Thứ Tư, tháng 7 18, 2007

TƯ LIỆU ĐƯỢC CÔNG BỐ SAU 35 NĂM


BỨC THƯ VIẾT BẰNG MÁU – MỘT TƯ LIỆU, SAU 35 NĂM, VỀ ANH HÙNG LIỆT SỸ NGUYỄN VĂN TRỖI ĐƯỢC CÔNG BỐ
Trần Kiến Quốc

Tôi lại thăm chị Phan Thị Quyên một ngày đầu xuân Tân Tỵ, như mọi lần, chị cho tôi xem những kỷ niệm trong cuộc đời tham gia cách mạng của mình. Ngoài những bức ảnh quý giá trong những năm tháng ở vùng giải phóng và thời gian ở Hà Nội, chị còn cho tôi xem một cuốn sổ con đóng bằng “giấy 5 hào 2”. Trên góc phải trang bìa được viết bằng tay: “LÊ NHÂN LIÊN” và giữa trang là 3 dòng được đóng khung “VIẾT VỀ ANH - BẰNG MÁU CỦA TÔI – 15-10-1966”.
… Sau khi Anh Trỗi hy sinh, đầu 1965, chị được tổ chức đưa ra vùng giải phóng. Thời gian ở “R”, chị nhận được sự động viên của mọi người khắp từ Bắc chí Nam. Cho dù là chiến tranh, hàng trăm lá thư vẫn đến được với chị, cả của những người bạn quốc tế (Liên Xô, Hungary, Đức…). Chính những tình cảm trong sáng ấy đã giúp chị vượt qua nỗi đau riêng, vững vàng hơn trong cuộc sống. Từ một cô gái chỉ biết “đi làm cách mạng vì yêu thương Anh Trỗi, để trả thù cho Anh”, mà chị đã trở thành một nữ chiến sỹ giaỉ phóng.
Đến hôm nay, chị vẫn giữ được những lá thư và tình cảm tốt đẹp ấy. Trong số đó, chị nhận được một phong bì có chứa cuốn sổ và những dòng chữ viết bằng máu của anh Lê Nhân Liên. Cuốn sổ được đóng 32 trang, với khổ 5 x 8 cm và khâu lại bằng chỉ đỏ. (Đây là một thói quen của lớp thanh niên, học sinh cách đây 30-40 năm. Họ hay tự mua giấy về đóng những cuốn sổ nhỏ dùng để ghi chép những câu châm ngôn, hay lời hay ý đẹp) . Đã 35 năm trôi qua, chị nhớ lại: trong thư, anh Liên tự giới thiệu là công nhân ở Hải Phòng, anh rất khâm phục tấm gương hy sinh anh dũng của Anh hùng Trỗi.
Được phép của chị, tôi xin giới thiệu với bạn đọc tư liệu này, để các bạn trẻ hôm nay có thể hiểu được lớp thanh niên chúng tôi cách đây hơn 30 năm. Và vì sao thế hệ thanh niên ấy đã theo Bác, theo Đảng chiến đấu hy sinh để giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông. Điều mà chúng tôi hết sức tự hào!

“15-10-1966
Nguyễn Văn Trỗi !
Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, người anh hùng trẻ tuổi của dân tộc Việt Nam.
Anh đã biết đem giác ngộ cách mạng của mình hoà vào truyền thống vẻ vang của dân tộc để nêu cao chủ nghiã anh hùng cách mạng.
Anh đã thiết thực đem thứ vũ khí sắc bén mà Bác và Đảng đã trao cho thanh niên, đó là “tinh thần cách mạng” và “tri thức cách mạng” trong khi chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ chân lý và lý tưởng tuyệt vời của chủ nghĩa Mác - Lê nin.
Học tập Anh, tôi gửi hương hồn Anh mấy câu thơ, và đây cũng là nguồn cảm xúc của trái tim tôi:

“Tôi muốn đem những dòng máu nóng
Góp phần vào sự nghiệp đấu tranh
Bầu máu nóng trong tim tôi sôi bỏng
Đang chảy theo chân lý đời Anh !”

Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, bằng xương máu và những chiến thắng của mình, Anh đã viết thêm những trang sử vàng chói lọi cho dân tộc. Cuộc chiến đấu của Anh với kẻ thù đã làm cho dân tộc ta đã anh hùng lại càng thêm anh hùng.
Anh đã nêu cao gương sáng vì dân, vì nước quên mình, trước bạo lực của kẻ thù không mảy may run sợ, luôn luôn biểu lộ khí thế hiên ngang của những người đã nhìn thấy chân lý, của những người có chính nghĩa và chiến thắng. Việc làm của Anh cũng là những bài học vĩ đại về con người biết sống và biết làm người.
Nguyễn Văn Trỗi ! Trước lưỡi lê gươm súng của kẻ thù, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, của nhân dân và giai cấp công nhân miền Nam đã nêu cao tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, gây nên sự chấn động dư luận trong nước và trên thế giới.

15-10-1966
Hôm nay là ngày 15-10-1966, kỷ niệm lần thứ 2 ngày Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh!
Cũng ngày này, tháng này - 2 năm về trước - ngày cuối cùng của đời Anh, của người thanh niên đang tuổi yêu đuơng trong tuần trăng mật – Tính đến nay đã tròn 2 năm – 2 năm nấm mồ Anh xanh cỏ. Giờ đây nơi chín suối chắc linh hồn Anh đang huớng về Tổ quốc, hưóng về Đảng, về quê hương nơi sinh trưởng ra Anh, về xóm làng và bà con thân thiết – Nơi đang có ngọn lửa đấu tranh không mệt mỏi, chống đế quốc Mỹ xâm lược, bắt chúng và bọn tay sai gây ra nợ máu phải trả bằng máu.
Để tuởng nhớ đến Anh, tôi thắt chặt chiếc khăn tang vào cánh tay tôi và gửi hương hồn Anh bài thơ “Mặc niệm người đồng chí” mà tôi sáng tác trong phút thắt chiếc khăn tang này :

Tôi viết bài thơ mặc niệm Anh
Ngày này năm ấy giữa Sài thành (*)
Anh hiến tuổi xuân cho Tổ quốc
Đem đổi thịt xương lấy hoà bình !

Kẻ thù sợ tên Anh từ đấy
Người con của đất Việt anh hùng
Giữa súng gươm vẫn hô vang dậy
Đạn nổ rồi còn gọi: “Bác muôn năm !”

Hai năm nấm mồ Anh xanh cỏ
Nhưng vẫn không yên giấc ngủ dài
Phải vì nhắc tên Anh đây đó
Chín phút cuối cùng buổi sáng mai !

Cả nước nhớ tên người liệt sỹ
Đã gây nên chấn động địa cầu
Máu của Anh – của người đồng chí
Viết tiếp vào trang sử đời sau

Tôi nhắc tên Anh – Anh hùng Trỗi
Tôi viết bài thơ tự chốn này
Gửi tới hồn Anh nơi chín suối
Gương Anh sáng ngời muôn vạn người soi

8 giờ sáng 15-10-1966
LÊ NHÂN LIÊN

Đúng 9 giờ 59 phút 15-10-1966.
Tôi đau đớn nghiêng mình mặc niệm hương hồn Anh, người con của dân tộc đã hiến dâng mình cho sự nghiệp cách mạng !
Gương hy sinh cao cả của Anh đáng để chúng tôi học tập.
Tinh thần Nguyễn Văn Trỗi bất tử !
LÊ NHÂN LIÊN
(*) – 15-10-1964”

Kỷ niệm này đã theo chị suốt những năm tháng ở “R”, ngay cả trong những trận chiến đấu ác liệt , nó cũng được gìn giữ cẩn thận; và khi được ra Bắc, chị cũng không quên mang theo. Theo thời gian, mầu mực bằng máu đã ngả sang nâu, nhưng nét chữ vẫn sắc. Cả bài được viết gọn trong 15 trang giấy. Phải nói, anh Liên là một người có nét chữ đẹp. Không hiểu giờ này anh Liên đang sống ở đâu, nếu anh đọc được bài này trên báo “Tuổi trẻ” thì hãy liên lạc với chúng tôi. Xin cám ơn!
Tết Tân Tỵ 2001

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Khai thác đề tài về anh Trỗi, người ta thường lay hoay mô tả anh giông giống như các nhà cách mạng chuyên nghiệp thâm niên cùng mình.
Anh Trỗi chỉ là một tân binh, mà về thành tích thì có gì đâu. Gài mìn bị lộ, không hoàn thành nhiệm vụ! về tuổi quân thì chưa đủ năm để nhận huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng thấp nhất. Khi đứng trước pháp trường, nếu chàng tân binh có sợ hãi thì cũng là lẽ thường, người đời mấy ai mà bình tĩnh cho đặng. Thiếu gì đảng viên cựu trào đã run sợ khi cái chết cận kề. Trong trường hợp khác, nhiều tay giang hồ coi đời như cỏ rác, mà khi bị dẫn ra pháp trường đã đái ra quần, run cầm cập như chó nhận nước. Còn anh, anh bình thản nhìn thẳng vào cái chết. Đó là vĩ đại.
Bậc tiền bối của anh, anh Lý Tự Trọng - một tân binh hàng em út - khi bước lên máy chém vẫn huýt sáo bài Quốc tế ca. Thật không dễ huýt sáo cho ra được một bài ca nếu trong lòng vương chút lo âu.
Và chị Võ Thị Sáu (cũng tân binh và thành tích không bao nhiêu) trên đường ra bãi bắn đã hái hoa cài tóc (con gái mà). Tâm hồn phải thanh thản lắm mới có thể làm đẹp trong hoàn cảnh như vậy. Vĩ đại là ở đó.
Các chiến binh tự sát (phải thừa nhận là họ quá ngon) thì chặc lưỡi lao đại vô là ... xong. Lúc đó có sợ thì cũng ... xong (kiểu như chú lính dù do dự bị gã chỉ huy đạp ra khỏi máy bay, chưa kịp ố á thì đã xong). Còn các anh chị, từ lúc ăn bữa cơm "nhân đạo" cho tới khi nghe thấy lệnh "hàng đầu quỳ xuống", thì họ có dư thời gian để mà ngẫm, mà thấm cái chết đang cận kề. Các anh chị vĩ đại bởi họ vượt lên trên cái chết.
HCQuang

Nặc danh nói...

Bài viết rất hay nhưng mà CQ đã "chết" lần nào đâu mà rút ra nhiều kinh nghiệm thế nhỉ?!
TM

Nặc danh nói...

Cám ơn TMinh đã góp ý. Ông nói đúng, tôi chưa chết lần nào nên quả chưa có kinh nghiệm. Trăm hay không bằng ... tay quen, nhưng cũng may tôi đã trao đổi với một số anh đã hi sinh nên có biết chút đỉnh.
Ah ... mà tôi có một kinh nghệm chứ bộ. 3 lần nhảy dù, khác chi chiến binh tự sát, chỉ mỗi cái dở là tự sát 3 lần không thành công.
HCQuang