- Ăn cơm chiều xong, ngồi uống nước, vợ vừa nói vừa đưa cho tôi tờ Phụ nữ: "Này anh đọc đi, bài trên trang 3 ấy!”. Chẳng kịp điểm báo tôi lật trang 3. Có tật hay đọc ngược, tạp chí hay sách báo, tôi đều bắt đầu đọc ngược từ mục lục.
Tờ báo mới tinh nhưng sao tôi thấy lỗ chỗ ở trang đang đọc như có ai vẩy nước vào, thỉnh thoảng lại có những chỗ thủng bằng đầu ngón tay mất cả chữ, bực mình càu nhàu. Vợ tôi nói: “Tụi đàn bà con gái trong cơ quan em, chúng nó xúc động khi đọc, không kìm được nước mắt nên mới ra thế”. Câu nói của vợ kích thích sự tò mò cố hữu của tôi. Thế là tôi đọc một mạch hết bài báo. Thật cảm động, bài báo viết về một người đàn ông ngoài "năm xị", vợ mất khi đứa con trai thứ hai vừa sinh, khi đứa con gái đầu mới sáu tuổi.
Ở vậy một mình nuôi con mấy chục năm trời trước cám dỗ và cạm bẫy của tình ái. Nhưng bất hạnh vẫn không buông tha người đàn ông này khi đứa con gái lớn đang học lớp 12 bị bênh tim. Cháu mất đột ngột. Thế là bỗng chốc một nửa gia đình vụn nát. Người đàn ông chẳng còn thiết sống, nhưng nghĩ tới đứa con trai đang học lớp 6 mà gắng gượng lướt qua số phận.
Đúng là trời không lấy đi của ai tất cả và cũng không cho ai tất cả. Đứa con trai của anh khoẻ mạnh và đặc biệt cháu học rất giỏi. Hiện cháu đang du học Mĩ theo học bổng của chính phủ Hoa Kỳ.
Đọc bài báo tôi thấy có những sự kiện và tình tiết quen quen, giông giống hình như đời tư của ai đó trong đám bạn bè quen biết của tôi. Điều đó đã buộc tôi phải đọc lại. Xâu chuỗi các sự kiện thì đúng không sai, người trong bài báo chính là ông bạn mà tôi quen.
Anh quê Hà Tây, học Tổng hợp. Chiến tranh, anh nhập ngũ vào đánh nhau ở chiến trường miền Đông. Sau giải phóng anh về tiếp quản TP và làm việc ở một tờ báo lớn. Lấy vợ, bố mẹ vợ là cán bộ ở R về, được phân một ngôi biệt thự lớn trung tâm quận Một. Ba vợ anh mất sau giải phóng vài năm. Nhà rộng, anh em vợ chỉ có bốn người.Má vợ cho vợ chồng anh hai phòng lớn dưới tầng trệt.
Thời gian trôi mau, khi con trai anh đã trưởng thành có lần mẹ vợ nhìn anh lủi thủi một mình, thấy thương hỏi: “Con không tính lập gia đình nữa à?”. Đôi mắt anh nhìn xa xăm đượm buồn: “ Chắc thôi quá má à, con không làm sao quên được hình ảnh vợ con, hơn nữa con cũng già rồi và cũng không muốn Hùng (con trai anh), cháu bị san sẻ tình cảm”. Bà má vợ run run đôi bàn tay héo gầy, kéo vạt áo chấm chấm nơi khóe mắt.
Thế rồi nhà mẹ vợ anh được mua hóa giá, dù đã được giảm do ông bà đều diện chính sách nhưng tiền mua vẫn vượt quá khả năng tài chính của gia đình. Má vợ quyết định bán để lấy tiền mua hóa giá, số còn lại sẽ chia cho các con. Là người có học nên hôm họp gia đình bàn về chuyện nhà cửa anh tế nhị lánh đi, nói là đi công tác.
Bà mẹ vợ anh nói với ba người con ruột: “Má tính sau khi bán nhà trừ chi phí hóa giá số tiền còn lại má sẽ chia đều cho bốn đứa.Má sẽ về ở với anh Hai”. Ý những người con thì lại khác, họ không muốn anh được phần như họ. Nhưng cuối cùng tất cả đều vâng theo lời mẹ, ổn thỏa, êm thấm.
Với số tiền quá lớn trong tay anh mua một căn nhà mặt tiền, nơi phố chợ đông đúc. Số tiền còn lại anh hùn hạp với vài người bạn mở công ty tư vấn môi giới, mua bán bất động sản, nghe nói làm ăn cũng khá.
Sau khi bán nhà mẹ vợ anh sống thêm được hơn năm nữa thì cụ qua đời. Bây giờ là thời gian “hợp lí” nhất để anh nghĩ tới chuyện riêng của mình sau mấy chục năm giời đằng đẵng “nín nhịn”. Tôi biết trong khoảng thời gian ấy biết bao nhiêu đàn bà con gái vây bủa quanh anh, giống như muỗi xứ Cà Mau nơi đất mũi bủa vây khi thấy hơi người lạ. Gái trẻ có, Việt kiều có, mấy bà sồn sồn có… Nhưng anh chỉ yêu, yêu thôi, đâu dám nói lời cầu hôn với ai. Anh không muốn mẹ vợ biết. Anh sợ hỏng việc. Anh hoãn binh, anh nói với họ “Hãy gắng chờ!”.
Đàn bà con gái họ không ngại chờ đợi nhưng họ muốn sự chờ đợi của họ có ý nghĩa hẳn hoi và họ muốn biết vì sao họ phải chờ, phải đợi. Thật “Khó nói lên “nhời lắm” các bạn gái ơi”.
Mấy cô gái trẻ họ lo sợ, tuổi xuân có thì. Mấy mẹ sồn sồn thì họ lại có cái lo khác, khi mà lửa hồi xuân bùng lên trong lòng sắp tới hồi vãn. Mấy ả Việt kiều ế chồng về nước có ý định kiếm tí "lang quân" thì lại có lỗi lo - visa sắp hết… Tựu chung họ không có năng khiếu, lòng kiên nhẫn và không có điều kiện để chờ đợi.
Chỉ có anh, mình anh, sự kiên nhẫn của đàn ông đã cho anh nghị lực để vượt qua số phận và giúp anh thành công.
Duy Đảo k6
12 nhận xét:
Đề nghị tác giả gọi điện cho BBT để lấy nhuận bút. Số máy đã cho (0907 284 724) không liên lạc được.
Anh Chiểu, trước ở Phòng Thí nghiệm, gửi lời thăm Đảo khi đọc bài này. Anh đang ở bộ môn tại 3 ngõ Phan Chu Trinh.
Trước đây khi ĐHKTQS còn ở trên Vĩnh Yên, chúng tôi mỗi lần được về HN là vui mừng lắm, nhưng lại sợ nhất lúc phải đi. Ai có vé xe tuyến thì còn đỡ. Ai không có thì tìm đủ mọi cách để làm sao trước 9h tối là lên được đơn vị. Phương tiện thông dụng nhất hồi đó là tầu hoả. Một lần tôi ra ga Hàng Cỏ xếp hàng mua vé. Trời nóng nực mà xếp hàng thì dài. Thấy phía trước gần cửa bán vé có một đ/c bộ đội, tôi lân la đến gần làm quen, chủ yếu là để nhờ mua hộ vé, khỏi phải xếp hàng. Bên cạnh anh là một cháu bé chừng 3-4 tuổi đang mè nheo khóc. Tôi thấy anh nghiêm mặt nói: Quân, bình tĩnh. Thằng bé vẫn khóc, anh lại nói: Quân, bình tĩnh. Nghĩ là anh đang nói với con, tôi mới nhỏ nhẹ nói: anh dỗ cháu một tý, nó còn nhỏ nói theo kiểu nhà binh thế này nó hiểu làm sao được. Anh liền quay sang tôi nói nhỏ để mọi người không nghe thấy: Ấy là tôi đang tự nói với mình đấy chứ, nó cứ khóc thế này, tôi mà không kiên nhẫn thì sẽ tát bỏ mẹ nó bây giờ.
Kiên nhẫn theo kiểu của đ/c bộ đội này thì: Đúng là đàn ông chúng ta kiên nhẫn thật.
GM.
Chuyện nào của anh D.Đảo đọc cũng hay. Giọng văn tửng tửng đọc cười một mình,thấm nhưng tưng tức thế nào ấy.Còn nhân vật ở bài này"dịn" đến mấy chục năm,hết"đời trai", nuôi con trưởng thành,má vợ thương rể ở chung, thế là Ông Trời cho đấy, chắc anh ta chẳng tính toán gì đâu.
Duy Đảo kể nốt đoạn cuối đi. "Anh thành công" là như thế nào? được cái j? Lê Thanh không hiểu là "thành công" ở 1 mình ah?
Đúng đấy, anh ấy chẳng tính toán gì đâu, thương bà thương cháu mà ở vậy. Tuy nhiên, như các cụ nói "ông trời có mắt".
Nó là thế này các bác ạ. Cái bác mà em kể ấy là chuyên gia mời anh em đi nhậu rồi lấy hóa đơn tài chính về thanh toán với CQ. Anh ta có kiểu ngâm thơ giọng chèo nói theo cách nói của anh Hùng - con cụ Hoàng Quốc Thịnh - Bộ Trưởng, anh của ruột ba chàng trỗi(anh Cường, anh Chiến và anh Mạnh Thắng)Nhưng anh Hùng đã mất rồi, tôi rất thương và nhớ anh. Nhân vật ấy một tuần mà không có được "vài bận" là lừ đừ chả còn làm được việc chó gì, sát G ghê gớm. Bọn tôi hay trêu anh về tính kiên nhẫn nhưng thực lòng anh là một người đàn ông tốt, tôi chỉ muốn cố được một phần của anh, mà chả được.
Bác GM ơi, thế sau này có bao giờ bác gặp lại cái đông chí Quân ấy không, nhân đây em kể một chuyện này. Thằng bạn em về nghỉ chủ nhật mải chơi với cô bồ. khi ra tàu chen chúc chui lên được toa hàng, rồi lăn ra ngủ, mà nào được nằm, ngủ ngồi, hai tay bó gối, đầu gục xuống trên đầu sùm sụp cái mũ cối. Đang ngon giấc bỗng thấy như có ai đè và có mùi nằng nặng kiểu mùi mắm tôm mà mấy bà buôn đem từ dưới xuôi lên miền ngược bán. không chịu được tỉnh giấc chủi um lên" Bà mù à! người ta ngồi lù lù một đống thế mà bảo là tưởng bao sắn, tưởng là tưởng thế nào!Thế là hắn mất ngủ luôn.
Cũng như các chuyện của Duy Đảo thôi, trong đó có cái thực, cái hư, có cái của những người quanh ta và có cả cái của chính bản thân ta. Ngày nay các phương tiện giao thông nhiều vô kể, bạn có thể chọn bất cứ loại phương tiện nào tuỳ theo sở thích và khả năng tài chính. Vậy mà vẫn còn các cảnh chen chúc kinh khủng, nhất là trong các dịp Tết như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa. Như vậy cũng đủ hiểu trước đây chúng ta đã phải chịu gian khổ thế nào trong chuyện đi lại. Đó cũng chính là một sự kiên nhẫn, phải không các bạn?.
Bài viết là mặt phải, lời góp là mặt trái của "tấm huy chương". Không có lời góp của anh em thì D.Đ cũng sẽ trưng cái mặt trái ra thôi(?). Vì nếu không có cái mặt trái ấy thì kết luận thế nào được là "lấy nước mắt đàn bà dễ lắm anh em ạ".
SAO DĐ LẠI KHÔNG POST BÀI BÁO ẤY LÊN CHO AE ĐỌC NHỈ? HAY " BÀI BÁO' THẤM NHIỀU NƯỚC MẮT QUÁ BỊ MỦN RỒI?
TM
Nếu thiếu đức tính kiên nhẫn thì không thể thành công bất cứ việc gì. Nhân vật của Duy Đào là người đàn ông thành đạt nhất,nếu có kiếp sau, chúng ta cần phải học tập, các bạn ạ
Này nhé, giống XY cần gì? Sự nghiệp và con cái! Hầu như chúng ta tự thân lập nghiệp, nhưng với hy vọng duy trì nòi giống, chúng ta phải đưa đám cái TỰ DO của mình để đổi lấy XX. XX là gì, là hàng tồn kho không thể thanh lý, là phiếu cơm dài hạn không có PHỞ, nhưng có thằng nào mà không thèm ăn phở"!?
Vừa có sự nghiệp, vừa có con, vừa được thưởng thức miễn phí các loại phở và vừa ung dung sống trong quán cơm của mình, đó có phải là giấc mơ đổi đời của giống XY chúng ta?
Đăng nhận xét