số người "nội" chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là "ngoại".
Hôm sau là ngày giỗ. Đồ ăn cúng giỗ của quê tôi cực kì đơn giản. Thực đơn cho 5 người ăn chỉ có như thế này:
xôi ăn với thịt lợn luộc và
cháo gạo nấu bằng nước luộc thịt và xương. Tuy thế ăn rất ngon (mầm đá?).
Lễ cúng giỗ được tiến hành theo nghi thức truyền thống, kể từ ăn mặc.
Cúng xong, mời mọi người vào bàn. Tôi chọn một bàn có nhiều "ngoại" quen, định bụng để "giao lưu" vì hồi hôm tới giờ toàn gặp gỡ nói chuyện với "nội". Nhưng mà như thế là sai, bị nhắc nhở ngay. Hoá ra giỗ họ mà mời "ngoại" thì ngoại được ăn trước. Khi nào ngoại ăn xong, đứng dậy ra về thì nội mới được dọn bàn và bày ăn. Một ông anh họ từ HN vào vừa cười vừa nói "làm mộ chủ yếu là ngoại, được mấy nội".
Không biết anh em ta có ai chuyện họ, giỗ, ... "li kì" như chuyện của tôi. May ra có EGk9 quê Phong Điền giáp Hải Lăng phong tục có thể giống vậy?
26 nhận xét:
Đúng là cơn "sốt" đất cát chưa đến vùng quê TQ, nhìn thấy mấy cái mộ to mà "khủng hoảng". Đám cưới không biết thế nào, chứ đám ma, đám giỗ ở miền Trung nói chung là vô cùng "li kỳ" vì được coi là vô cùng "quan trọng"! Nhưng phải "công nhận" là rất ấn tượng đối với những người ở các vùng miền khác có dịp đến dự.
dachoaK7
Giá mà Hữu Thành tự chụp cho mình bố cảnh mặc áo the, quần chùng, đầu đội khăn xếp thì sẽ còn ấn tượng hơn nhiều. Tiếc quá.
Khu "di chỉ văn hóa" thật độc đáo và hoành tráng. Không hiểu vấn đề "bảo tồn" giải quyết thế nào khi khi mộ cát gặp mưa?
Với tất cả lòng tôn kính , thực lòng mà nói, kiểu mộ trên trông rất giống với lò hầm than( củi) của dân ở rừng miền Đông.
Cứ hình dung ít năm nữa, TQ nhà mình đóng bộ lễ phục này lại thấy hay hay.
TM
Đúng là ở Trị Thiên chuyện mồ mả rất được coi trọng, ngay cả các nghĩa trang liệt sĩ có lẽ không đâu chăm sóc bằng ở đây.Quê TQ có ngôi mộ tổ chỉ đắp đất mà to thế đúng là thằng em chưa thấy bao giờ.
Ấn tượng là mâm cỗ đơn giản nhưng trình bày nhìn rất ngon mắt. Có đủ chuối chát, khế và vả.
KV.K7
Theo tôi hiểu thì chỗ trồng cây hay cỏ là phía đầu người đã khuất, thế lỡ nhổ đi mất (xuýt nữa TQ lập công nhổ cỏ)thì làm thế nào? năm tháng làm mất dấu thì làm sao?. Tôi nhìn ảnh các mộ nhưng không thấy chỗ thắp hương, vậy thắp hương ở đâu? rồi cũng như TM nói " bảo tồn, giải quyết thế nào khi mộ cát gặp mưa gió".
VTM
"Mộ cát gặp mưa", mọi người cứ lo chuyện mà người ta chả lo từ lâu. Ở đâu cũng cát, gió mưa bao năm nay nó vẫn vậy. Vì nó thấm rất nhanh. Thực ra xâm thực của gió nguy hiểm hơn vì mùa nắng cát bay. Trong rú thì đã có cây chắn gió, cát không bay được.
Quảng trị nghèo quá, tới giờ mà còn vậy, 5 chiến sỹ với 1 "mâm" có bấy nhiêu thì đói to.
Oh, chữ "nghèo" không có "h" (ngèo) vẫn có thể đọc là nghèo.
HCQuang
HThành.
Xin thắc mắc về kích thước ngôi mộ.
Đất thì "vô tư", công đào đắp thì ít (tuyền là cát, đào đắp quá dễ), mạnh ai nấy đắp, to nhỏ mặc lòng. Như vậy, theo thời gian, người ta sẽ có xu hướng làm mộ to dần (kiểu như nhà căn phố trước đây, ông trước xây cao 12m thì ông sau 13m, ông sau nữa là 14m,...). Tới một lúc nào đó, ngôi mộ to bằng cái sân bóng đá thì tính sao nhỉ?
À không được, muốn làm mộ thật to thì phải chặt nhiều cây, mà mất nhiều cây thì không cản được gió, mà không cản được gió thì bay mất mộ.
Vậy là tự nó sẽ có 1 chuẩn tối đa, ví dụ tối đa là 1/4 sân bóng đá (hình 3: hãy tưởng tượng là toàn bộ diện tích này chỉ gồm 1 ngôi mộ).
Thế cũng đủ bỏ mẹ rồi nếu ông nào cũng thích 1/4 sân bóng đá.
HCQuang
@Chí anh: Cỗ giỗ họ thì luôn là như vậy, theo truyền thống. Số lượng thì không ít đâu, nó là cái khay nhựa chứ không phải là cái đĩa nhỏ.
Còn cỗ cưới, ... thì theo thời, cũng phải đua đòi với quốc dân chứ.
Nhưng dù sao thì Quảng Trị vẫn là vùng nghèo. Bởi thế nếu các anh có định "cứu trợ" ở đâu thì xếp theo thứ tự q-t-...a-b-... nhé.
Đất mai táng, theo một cậu em họ (lạc quan) cho rằng cứ như thế này thì "50 thế hệ nữa xã mình vẫn còn chỗ chôn". Thế được chưa?
Quả thực lần đầu vào rú mới biết nó không chỉ là rừng, là nơi thả trâu, nơi cho lá và củi đun ngày xưa. Nếu có bạn xấu về cùng chắc phải đưa đi thăm chỗ này, cũng là một giá trị được bảo tồn.
Tại sao mộ ở miền trung lại là hình tròn như cái giếng thế nhỉ ? Ở Hà tĩnh, Nghệ an cũng vậy ... Chắc phải có lý do từ xa xưa.
aHT : các thủ tục giỗ chạp phức tạp quá. Có lẽ phải có cuốn sổ ghi chép, mỗi khi làm gì thì mở ra xem để khỏi thất lễ. Còn tụi con cháu thì phải bắt chúng nó học thuộc lòng như mình học dẫn chứng văn hồi xưa vậy !!!
HMK6
Việc HMk6 nêu, chắc các bác "bảo tồn văn hoá phi vật thể" đã làm rồi. Hi vọng là thế.
Phải công nhận chú em gì gì ấy lac quan,tới dững 50 năm kia. Chỗ Tháp Cánh tiên que tôi, khi ông già tôi khuất núi được mai táng ở khu vục này,lúc đó chỉ lèo tèo vài ba ngôi mộ.Thế mà chục năm sau chen chân vào khu nghĩa địa này thật là khó.Chính quyền xã phải tính kế mua đất của xã bên để mở rộng.Hay là tại dân tình quê tôi "thức thời" rủ nhau lên gò sớm vì sợ mất phần?
Nhìn những ngôi mộ to như vầy lại nhớ hồi ở Quế lâm thỉnh thoảng ta thấy những gò đất to tướng,lúc đầu không biết là cái gì, hóa ra là những ngôi mộ cổ, thật ấn tượng.
DS
Ngược với xây nhà, về lâu dài, ông nào chết trước sẽ có quyền hưởng 1/4 sân bóng đá, ông nào sau có khi chỉ "tuyển" được cái giếng nhà.
Nói vui thôi, chứ dần dà bà con buộc phải tự đìều chỉnh. Hồi xưa "giời sinh voi sinh cỏ", nay cỏ cũng phải trồng thấy mẹ, có khi phải nhập cỏ ngoại. Hoặc cách đây hơn 100 năm "bao giờ hết đước Năm căn ... mới hết người đánh tây", thì ngày nay đước đang dần là hàng độc.
HCQuang
Cái pác HT này,thằng e tìm mãi chẳng thấy bát Tiết canh đâu ?Ở quê ngày giỗ chạp,nỏ có thiếu đc món nớ hè !
Ối giời, món tiết canh chắc là không có trong thực đơn "đại chúng". Cậu em này "sành điệu" quá!
Ba chục năm trước đây tôi về quê đã từng ăn tiết canh ... chó. Một lần duy nhất trong đời mà bây giờ chả còn nhớ mùi vị nó thế nào. Ak7 đã chén món này bao giờ chưa?
"Ấn tượng là mâm cỗ đơn giản nhưng trình bày nhìn rất ngon mắt. Có đủ chuối chát, khế và vả."
Hơi nể dân QT biết ăn nhậu" đúng phương pháp".Chuối chát, vả...giàu chất tananh sẽ đảm bảo an toàn cho bạn, nhỡ ông ruồi , ông nhặng có thò tay, thò chân vào đồ ăn cũng không sao.
TM
Không phải nhỡ nữa mà thực tế đã có mấy ông Ruồi trên mâm, nhưng không hề chi...
TTXVH
Nhìn hình "nảy" thơ:
Thơ xưa:
Tứ thời bát tiết, canh chung thủy,
Ngạn liễu đôi bồ, dục điểm trang.
Vì hồi xưa không có dấu phẩy nên ta có thể đọc là:
Tứ thời, bát tiết canh, chung thủy,
Ngạn liễu, đôi bồ dục, điểm trang.
Vậy là hạp ý chú ak7.
HCQuang
Uơ chầu chầu, uơ chầu chầu Răng tục lệ quê của mi rặc rội rựa hè! Mả càng ngày càng to, người bên Nội càng ngày càng ít sao không thuê người làng bên làm cho đỡ nhoc xác, ở nhà nhậu khoẻ re? Ỡ quê Choa sau 3 năm ,làm cái lễ bỏ mả, rứa lá xong , he he ! .
" QL"
@TQ: Quê nhà em (Quảng điền, không phải Phong điền) mọi thủ tục cúng giỗ chạp đều y chang như quê TQ. Mộ tổ cũng "hoành tráng" như rứa. Mà con em em nó nói to bằng sân bóng chuyền chưa ăn thua chi. Mộ tổ họ nhất (hình như họ Dương) ở Quảng Công còn to như trái núi (cao hơn tòa nhà hai tầng). Thể nào rồi cũng có ngày TQ sẽ "khăn đóng áo dài" thôi. Ông già nhà em hồi mới tập kết về nhất quyết không theo lệ làng mặc áo dài khăn đóng (hủ tục mà) nên các cụ không cho cúng, chỉ được vái từ xa. Nhiệm vụ trưởng họ toàn phải nhờ các ông chú làm hộ. Đến khi về hưu thì cũng đủ lệ bộ như "lịch sử yêu cầu". Họ nhà em cũng là họ "nhất", cũng có chiếu vua (ngày xưa) ban, nên giỗ cũng như bên TQ. Hình như đây là vinh dự dành cho các dòng họ đi mở đất ở vùng phá Tam giang, vùng mà ngày xưa "Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang". Chuyện các dòng họ đi mở đất bao giờ cũng có những chi tiết thú vị.
Nghe kể, ni được đích mục sở thị thì thấy lạ hề!!! Phong tục ni cũng khác nhiều vùng quê khác.
@EGk9: Thừa Thiên - Huệ là đất "thần kinh" nên mộ tổ "to như trái núi" cũng phải. Bên Quế Lâm đợt đi năm ngoái nhóm bạn xấu đến thăm "lăng vương gia" cũng thấy sau nhà có cái gò mộ, cao to.
Chuyện "giỗ đông chí, xuân phân" như thế là có trường hợp thứ hai được biết. Vậy sẽ còn các họ khác nữa giống thế mà mình chưa "chộ".
Cũng hay!
Nhìn lễ nghi đám giỗ qua ảnh của TQ thật ấn tượng. Rất trang trọng đặc trưng cho truyền thống cua ông cha ta ngày xưa.
Ở nhà em, em nói với vợ sắm cho anh bộ dài the và cái khăn xếp để giỗ chạp trong nhà anh cúng. Bài vở thì đã có quyển sách các bài cúng chị dâu gởi ngoài bắc vào cho rồi. Các loại giỗ chạp bài bản lắm chỉ còn thiếu trang phục nữa thôi mà vợ chưa sắm được.
@a HT:hì...hồi ở lính đc nếm tiết canh Heo,Vịt,Chó,Dê thường xuyên.Nhưng lại thắc mắc với cán bộ là những món nớ làm tiết canh đc,nhưng Bò,Ngựa lại k thấy ai làm?Cán bộ ngọng luôn...!
@ aHC:Sửa thơ của các bậc tiền nhân là "có tội" lắm đấy!
@ak7: Không phải "hồi ở lính" mà mới đây thôi hội "ngựa bạch" (nhiều Trỗi tham gia) có làm tiết canh ngựa. Là cái chỗ tiết (mà các anh ấy hứng uống trực tiếp từ vết cắt) không hết. "Ngầu" chưa?
Các anh chưa "chộ", tôi "chộ" 1 lần rồi.
Lần ấy tôi đi Hà tỉnh, vào Rú, được uống tiết con nai. Nai đang trào máu, bọ lấy chén (có sẵn rượu) hứng tiết (tỷ lệ 50/50). Tiết đang nóng, cứ việc ngửa cổ đổ dzô họng. Cảm giác ngòn ngọt mà chan chát, cái chan chát của rượu vang Boócđô.
Không rõ hồi xưa QuanVânTrường được Tào Tháo thưởng chén rượu, ngon tới cỡ nào?
HCQuang
Đăng nhận xét