Thứ Ba, tháng 4 08, 2008

TÔI ĐI LÀM KINH TẾ

Dương Minh

Viết cái này đã lâu nhưng cứ nghĩ nó có vẻ “lạc lõng”. Nhân bài viết của Tôn Gia "Khuy" xin gửi anh em thay cho “lời góp” trong bài “Thỉnh thỏang nói chuyện người khác …”

Bài học thứ hai: Chuyển nghề và lại ăn quả lừa

Sau một thời gian chở thuê, vừa có tiền phụ thêm thu nhập hàng tháng cho anh em trong đơn vị vừa tích cóp được một chút vốn, chúng tôi quyết định chuyển sang đi buôn.

Thời đó không hiểu sao ở Tp.HCM xưởng cưa mọc lên như nấm. Họat động chủ yếu của xưởng cưa lọai này là làm thùng bao bì (thí dụ như két đựng bia chai chẳng hạn – bây giờ là bằng nhựa), cao cấp hơn là làm ván sàn xuất khẩu. Hàng ngày các lọai gỗ tạp để làm bao bì và gỗ quí như sến, táu, giáng hương, gõ đỏ … để làm ván sàn cứ ùn ùn kéo về Tp. Nguồn cung cấp chính là từ các Lâm trường quốc doanh, bán ra theo quyết định phân phối của ngành. Dựa hơi ông già vợ là cựu cán bộ trong ngành lâm nghiệp tôi cũng xoay sở được quota mua gỗ ở Lâm trường La Ngà. Xăng dầu khi đó rất khan hiếm, dân chuyên nghiệp chở gỗ bằng xe tải lớn, chế lại dàn nhíp, nới rộng thùng xe … cho có hiệu quả cao, trong khi chúng tôi dùng xe GMC khối lượng chuyên chở chỉ bằng 1/3. Tìm được mối mua là bà chủ một Xưởng cưa (gọi là cô Ba – cũng là gia đình quân nhân, cùng ở trong khu tập thể T5 của Tổng cục Kỹ thuật), chúng tôi quyết định vào nghề buôn gỗ. Cô Ba dặn đi dặn lại “Cháu phải nhớ chọn lọai hai tấc trở lên đấy nhé!”. Tưởng gì chứ có bấy nhiêu thì quá dễ - tôi nghĩ vậy. Tính nhẩm giữa giá mua giá bán thấy ngay chênh lệch cũng được hơn 20%, trừ tiền nọ tiền kia (không tính tiền xăng dầu) thì quá hời!

Lên đến La Ngà, sau khi làm xong thủ tục xét duyệt, mua bán, tụi tôi theo một cậu thủ kho ra bãi nhận hàng. Bãi gỗ ngút ngàn. Hàng chục xe tải lớn nhỏ đang ăn hàng. Người khuân, kẻ vác tấp nập. Dọc đường tôi cố vận dụng tất cả các bài học dân vận để nịnh cậu thủ kho. Anh chàng cười tươi, giọng cứ trơn tuột “Anh yên tâm, chỗ em giao cho anh đảm bảo ngon, cây nào cũng hai tấc trở lên, không đúng bọn em trả lại tiền cho anh”. Quả nhiên đến nơi nhìn dãy gỗ cây xếp ngay ngắn, phần lớn cây nào đường kính cũng hơn một gang tay, tôi cảm thấy yên tâm và nhẹ nhõm. Cầm cái thước dây, để lái xe của tôi giữ ở đầu dãy, cậu thủ kho căng dây đo. “Đến đây là đủ hai chục mét khối rồi nhé, thôi em thêm cho anh một chút này, thỏa mãn chưa!”. Đánh dấu xác nhận phần hàng xong, tụi thôi thuê bốc xếp gỗ lên xe. Chiếc xe GMC trườn qua cầu phao để ra đuờng chính, thùng xe vặn vẹo như lên đồng. Qua khỏi cầu phao, mặt Lai tái dại, mồ hôi đổ thành hột trên trán: “Em mệt quá, cho em nghỉ tí đã”. Trong lúc giải lao, từ trên cao nhìn tôi thấy những chiếc xe chở gỗ ì ạch qua cầu phao, thùng xe hết ngả sang bên này lại nghiêng sang bên kia... Mấy cái GMC cũ kỹ còn khốn khổ hơn, thùng xe cứ sàng qua sàng lại, chỉ sểnh tay lái là tất cả sẽ lật ào xuống sông. Lúc đó tôi mới hiểu tại sao Lai lại mệt như thế. Cho đến hôm nay cái cảm giác rờn rợn này vẫn hằn trong tâm trí tôi. Không hiểu tại nhiệt huyết cách mạng hay sự thiếu thốn thúc dục mà sau đấy, bất chấp tất cả, bọn tôi vẫn tì tì thực hiện hết chuyến này đến chuyến khác

Về đến Xưởng cưa của cô Ba, cô hoan hỉ thấy gỗ của tôi đạt yêu cầu. “Vào đây nghỉ uống nước cháu, để lái xe trông hàng, đợi anh em dỡ xuống, xếp xong thì mình ra đo, tính tiền”. Uống nước đến no bụng mà vẫn chưa xong, sốt ruột tôi hỏi vọng ra “Sắp xong chưa Lai?”. “Mới được ba phần tư”. Tôi nghĩ thầm: tụi này lười quá, làm cái quái gì mà lâu thế!. Tôi vọt ra ngòai. Đám lính của cô Ba nâng từng cây gỗ như nâng trứng, nhẹ nhàng xoay xoay, lựa chiều xếp gỗ. Không phải cây nào nó cũng đặt vào ngay, có khi lại hạ xuống đặt cây khác lên. Quan sát kỹ, nhìn từ bên này sang bên kia tôi chẳng thấy kẽ hở nào, xếp gỗ cứ như là xây bức tường gạch. “Xong rồi, đo thôi. Anh xem này, đúng 16 khối !”. Tôi ngẩn người, rõ ràng mua là hơn 20 mét khối mà sao bây giờ lại chỉ có 16, chẳng lẽ gỗ cũng ngót! “Sao kỳ vậy Lai?”. “Anh ơi, Lâm trường trả công bốc xếp và bán theo khối, chúng nó xếp rỗng ruột cho dài, về đây trả tiền mua theo khối nên họ cố xếp thật kỹ cho ngắn!”.

Chuyến buôn gỗ đầu tiên của tôi thế là công cốc, may mà không tính tiền dầu nên chỉ lõm chút đỉnh. Cái đơn vị đo “mét khối” mà khoa học và thế giới đã chuẩn hóa áp dụng tính sang “mét khối gỗ” ở ta chỉ là chuyện tầm phào. Từ mất tiền mua “quả lừa” này, sau đó tôi cứ lờ mờ về một bài học: trong thực tiễn ở xứ mình, mọi đơn vị “thước đo”không có cái chung nào cả mà do con người cụ thể và đồng tiền quyết định!

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đã lâu lâu bác JM im ắng trên diễn đàn. Hôm nay đọc của bác viết em rất thích, cả văn lẫn nội dung. Cả hai chuyến "buôn" của bác đều liên quan đến "cây" ( đá cây và gỗ cây ) nên lỗ chăng? em nghĩ thế nào bác cũng nghiên cứu chuyển sang buôn thứ khác xem, biết đâu lời. Anh em mình vốn dân "học" buôn bán nó khó lắm. Như em đây cũng vậy. Đi buôn mực khô, tính giá thì lời to, nhung tính kg thì mình lỗ nặng. Em mua 20 kg tới khi bán cân lại còn có 14 kg, thử hỏi giá cao bao nhiêu cho có lời. Chia sẻ cùng bác, cảm ơn bài viết. dđ-k6

LêThanh nói...

bác JM ơi! sao lại "lờ mờ"? mà chính xác là hiểu kỹ đấy. Bác nghĩ sao về câu nói này(của một người bạn tặng LÊ Thanh) : "Đừng tự hào vì mình nghèo mà học giỏi, Hãy tự hỏi sao giỏi mà vẫn nghèo? Đừng tự ti vì mình giàu mà học dốt, Hãy tự tin vì mình dốt mà vẫn giàu?"?Chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình thế chưa?

Nặc danh nói...

Nhờ trời không rơi vào "Đừng" với "Hãy"! "Lờ mờ" là vì nó trái với cái mình được dạy, được hoc đến mức không dám khẳng định! JM

Nặc danh nói...

"Giỏi mà vẫn nghèo" thì chỉ có mình khổ thôi. Còn "Dốt mà vẫn giầu" thì cả dân tộc khổ đấy. Nhiều người cứ bao biện: thằng ấy tuy học dốt nhưng nó giỏi "cái khác". Sự học là bắt buộc, là khởi đầu của mỗi con người mà còn dốt thì những "cái khác" kia là cái gì, phải chăng đó là "tham nhũng"? Thế thì có phải là khổ cả dân tộc không?
GM.