Thứ Ba, tháng 4 29, 2008

Những điểm dấu không quên

Năm ngoái tôi đã kể các anh nghe chuyện 30/4/75 của tôi.
Giờ thấy các anh hồi tưởng ghê quá, lại phải bon chen bằng tí hồi tưởng hành trình.

Xuất phát: sớm ngày 24/4/75. Biên chế: Đoàn Viện KTQS thuộc Đoàn Tiếp quản SG của Tổng cục Kĩ thuật, Bộ QP. Nhiệm vụ: Tiếp quản các căn cứ kĩ thuật tại Sài Gòn.
Buổi sáng tập trung tại Trạm 66, đường Hoàng Diệu. Trời mát. Đoàn xe TCKT toàn xe Giải Phóng mới, mỗi xe quãng hơn chục người với gạo lót sàn xe, hai phuy xăng dự phòng 200L, ba lô quân trang phát theo tiêu chuẩn B2, không có vũ khí. Trỗi có Trương Công Dũng, Tuyến (k1), Phan Kì Trung (k2), Võ Kiên (Võ Bẩm, k3?), Tự Thành, Thế Nam, Thanh Nhân, tôi (k4).
Trưa ăn cơm ở Diễn Châu. Qua được phà (cầu phao) đã hết buổi chiều. Nghỉ lại bên kia cầu phao, nấu cơm ăn kẻo tối.

Chặng thứ 2, ngày 25/4: Đường càng đi càng xấu tệ, đặc biệt đoạn Hà Tĩnh, quanh co, nhiều cầu nhỏ, thỉnh thoảng tránh xe đi ra rất khó. Qua đèo Ngang chạy sau xe kéo pháo, chỉ sợ nó trôi vào mình. Đến Quảng Bình, vào trạm tiếp thêm xăng, tháo hạn chế tốc độ, các xe rốt-đa theo chế độ đầy tải bắt đầu trở chứng.

Chặng thứ 3, ngày 26/4: bảo dưỡng kĩ thuật xe. Lo lắng không biết có đi tiếp được không. Buổi chiều tiếp tục đi đến Vĩnh Linh, dừng ở bờ Bắc. Bảo nhau ngày mai sang miền Nam, hết tiêu tiền Bắc, chiều nay liên hoan. Mua gà nấu ăn. Dội tí xăng mà củi không bén, Võ Kiên thò tay vào bếp bật lửa, phực một cái, trụi cả lông mi lông mày, sáng mai ra nẻ cả môi.

Chặng thứ 4, ngày 27/4: qua cầu Hiền Lương, đường bắt tốt. Nhưng thỉnh thoảng tắc do bộ đội ta quen đi kiểu chiếm đường. Thấy rõ cánh tài xế miền Nam đi đúng phần đường của mình. Vài lần quân ta phải xuống xe yêu cầu bộ đội lái xe "lui một bước", lập tức "trời cao biển rộng" ngay. Chiều đến Huế sớm, chạy qua chạy lại tìm Ban Quân quản, tướng Lê Tự Đồng Trưởng Ban. Chiều muộn, nấu ăn, xong ra trạm lĩnh thêm một đợt thực phẩm hành quân, xong tìm chỗ nghỉ. Đỗ xe giữa đường vắng dưới chân đồi ven căn cứ quân sự, sợ bên đường có mìn. Tắt đèn, một đ/c chiến sĩ chạy xe máy không đèn vướng vào đuôi xe ta, tai nạn, đi cấp cứu, tử vong. Đơn vị quân quản đến xem xét hiện trường, lập hồ sơ tai nạn.

Chặng thứ 5, ngày 28/4: qua đèo Hải Vân, đường đông xe bộ đội đi vào, thỉnh thoảng dừng ở các khe, lấy nước đổ thêm. Xe Giải Phóng mới, chạy căng sẽ bị sôi nước. Có khe còn thấy xác chết, nước dội vào trắng nhởn. Đến Đà Nẵng sớm. Nghỉ lại cùng trạm với nhiều đơn vị địa phương. Trang bị của họ khác hẳn, đặc biệt võng có thêm lớp lót lùng nhùng phía dưới. Võng dù của quân Bắc vào mới tinh, có điều muỗi đốt xuyên qua, lục đục suốt đêm. Tắm rửa xong tranh thủ đi chơi. Ra chợ thấy bán thịt, Đậu Văn Quyền (học đặc thiết hàng không Liên Xô) hỏi "thịt bán tự do à?" làm người bán không hiểu hỏi gì. Mấy chặng này đi chậm vì theo lệnh hành quân là đến đâu đó sẽ bỏ đường 1, rẽ vào tập kết ở Đồng Xoài chờ giải phóng SG mới xuống.

Chặng thứ 6, ngày 29/4: từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi, nghỉ theo trạm trong làng.

Chặng thứ 7, ngày 30/4: Sáng sớm lách xe ra bị đổ xuống rãnh. Phải bốc hàng ra, mới kéo được xe lên. Chỉ huy xe Đặng Minh Ngạc có đài bán dẫn, ngồi trên cabin theo dõi tình hình. Đã trao đổi thống nhất với Đoàn TCKT sẽ đi thẳng vào SG vì tình hình tiến triển nhanh, có lẽ sắp giải phóng. Qua Bình Định đất dừa, mua dừa nước uống. Biết cách chặt dừa đằng đáy, mọi khi ngoài Bắc toàn chọc mắt dừa lấy nước. Đi đến tối tới Tuy Hoà, nghe bộ đội hô "vào mà nhặt ống bơ à" (đã kể năm ngoái) mới biết SG đã giải phóng. Nấu ăn, thành phố Tuy Hoà có điện.

Chặng thứ 8, ngày 1/5: sáng sớm dậy nấu ăn, nắm cơm cho bữa trưa. Đi suốt tới nửa đêm, nghỉ lại Xuân Lộc. Chia nhau cảnh giới.

Chặng thứ 9, ngày 2/5: chưa sáng đã nghe ồn ào, người đi đông. Bỏ nấu ăn sáng vì đã gần SG, đi đã. Trên đường tránh nhiều hố, ụ cản đường, xe lách chữ chi trên quốc lộ. Mặt đường đầy quần áo, mũ, giầy lính. Những người đàn ông ở trần đi ra lẫn trong đám đông ngược xe bộ đội đi vào. Qua cầu SG, thấy xe cháy, thỉnh thoảng có xác chưa dọn. Len lỏi trong đám đông trong phố với vật dụng, quân trang và súng đạn bộ binh vứt lung tung. Đến hội quân ở Trường Cao đẳng Quốc phòng (nay là nhà trưng bày xe Mecedes), đầu đường nhìn sang bên kia là Thảo Cầm Viên. Cấm trại, chờ ăn cơm trưa muộn, rất đói. Kết thúc chuyến đi.

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

THÔNG BÁO TIN BUỒN

Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin:
Cụ bà NGUYỄN THỊ KIM QUÁN
Đã từ trần, hưởng dương 87 năm.
Cụ là mẹ đẻ anh THUẬN K3 và LƯU K5

Chương trình tang lễ:
0h 30/4 phục tang - bắt đầu viếng
13h30 30/4 tập thể BT miền Trung tới viếng
13h 1/5 Lễ truy điệu
14h di quan đến Nghĩa trang Phan tộc Hòa Khánh Đà nẵng

Nặc danh nói...

Chỉ có 8 ngày từ HN chúng ta vào tới SG. Với riêng gia đính tôi phải "đi" mất 11 năm.

Nặc danh nói...

Ăn thua chi, có nhiều gia đình phải đi mất 22 năm.
Chiến tranh thế giới 2 kinh khủng như rứa cũng chỉ 6 năm (1939-1945), thế mới biết cuộc chiến ở VN gay go, gian khổ tới nhường nào.
HCQuang