Thứ Ba, tháng 2 19, 2008

Tết Nóng, Tết Lạnh

Bây giờ thì ai cũng biết Tết trong Nam trời nóng, không lạnh như Tết ngoài Bắc. Nhưng người Bắc thường không thể hình dung Tết nóng thì người ta "thưởng" Tết như thế nào; cũng như dân Nam, cái rét còn chả biết, nói gì đến Tết-rét.

Không biết mọi người thấy thế nào, với tôi chuyện nóng lạnh thời tiết là một thứ không đưa được vào bộ nhớ. Ký ức không làm ra được cảm nhận trực tiếp bằng giác quan về nóng lạnh. Mùa đông rét quá, mưa phùn gió bấc thì nhớ mùa hè; mùa hè nóng quá, mồ hôi nhễ nhại lại luyến tiếc mùa đông. Khí hậu thời tiết đã là thứ khác nhau, lại còn Tết vào lúc ấy.

Tất nhiên nói về Tết thì điều chính yếu là tụ họp gia đình, là năm mới may mắn hơn năm cũ, là có thêm người mới trong gia đình, là người già thọ thêm một tuổi, là sếp thăng tiến thêm một cấp, bạn bè cùng nhau nhìn về tương lai trong đó là sự nghiệp hoặc "cõi vĩnh hằng", ... Tóm lại Tết là dịp để các quan hệ xã hội được dịp làm lại tươi mới một cách tự nhiên theo lịch của trời đất. Thế nhưng cùng là "Tết" mà ở các không gian khác nhau sẽ có những điểm khác biệt.

Có vẻ như ở vùng Tết-rét người ta có nhiều thứ khác ngày nghỉ bình thường hơn. Một gia đình lớn trong một hai ngày Tết người ta có thể suốt ngày gặp nhau lúc nhà người này rồi đến nhà người khác. Người già con trẻ suốt năm bận rộn công việc của mình mấy khi gặp, nay là lúc hội đủ. Khi đó có nhiều thời gian để thong thả nói chuyện người này người kia, nhấm nháp các thứ đồ ăn thức uống. Thường thì thời gian chơi Tết ở nhà ai đó thế nào cũng gặp bữa. Các món ăn ngày Tết được soạn ra, quây quần đánh chén. Cái rét đẩy mọi người lại với nhau, làm cho ấm cúng và câu chuyện trở nên thú vị hơn. Nhiều cơ quan ngày đầu đi làm sau Tết mới là khởi đầu của Tết-công-sở. Người ta gặp nhau chúc tụng, rồi rồng rắn kéo nhau đi các nhà. Ấy là để tận hưởng cái cảm giác tụ hội nối dài từ gia đình ra xã hội.

Theo các nhà nghiên cứu thì ở vùng rét Tết, phát sinh và gắn liền với nông nghiệp, là những ngày nông nhàn mà không giáp hạt. Cái ăn có đủ, rỗi rãi, người ta nhất loạt mở đủ loại lễ hội vào mùa xuân ngay sau mấy ngày Tết. Thường là hội thánh và hội Phật. Hội thánh ở các đền như đền Và (Sơn Tây) thờ Thánh Tản Viên, đền Dạ Trạch (Hưng Yên) thờ Chử Đồng Tử, đền Sóc (Hà Nội) thờ Thánh Gióng, đền Đô (Bắc Ninh) thờ tám vua Lý, đền Trần (Nam Định) thờ 13 vua Trần, đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ) thờ bà Âu Cơ, đền Ông (Cửa Ông, Quảng Ninh) thờ con Trần Hưng Đạo làm tướng trấn cửa biển, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) cho dân làm ăn, đền ông Hoàng Mười (Hà Tĩnh) cho dân đánh bạc, ... Các chùa cũng đồng loạt mở hội, mà được khai thác thương mại lớn nhất "ăn theo" tâm linh là chùa Hương (Hà Tây) và quần thể các chùa vùng Yên Tử (Quảng Ninh). Còn có những hội có tính chất nghề nghiệp và dân gian như hội Lim (Bắc Ninh) của các liền anh, liền chị quan họ, hội pháo Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Bình Đà (Hà Tây), ... cũng rất nổi tiếng. Đất rét có hàng trăm hàng nghìn đền và chùa mà mùa xuân không ngớt người thăm viếng cầu mong.

Bởi thế dân Tết-rét sau dịp nghỉ Tết còn bày chuyện đi chơi lai rai cho tới hết tháng Giêng. Các hội đoàn đi chơi thường là Phật tử (kiểu Khắc Cường k4), hoặc Phật tử tại tâm tại gia (kiểu các bà hội phụ nữ về hưu), hoặc bạn xấu (kiểu Bạn Trỗi), hoặc cơ quan nhưng không đi xe biển số xanh (kiểu công ty QD, thậm chí cơ quan nhà nước).

Mà đền chùa nhiều khi cũng lẫn lộn. Nói cho đúng đền luôn là đền, mà chùa luôn là chùa. Nhưng có lẽ trong tâm linh người Việt thì Phật là niềm tin mà Thánh là chỗ dựa. Bởi thế có nhiều chỗ bên cạnh chùa là đền, như cạnh chùa Côn Sơn có đền thờ Nguyễn Trãi. Thậm chí cấu trúc trong một khuôn viên tiền chùa hậu đền, trước thờ Phật sau thờ Thánh. Thánh là người được dân gian ghi ơn vì dân vì nước mà thành. Vì ý nghĩa này mà hầu như các cơ quan, doanh nghiệp, hội đoàn, nếu có điều kiện thì đều không ngăn cấm, thậm chí tổ chức cho, người thuộc quyền đi thăm thú các nơi linh thiêng đó, đặc biệt là dịp Tết.

Nói như thế để dân Tết-nóng hiểu, đừng kêu sao chúng mày chơi lắm thế. Mà anh em Tết-rét cũng đừng hiểu sai cái "cổ truyền", tưởng rằng Tết là để uống rượu, ăn chơi, cờ bạc. Tết là để nhớ về cội nguồn dân tộc. Như thế mới là Tết.

Không có nhận xét nào: