Tôi và Bình chơi với nhau từ bé, thời phổ thông chúng tôi cùng học ở trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Kỳ thi đại học năm ấy, Bình đỗ vào Đại học Công nghiệp Nhẹ. Vào cuối những năm của thập kỷ 1960, trường Công nghiệp Nhẹ được tách ra từ Đại học Bách khoa Hà Nội và sơ tán lên Việt Trì. Khăn gói quả mướp rời Hà Nội, Bình lên trường nhập học. Chưa hết năm thứ nhất, Bình là một trong những sinh viên khoa Công nghệ Thực phẩm được gọi nhập ngũ. Sau mấy tháng huấn luyện, được bổ sung vào một đơn vị để chi viện gấp cho chiến trường. Sống sót qua "Mùa hè đỏ lửa 1972" ở Quảng Trị, Bình theo đơn vị hành quân về phía nam cho tới ngày giải phóng Sài Gòn. Với nhiều huân, huy chương, sau giải phóng Bình giải ngũ rồi quay ra Hà Nội, về trường cũ tiếp tục nốt giấc mơ học tập.
Năm 1975, tôi học năm thứ hai Đại học Kỹ thuật quân sự. Nghe tin Bình trở về trường cũ, mấy lần định trốn học lên thăm, nhưng vì nhiều lí do cho tới cuối năm đó tôi mới lên thăm được. Sáng chủ nhật, rủ thêm mấy thằng bạn ngày xưa cùng trường Thiếu sinh quân nay lại cùng học tại Đại học quân sự lên thăm Bình. Trường tôi ở Vĩnh Yên, cách Việt Trì 4-5 ga xe lửa. Sáng đó dậy thật sớm cho kịp chuyến tàu ngược lúc 5 giờ. Vậy mà tận 10 giờ tàu mới tới ga Việt Trì. Xuống ga chúng tôi cuốc bộ tìm tới chỗ Bình. Con đường ngoằn ngoèo chạy giữa những quả đồi xanh mướt màu lá sắn. Sắn đã cao ngang đầu, lao xao trong gió heo may. Vừa đi vừa chuyện phiếm cho quên đi cái đói và cái lạnh đầu đông. Đang vui chuyện tiếu lâm bỗng dưng thấy đau nhói trong bụng. Không lẽ đau bụng giun? Nhưng tôi mới tẩy giun trong đợt Cục Quân y về kiểm tra sức khoẻ cho toàn trường. Ăn uống ư? Đến đi tàu còn phải trốn vé, chạy trước luồn sau tránh nhân viên soát vé thì lấy đâu ra tiền để mua cái gì tống vào dạ dày mà bảo là đau bụng? Lúc này mới nhớ ra chiều qua, nhà bếp tổ chức ăn tươi có lòng và thịt lợn luộc. Mấy thằng trong lớp được về thăm nhà chủ nhật, đã “di chúc” cho bọn tôi giải quyết mấy suất ăn này. Vì ba thằng “phải” ăn mâm sáu, nhất là đang đói kém, thiếu chất nên việc giải quyết cho hết số thịt mỡ và lòng lợn quá là đơn giản. Vậy ra đó là nguyên nhân sâu xa. Thấy tôi bỗng dừng câu chuyện đang hồi gay cấn, mặt mũi lại khó đăm đăm, bọn bạn liền hỏi: “Mày làm sao thế?”. Tôi nhăn nhó trả lời: “Đau bụng quá”. Đau tới hồi không thể “cố nhịn” được nữa, tôi thều thào: “Có thằng nào có giấy trong túi?”. Lục hết túi này đến túi khác chẳng thằng nào có lấy một mẩu. Đang bí thì Hùng “sùi” (vì mặt nhiều trứng cá nên bị gán thêm biệt hiệu này) với vẻ mặt rầu rầu: “Tao còn mỗi lá thư”. “Có gì đặc biệt không?” - một thằng lên tiếng. “Chẳng đặc biệt lắm, lá thư dứt tình của con bồ cũ gửi từ Hà Nội mới nhận chiều qua”. “Thế thì tiếc làm quái gì nữa. Quên đi!”. Cả bọn nhao nhao. Chỉ kịp dặn lại: “Bọn mày chờ tao”, rồi giật lá thư từ tay Hùng, tôi lao như tên bắn vào vườn sắn.
Càng sâu vào bên trong, sắn càng tốt. Đang lơ ngơ tìm vị trí thuận lợi để “tác nghiệp”, bỗng sững người lại vì trước mặt tôi là một cụ già cũng trong "cảnh" như tôi, đang lom khom trong tư thế vốn dĩ của nó. Mất đến mấy giây bốn mắt nhìn nhau ngỡ ngàng. Hoàn cảnh thật éo le và trớ trêu! Im lặng bao trùm, giống như "dấu lặng" viết trong nhiều ô nhịp khi chuyển đoạn trong một E-tuyt của Mô-da (hay Sô-panh?) với chủ đề mô tả về sự chịu đựng của con người trước những biến cố của trời đất. (Đoạn so sánh khập khiễng này, mãi mấy chục năm sau, tôi học lỏm được từ tiết nhạc lý của cô giáo dạy đàn cho thằng con tôi!). Phản xạ của người lính đã qua chiến tranh cộng với tổ hợp của máu “chây và cùn” của dân trường Trỗi, trong một khoảnh khắc tôi đã ra ngay phương án xử lý khi để ý thấy cụ già đang vò vò nắm lá sắn trên tay: “Thưa cụ con đem giấy vào cho cụ đây ạ!”. Tôi lên tiếng và cung kính cầm lá thư của Hùng vuốt lại cho phẳng phiu rồi mạnh dạn tiến tới trao cho cụ. Trong họng cố ghìm không cho tiếng cười đang khùng khục chỉ chực phọt ra. Cụ già có phản xạ tự vệ, hai đùi khép lại, một tay buông xuống che đi cái cần che. Không trả lời nhưng thật lạ cụ vẫn đưa tay ra đón lấy lá thư, sau khi vứt vội nắm lá sắn trên tay. Chả hiểu trong giây phút ấy cụ nghĩ gì? (Cảm ơn tôi hay thầm chửi cái đồ mắc dịch xéo ngay đi? Ai cho phép ngươi dám xúc phạm tới một trong tứ khoái mà tạo hoá ban cho con người?).
Thấy tôi từ trong vườn sắn lao ra chẳng kém gì lúc chui vào, tụi bạn xúm lại hỏi: “Giải quyết nhanh thế?”. Lúc này tôi mới hoàn hồn và cũng chẳng biết mình đã giải quyết cái của nợ kia hay chưa mà không còn thấy đau bụng. Kể lại toàn bộ sự việc xảy ra, tụi bạn bò lăn ra cười. Riêng Hùng cười hăng nhất, chảy cả nước mắt. (Mà đúng ra trong hoàn cảnh này, nó phải là thằng buồn nhất mới phải. Không buồn sao được khi vừa mất người yêu lại mất toi cả lá thư kỷ niệm của nàng!).
Khoảng 12 giờ trưa mới tới nơi. Đứng trước cổng trường vắng hoe, bên trong là những dãy nhà ở và lớp học làm bằng tre nứa, mái lợp lá đã cũ. Đang lơ ngơ, bỗng có tiếng hỏi “Các chú tìm ai?”. Thì ra là bác bảo vệ. “Chúng cháu tới thăm bạn”. “Các cậu không gặp may rồi. Trường chuyển về Hà Nôi đã hai tháng nay”. Lòng buồn rười rượi, chúng tôi lang thang bát phố. Tới 5 giờ mới vội vàng chạy ra ga cho kịp chuyến tàu chiều. Vừa vặn tàu xuôi vừa tới. Phải đứng trên bậc lên xuống ở đầu toa vì tàu chiều chủ nhật rất đông. Tàu chuyển bánh. Qua cầu Việt Trì, tàu chạy nhanh hơn, bỏ lại phía sau “thành phố ngã ba sông” với những ống khói cao ngất xen lẫn những đồi chè xanh cùng rừng cọ, bỏ lại dòng sông Lô thơ mộng với những bãi ngô xanh ngắt chạy tít tắp...
Trời tối dần nhưng vẫn còn thấy ánh đèn thành phố hắt một khỏang sáng lên bầu trời. Bất giác nhớ đến bài hát “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì” mà hồi bé bọn tôi thường hay tếu táo hát xuyên tạc. Ký ức chộn rộn trở về trong tiếng tàu xình xịch hối hả lao nhanh về xuôi...
Duy Đảo k6
Thứ Sáu, tháng 2 29, 2008
Trong vườn sắn
Gửi bởi TranKienQuoc lúc Thứ Sáu, tháng 2 29, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
17 nhận xét:
Duy Đảo ơi, chú viết bằng tiếng nước nào? chị không đọc được.
VTM
Chú Duy Đảo của VTM viết bằng bộ chữ VNI-Times.
Dân trong Nam vẫn quen dùng bộ chữ ấy. Hoặc là Duy Đảo viết từ lâu, nay lấy ra xài dần, chưa chuyển bộ chữ.
Vừa chuyển xong, đưa lên thì đã thấy VTM phàn nàn, nhanh như cao bồi miền Tây (Mỹ) bắn súng.
Thời lớp 7 ở Trại Cau, bên hông nhà cũng có nương sắn của dân. Quân ta cũng hay vào đấy, nhưng không gặp cụ nào cả. Chỉ có ta, leo lên xổm ngang cây gỗ. Sau khi chăm bón cho cây sắn đằng sau thì bước xuống thu hoạch bụi gừng đằng trước. Tối về "luộc" gừng với tí nước đường thành mứt trong cái ca men Việt-Triều, trên cái bếp than tí xíu đào vào chân tường đất. Thơm ngào ngạt trong đêm rét Đại Từ.
Tại sao thường xuyên dùng "nương sắn" mà vẫn vệ sinh. Vì ở đấy có rất nhiều bọ hung, chúng rất chăm chỉ, ngày nào cũng làm việc, 24x7.
Lên Hà bác và Thái Nguyên mới thấy những con bọ hung to có sừng mà ở thành phố không thấy. Mỗi khi đi ị bậy thường thấy các chú chăm chỉ làm việc bên cạnh.
Hồi mới về ĐHQS các chú lính từ Nga về rất hay sĩ diện. Buổi tối đi nhổ trộm sắn về rồi xuống nhà bếp mượn nồi luộc nhưng lại nói với mấy chị nuôi là mượn nồi về luộc trứng ăn tẩm bổ. Một hôm đang hì hục nhóm lửa đặt nồi thì mấy chị nuôi đến mở nồi ra và nói: trứng của các anh sao dài thế???
GM.
Con bọ hung sừng giỏi. Ăn không kịp (lù lù 1 đống, có mà xơi cả tuần mới hết), nó vo viên cái thực phẩm đó, vo tròn như quả bóng, rồi hì hục lăn về nhà, làm lương khô ăn dần. Thành thử chúng dọn dẹp chiến trường khá nhanh gọn.
Ngoài ra, có con khác có công suất vượt trội, "ấy là con chó cắn gâu gâu". Nó cứ nhóp nhép ăn, từ tốn thưởng thức, thấy mà thèm (thèm cái "đức" thưởng thức của nó, chứ không phải thèm cái thực phẩm nó đang thưởng thức - nói để các anh không méo mó vấn đề). Dĩ nhiên là loại chó "đi bộ" chứ không phải chó cưng nhà các bác (mà nếu chó cưng nó có vật nài đòi món đó thì chắc các bác đành chào thua).
Để đánh giá cái "đức" thưởng thức của nó, và qua đó, mô tả về cái sự trắc trở nhưng đầy thi vị trong tình cảm con người, mới có thơ rằng:
Em như cục ấy trôi sông,
Anh như con chó ngồi trông trên bờ.
HCquang
Các "bố" hết chuyện rồi à?
Hết chuyện mà vẫn tán dóc được mới là khó. Trách cứ làm gì?
Đối với mỗi dân tộc, hay đối với một loài động vật nào đó chúng đều có món khoái khẩu đặc trưng mà ta hay gọi là món ăn "dân tộc". Trước khi đi "tây" tôi nghĩ chó tây không xơi "đặc sản", nhưng không phải. Khi học ở Nga khách sạn tôi ở ngay bờ Volga, cạnh đó có một cây cầu và công viên. một chiều tôi đi bộ dọc bờ sông hóng gió. khi đi qua gầm cầu tôi thấy một chú cẩu đang say sưa xơi tái cái món "đó" của mấy cha say rượu ị dưới gầm cầu, phía xa xa là hai ông bà già ngồi ghế thư giãn trên tay là sợi dây xích tôi đoán con chó của hai ông bà thả ra cho chúng tự do, và thế là chúng trở về với cội nguồn khi không bị kiểm soát
Ai cũng biết chó ăn ... vậy mà bác nào cũng thích ăn nó và còn khen lấy khen để nữa chứ.
Hôm đi Hưng Hoá, lúc vào phòng ăn thì thấy bàn nào cũng tràn đầy thịt chó, hãi quá tuột mồm ra nói "tôi không ăn được..." may quá đ/c chủ nhiệm hậu cần chỉ cho một bàn ở góc phòng, trên bàn có một đĩa thịt
gà, mừng rơn vội ngồi ngay vào bàn cùng con gái H.Bình và Bình tớn (chúng nó cũng không ăn được món cẩu ) sau đó mấy chú lính còn mang ra cho mấy miếng đậu phụ và rau cải luộc. HP, Châu Nguyên, Thanh Tâm không thấy phàn nàn gì, chẵc chúng nó ăn được.
VTM
Nhớ hồi ở Trỗi, cái sướng nhấtlà ...Quận công !
Ở Đại từ thì rừng núi mênh mông, ko có gì phải lo, nhưng sướng nhất là "đi" ở bờ suối, xong nhấy xuống rửa cái vèo. Có mấy thằng bày đặt lấy lá như ông già trong bài của Đảo mỡ, tối về ngứa thấy mẹ luôn.
Ở Y trung sướng nhất là vừa tắm sông vừa giải quyết. Lấy sức, lặn xuống, đẩy nó ra rồi bơi mất, chẳng ai biết đấy là đâu. Nhưng thằng nào mà ko biết lặn ngươc dòng, hay lặn xa ra 1 chút, khi trồi lên, "nó" nổi ngay trước mũi, rồi nước xoáy ập vào mặt là xong...
Ở trường mới thì cứ việc ra bãi tha ma vắng vẻ mà "hành nghề", có đủ chỗ lồi lõm để chọn lựa. Chỉ tội hơi nắng.
Còn Hưng hóa đã có sẵn nhà thờ đổ, kho xe bên công binh và nhất là mấy chú có "sáng kiến" leo lên cây "làm" xuống. Vụ này được gió thổi mát lạnh, sướng ko thể tả nổi. Cái cây được ưa chuộng nhất (vì có cành ngang chĩa ra ngoài và rất dễ leo) nằm gần chỗ bệnh xá và C11, thằng nào cũng sợ lỡ chị em đi dạo ra đó thì bỏ mẹ. Nhưng hình như chưa ai bị (hay bị mà ko khai).
Mọi thứ trên đời khi mình chưa biết chưa hiểu về nó thì đâm rụt rè, đâm sợ. Nhưng cứ liều đi, một lần thôi sẽ thấy, lắm khi thấy xong rồi tiếc "biết thế này thì em ... ". Em buồn cho chị VTM. Không phái 1/3 mà 1/2 cộc đời đi tong nếu không biết thưởng thức món "cờ tây".Ông già em, bác "Phùng"... toàn cánh thuộc cấp của Bác nhà ở ĐĐ.320, Liên hoan to mấy to, nhưng không có anh mộc tồn là vứt. không biết Bác nhà có ưng món này không chị "bật mí" xem.dđ
Bọn tôi thời còn là SV ĐH giao thông, Kí túc xá cạnh làng Láng. Cuộc sống lúc đó tất nhiên là khó khăn. Mỗi lần về nhà là fải xách theo vài kg mì sợi lên trường, giải quyết khâu chống đói, buổi tối học xong, đói, nấu mì ăn nhưng lại thiếu rau thơm, hành...rủ nhau ra ruộng rau thơm của bà con nông dân làng Láng "vặt trộm". Giống rau thơm này nếu được bón bằng chất thải của người, thì lại càng thơm. Thôi thì đã "vặt trộm" kết hợp giải quyết việc..."quận công" tại chỗ để bà con đỡ phải đi xa lấy về bón, mà mình cũng đỡ áy náy!!!
Chú Tiếc hộ chị thì cũng đành chịu, CHị không ăn được là không ăn được, mà đấy là còn chưa khai là còn nhiều món thịt không biểt ăn nữa đấy, thôi thì đành chịu thiệt vậy.
Ông già nhà chị cũng không biểt ăn thứ này, hai bố con giống nhau lắm.
VTM
ĐC ăn thịt chó như ranh, thế mà thấy VTM ngồi vào mâm có thịt gà cũng ngồi theo. Nghĩ bụng gớm ga-lăng quá nhỉ. Sau mới nghĩ ra chắc là cậu ngồi đấy để độc quyền dọn mấy đĩa thịt chó mà không có cạnh tranh?
Tuấn hủi ngồi mâm với LV.Đạo và HP lại "buồn" ra mặt. Cậu bảo cái thằng Đạo nó xúi tao đi lấy thịt gà. Mang được miếng đùi về thì nó lại mời HP. Rõ dơ, của người phúc ta, chỉ có tao lại mang tiếng dại!
Thế mới biết chuyện ... ăn cũng lắm công phu. Không hổ danh ... trường Trỗi.
1 lần ra HN tới LHXN Thịt chó, vô tình thấy mấy con nhỏ Đức du lịch balo đang ngồi ăn thịt chó "như điên". Hồi sau, lúc xong, ra ngoài tôi hỏi : tụi mày có biết thịt con gì đây ko? - Chủ tiệm nói là thịt thú rừng. Ngon lắm - Thịt chó đấy ! - Ah, Ah... thế là 2 đứa thi nhau ói mửa, nhưng đã muộn rồi.
Hồi còn sống, Ba tôi rất thích ăn thịt dê, nhưng vì mấy bà ở nhà ko ăn được nên cũng khó. 1 lần 2 ông anh tôi mua về 1 nồi lẩu dê thơm phức và nói : Tìm mãi mới thấy tiệm này nấu thịt heo theo kiểu nấu dê, mua về ăn cho biết. Mấy bà vui vẻ "múc" hết, khen ngon nức nở làm tôi và ông già nhìn nhau nói ko nên lời, còn 2 ông anh cười đến "phát khùng".
HMK6
Thực ra mấy bà ăn thịt dê ngon lành. Có điều không muốn mấy anh em ăn, sợ nó "dê".
Đăng nhận xét