Thứ Tư, tháng 12 31, 2008

Chuyến đi Mỹ Yên cuối năm

Đi lối Ba Hàng qua Quân Chu, Văn Yên sang Mỹ Yên, theo các anh địa phương, gần được tới 30km so với lối qua Thái Nguyên, Đại Từ. Nhưng đôi khi vẫn phải chờ công trường đang thi công. Nói chuyện với nhau: vài tháng nữa đường ngon thì sáng Chủ Nhật ngủ dậy, vươn vai một cái rồi quyết định lên chơi Bom Bom "nhẹ như lông hồng", không tới 3 tiếng đi đường, thư giãn. Đã manh nha một chuyến cho tập hợp các cháu Trỗi F1 lên chơi(?).

Chờ thông đường, sau lưng là một cái chợ quê (Quân Chu).

Trước khi ra về chỉ còn chừng này người: Bí thư, Chủ tịch, hai phó Chủ tịch, Hiệu trưởng Mẫu giáo, Chủ tịch Mặt trận, k4, k9 và k.khác.

Ghé thắp hương cho cha con LS Tiến k6, ngày mai là giỗ ông cụ. Căn nhà đã được đóng trần hơi bị hoành tráng.
Ngầm "dắt tay" đang bị công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sau này sẽ là một cái ngầm bê tông, chả còn cơ hội mà dắt tay.
Lại ghé hồ đập Miếu. Thấy khách đến nhà thuyền vội phi xe máy lên sẵn sàng phục vụ. Nhưng quân ta chả bao giờ sẵn sàng du lịch. Câu ngày ở đây có giá ... 100 nghìn đồng. ĐC cho là phải giá!? Nhưng hình như hơi bị "bơm" quá đà.

Từ trên mặt đập, xa dưới chân dãy núi mờ là hồ núi Cốc.
Vẫn ấn tượng với máng xả tràn.
Còn đây là chân đập.
"Rít điếu thuốc lào nâng cao sĩ diện".

Kết thúc việc lập quỹ tặng quà nhà trường và học sinh xã Mỹ Yên

Hôm nay ngày cuối cùng của năm 2008, thay mặt tất cả anh em k4 và các bạn Trỗi các khóa, các bạn k9 trong và ngoài nước đã đóng góp cho quỹ tặng quà xã Mỹ Yên, chúng tôi bao gồm 3 người k4, 1 người k8 và 1 người k9 đã giao món quà cuối cùng theo kế hoạch, kết thúc việc lập quỹ tặng quà mà chúng ta đã thực hiện trong nửa năm qua. Xin được nêu lại những hoạt động chính của hoạt động này:

1. Tại cuộc gặp mặt đầu năm 2008 tại Hưng Hóa, chúng ta đã thống nhất cuộc gặp truyền thống năm 2008 sẽ thực hiện tại Đại Từ, bao gồm chuyến về thăm Mỹ Yên (An Mỹ/1965), có tặng quà cho địa phương.

2. Tháng 5/2008 đã có cuộc đi tiền trạm gặp gỡ địa phương để xác định những nhu cầu thiết thực của Xã mà chúng ta có thể giúp qua việc tặng quà.

3. Sau chuyến đi tiền trạm, cân nhắc nguyện vọng của địa phương với tâm nguyện và khả năng thực tế của anh em đã xác định đối tượng thụ hưởng quà sẽ là các cháu học sinh, trước hết là các cháu gia đình khó khăn.

4. Phát động góp quỹ mua sách giáo khoa tặng nhà trường để lập quỹ sách dùng chung nhiều năm. Dựa vào số tiền đăng ký mà "liệu cơm gắp mắm", điều chỉnh đối tượng thụ hưởng là các cháu học sinh gia đình nghèo từ một cấp học đến cả hai cấp học của Xã, từ sách giáo khoa cơ bản tới cả sách giáo khoa hỗ trợ thiết yếu. Toàn bộ số sách này đã được giao cho các trường trước khi bắt đầu năm học mới.
Tiền quỹ tặng sách còn dư được dùng nốt để mua tặng 3 máy vi tính cho 3 trường của Xã (mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở) để dùng với cổng Internet do Công ty Viễn thông Quân đội Viettel cung cấp miễn phí cho mỗi trường theo thỏa thuận với Bộ GD và ĐT. Số máy vi tính này đã được giao vào ngày hôm nay, 31/12/2008.

Ngoài quà tặng từ quỹ góp trực tiếp của anh em còn có quà từ nguồn huy động để:

  • tặng đồ chơi ngoài trời cho các cháu trường mẫu giáo của Xã, giao trước ngày nhập học.
  • tổ chức một buổi tập huấn dinh dưỡng cho cán bộ nghiệp vụ và quản lý an sinh của Xã, thực hiện tháng 10/2008 trong ngày gặp mặt truyền thống tại hồ Núi Cốc, Đại Từ.
  • tặng một số lượng thực phẩm chức năng các loại phù hợp với nội dung tập huấn dinh dưỡng đã làm, thực hiện tháng 10/2008 trong ngày gặp mặt truyền thống tại hồ Núi Cốc, Đại Từ.
  • điều phối, tổ chức hoạt động này trong suốt nửa năm qua.
5. Giá trị quỹ góp tặng quà SGK và máy vi tính là 39 triệu đồng (chi tiết xem tài liệu về Quỹ Tặng quà). Giá trị các quà huy động tài chính: đồ chơi ngoài trời và tập huấn dinh dưỡng (anh Từ Ngữ) là 28 triệu đồng; thực phẩm chức năng (chị H.Phúc và anh Quốc Dũng) 23 triệu đồng. Điều phối, tổ chức không tính giá trị bởi huy động trực tiếp những người tham gia đóng góp trực tiếp mỗi vụ việc.

Tổng cộng chúng ta đã tặng giá trị 90 triệu đồng, hoàn toàn cho công tác giáo dục của Xã.

Quỹ đã đóng vào ngày hôm nay. Các anh đã đăng ký nhưng vì nhiều lý do không kịp góp sẽ thôi không được góp nữa.

6. Nhân lượt tặng quà cuối cùng, anh Quang - bí thư ĐU Xã - thay mặt chính quyền và tổ chức Đảng, anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở - thay mặt 3 trường các cấp của Xã, đã gửi lời cám ơn tới tất cả các anh em học sinh trường Trỗi, các bạn bè trong và ngoài nước đã tham gia góp tặng cho con em và sự nghiệp giáo dục của Xã những món quà thiết thực. Địa phương, các trường sẽ quản lí và sử dụng tốt, đúng mục đích các món quà này.

7. Lời cuối cùng là của chúng tôi, những người đã trực tiếp thay mặt toàn thể anh em để điều phối và tổ chức hoạt động này xin gửi lời cám ơn đến tất cả mọi người đã ủng hộ, góp quỹ, huy động nguồn hiện vật và góp công sức để hoàn thành tốt đẹp việc này.

Thứ Ba, tháng 12 30, 2008

Lại chuyện... logo!!!

Bộ Thương mại Anh thuê thợ làm logo cho văn phòng bộ "Office of Government Commerce" và viết tắt là OGC. Tốn những 14,000 USD nhưng dùng được vài tuần bị phản ứng quyết liệt với lí do "phản cảm"!.
Mời các bạn chiêm ngưỡng và phát hiện sai lầm chết người này!
(Source: Tiềnphong).

Thứ Hai, tháng 12 29, 2008

Những hình ảnh ít biết về kháng chiến chống Pháp

Đọc bài ảnh 1954 của anh HCQ đăng, có bức ảnh gửi tặng chị VTM thấy hay hay, nhờ “anh” GOOGLE tìm giúp được trang QUÂN SỬ VIỆT NAM có chủ đề: Những hình ảnh ít biết về kháng chiến chống Pháp. Có nhiều ảnh được chụp từ phía đối phương, xem thấy thú vị. Giới thiệu anh em, ai có nhu cầu thì tham khảo.

Tiếp bác HCQ, gửi chị VTM 2 bức hình này:





Việt Nam chiến thắng!!!

Là người VN, đêm qua, trái tim ai cũng như vỡ òa khi Công Vinh, dù bị "trói" rất chặt đã chạy cắt mặt và tiếp nhận quả sút phạt của Minh Phương, đánh đầu ngược (1 kỹ thuật rất khó) cho bóng vổng lên bay vào góc xa của cầu môn đội Thái, gỡ hòa cho đội tuyển VN; khi mà hàng chục triệu khán giả đang chờ đợi giây phút cuối cùng của trận đấu kết thúc để đội nhà phải đá tiếp 2 hiệp phụ và... chắc chắn thua trong trận lượt về và... mất chức vô địch!
Cảm ơn Minh Phương và Công Vinh!

Ngay lập tức lang thang ra phố và Quảng trường 1/5 hòa cùng dòng người xem dân chúng hò hét, phất cao cờ Tổ quốc trong không gian lành lạnh tràn ngập tiếng gầm rú của động cơ và tiếng còi bóp inh ỏi của các loại xe máy.
Ngay trong đêm nhận được tin nhắn của ai đó: "Khắp trên đất nước ngợp cờ bay/ Đêm nay cảm xúc quá tràn đầy/ 49 năm rồi ta chờ đợi/ Chiến thắng - cúp vàng ở trong tay!".
Vội gửi tiếp bài thơ này cho thầy cô và anh em. Lập tức nhận được trả lời:
- Thầy Hồng Tuyến từ Vũng Tàu: "VN vô địch! VN muôn năm!'.
- Thầy Vọng từ TpHCM: Cảm ơn em! Mừng quá!
- Hùng "bướm": "Chiến thuật và lối đá phù hợp cộng chút may mắn ở phút cuối cùng. Chiến thắng thật xứng đáng!"
Và còn nhiều, còn nhiều lời chúc mừng chân thành. Đã lâu lắm rồi dân ta mới được sống tràn ngập trong niềm vui tập thể như thế này! Sướng!
Xin cảm ơn đội tuyển VN!
Xin cảm ơn "phù thuỷ" Calisto đã dạy cho học trò của mình có được bản lĩnh - không run sợ trước đội Thái đẳng cấp. Còn nhớ có lần ông đã "mắng" các trò: "Các anh phải nhớ chúng ta là những thằng đàn ông!!!".
Sướng!!!
-------
-A1: Dân tình không mũ bảo hiểm, cưỡi xe máy đèo 3-4, phất cờ, hú hét trên đường Trần Hưng Đạo.
-A2: Quảng trường 1/5 cũng là 1 điểm tập kết.
-A3: Cháu Mý, Lúm, Tôm có mặt trên phố cùng cánh nhà 99. Bên phải là cánh anh em nông thôn ra HN làm thuê, không có xe máy để lượn mừng chiến thắng nhưng họ cũng có mặt ở Quảng trường để góp vui.

Chủ Nhật, tháng 12 28, 2008

"Pilot" Trỗi ?

Giỗ đầu Phạm Hồ Trương

Chắc mọi người vẫn nhớ Hồ Trương mất trước Tết, 14 tháng Chạp. Bởi vậy hôm nay tôi ghé nhà HTr thăm hỏi, cả chuyện giỗ.
Ngồi chờ lâu lâu Vân Anh vợ HTr mới xuống, vì mới lên chức bà ngoại mươi ngày nay, vừa giúp tắm cho cháu. Vợ chồng con gái lớn của HTr, từ khi em đi học xa, về ở với mẹ, nay mới sinh cháu trai đầu lòng. Hai mẹ con cháu về nhà mấy ngày nay, khỏe.
Con gái nhỏ của HTr đi Thụy Sĩ học cao học về quan hệ quốc tế. Nghe mẹ cháu nói lúc đầu sang hơi choáng với cách dậy học ở đấy. Nhưng sau vài tháng thì bây giờ hết sợ, mặc kệ người giảng đang nói tiếng Anh bất chợt đổi sang tiếng Pháp, đảo qua đảo lại, vẫn một mạch "thấu hiểu". Cái trường ở Giơ-ne-vơ nó đào tạo người theo kiểu Liên hợp quốc như vậy.
Vân Anh nói đã xây mộ cho HTr, anh em nào (ĐC, Bình cận, ...) lên "thăm thân", ghé sẽ thấy.
Giỗ đầu HTr sẽ tổ chức trong gia đình, vào ngày 14/Chạp, tức 9/1/2009. Anh em nào thu xếp được thì ghé thắp hương cho bạn.

Thứ Bảy, tháng 12 27, 2008

Ảnh 1954



Tặng VTM ảnh chụp cuộc hội đàm Pháp - Việt minh ở Trung giã (Bắc bộ) ngày 04/07/1954

Khóa 5 Hà Nội họp mặt

Sáng nay, tại quán bia hơi Hải Xồm 23 Nguyễn Đình Chìểu, họp mặt thường niên của k5 đã được tổ chức rất trọng thể. Dù trời mưa lạnh nhưng gần 60 bạn đã có mặt cùng thầy Nguyễn Phong, cô Thuý Lan và thầy Thẩm Gia Đạo. Bạn Quốc Sủng từ Vinh, Vũ Vịêt từ Nam Định, vợ chồng bạn Vĩnh Phúc từ Nỉ và nhiều bạn vắng bóng đã lâu nay lại hiện diện. Phan Tuấn Khôi từ New Zealand và Sĩ Long từ Czech mới về cũng có mặt. Ba bạn gái Mẫn, Xuyên, Hoa hễ alu là có mặt. (Xin lỗi quên không gọi chị Mai). Khách mời còn có em Thuý k9 (con thầy hiệu trưởng Dương Hưng Tuấn) và Vân Hùng k4.
Theo chương trình Lê Bình thay mặt BLL báo cáo tình hình họat động, Công Chính báo cáo thu chi ngân sách. Năm qua k5 phía Bắc đã làm được nhiều việc nghĩa tình cho thầy cô và đồng đội. Các bạn sẵn sáng ủng hộ hoạt động chung của nhà trường nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập. Vẫn tác phong Trỗi ngày nào không sửa được - luôn "ào ào trong hội nghị".
Sau phần chụp ảnh kỷ niệm là phần liên hoan mặn, nâng lên hạ xuống.
Do ảnh chụp chung có trục trặc (A1, đố các bạn phát hiện ra sai sót!) nên phải đội trời mưa chụp lại trước khi giải tán (A2). (Vì quên mang theo máy, khi về phải chụp lại nên chất lượng ảnh xấu; hơn nữa Mẫn hẹn gửi ảnh qua email nhưng chắc giờ này còn ngủ vì uống hơi bị nhiều! Các bạn xem tạm!).
Mong rằng mọi thành viên luôn mạnh khỏe để có nhiều lần hội ngộ như thế!

Gửi chị VTM

Giới thiệu sản phẩm

Hôm nọ cùng mấy bác K4 đến thăm chị VTM. Thấy bà chị có nhu cầu về sản phẩm ở 2 địa chỉ dưới đây:

http://www.bestbuy.com.vn/chitiet.asp?hangID=GD060000002

http://www.bestbuy.com.vn/chitiet.asp?hangID=GD060000025

Theo hướng dẫn pác VTM có thể đặt hàng, giá cả hợp lý và được giao tại nhà. Tại đây còn có rất nhiều sản phẩm khác.

Sản phẩm văn hóa tinh thần mới của lính Trỗi

Ai trong đời cũng có ít nhất 1 đam mê và Hà "mèo" k6 của chúng ta cũng vậy, anh có đam mê sưu tập rồi biên tập lại những tư liệu về trường Trỗi. Năm ngóai sau khi đi Quế Lâm về đã cho ra 1 DVD, nay Hà vừa biên soạn xong VCD "Các bài hát một thời trường Trỗi".

Phần I là những bài “Sinh ra trong khói lửa”, “Gương cao cờ quyết thắng", “Có anh tân binh”... được minh họa bằng các hình ảnh, phim tư liệu của các thời kì của trường ta.

Phần II các bài hát truyền thống: “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Vì nhân dân quên mình”, “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim…”, “Sáng mãi tên anh, người con của đất nước…”, “Tiến về Sài gòn”, “Tiểu đoàn 307”, “Tiếng đàn Ta lư” được minh họa bởi hình ảnh, phim tư liệu của thời kì cách mạng.

Những năm tháng ở Trung Quốc (phần III) có “Ra khơi nhờ tay lái vững”, “Tôi là một người lính”, “Chiến sĩ ta bắn bia”, “Công xã là hoa hướng dương”, “Đông phương hồng” được minh họa bởi hình ảnh, phim tư liệu của thời kì Đại cách mạng Văn hóa và sau đó.

Phần IV là những kỷ niệm về nước Nga Xô viết với “Kachiusa”, “Chiều Matxcơva”...

Do sưu thập từ nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng hình và âm thanh không thật đồng đều, nhưng phải nói VCD được biên soạn khá công phu, “sắp đạt tới" trình độ chuyên nghiệp. Anh em có nhu cầu xin đăng kí để được nhân bản.

Xin chân thành cảm ơn Hà Chí Thành - đồng đội luôn vì bạn bè 1 thời trường Trỗi!

Thứ Sáu, tháng 12 26, 2008

Nỗi buồn 58 năm

Anh rể tôi là Lê Văn Tấn, sinh năm 1939. Cha anh ,ông Lê Văn Vân, là công nhân đồn điền cao su ở Trảng Bom . Vì tham gia cách mạng nên cha anh bị địch bắt và đày ra Côn Đảo . Sau khi ông bị địch bắt, gia đình phải chuyển chỗ ở. Sau một thời gian đến chỗ ở mới thì anh thoát ly theo cách mạng vào năm 1950 (khi anh mới 11 tuổi). Khi ấy anh có một người em gái là Lê Thị Tới . Năm 1954 anh tập kết ra Bắc và từ khi thoát ly (1950) đến nay anh không nhận được một tin tức gì trực tiếp của người thân . Chỉ có một lần , một người cũng là bộ đội miền Nam tập kết có kể với anh rằng có gặp mẹ anh là bà Cao Thị Đầm, bà đã đi bước nữa và có một người con gái nữa tên là Ngọ. Anh nhớ rằng khi anh thoát ly thì cô anh , bà Lê Thị Nhuần đang công tác ở tỉnh đội Biên Hòa. Anh rể tôi luôn khẳng định anh quê ở Trảng Bom.
Từng ấy thông tin đối với một cậu bé 11 tuổi , mà trước đó vài năm đã sống thiếu cha, đã là quá nhiều. Nhưng nó lại vô cùng ít ỏi cho một cuộc tìm kiếm, nhất lại là một cuộc tìm kiếm sau 58 năm với biết bao nhiêu là bom đạn, chia cắt, chiến tranh, giặc giã…Bản thân anh rể tôi cũng đã có nhiều lần cất công tìm kiếm hàng tháng trời nhưng kết quả thì ngày càng vô vọng.
Những điều anh nói ra anh tin là như vậy, cả gia đình tôi đều tin như thế . Chắc là những người quen biết anh cũng tin như thế. Anh rể tôi , nhất là từ sau khi về hưu thì hay ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi xem còn chỗ nào mà mình chưa tìm tới .Và khi có chương trình NCHCCCL trên VTV1 thì anh chị tôi quyết định nhờ đến chương trình coi như là còn nước còn tát. Những người làm chương trình đều không thấy có hy vọng nhiều. Tuy nhiên đội tìm kiếm của chương trình cùng với anh tôi ròng rã nhiều tháng trời đã quần nát khu vực Đồng Nai , Trảng Bom . Nhưng vô vọng vẫn hoàn vô vọng. Và câu hỏi „Mình là ai?“ đã hành hạ anh tôi trong suốt 58 năm trời.
Nhưng cho đến ngày 3-5- 2008 khi chương trình „Như chưa hề có cuộc chía ly“(NCHCCCL) số 6 được phát sóng trên VTV1 thì có một người đã phát hiện ra những sai lầm „chết người“ của anh rể tôi. Và kỳ lạ hơn, người đàn ông này ra đời sau anh rể tôi những 8 năm và quê lại tít tận Nam Định.

Trong chương trình NCHCCCL Số 7 phát ngày 7-6-2008, người đàn ông này đã bay từ Nam Định vào TP HCM và tại trường quay ông đã trình bày một bản gia phả to bằng cái chiếu . Ông tự giới thiệu ông tên là Lê Văn Tự, trưởng chi họ Lê thôn Trung Phụng xã Hải Quang, Hải Hậu ,Nam Định . Bố ông là ông Lê Văn Toán.là anh cả của gia đình có 5 anh em .Ông Toán có 3 người con. Hai con đầu là liệt sỹ. Do vấy ông Tự tuy là con út nhưng bây giờ lại là trưởng họ. Sau giải phóng nhờ sự gặp gỡ với 1 anh bộ đội quê ở Nam Định đóng quân gần nhà cô Nhuần , đại gia đình họ Lê đã cử người vào tìm được cô Nhuần và cô em họ Lê Thị Tới . Đồng thời cũng biết được tin bà Cao Thị Đầm đã đi bước nữa ở Long Khánh. Ông Tự chỉ vào bản gia phả và nói: chú Lê Văn Vân , vào năm 1940 , đã đưa vợ là bà Cao Thị Đầm là người cùng làng và con là Lê Văn Tấn (lúc đó mới 1 tuổi) cùng với cô là bà Lê Thị Nhuần vào Nam làm phu cao su. Năm 1960 gia đình ông đã nhận được bưu thiếp của bà Cao Thị Đầm báo tin chồng đã bị giặc bắn chết tại Suối Đen , Biên Hòa và con trai là Lê Văn Tấn thì thất lạc, hoàn toàn không có tin tức gì. Gia tộc họ Lê cũng rất để ý tìm kiếm anh Tấn nhưng tuyệt nhiên không có một tia sáng mong manh nào… Cho đến tận ngày 3-5 -2008 ông Tự đã ngồi trước tivi để xem chương trình NCHCCCL số6… Và sau đó thì mọi chuyện chỉ còn là vấn đề kỹ thuật của đội tìm kiếm dưới sự điều hành của Thu Uyên…
Vậy là với lòng tha thiết mong mỏi đến tột cùng tìm được người ruột thịt, sự kiên quyết bền bỉ quyết không để cho gia phả bị đứt mạch của một dòng họ lại gặp được những tấm lòng cao thượng của những người làm chương trình NCHCCCL, anh rể tôi sau 58 năm đã gặp lại được 4 người em ruột và cả đại gia đình trong Nam ngoài Bắc. Điều đặc biệt là các em của anh dù hoàn toàn sống ở trong Nam nhưng lại nói tiếng Bắc (chắc là vì được sống với mẹ), chỉ có anh có 21 năm sống ngoài Bắc nhưng lại nói rặt tiếng Nam . Và bây giờ anh mới biết rằng quê anh là ở Hải Hậu, Nam Định . Thật là đáng tiếc vì mẹ anh chỉ vừa mới mất cách đây 6 năm , còn cô anh chỉ vừa mới mất cách đây có 3 năm. Nếu như hàng bao nhiêu lần trước đây và gần đây cùng với đội tìm kiếm khi đến Trảng Bom anh không rẽ phải mà rẽ trái (em gái anh ở xã Quảng Tiến nằm ở bên trái Trảng Bom). Nếu như ngay sau giải phóng ở những nơi anh đã đi tìm gia đình : Biên Hòa , Đồng Nai, Long Khánh , Vũng Tàu anh đến gặp chủ tịch xã(vì cô ruột anh lúc ấy là chủ tịch xã của 1 trong những xã mà anh đã đi qua )…Nhưng thực ra chữ" nếu" chỉ có trong suy nghĩ của con người chứ lịch sử thì làm gì có chữ nếu!
Suốt cả cuộc đời, anh rể tôi chỉ hy vọng tìm được một người thân cũng được, nay anh đã tìm được 4 người em ruột . Mỗi người đều có 7-8 người con và 14-15 cháu nội, ngoại . Vừa rồi chị tôi viết thư cho tôi kể về chuyến đi về quê Hải Hậu, Nam Định là "họ hàng đông không kể xiết". Cuộc đoàn viên kỳ lạ này sẽ được phát trên NCHCCCL vào ngày 03-1-2009 . Ở vào tuổi 70 anh rể tôi mới biết quê của mình là ở miền Bắc chứ không phải miền Nam . Bốn người em của anh đều theo đạo, vì theo nếp nhà , còn anh lại là người vô thần .

Tôi viết những dòng này vào dịp Noel 2008. Vào tối hôm Noel cứ 2 người Đức thì có một người đi đến nhà thờ. Cả những người cựu giáo và tân giáo đều tin có Chúa trời . Tôi không hiểu có Chúa trời thật hay không ? Nhưng có lẽ có tồn tại một thế lực quyền năng nào đó . Quyền năng này không phải là con người nhưng lại rất thấu hiểu con người . Không phải là con người vì con người thì làm sao có đủ kiên nhẫn để bày ra một thử thách cho một con người khác đến những 58 năm ? Nhưng quyền năng này lại rất thấu hiểu con người nên nó có thể biến những giấc mơ tưởng chừng như không tưởng, nhưng hợp đạo lý đất trời, thành hiện thực.

Ảnh : Hai anh em gặp lại sau 58 năm (Ảnh nguồn Thanh Niên Online )

Chúc mừng năm mới 2009!!!

Còn vài ngày nữa mới hết năm 2008, nhưng cứ chúc trước vì sợ mải xem trận bóng đá Việt Nam - Thái Lan rồi lại quên.
Xin post bưu thiếp của Cao "tư lệnh" (k9 Trỗi) mới gửi từ Phật Sơn sang chúc mừng thầy trò chúng ta.
Cái hay là khi nhìn lên chiếc đèn lồng ở góc phải bưu thiếp sẽ thấy chữ "Phúc" lộn ngược. Đây là lối chơi chữ độc đáo của người Hoa. Họ đảo chữ Phúc với ý "Phúc đáo" - hạnh phúc không chỉ đến 1 lần mà còn đến nữa!

Xiexie Gao tongzhi!

Thứ Năm, tháng 12 25, 2008

Cảnh giác "đóng phim" quảng cáo thương mại

Sợ một khi nào đó anh em thấy cái gọi là "TQ" xuất hiện trên phim quảng cáo nhà hàng sẽ bị sốc nên phải nói trước.

Đặc điểm của bọ là có gì ăn uống trước mặt là phải xơi, nhất là bữa trưa đã "chay tịnh". Bởi thế chiều nay đã vô tình có mặt trong một đoạn phim quảng cáo, ăn uống nhiệt tình, chỉ thiếu trả lời phỏng vấn bốc thơm.

Cũng vì có "bảo kê" nên mới dính, loanh quanh mấy ông bạn mình thôi. Lần sau có ai rủ đi nhậu, thấy vô lý sao đó thì đừng có đi.

Mà chắc gì anh em đã xem phải đoạn quảng cáo ấy? Nhà hàng nhỏ, nhà đài chắc cũng nhỏ, có khi chiếu ở đâu đó tỉnh xa, người ta lại tưởng cái thằng vẫn đóng quảng cáo cho đầu đĩa DVD Tầu. Mà có khi nó thật?

Nhân Ngày lễ thánh thăm công trình nhà thờ ở quê

Cũng như chùa triền bên lương thì nhà thờ cũng là nơi sinh hoạt tâm linh, giảng dạy giáo lý cho bà con giáo dân. Nơi ấy cũng thiêng liêng lắm.

Tiêu Động Thượng quê tôi theo đạo toàn tòng. Cha tôi sinh ra và được làm lễ ở nhà thờ này. Ông có tên Thánh là Phê-rô. Lứa chúng tôi thì không đi lễ nhà thờ nhưng những năm gần đây mỗi khi xứ có việc thì vẫn về. Chú Trung em tôi còn tặng nhà thờ 1 cây đàn pianô mà nhiều năm các cháu trong gia đình đã học trên cây đàn này. Hôm trao tặng có cả anh Ngân và chú Bùi Đức từ Nam Định về.

Ngôi nhà thờ xây đã cả trăm năm, nay giáo dân đông không đủ chỗ làm lễ, cần xây lại. Đúng Noel năm ngoái, xứ Tiêu Thượng quê tôi phá dỡ nhà thờ cũ. Khi cần cẩu dùng gầu bốc đất nền nhà thờ lên thì phát lộ 4 ngôi mộ cổ. Vậy là các cha xứ trước đã yên nghỉ tại đây. Trên bia mộ toàn ghi chữ Hán cổ. Vậy là phải nhờ tới chú Trung em tôi. Tư liệu quá khứ được giải mã.

Sau Tết ta là lễ đặt viên gạch của đức Tổng giám mục. Và quay đi quay lại đã hết năm. Noel năm nay chúng tôi về thăm và ghi lại vài hình ảnh của nhà thờ xây còn giang dở. Đặc biệt các bạn thấy hệ thống dàn giáo “rất VN” toàn bằng tre, dựng lên như dàn giáo của bà con Nha Trang khai thác tổ yến sào. (Mà chỉ mới dùng đến tre pheo của nhà thờ!).

Ông trùm kể laị…Khi quýêt định xây lại nhà thờ thì làm gì có đồng nào. Xin giấy phép với tổng dự toán là 1 tỷ mà chóng cả mặt. Cty phá dỡ về kí hợp đồng 80 triệu, thế là chúng tôi lắc đầu và tự làm. Toàn sức dân. Khi đổ bê-tôn thì huy động cả trăm bà con giáo dân. Hoàn thiện thì cũng phải 5-7 tỷ nhưng không vội được, cứ dài dài, trước mắt cố làm xong mái để có chỗ cho bà con làm lễ. Với phương châm cứ mạnh dạn làm, khi thấy công trình dần cao lên với chất lượng tốt sẽ làm cho mọi người tin tưởng và sẵn sàng đầu tư. Như vậy về phần vốn không còn đáng lo lắng. Noel năm tới các bác về thăm sẽ thấy khác nhiều.


Cũng là 1 lối suy nghĩ hay, khác hẳn "tư duy đầu tư dự án" của nhà nước ta.

MẪU LƯƠNG THÁNG CHẠP

Sau khi làng Mẫu Lương bị Mỹ ném bom huỷ diệt. Minh Kính có làm một bài, tuy chỉ là thẩn thơi nhưng dù sao đó cũng là một kỷ niệm.

MẪU LƯƠNG THÁNG CHẠP

Ngày mẹ đi cấy
Mong lúa trổ đòng
Đêm em tát nước
Đong từng gàu trăng.

Bi bô trong thôn
Em thơ học chữ
Say say trên võng
Bé nở cười xinh

Trời hé bình minh
Trâu ra khỏi ngõ
Trăng hè vừa tỏ
Hò ơ sân đình.

Em thơ sao tốt
Mẹ hiền sao thương
Bởi nên có chữ
Tên làng Mẫu Lương.

Ơi Mẫu Lương ơi !
Thanh bình là thế
Bỗng máy bay mỹ
Dội bom lan tràn
Làng yên ả thế
Bỗng thành tan hoang

Tôi ôm xác mẹ
Đôi tay máu loang
Tôi bới được em
Lệ nhoà mặt đất.

Một hòn gạch thôi
Làm chi nên tội
Một nụ cười thôi
Sao bay tức tối

Hỡi pháo đài bay
Hỡi nhà trắng Mỹ
Cái ngày hôm nay
Bay hát thánh ca
Cái ngày hôm nay
Chúa trời sinh ra
Cái ngày hôm nay
Dân lành yên bình
Cái này hôm nay
Bay mừng "giáng sinh".
12.1972

Thứ Tư, tháng 12 24, 2008

Pháp luật thường thức, quy định về blog

5 nhóm hành vi cấm trên trang thông tin điện tử cá nhân - blog

Lao Động số 298 Ngày 24/12/2008 Cập nhật: 8:52 AM, 24/12/2008
(LĐ) - Ngày 23.12, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Đỗ Quý Doãn ký ban hành thông tư hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân (TTTĐTCN - blog).

Theo đó, có 5 hành vi bị cấm. Cụ thể:

Nhóm hành vi thứ nhất bị cấm là lợi dụng TTTĐTCN để cung cấp, truyền đi hoặc đặt đường liên kết trực tiếp đến những thông tin chống lại Nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia...

Nhóm hành vi thứ 2 bị cấm là tạo TTTĐTCN giả mạo cá nhân, tổ chức khác; sử dụng trái phép tài khoản TTTĐTCN của cá nhân khác...

Nhóm hành vi thứ ba bị cấm là dùng TTTĐTCN để truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật và xuất bản phẩm vi phạm pháp luật về báo chí, xuất bản.

Nhóm hành vi thứ tư bị cấm là việc TTTĐTCN sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân vi phạm các điều cấm được quy định tại Bộ luật Dân sự.

Cuối cùng, TTTĐTCN bị cấm cung cấp thông tin vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ, giao dịch thương mại điện tử ...

Hội ngộ C "chín+mười" phía Nam

Bài và ảnh: Thanh Tường k1
Từ 19g Ngày Quân đội 22/12/2008, tại nhà hàng Bia Tiệp JODEE (hình như của 1 vài anh em Trỗi???) đã diễn ra cuộc họp mặt thân mật của anh em k1 và k2 Trỗi dưới sự chủ trì và đạo diễn của Tài Chung.
Thật cảm động khi có những người bạn sau 42 năm mới gặp lại nhau. Anh em k2 gồm Tài Chung, Việt Hải, Kỳ Trung, Quốc Dũng, Sao Mai, Văn Sơn, Việt, Chính. Số còn lại là anh em k1: Thanh Tường, Đoàn Dũng, Quang Do, Võ Tiên Hưng cùng 1 bạn gái k9.
Tuy lần này chưa đủ mặt anh tài, nhưng hứa hẹn sang đầu năm mới sẽ có những cuộc hội ngộ đầy đủ và trọn vẹn. (Cụ thể 10/1/2009 sẽ tổ chức cuộc du khảo quê hương Đồng Khởi và trang trại của anh em Kỳ Trung, Kỳ Bắc).
Anh em phía Bắc có vào nhớ liên lạc với chúng tôi.

Thứ Ba, tháng 12 23, 2008

Chuẩn bị giao máy vi tính cho các trường xã Mỹ Yên, Đại Từ

Hôm nay các chuẩn bị cuối cùng để giao máy vi tính cho các trường xã Mỹ Yên đã cơ bản xong:

- Mạng Internet do Viettel cung cấp: Viettel Thái Nguyên cho biết xã Mỹ Yên thuộc vùng xa của huyện Đại Từ nên chưa thể dùng mạng ADSL vì chưa kéo được dây vào tới đó. Phương án triển khai sớm mạng Internet cho Mỹ Yên là qua vô tuyến, dùng USB EDGE Modem. Phương án này không phải là "cổng mạng" thực sự như ADSL. Nó chỉ có thể kết nối một máy vào mạng (giống dịch vụ FastConnect của MobiFone). Viettel cho biết khi triển khai được hạ tầng thì sẽ đổi cổng mạng cho các trường.

- Máy vi tính quà tặng: đã nhận 3 máy mới, cấu hình vừa thích hợp cho dùng mạng. Do dùng USB EDGE Modem nên bắt buộc các máy vi tính đó phải chạy với hệ điều hành Windows XP SP2 đã được cài đặt sẵn từ nhà cung cấp. Tuy nhiên các ứng dụng khác được cài đặt theo bộ phần mềm mã mở do Bộ KHCN khuyến nghị để giảm tới tối thiểu tình trạng vi phạm bản quyền. Đã sẵn sàng giao cho các trường.

- Tài liệu kèm theo: bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng bộ ứng dụng văn phòng OpenOffice, trình duyệt FireFox, trình thư điện tử ThunderBird, bộ gõ UniKey do Bộ KHCN ấn hành, cài đặt USB EDGE Modem do Viettel cung cấp.

- Nguồn quỹ: Tổng giá 3 máy vi tính cho đến khi sẵn sàng tại Hà Nội (giá máy + giao nhận) là 14 triệu 370 nghìn Đồng. Tồn thực tế quỹ tặng quà cho xã của chúng ta là hơn 12 triệu. Có thể xóa đăng kí với các anh cho đến thời điểm này vẫn chưa nộp tiền vào quỹ. Số tiền còn thiếu đã có người đăng kí đóng góp tiếp. Và tiền chi cho chuyến đưa máy lên giao tại Xã cũng sẽ là ủng hộ của anh em ta. (chi tiết xem tình hình Quỹ tặng quà Mỹ Yên, Đại Từ).

- Giao máy tại Xã: dự kiến đầu tuần sau, trước khi kết thúc năm 2008. Có thể là thứ Ba, 30/12. Anh em nào muốn tham gia thì xin mời và có thể phải tự thu xếp phương tiện (như một tài trợ cho việc này).

"Cỗ khóa 5"

(Cảm nghĩ về “cỗ khóa 5”)
“Cỗ” là bữa ăn có tính chất long trọng tổ chức trong gia đình như cỗ cưới, giỗ chạp, khao vọng, ăn góp ... Sau này có thêm các cỗ khác như “cỗ quân đội”, trong đó có “cỗ Trỗi”. Mỗi cỗ có một văn hóa riêng, “cỗ Trỗi” cũng vậy. Vào “cỗ Trỗi”, anh “cỗ viên” (tạm gọi vậy) quên đi tuổi tác và địa vị xã hội của mình mà trở thành cậu học sinh của thuở nào. Lời ăn tiếng nói rõ là của … lính Trỗi.

Ngẫm riêng về “mâm cỗ khóa 5”, thì ngoài “tính Trỗi” vốn dĩ, nó có cái sự khang khác. Với cỗ xưa, sau khi nhà chủ “có nhời” thì mọi người “bảo nhau” vào cho “đủ cỗ”. Đó là “cỗ ngồi”. Còn anh “cỗ khóa 5” là “cỗ đứng” (tiệc đứng). Thích đứng ngồi với ai, cần uống thức gì, muốn “dùng” món gì cứ việc “tự nhiên cho”. Thích gì chỉ nấy, lập tức có cô phục vụ áo xanh áo đỏ “lấy” dùm. Cuối cùng, giống như cỗ xưa,
mt s khách khi về có “phần mang về”.
Về mặt “tổ chức” mà nói, “cỗ ngồi” có nhược điểm là làm cho anh “Mõ Trỗi” (ám chỉ Ban liên lạc) thêm phần vất vả. Hồi lính tráng, cứ kẻng hay “kèn cơm” là xếp hàng đi đều xuống nhà ăn, chả anh nào đi sớm đi muộn. Nay “đi ăn cỗ” mà người tới muộn kẻ tới sớm (đều là quan cả, khó đôn đốc lắm), thậm chí có anh tới khi “cỗ” đã bị “phá tang hoang”. Chỉ khổ cho anh Mõ phải “chạy bàn, chạy món” (chả lẽ để ổng ăn vậy, coi sao đặng). “Mâm cỗ khóa 5” nó thu hẹp “khoảng cách giai cấp” giữa anh Mõ với anh “cỗ viên”.

Mà “cỗ khóa 5” cũng “tiếu”. Để “làm cỗ”, họ tiến hành bữa nhậu gọi là “họp trù bị” để xử lí “các vấn đề nội bộ” và “thiết kế cỗ”, thận trọng như các anh “trên TW”. Điểm khác nữa là trước khi “vào cỗ”, các “cỗ viên”, trừ khách mời, đều bị điểm danh. Anh “cán bộ tổ chức” xướng tên từng người và anh “cỗ viên” đứng phắt dậy dõng dạc mà hô “có!” thật to. Thế rồi ...

“A lô, Phan Nam đây, mày viết bài về cuộc họp mặt khóa 5 nhé”.

“Ơ … hay nhỉ, tao có phải khóa mày đâu mà mày bắt viết … bản thu hoạch”.

“Nhưng mà … tao chỉ biết đọc (blog) chứ không biết viết. Thôi, mày lo dùm nhé”. Chối chẳng được, thằng này lì lắm, hồi xưa các thầy vất vả với nó.

“A lô, Phan Nam đây, này, mày nhớ tường thuật về … nhé”.
Thôi thì tường thuật, kẻo nó “chưởi”:
… Về phía các bậc lão thành có thầy Vọng, cô Thục, thầy Trọng. Về các khóa: khóa “đại ca” có anh L.V.Tiến Hưng, anh Thanh Tường. Khóa “song ca” có anh Kỳ Trung (hồi trường Trỗi, khóa 1 và 2 “hợp nhất” thành “đại đội Chín Mười”, sau này đi đâu đều cử “đại diện hợp nhất”. Nay chắc đã tách (?) thành hai “quốc gia” độc lập kiểu như Ănglê với Hoa kỳ). Khóa 3 có anh Phạm Nguyễn – người hùng trong cuộc chiến chống căn bệnh hiểm nghèo. Khóa 4 có các anh … nhiều lắm, cùng các đại diện khóa 6, khóa 7, khóa Út, “khóa 9”. Nhiều đại diện thuộc các “tiểu vùng” Vũng tàu, Quy nhơn, … cũng về tham dự. Vào cuộc họp, sau “diễn văn” khai mạc, thầy Trọng và đại diện các khóa phát biểu, đã “đánh giá cao thành tích” của khóa 5 – lực lượng “nòng cốt” của trường ... Trong bữa tiệc, tất cả đã cùng hát lên những bài ca của một thời trường Trỗi ... Buổi họp mặt khóa 5 nhân ngày
“Tết quân đội” đã diễn ra trong bầu không khí thân mật …
(Xin các anh chèn ảnh vào bài viết).
(Ảnh mổ heo: chỉ nhằm minh họa cho riêng 1 chữ “cỗ”).

Thứ Hai, tháng 12 22, 2008

KỶ NIỆM NHỮNG NGÀY THÁNG 12

Minh Kính

LẠI HÚ VÍA
13 giờ, chúng tôi ra đến bến Phà Đen. Trời nắng chang chang, không một bóng cây. Địa hình trống trải, không hầm hố. BCH Đại đội phân công các tiểu đội nằm dọc theo các luống khoai lang để phòng bom ném xa. Nếu bom trúng đội hình thì những con hào tự nhiên này chẳng thể cứu nguy được. Tiểu đội của MK lúc này có Xuân Minh, Việt Dũng, Ngô Hùng, Thụy Linh, ... là lính Trỗi K4. Chưa kịp triển khai đội hình thì máy bay ập đến đánh phá cầu Long Biên cách đó không xa. Mảnh bom đạn, đất đá rơi rào rào. Mọi người nằm im, úp mũ cứng lên mặt, nhắm mắt nghe tiếng gào rú của máy bay và tiếng nổ chát chúa của bom đạn. Thầm mong đừng có quả bom nào rơi vào đội hình của mình. Trận này Mỹ đã ném đứt cầu Long Biên. Hai nhịp cầu sắt gãy vặn đổ nghiêng xuống lòng sông. Rất may là chúng tôi không bị quả bom hoặc rốc két nào lạc vào đội hình. Bình an vô sự. Chập tối chúng tôi lại hành quân tiếp.

Khánh thành Nhà tưởng niệm Đại tướng Bộ trưởng Văn Tiến Dũng

Nhân Ngày Quân đội năm nay, gia đình cố Bộ trưởng Văn Tiến Dũng đã làm lễ khánh thành Nhà tưởng niệm ông tại nhà riêng ngay tại khu chung cư quân đội sau cơ quan Bộ Quốc phòng. Nhiều tướng lĩnh đương chức và các lão tướng cùng đồng đội, họ hàng đã đến chúc mừng.
Ông là 1 trong 11 tướng lĩnh đầu tiên của quân đội và là vị bộ trưởng kế nhiệm Võ Đại tướng.
Như vậy đây là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, kỷ niệm của ông gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc.
(Ảnh: Tác giả cùng phu nhân Đại tướng).

KỶ NIỆM ĐÁNG NHỚ TRONG 12 NGÀY ĐÊM HÀ NỘI

Minh Kính

CHẾT HỤT.
Rời Mẫu Lương chúng tôi hành quân vào Hà Nội. 12 giờ đến nhà máy dệt 8-3. Nhà máy đang ngùn ngụt khói cùng cảnh tượng đổ nát tan hoang do trận bom đêm qua. Mặc dù đã đưa giấy giới thiệu của BTLThủ Đô với nhiệm vụ vào để khắc phục hậu quả nhưng tự vệ nhà máy không cho vào với lý do có rất nhiều bom chưa nổ các lọai rất nguy hiểm. Chúng đành tôi hành quân ra bến Phà Đen để tìm nơi ẩn náu tránh giờ cao điểm. Vừa đi được một lúc, máy bay Mỹ ào tới oanh tạc nhà máy lần thứ 2. Hú vía. Nếu chúng tôi cứ ở lại nhà máy thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Chủ Nhật, tháng 12 21, 2008

Đầu trọc

Vương Mông

Đang giữa mùa hè oi ả, ông Vương định đi cắt tóc. Ông hỏi vợ:
Tôi húi cái đầu trọc được không bà?
Bà Vương giãy nảy, can lia lịa, không được, không được. Bà phân tích, điều kiện tiên quyết của người húi đầu trọc là đầu phải tròn, nhẵn mà tròn, tròn mà nhẵn, phải thế cơ! Còn đầu ông, như quả bí đao, như quả cà dái dê, như cái đầu đạn, cạo trọc đi trông chối lắm, ảnh hửơng xấu đến xã hội. Hơn nữa, bây giờ đâu có phải như mấy năm làm “cách mạnh văn hóa”. Mấy năm ấy, ông cắt trọc là để tụi vệ binh đỏ không túm được tóc. Bây giờ chính trị trong sang, xã hội ổn định, nhà nào cũng phấn đấu để có mức sống trung bình, người nào cũng vái thần tài, ông húi đầu trọc làm gì? Có mà điên!
Ông Vương hậm hực, tại sao húi cái đầu trọc cho mát mẻ cũng không được? Hơn bảy mươi tuổi rồi, có để cái đuôi sam nho nhỏ cũng chẳng ảnh hưởng gì đến xã hội. Hôm trước, khi tâm sự với một đồng nghiệp cũ, ông nói:” Bây giờ mình có khiêm tốn cũng chẳng tiến bộ, có kiêu ngạo cũng chẳng lạc hậu…” Lẽ nào người không cần khiêm tốn, không sợ kiêu ngạo, lại sợ húi cái đầu trọc?
Để giữ hòa khí, ông đành hoãn “công trình” cắt tóc lại. Chủ nhật, ông bàn với các con. Lập tức chia thành hai phe. Phe tán thành phân tích, giống như để tóc chấm vai, đầu trọc đang là mốt thời thượng. Vua nhảy cầu nước Mỹ đầu trọc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đầu trọc, một nguyên thủ quốc gia nào đó đầu trọc, rồi một học giả nào đấy cũng đầu trọc. Đầu trọc là độc quyền của cánh đàn ông, là sức hấp dẫn của cảm giác tính dục, là biểu hiện của già nhưng không yếu, là biểu tượng của tự do, nghĩa là nó là thắng lợi của ý chí tự do của bố, một trong những biểu hiện của tiến bộ xã hội và văn hóa đa nguyên…
Phe phản đối bác lại, cho rằng mỹ quan là yêu cầu số một của đàn bà và của cả đàn ông. Mỹ quan là thanh xuân, càng là quyền lợi, đặc biệt là nghĩa vụ của người già. Cái răng cái tóc là góc con người. Mái tóc là phần đẹp nhất của nhân loại, giống như bộ lông của con công và các thứ lông giữ ấm trên thân người. Roosevelt là người bị bại liệt, phải ngồi xe lăn, nhưng vì ông là Roosevelt nên ngồi xe lăn vẫn đẹp, ngồi xe lăn vẫn phong độ. Còn bố mình, cả đời không làm nên công trạng gì, cuối cùng lại cắt một kiểu tóc chẳng ra làm sao, sẽ bị người ta chê cười. Tại sao không suy xét vấn đề một cách thực sự cầu thị?
Nghe ớn cả lỗ tai, ông già liền đánh liều đi vào một hiệu làm đầu gần nhà. Buồn giận, ông nói với cô thợ làm đầu, cộc lốc: ”Cạo trọc!”
Cô thợ làm đầu đang độ tuổi thanh xuân hơn hớn, có vẻ như không nghe thấy lời ông, lại còn động viên ông:
Tóc bác còn đen lắm, nhuộm một chút thuốc, hấp một chút dầu thơm, thưa bác!

…. Thế là, không những ông Vương không húi trọc đầu, mà còn nhuộm đen tóc, hấp dầu thơm. Đầu bóng mặt phấn, ông bấm bụng rút ví chi trả những hơn một trăm tệ, rồi ra về. Lão Vương bảo vợ, ở đấy có cô thợ cắt tóc xinh, trẻ, y như diễn viên nổi tiếng Hồng Kông vậy.

(EGk9 Sưu tầm 9/10, được đăng 21/12 sau khi có lời "tạm ngừng ODA" các bài sưu tầm khác)

Tin họp mặt k5

1. Sáng nay k5 tại phía Nam đã họp mặt truyền thống tại KS Ba Son với sự có mặt của các thầy cô cùng các bạn và 1 số gia đình. Đại diện k1 đến k8 cũng đến dự. Họp mặt thành công và bầu ra BLL mới gồm Phan Nam, Trần Lảnh, Phùng Duy Hưng, Quang Việt, Chỉnh Huấn.
2. Tại phía Bắc, k5 sẽ họp mặt truyền thống vào thứ bảy 27/12/08 tại quán bia hơi Hải Xồm, 23 Nguyễn Đình Chiểu, HN từ 10g sáng. Mời anh chị em các khóa cùng đến dự.
Thông báo này thay giấy mời, đề nghị các bạn nhắn tin này tới mọi người!

Tin hay!

1. Em gái k9 ơi, dự án Trung tâm thương mại tại đường 19/12, nghĩa trang chung cho hàng ngàn đồng bào hy sinh những năm 45-46 thế kỷ trước, đã phải tạm dừng. Vậy là dư luận của những người có lương tâm đã bước đầu (mới chỉ dám nói là "bước đầu") thắng được sức mạnh của đồng tiền. Hy vọng sẽ lòi ra lắm vấn đề!
2. Chiều qua mãi 5g mới về đến nhà sau cuộc liên hoan với k8 kéo dài, về rồi lăn ra ngủ. Tối thức giấc thì nhận massage của Đông Nhân. Vội chia sẻ cùng anh chị em Chuyện nhỏ chuyện to!
Tại Liên hợp quốc báo cáo của VN thì to mà nước VN lại quá nhỏ. VN nhỏ vậy mà lại có thủ đô quá to với những con đường nhỏ mọc lên những biệt thự quá to. Ở trong đó là các bộ nhỏ của các sếp to. Vậy mà mấy lão sếp to lại xách cạc-táp nhỏ nhưng trong đó lại có các dự án to. Dự án thì to nhưng hiệu quả lại quá nhỏ và thất thóat lại quá to...

Lỗi mạng hay hệ thống dịch vụ?

Mấy hôm nay, cứ buổi sớm, đầu giờ vào đọc trang BanTroi thì lại bị nhà dịch vụ Google thông báo "We're sorry... but your query looks similar to automated requests from a computer virus or spyware application. To protect our users, we can't process your request right now." không vào xem trong khi vẫn làm các việc khác được.
Ý nó sợ là mình đã bị virus (hay tin tặc) chiếm quyền điều khiển máy tính, lấy làm cơ sở gây rối trên mạng. Chả biết làm thế nào. Nhưng cứ đến giữa buổi thì lại bình thường.

Khắc phục: giở lại chiêu cũ, dùng proxy thì xem và làm các thứ bình thường, không sao cả.

Thế ra nó phân biệt đối xử với địa chỉ mạng đến từ VN? Biểu hiện sơ sơ là như thế, sâu hơn thì để các chiên da.

Thứ Sáu, tháng 12 19, 2008

"MỘT MẶT TRẬN DƯỚI MẶT ĐẤT"

Minh Kính

12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 là những ngày khói lửa ác liệt nhất ở Hà Nội. Những chiến sỹ phòng không, không quân rất tự hào đã làm nên một "ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG". Chúng tôi những người "lính dưới mặt đất" cũng nhớ mãi những ngày ấy.
Đại học quân y nằm trong vùng oanh tạc của Mỹ. Đêm 19.12 chúng đánh trúng đội hình nơi trường sơ tán. Làng Mẫu Lương, Đa Sỹ Hà Đông bị tàn phá. 85 người dân làng Mẫu Lương tử nạn. 3 giờ sáng, từ làng Xuân Hòa Thường Tín chúng tôi hành quân gấp lên Mẫu Lương. Những người khỏe mạnh đi sơ tán hết. Chỉ còn những người bị thương, dân quân du kích. Cánh lính chứng tôi khẩn trương đào bới cứu những người còn sống và thu lượm thi thể nhửng người đã chết, đa phần không tòan thây. Đến sáng chúng tôi đã khiêng, băng bó và chuyển hàng chục người bị thương đi cấp cứu. đã đào bới làm công ác tử thi, cho vào quan tài và chôn thành 120 cái mộ (chỉ có 85 người chết). Không một ai sợ gian khổ, không sợ bẩn, không sợ máu, không sợ hôi tanh. Trong đội hình những chiến sỹ mặt đất hôm đó có Minh Kinh, Xuân Minh, Xuân Thủy, VCPhước, Thụy Linh, Ngô Hùng, Hồng Thanh, Quốc Ân, Dũng Sô, Phục Quốc (Bùi Yên Trình, Chu Hòang Vân đi Quảng Trị) ... là lính Trỗi khóa 4.
9 giờ sáng ngày 20 chúng tôi được lệnh hành quân tiếp vào nội thành. Và từ đó suốt 12 ngày chúng tôi làm nhiệm vụ cứu sập, đào bới cứu người và cả đào xác phi công, đào bom kéo xác máy bay Mỹ, và cả canh giữ nó nữa.
Nếu đi qua dốc Ngọc Hà vào những ngày sau hiệp nghị Paris các bạn thấy 150 quả bom xếp hàng triển lãm và chiếc B52 tan tành nằm chếnh ềnh ở góc vưởn Bách Thảo có các chú bộ đội cầm súng đứng gác đó là đơn vị chúng tôi đấy.
(ảnh minh họa theo gợi ý và cung cấp của anh HCQ)

Nhân ngày "ĐBP trên không"

Không ít kẻ quan niệm rằng thế giới chỉ gồm hai loại, một loại là những nước siêu cường, loại còn lại bao gồm các nước phải chấp nhận sự áp đặt quyền lực của những nước siêu cường.
(Ảnh: B52 đang ném bom)

Nhân ngày “Điện biên phủ trên không”, tôi xin trích một đoạn hồi kí của tổng thống L.Johnson để các bạn tham khảo:
“… Tôi hiểu khá rõ nhân dân chúng ta để nhận thức được là nếu chúng ta bỏ Viêt nam ra đi là để mất Đông Nam Á, việc này sẽ gây nên một cuộc tranh cãi gây chia rẽ và tai hại trên đất nước chúng ta. Một cuộc tranh luận gây chia rẽ về ai đã để mất Việt nam, chẳng hạn theo tôi nhận thấy, còn tai hại đối với đời sống quốc gia của chúng ta hơn là cuộc tranh luận về vấn đề Trung quốc trước đây. Các đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới đi đến kết luận là lời hứa của chúng ta chẳng đáng giá bao nhiêu. Matxcova và Bắc kinh sẽ nắm lấy ngay cơ hội để mở rộng quyền kiểm soát của họ vào chỗ quyền lực bị bỏ trống mà chúng ta đã để lại sau khi chúng ta rút khỏi ...”.

Vài hình ảnh về đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội

Ngày đi học, bọn lớp Vô tuyến k5 Đại học quân sự hay gọi nhau theo phố: cánh Lý Nam Đế thì gọi là "quân khu Lý Nam Đế", bọn sinh sống ở đường Trần Hưng Đạo thì gọi nhau là "cùng làng Trần Hưng Đạo". Còn nhớ Hà Chí Quang ở tận Thiền Quang "bang hồ Hít-le" nhưng cũng xưng là dân "làng Trần".
Xin trình mấy tấm ảnh về "làng Trần Hưng Đạo" ngày nay.
Bên cạnh những cao ốc hiện đại thì ngay trước cửa Sứ quán Pháp có nắp cống chả hiểu do "hỏng"(?) phải mang đi "sửa" hay bị bọn nghiện hút ăn cắp trong đêm mà sáng ra dân qua đường phải lấy chiếc ghế nhựa đặt vào để cảnh báo xe cộ và người qua đường.


Quá ư là khôi hài!

Thư từ Budapest

Thân gửi anh K. Quốc!
Qua Blog BanTroi, Nhóm Trỗi K6 Budapest vừa rồi mới biết Hoàng Minh Phượng K6 C11 đang ở Wien, Áo. Bọn này muốn nhờ anh hỏi hộ số mobile hay email của Phượng để liên hệ.
Xin cảm ơn trước!
TM Trỗi K6 Budapest - Triều Ngỗng
--------
Rất cảm ơn blog của ta đã kết nối được các bạn Trỗi ở Budapest!
Mong các bạn k6 nội địa đáp ứng yêu cầu của cánh ngoại địa. Cảm ơn!

19/12

Ngày mai là ngày 19/12, kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến. Có lẽ ngày này liên quan đến 100% học sinh trường Trỗi và cả rất rất nhiều K9 như tôi, những người có phụ huynh đã cống hiến tuổi trẻ, xương máu của mình cho đất nước theo tiếng gọi thiêng liêng: «Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Nhớ đến ngày này tôi lại chạnh lòng vì những gì đang liên quan đến Dự án cao ốc ở cái nơi xưa kia là nghiã trang liệt sĩ 19/12, rồi sau đó là chợ 19/12 hay còn được gọi nôm na là chợ Âm phủ. Không phải chỉ vì nơi này quá đỗi thân thiết với tôi vì rất gần nhà, mà còn vì nhiều khi đi qua đây tôi lại nghĩ đến số phận của những di tích lịch sử trên đất nước đã phải đi qua quá nhiều cuộc chiến tranh của chúng ta, để «nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Là người có may mắn được đi một số nơi châu Âu, cả những nước XHCN cũ lẫn những nước Tây Âu, tôi thấy ở đâu người ta cũng trân trọng, gìn giữ những chứng tích chiến tranh để tưởng nhớ những người đã hy sinh cho Tổ quốc và để giáo dục cho thế hệ sau. Còn chúng ta thì... Hôm nay đọc bài phỏng vấn của báo Tiền phong online với ông Nguyễn Anh Cường - giám đốc Cty THHH Thủ đô 2, chủ đầu tư dự án cao ốc tại chợ 19-12, thấy ông ấy bảo : «Trong 4 năm chúng tôi chuẩn bị dự án, không ai nói đây là một di tích lịch sử, không ai nói đây là một con đường...».
EGK9

Còn một chứng tích chiến thắng tháng 12 nữa, mời đọc Đánh Thắng B-52 của Trung tướng Hoàng Văn Khánh. Họ chưa chuyển sách này sang số hết? Tuy thế trang mạng http://www.quansuvn.net, mới xem lướt qua, là một chỗ rất đáng quan tâm và trân trọng. (Vì không vào được Bạn Trỗi bình thường do lỗi hệ thống nên đành phải gửi gắm vào đây).

Thứ Năm, tháng 12 18, 2008

Chuyện cá, có ai kể không?

TM đã kể chuyện chim. Liệu có ai kể chuyện cá không?
Có lẽ "băng" TM-Vân Hùng chỉ giỏi chuyện chim. Chứ chuyện cá thì chúng không rành. Tôi nhớ những Chủ Nhật sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ kiếm củi về cho bếp đại đội mà không có gia đình lên "thăm nuôi" thì hoạt động ưa thích của chắc không trừ một Trỗi nào là ... kiếm ăn.
Có tiền thì mua bưởi, mía, chuối. Sang hơn là mua sắn và mật nhờ nấu luôn thành chè. Không tiền thì lội suối bắt tôm, câu cá. Tôi nhớ nhiều lần đi kiếm ăn với TM nhưng nó chưa bao giờ câu được con cá suối nào. Một lần duy nhất tối thứ Bẩy "đen như đêm Ba Mươi" câu được con cá trê nhỏ bằng chuôi dao trong cái khe nước đọng lối đi lấy củi lại là tôi câu được. TM chỉ có thành tích chui bụi rậm tìm ra con cá ấy. Chả là khi tôi giật lên thì cá tuột khỏi lưỡi câu, rơi vào bụi.
Sau này nghe Hồng "há" kể thì mới biết câu loại cá thân trắng mỏng và dài bơi loang loáng dưới suối, không đơn giản. Phải câu bằng con nhện chưa chết nhưng đã bị bóp hai mắt, lưỡi câu móc phía trên lưng, thả trôi trên "thác". Khi con nhện trôi theo nước đổ xuống thì con cá sẽ ngược dòng lao lên đớp.
Có lẽ Hồng há đã kỳ công theo dõi và biết tập tính của loài cá suối nên mới tìm ra cách câu như vậy. Tôi thì chưa bao giờ thấy cá đớp mồi ngược dòng đổ xuống chứ chả nói đến hiểu ra tập tính của nó.
Hình như Hồng há có dùng mạng, hi vọng hắn ngứa nghề kể cho anh em vài chiêu nho nhỏ.

TINH KHÔI

Nhân ngày 22/12 sắp đến, đọc blog thấy nhiều bạn kể lại vài chuyện vui buồn đời lính, tôi bỗng nhớ lại chuyện này. Trước đây có lẽ nó thuộc dạng “mật” (về cả nghĩa đen và bóng). Nay lại thuộc dạng … chẳng có gì (!) Chỉ là kể lại cho vui. Ai xem đừng cười.

* *

Sau ngày giải phóng miền Nam ít lâu, bọn Pôn Pốt bất ngờ đánh chiếm một đảo của ta ở cực Nam. Chúng tàn sát hết số dân Việt bấy nay ở đó, quăng xác xuống biển phi tang (chuyện này khi ấy chỉ phổ biến hẹp trong các đơn vị hải quân vùng 4 và vùng 5 duyên hải. Ai nghe cũng sôi sục lắm)). Ta điều một đơn vị hải quân đánh bộ ra chiếm lại đảo. Trận đánh ác liệt mà nhanh gọn. Bọn địch bị tiêu diệt, nhưng vẫn còn một số chạy thoát, tản mác trong rừng. Lệnh trên là phải nhanh chóng củng cố trận địa phòng ngự và truy quét cho kỳ hết bọn tàn quân…Sự kiện này ngày ấy, vì nhiều lý do, đài báo hai bên đều không đưa tin (coi như “ai làm nấy chịu” không liên quan chi đến nhà nước hai bên cả).

Khi ấy , tôi là một sĩ quan trẻ, được giao nhiệm vụ dẫn một tốp lính lên đảo để lập ngay mạng thông tin và đài quan sát biển. Tốp lính này đa phần là nam, nhưng cũng có hai cô gái chuyên ngành kỹ thuật. Đảo nhỏ, nhưng cũng có núi cao, rừng rậm, ghềnh đá hiểm trở và còn cả kẻ địch đang rình rập (Bọn tàn quân trong rừng và tàu địch lởn vởn ngoài khơi định tái chiếm). Vậy nên các nhóm công tác đều phải luôn trong tư thế sẵn sàng. Sau một ngày làm việc quần quật (khuôn vác gỗ, đá, lắp đặt khí tài…) chúng tôi tạm nghỉ bên bìa rừng. Mọi người tranh thủ nấu cơm, tắm giặt. Qui định là : Đi đâu cũng đều phải có từ ba người trở lên, cùng vũ khí. Nấu xong cơm, hai cô gái (được anh em gọi đùa là “hai người đẹp nhất đảo”) đến xin phép tôi để đi …tắm. Phiền nỗi, họ chí có hai người và cũng chưa biết đường ra suối. Mọi người “phân công” tôi đi cùng (với cái lý : Chỉ huy đi cùng là “chắc ăn” nhất, khỏi có chuyện gì “lôi thôi” (!)) Từ chối không xong, tay dao, tay súng tôi dẫn hai cô ra suối. Vừa đi, tôi vừa chặt cây làm dấu, dặn dò cẩn thận:

– Lát nữa các cô cứ theo vết dao chém này mà về. Có chuyện gì thì nổ súng báo động.

Đến một đoạn suối bằng phẳng, có nhiều hoa rừng rất đẹp, tôi định quay lui, thì cả hai cô gái đều trợn tròn mắt lên :

– Cơ mà… Chúng em sợ lắm… Đang tắm… nhỡ ai đến thì…

– Hôm qua đổ bộ tấn công các cô xông xáo lắm mà – Tôi cự lại - Sao giờ lại nhát thế ?

– Khi ấy khác. Bây giờ… khác – Một cô lý sự – Mà chính anh đã ra lệnh là đi đâu cũng phải có từ ba người trở lên và súng đạn phải luôn sẵn sàng cơ mà.

Tôi đưa khẩu tiểu liên AK và con dao rừng (thực ra là một thanh gươm Miên sắc lẻm) cho họ. Hai cô nhìn nhau… Tôi rút khẩu “rulo” chiến lợi phẩm lận sau lưng ra tính đưa nốt. Nhưng cả hai cô đều lắc quầy quậy :

– Sáng nay ta vừa chạm súng với bọn tàn quân. Chắc chúng vẫn còn rình rập đâu đây ! Chúng em đang… tắm, dù có súng đại bác cũng thua.

Tôi đâm ra bối rối không biết xử lý thế nào “tình huống ngoài dự kiến “ này :

– Thật rắc rối. Thế thì khỏi tắm. Về ! – Tôi quát.

Hai cô ngơ ngác nhìn nhau, rồi một cô ấp úng như sắp khóc :

– Là… là… chúng em… nhờ thủ trưởng… gác dùm cho chúng em… tắm.

Đến thế là … cùng. Tôi đỏ mặt… Lúc này họ mới dùng đến cái danh “thủ trưởng” (nghĩa là nhắc khéo đến trách nhiệm của mình)(!) khiến tôi chợt nhớ lại hôm lên đường, chính ủy có dặn riêng tôi :

– Vì yêu cầu nhiệm vụ mà phải cử hai cô này đi, chứ cũng… lo lắm. Đã chiến đấu thì sẽ có thương vong. Nhưng nếu mấy cô này có “làm sao” thì cậu đừng có mà … về gặp tớ.

Nghĩa là nhiệm vụ này cũng rất rõ ràng, tôi đành lẳng lặng bước ra xa và quay mặt đi :

– Vậy thì… nhanh lên ! Năm phút thôi đấy.

Được lời như cởi tấm lòng, cả hai cô gái chạy ào đi ngay.

– Anh cứ đứng… xa xa là được – Một cô khúc khích nói vọng ra từ sau bụi cây – Miễn là…

– Không được. Anh phải đứng… gần gần lại, và quan sát thật kỹ, lỡ có… gì thì… – Cô kia cãi lại ngay (làm như “thủ trưởng” chỉ là cục đá vậy, chứ không phải là một gã… đàn ông chính cống).

Họ cứ “chí chóe” như vậy cho đến khi có tiếng nước suối vang lên bì bõm. Mắt tôi nhìn thẳng đăm đăm (chẳng biết có ai chứng giám cho không (?)) Nhận ra “trọng trách” của mình, lại có phần tự hào vì được cả hai “người đẹp nhất đảo” tin cậy đến vậy, nên tôi nhấc khẩu tiểu liên và lên đạn cái “rẹc”, khiến hai cô gái thất thanh :

– Sao vậy?

– Có địch… hả anh ?

– Không… Không! Yên tâm đi. Đã có… anh – Mắt tôi vẫn nhìn chăm chăm ra mé rừng.

Lát sau, bỗng chân tôi buốt nhói, nhảy dựng lên ngay. Hóa ra tôi vừa lỡ đạp phải một ổ kiến rừng. Lũ kiến vừa to vừa hung dữ. Chúng xông ra ào ạt và ngoác miệng cắn bất cứ thứ gì. Không thể dùng súng để “nói chuyện phải quấy” với chúng, tôi đành tháo lui lên một gò đất cao. Thật bất ngờ, từ đây tôi có thể quan sát toàn bộ vùng vịnh rất đẹp trước đảo (và cũng là nơi duy nhất tàu thuyền có thể ra vào). Từ đây, nếu đặt hỏa lực mạnh, còn có thể khống chế được cả con đường độc đạo từ biển lên rừng… Thật là một “điểm cao chiến lược”. Đặt đài quan sát ở đây thì còn gì bằng! Thế mà cả ngày nay tôi cứ loay hoay tìm mãi chưa ra. Tôi thầm rủa bọn lính Pôn Pốt ngu xuẩn, không biết khống chế ngay điểm cao này, nên khi quân ta ập vào, chúng đã không kịp trở tay… Tôi thận trọng nhìn quanh, tính toán ước lượng từng khoảng cách một để về báo cáo. Tay vung dao phạt bớt mấy cành cây che khuất. Và thật bất ngờ! Tôi bỗng sững sờ : Ngay dưới kia không xa, nơi dòng suối êm đềm tuôn chảy là hai “tòa thiên nhiên” của “hai người đẹp nhất đảo” ngời ngời hiện lên giữa làn nước trong xanh, với sức sống tràn đầy, làn da ngần trắng…

Tôi như bị… thôi miên (!) Bạn thử hình dung : Với một chàng trai mới ngoài 20 tuổi, rất nhạy cảm, đang hừng hực xông pha, thì đó quả là một sự khám phá, một thế giới… tinh khôi! Súng, dao, rơi ra từ lúc nào, tôi tựa vào một thân cây, mê hoặc, thở ra nặng nhọc… Giữa cái thời hơi hướng chiến trận vẫn còn hầm hập, ai cũng gươm súng lăm lăm, máu xung sát bốc cao ngùn ngụt, thế mà lại có lúc tất cả bỗng nhiên ắng đi, mơ màng. Như không hề có trận kịch chiến hôm qua. Như không hề có kẻ thù rình rập. Như tất cả chỉ còn lại có chừng ấy thôi : Trời xanh, suối biếc, cây rừng và nét duyên con gái hồn nhiên… Lát sau, tôi giật mình, nhặt vội súng, dao lên; nhắm nghiền mắt lại, lảo đảo quay đi, lòng mông lung tự trách mình nhiều lắm. Tôi nằm vật ra bãi cỏ, mở mắt nhìn lên bầu trời cao rộng thắm xanh… Bỗng một mối lo âu ráo hoảnh đột ngột dâng lên : Nếu bọn tàn quân địch bất ngờ xuất hiện thì sao ? Rất có thể lắm chứ ! Chúng chỉ quanh quẩn đâu đây thôi… Nếu vậy thì cả cái “thế giới tinh khôi” mà tôi vừa cảm nhận đến run rẩy ấy sẽ tan tành, vỡ vụn ! Mà hình như suy cho cùng, ta cầm súng đi lang thang đây đó bấy nay, cũng chỉ để giữ gìn cho sự tinh khôi này. Tôi bật ngay dậy như một chú gấu sau cơn say mật, lầm lì xách súng tiến lại phía điểm cao : “Phải trấn ngay nơi ấy, không vì bất cứ điều gì mà…”. Đúng lúc đó hai cô gái đã rẽ lá rừng bước ra trong bộ quân phục bạc màu còn loang nước. Ánh mắt họ lấp lánh đầy vẻ tinh nghịch và luôn miệng cám ơn tôi (chắc họ vẫn nghĩ rằng tôi luôn là một “thủ trưởng”… mẫu mực (!)).

Tôi đỏ mặt quay đi, giả bộ càu nhàu :

– Lâu thế, đói lắm rồi đây.

Lặng lẽ xách súng lùi lại phía sau và không đáp lại lời cám ơn của hai cô gái, tôi mỉm cười thầm nghĩ : “Chà, không biết là ai phải cám ơn ai đây?!”. Quả có hơi mông lung một chút. Biết sao được! Nhưng suy cho cùng cũng chỉ tại cái lũ… kiến rừng hung hãn mà thôi./,

CHÍ THỌ (K3)

Nhờ Anh Minh, Nguyễn Cương chuyển về Bantroikhoa3