Sáng chủ nhật vừa thức giấc, con gái vừa dụi mắt vừa bảo: “Ba ơi, mẹ tốt thật!”. Tôi ngạc nhiên:
- “Tốt thật” nghĩa là làm sao?
- Chiều qua, mẹ cho 2 bạn nhỏ bán than vào xem TV.
… Tôi nhớ lại, mấy ngày sau Tết, có 2 chị em mang than đi giao các nhà trong xóm. Trời lạnh như cắt. Thấy 2 đứa trẻ còi cọc, ăn mặc phong phanh, quần áo bám bụi than, chân đi dép không tất, mấy ngón chân đen sì cáu bẩn... đi ngang qua trước cổng, thương quá vợ tôi liền gọi vào hỏi han. Hai cháu quê tận Phú Thọ, theo bố về Thủ đô, còn mẹ làm nông ở quê nên chưa về đuợc. Ngày ngày bố đi giao than, còn các cháu đi học. Đứa nhỏ học lớp 2, đứa lớn lớp 6 nhưng nhỏ con không bằng cháu Mý mới học lớp 4. Nhà nghèo không có tiền ăn trưa ở trường nên 2 đứa phải về nhà ăn cơm nguội. Gọi là nhà nhưng thực chất là tấm ni-lông rách che tạm một góc chân cầu vượt làm nơi trú ngụ. Thật ái ngại khi thời tiết giá rét như cả tháng qua!
Xóm nhà tôi chả gần bến Phà Đen, nay là cảng than. Than cám được đóng thành than tổ ong rồi giao cho các chủ xe đi bán. Đi dọc đê sẽ thấy những chiếc xe tự chế 3 bánh chở đầy than, có chỗ đứng cho người điều khiển, phía sau là 1 chiếc xe máy đang đẩy hỗ trợ. Những chiếc xe này sẽ chở vào từng điểm ven đô rồi từ đây dùng xe máy, xe đạp phân phối khắp thành phố. Ở Hà Nội, các gia đình nghèo, nhất là các cụ về hưu, vẫn dùng than bánh cho rẻ. Có độc hại chút ít nhưng không tốn nhiều tiền.
Nghỉ học thứ bảy, chủ nhật, 2 cháu giúp bố mang than đi giao. Bố thì giữ tay lái, còn 2 bạn đẩy phụ 2 bên. Từ đầu xóm, bố đưa những xách than cho 2 con đi giao cho khách. Lần trước vợ tôi gọi 2 cháu vào nhà và cho xem TV. Chúng thích lắm: “Lần đầu tiên chúng cháu đựoc xem TV màu, bác ạ!”. Khi về, vợ tôi dặn: “Cứ chiều thứ bảy, giao than xong thì về đây, bác cho xem TV”. Hai đứa sung sướng dạ ran.
Lần này, vừa được xem TV, lại còn được ăn bánh chưng. Vợ tôi lấy quả thanh long ra hỏi có biết quả gì thì 2 đứa lắc đầu vì chưa bao giờ được ăn. Đúng là con cháu nhà mình thì được chăm lo đầy đủ từng li từng tí, còn nhiều cháu bé đang tuổi đi học đã phải tự lo lấy cuộc sống của mình. Phân hóa xã hội ghê gớm. Không biết bao giờ sự phân hóa này mới giảm bớt? Thôi thì cứ cố gắng làm được điều gì tâm đức cho đời, âu cũng là thỏa mãn với chính lòng mình!
5 nhận xét:
Đem niềm vui cho mọi ngưòi là hạnh phúc của chính mình.Ai đó đã nói thế!Khi nào các quan chức của ta hiểu được như thế thì hạnh phúc cho dân ta nhỉ?
Chào KQuốc.
Vợ bạn đối xử với các cháu như thế là tốt, đúng với đạo đức của người Việt nam "thương người như thể thương thân".
Nhân chi sơ, tính bản thiện, tuy bản thân trong sáng, nhưng do chúng bị chi phối mạnh mẽ bởi "luật đường phố", nên bên cạnh sự thương yêu dành cho chúng, vợ bạn cần "tuân thủ" nguyên tắc về an ninh. Khi mời chúng vô nhà thì cần "để mắt" tới chúng, ví dụ khi chúng đi vô WC (chắc chắn sẽ có lúc xảy ra tình huống này) thì phải kiểm soát được, và gom các thứ lặt lại (ví dụ cái "rềmốt" TV chẳng hạn).
HCQuang
Bác CQuang ơi, nhớ lời bác căn dặn! Hoặc "nhớ lời Bác căn dặn", hay "bác Căn dặn"?
Chúng ta là con người có tình thương bao la,nhưng ở từng môi trường có những điều kiện tạo nên tính cách...vì thế HCQ nói đúng cẩn thận vẩn hơn.Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta lạnh lùng trước sự nghèo khó
ĐC
1. Mấy chục năm trước khi chỉ là sĩ quan cấp úy phọt phẹt, nhớ mãi anh giai ĐMGiao có nói: "Khi nào mình không còn cay cay sống mũi, không xúc cảm với cái đau của người nghèo thì khi đó mình không còn là chính mình!". Với chúng tôi thì ai cũng là bạn dù thành phần họ là ai, xích lô, đánh giày hay bán nước... miễn là họ tốt với mình.
2. Quang, cháu tôi (con nhà Công), học sinh trường quốc tế, có nói: Các bạn đánh giày là bạn cháu. Quả thật, bọn trẻ hiểu đuợc như vậy là quá quý. Các trường này trong chương trình luôn xếp cho học sinh đi thăm các bạn ở SOS. Nội dung giáo dục tình thương giữa con người với con người rất được chú trọng, trong khi ta còn yếu lắm.
Đăng nhận xét