Thứ Ba, tháng 7 17, 2007

Chuyện kể vãn cảnh miền Trung: Quảng Ngãi

Chặng thứ hai, ngày 8/7, đi Quảng Ngãi
Quảng Ngãi được xác định trước có mấy điểm đến: trại kinh tế rừng của một người quen, khu công nghiệp Dung Quất, Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm và tìm lại nơi tôi từng đi công tác mấy chục năm trước. Một lô các thắng cảnh di tích khác sưu tầm được trên mạng ở trạng thái sẵn sàng chêm nếu có cơ hội. Đảo Lý Sơn vốn được dành cho 1 ngày thăm thú, đã bị loại khỏi danh mục sau khi báo Lao Động có một bài về tình hình du lịch cực kì sơ khai ở đây.
Sáng dậy sớm ở Đà Nẵng để đi thăm bán đảo Sơn Trà. Từ năm 1975 chúng tôi đã nhìn Sơn Trà như một căn cứ quân sự với các quả cầu ra đa hàng không và các "cánh buồm" an ten vô tuyến đối lưu. Trong đơn vị cũ của tôi có những người tham gia tiếp quản các căn cứ ấy. Đó là khu quân sự.
Lần này thì đi hẳn vào Sơn Trà. Nhưng chúng tôi không đi lên các căn cứ ấy, bởi lên đó vẫn là đường do quân sự quản lí. Chúng tôi đi theo đường dân sự ven biển phía bên tay phải, nghe nói sẽ khép kín quanh chân bán đảo, mở ra rất nhiều đất cho các khu du lịch. Bây giờ thì nó mới được vài km cũng đủ để hình thành các khu nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ sang trọng. Ở khu vực Bãi Bụt người ta đang xây một tường Phật, hi vọng là to nhất ĐNA, bằng bê tông cốt thép. Bấm chuột vào ảnh để xem kích thước lớn sẽ thấy ở mỏm đất nhô ra biển có một cột đang xây dựng, đó là cốt tượng Phật; xa xa là thành phố Đà Nẵng.
Đi đến kịch con đường làm dở. Đường vươn ra đến đâu thì các khu nghỉ dưỡng được xây dựng đến đấy. Chợt nghĩ cuộc chiến tranh đã qua đi, Sơn Trà lại trở thành chiến trường của đất đai và kinh tế biển. Với ưu thế du lịch quanh năm, diện tích to lớn của Sơn Trà và khả năng di chuyển thuận lợi của thời hiện đại, Đồ Sơn bây giờ xứng đáng chia đất cho dân làm nhà (nói đùa thế cho hợp với vụ chia đất cho quan ở đấy). Có chăng người ta chỉ đến "đồ sơn" để biết nó khác "đồ nhà" thế nào thôi! Nhìn trong ảnh, càng gần Đà Nẵng là các khu nghỉ dưỡng càng gần hoàn thành hơn. Hiếm thấy có nơi nào còn đường được phát huy tác dụng sớm như ở đây.
Quay trở ra, chúng tôi đi thẳng vào Nam theo đường 1. Bê thui Cầu Mống ở đâu đó phía Nam Đà Nẵng là món ăn bà Bình định giới thiệu. Nhưng không ai nghĩ món đó thích hợp để ăn sáng nên đành bỏ qua.
Tới thị xã Quảng Ngãi, qua cầu trên sông Trà, buổi trưa, chúng tôi đến ngay khu nhà của Ban Quản lí nhà máy lọc dầu Dung Quất. Có thể không phải ai cũng biết Dung Quất là phiên âm tiếng Mỹ của địa danh Vụng Quýt phát âm theo giọng Nam "Zủng Guýt". Thời hội nhập quốc tế ta phải ăn món ta theo kiểu Mỹ là thế.
Ở đây có một anh kĩ sư hoá dầu phụ trách an toàn công trường xây dựng nhà máy lại thích nghiên cứu phát triển kinh tế rừng. Niềm vui hiện tại và nguồn sống trong tương lai của anh ta là rừng dó trầm và rừng mây hàng hóa đang được gây dựng từ bây giờ trên vùng núi Quảng Ngãi. Chúng tôi được anh dẫn đi thăm hiện trường. Đây là một con người say mê mấy thứ cây đó. Theo anh nói, đã sở hữu vài sáng chế có liên quan tới công nghệ tạo trầm trên cây dó và sở hữu, liên kết khai thác vài chục héc-ta rừng với bà con địa phương. Các con tính đều rõ ràng, mạch lạc, như đếm cua trong hang. Hi vọng là không sai biệt nhiều về chi phí trong các tính toán đó.
Bữa trưa ăn tại Minh Long, một phố huyện trong vùng núi Tây Tây Nam thị xã Quảng Ngãi. Lợn rừng, nhím, nai, ... là "những thứ không phải là đặc sản ở đây", theo lời của mấy anh trồng rừng bản xứ. Ngồi rừng, ăn nhím, uống bia SX theo công nghệ Tiệp tại Quảng Ngãi "Bia Dung Quất".
Rời rừng, chúng tôi được anh bạn (tên Sơn, là cháu họ đằng mẹ gọi Phạm Sơn Dương k3 là cậu) đưa tới tham quan khu nhà máy lọc dầu và cảng Dung Quất. Tuy không được đi vào khu vực nhà máy, nhưng bên ngoài cũng có thể thấy quy mô của công trường với các bể chứa sản phẩm sau lọc, bể chứa khí khí hoá lỏng LPG, hàng km đường ống dẫn sản phẩm như vẫn thấy ở các nước dầu mỏ Trung Đông trên chương trình truyền hình.
Biển cảng Dung Quất vốn đã là cái vụng hình bán nguyệt, nay còn được đắp thêm một đê chắn sóng vươn dài tới 1,6km che chắn cho cầu cảng dài 1km với 3 nhánh cặp tầu ăn hàng.
Chở đá và các khối bê tông đắp đập chắn sóng là xe ô tô 40 tấn của Carterpila cấu trúc giống hệt con ong; phần động lực chỉ có 2 bánh được nối với phần tải có 4 bánh chỉ qua một khớp lằng nhằng những ống thuỷ lực, ... Khi một trong hai phần bị hỏng thì họ cắt phần hỏng ra sửa, phần kia lại ghép với cái khác hoạt động tiếp. Mấy "cụ" ngành xe nhà mình, như Thanh Minh, Thanh Bình, Chấn Định, Vũ Thắng, ... chắc chưa bao giờ thấy? Cái đập chắn sóng này nghe nói ban đầu do các bác Binh đoàn bộ đội làm. Nhưng làm không nổi, bây giờ là nhà thầu Hà Lan (chuyên gia đê biển) làm. Khi chúng tôi tới có thấy cả mấy tay nước ngoài mặc đồ lặn loanh quanh ở đó.
Trước khi đến đây tôi đã kịp mô tả cho anh Sơn chỗ tôi đã đến công tác năm 1978. Hồi đó bọn tôi cần thử nghiệm một phương án truyền tin SOS từ Trường Sa về HN bằng các thiết bị vô tuyến thu được từ hàng rào điện tử của Mỹ. Đơn giản là từ HN kẻ một tiếp tuyến với chữ S, gặp ở đâu thì cắm máy ở đó.
Hai nhóm công tác đi một xe com-măng-ka đầy máy móc, gạo và xăng. Bây giờ nghĩ lại làm thế quái nào một xe mà chở được lắm thứ thế. Nhóm tôi 3 người, có Đinh Trọng Thành k2 làm Trưởng, nhóm kia ít hơn vào Tuy Hoà cắm thêm một điểm. Ở một làng chài vùng Ba Làng An, trên mỏm đá cao sát biển, nhìn ra là đảo Lý Sơn. Cảnh đẹp làm mình lưu luyến đến bây giờ, cái thói hoài cổ nó thế.
Đồ rằng chỗ tôi tìm loanh quanh đâu vùng đê chắn sóng, anh Sơn đưa tôi đi ra mỏm núi gần đó. Rồi lại một chỗ khác, chả có chỗ nào đúng cả. Rõ ràng trên bản đồ có một mỏm Ba Làng An ở phía dưới chứ không phải vùng này. Nhưng đi như thế mới biết những vách đá bên bờ biển ở vùng này nhiều vô kể. Dưới đó là bãi đá, cạnh những bãi cát vàng, nước biển xanh ngắt tuyệt vời.
Chiều muộn, chúng tôi đưa anh Sơn về khu nhà của Ban QL rồi quay ra Khách sạn Petro Sông Trà lấy phòng. Không có gì đáng nói ngoài chuyện KS này có hai máy nối internet làm việc ngon lành mà hầu như không người dùng. Hơn thế, mỗi phòng KS còn có cả cổng mạng máy tính với dây nối để sẵn trên bàn. Nếu mang máy tính xách tay theo có lẽ ta lên mạng ngay tại phòng. KS do TCTy Dầu khí VN liên doanh với địa phương đầu tư chuyên phục vụ các chuyên gia của ngành. Vì thế nó mới quan tâm đến "chất lượng mạng của cuộc sống". Với người quen sống với mạng như tôi thì điều này được đánh giá rất cao.

8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tay nhà báo này chui sâu luồn cao, giỏi thật. Té ra Vũng Quýt tức là Dung quất. Ăn cơm Mỹ đánh giặc Nam. Rất cám ơn về thông tin này.
HCQuang

Nặc danh nói...

Sao ông lại đưa cái vụ Bê thui Cầu Mống vào đây?
Bà Bình đúng là "người sành điệu". Người ta có thể quên tất cả mọi thứ thuộc về Quảng Nam nhưng phải nhớ đến cái tiệm ấy.
Theo tôi địa chỉ ẩm thực này cần được tôn vinh và đề nghị Bộ Văn hóa xếp hạng.Có thể do chất liệu bê ở đây, mềm và ngọt không thể tả ...
TM

HữuThành.Nguyễn nói...

Sao lại không đưa vào khi nó là một mục tiêu bị hụt.
Thế nhưng mà nếu google "bê thui cầu Mống" thì thấy chúng nó (dân ở nước ngoài?) nói là ăn thịt thui có carbon, sẽ bị ung thư.
Cuối cùng là tôi vẫn chưa có dịp ăn.

Nặc danh nói...

Chưa có dịp ăn thì cứ thực hiện "quyền" liềm mép, luạt không cấm.
Còn bọn Tây chết nhát ấy thì anh so làm gì. "Dân ta gan dạ anh hùng", ba cái vụ phở foocmon, cá ure, nước tương đen...chén tì tì thì cacbon là chuyện nhỏ .
TM

Nặc danh nói...

Bàn về ăn mà các ông rôm rả quá!Cẩn thận tiểu đường đấy!Còn bê ở Quảng Nam thịt mềm,theo tôi ,vì suốt ngày nó phải nghe tiếng Quảng cứ thẽo thợt thế nào ấy.Thôi đành phải giấu tên,sợ động chạm.

HữuThành.Nguyễn nói...

Thằng nào viết mà không cách sau dấu chấm dấu phẩy ấy nhỉ?

Nặc danh nói...

- Hoan hô ông Admin HThành có lời góp ý nhẹ nhàng. Anh em cố gắng khi viết nhớ cách sau dấu chấm, dấu phẩy 1 kí tự. Thật ra không phải bắt lỗi mà để đọc không nhức mắt. Cố thôi, tập là làm được hết!
- HThành giống tôi, đi xa cái gì cũng hay, cái gì cũng muốn viết nhưng viết dài quá người đọc dễ mệt. Nên tách ra nhiều bài ông ạ?
Chiến "dế" có câu nói lệch thế này:
Đi 1 ngày đàng học 1 sàng dại,
Sàng đi sàng lại mới được 1 hạt khôn,
Một hạt khôn thôi! Chứ cứ như các cụ thì nếu học được 1 sàng khôn thì cả làng chúng nó khôn hết à?
- Còn anh em ạ, Quảng Nam có món bê thui cực ngon, mềm. Lính tôi ở đó hay gửi về SG thịt bê. Ăn cứ gọi là quên đi!!!
KQuốc

HữuThành.Nguyễn nói...

Không! Tôi nhận dạng thằng nói lời động chạm chê bai giọng Quảng. Để anh em Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, cả Quảng Ninh tìm nó tẩn một trận cho dễ mà.
Còn chuyện viết dài thì đúng rồi, đọc chán. Nhưng mà viết nhiều bài thì ngại. Thôi thì viết dăm bẩy bài cho nó xong "khoán sản". Chịu khó vậy.