Thứ Hai, tháng 7 23, 2007

Chuyện kể vãn cảnh miền Trung: chặng cuối

Ba ngày cuối cùng: từ Hội An về Hà Nội
Nghe một người bạn nói "oải quá, mày tra tấn mọi người bằng cái miền Trung dài lê thê". Hoá ra miền Trung không chỉ "dằng dặc khúc ruột" mà còn lê thê chuyện kể. Tha cho mọi người trong mấy ngày nghỉ, hôm nay kết thúc. Nếu không kết thúc, hoá ra đi miền Trung chả bao giờ về? Quan trọng là về nhanh.
Thực sự thì mọi người không muốn về nhanh. Vì thế rời Hội An còn ghé làng gốm Thanh Hà, nó ở ngay lối ra trước khi rẽ về Đà Nẵng. Làng bây giờ còn ít gia đình tiếp tục làm gốm với sản phẩm chủ yếu để là trang trí kiến trúc ngoại thất, làm đồ kỉ niệm và có một ít vật dụng đất truyền thống như đồ nấu ăn (trã đất kho cá), hũ tiền lẻ, ...
Bãi phơi sản phẩm bên sông Thu Bồn. Đây là các hũ đựng tiền lẻ. Khi nào đầy người ta sẽ đập nó ra. Nếu gọi nó là lợn đất thì các "bạn Trỗi" hiểu ngay là gì, nhưng hình thức lại không phải là lợn.
Mỗi gia đình có một lò nung, thường cả tháng mới đủ sản phẩm mộc cho một lần nổi lửa. Các làng nghề truyền thống nói chung đang đứng trước vấn đề ô nhiễm môi trường, ở đây cũng vậy. Vì thế bây giờ các gia đình không được làm các sản phẩm lớn thường đòi hỏi thời gian nung lâu. Bây giờ người ta đang để tạm hàng mộc trong lò, khi nào nung sẽ sắp xếp lại.
Rời Hội An bằng đường đi qua khu Ngũ Hành Sơn. Lại nhớ một thầy phong thuỷ nói Đà Nẵng với Ngũ Hành Sơn (năm quả núi Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ) chính là trung tâm của Âm Dương Ngũ Hành. Bởi Đà Nẵng là điểm giữa của Việt Nam mà Việt Nam là trung tâm của Âm Dương của Vũ Trụ, biểu hiện ở chữ S mà phía trên trong biển (âm) có đảo Hải Nam (dương) và phía dưới trong đất (dương) có Biển Hồ (âm). Rất may là bây giờ chính phủ đã cấm phá đá ở các hòn núi Ngũ Hành. Dân làm nghề đá nghệ thuật ở đây có phần lao đao một chút, nhưng cứu thoát cho nhân loại một thảm hoạ phong thuỷ?!
Đến Đà Nẵng tôi để mọi người đi chơi mua sắm. Còn tôi thì vào chơi với Huỳnh Hữu Dũng, quan trọng hơn nữa là giúp cậu chút mẹo để vào và tham gia trang tin Bạn Trường Trỗi và các trang khác cùng nhóm blogspot.com. Chỉ kịp chụp một tấm ảnh với vợ chồng HH.Dũng khi anh Dũng k1 quay lại đón. HH.Dũng tạm biệt với lời khuyên "lên Bạch Mã ngủ lại mới đáng".
Qua hầm Hải Vân, rẽ đường đi Cảng Chân Mây. Mới có duy nhất khu nghỉ dưỡng Làng Xanh Lăng Cô mà HH.Dũng tham gia đầu tư ở dải bờ biển này. Trông vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng HH.Dũng nói dịp 2/9 các bạn có vào thì bố trí ở được rồi.
Bạch Mã, được bổ sung vào danh mục khi thừa thời gian, vốn là khu các nhà nghỉ từ thời Pháp. Bây giờ người ta không chủ trương phát triển khu nghỉ dưỡng lớn ở trên này mà duy trì Vườn Quốc gia với một số các nhà nghỉ nhỏ như Phong Lan, Cẩm Tú.
Lớn nhất là biệt thự Đỗ Quyên với nhà dịch vụ nằm trong quần thể rèn luyện thể thao (tennit, cầu lông) và nhà hội thảo thuộc Ban QL Vườn. Ở đây có thể tiếp các đoàn vài chục người một lúc. Tham quan khu trung tâm này và tìm hiểu sơ đồ các tuyến du lịch sinh thái chúng tôi thấy có thể tổ chức chuyến nghỉ vài ba ngày để đi xem rừng, thác nước, ... ở đây theo đúng nghĩa chứ không phải bên cạnh một thị trấn du lịch như Tam Đảo hoặc Sa Pa.
Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm, 4h30 lên xe, trời tối om để đi tiếp lên Khách sạn Morin Bạch Mã. Đây là cuối con đường ô tô có thể đi được. Đi nốt 600m đường dài với ít dốc lên trong ánh sáng lờ mờ. Từ Vọng Hải Đài (đài ngắm biển) có thể nhìn thấy biển và ngắm mặt trời lên.
Mặt trời lên rồi thì chụp một ảnh kỉ niệm trên Vọng Hải Đài, đỉnh cao 1423m, theo máy đo GPS chứ số liệu của họ thì cao hơn quãng 20m. Đi xuống mới là lúc quan sát Khách sạn Morin Bạch Mã, thuộc Công ti Du lịch Hương Giang.
Mọi người nói lần sau có lên Bạch Mã sẽ nghỉ ở KS này. Ở đây cũng có thể "vọng hải" và thực sự được ngủ đêm ở nơi cao nhất có thể ngủ.
Rời Bạch Mã chúng tôi chạy thẳng ra khu biển Vũng Chùa, đầu tỉnh Quảng Bình, nghỉ trong một ngôi nhà văn phòng dự án chuẩn bị đầu tư. Tỉnh Quảng Bình đã quy hoạch vùng du lịch này.
Sớm hôm sau lại chạy ra bãi biển chụp ít ảnh. Ở đây không nhìn được mặt trời lên, vì biến hướng Nam. Mặt trời lên hướng núi và bãi đá, ở đó bọn trẻ con ra sớm nhặt ốc.
Đằng sau mây đang rạng dần, chiếu bóng xuống bãi biển triều rút còn loáng nước, hứa hẹn một ngày chạy xe về Hà Nội trong nắng gắt.
Hết chuyện.

Không có nhận xét nào: