Vườn Quốc gia Cúc Phương nằm trên vùng núi đá vùng ranh giới ba tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa và Ninh Bình. Phần lớn rừng nằm trên huyện Nho Quan, Ninh Bình. Vườn bị chia cắt thành hai phần bởi đường HCM, phần phía Đông chiếm phần lớn, phần phía Tây chỉ là một mảnh nhỏ. (Google "vườn quốc gia cúc phương" để có thêm thông tin)
Để đường HCM khỏi cản trở thú rừng ở phần phía Tây xuống sông Bưởi uống nước người ta đã làm những cầu cạn chạy dọc bờ Tây con sông này. (ảnh chụp khi cầu cạn đang được thi công)
Chỉ có một lối vào Vườn từ thị trấn Nho Quan. Chúng tôi đi đường HCM, rẽ sang Hàng Trạm để đi sang Nho Quan. Đường này hiện rất xấu do xe tải trọng lớn phá hỏng. Vì thế không nên đi theo lối này, nếu không vì lý do nào khác.
Khu Trung tâm của Vườn (điểm số 7 trên bản đồ) được chỉ bởi mũi con trỏ máy tính trong hình bên. Nếu xem trên Maps.Google.Com thì đó là "xóm Bông".
Xóm Bông được ghi nhận trên một tấm bia xi măng rằng khu Trung tâm là vùng cư trú cũ của đồng bào Mường.
Khu Trung tâm bao gồm một nhà lớn có thể tổ chức các cuộc họp đông người bên một sân tròn rộng có thể nhìn thấy từ vệ tinh. Quanh sân tròn có mấy ngôi nhà nhỏ cho hai người. Cách đấy 500m về phía Đông Nam là khu dịch vụ ăn uống và nghỉ đêm cho nhiều người hơn, bao gồm cả bãi cỏ để dựng lều tạm cho các đoàn đi bụi.
Trong khu vực này không có bất kỳ loại sóng điện thoại di động nào, cũng không có điện thoại cố định nên gần như tách biệt khỏi xã hội thông tin. Điện sinh hoạt được cung cấp từ 17h30 đến 21h30 mỗi ngày. Ngoài ra là khách tự lo thắp sáng bằng nến và đèn pin.
Sau bữa trưa tại Ban Quản lý ngay tại cổng, tuyệt đối không có thịt rừng, chúng tôi đi thăm quan Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng. Ở đây người ta nuôi nhốt các con thú có trong danh mục của Cúc Phương phát hiện thấy bị bắt ở các nơi đưa về. Quanh đấy còn các khu cứu hộ các con vật khác, bao gồm cả rùa,...
Trên đường vào ghé thăm động Người Xưa là điểm cư trú, có mộ táng của người cổ đại cách nay 7500 năm (sai biệt 100 năm).
Nhìn vách đá có những rễ cây mà sau mỗi rễ lại có một gân đá dễ có cảm giác rằng những rễ này che chở cho đá không bị nước chảy mòn. Mà nếu thế thật thì cái rễ đã có tuổi biết bao nhiêu?
Ba cựu chiến binh tham gia giải phóng Huế, SG và CPC ngồi nghỉ trước khi đi tiếp vào cây Sấu cổ thụ. Chuyến đi này do một thành viên trang Quân Sử/Quân Hành, cựu binh Hải quân, mời các anh em đi chơi.
Cây Sấu cổ thụ ở cách khu Trung tâm 3km, vừa cho chuyến đi buổi chiều. Đường đi khá thoáng và không lên xuống nhiều, mất hơn một giờ cho cả đi về và chụp ảnh.
Một ngôi nhà dịch vụ cho hai người. Năm người chúng tôi được "nhà tài trợ" thuê hai nhà với ý thức "lời mời hoàn hảo". Nhưng cuối cùng thì dồn vào một để nhậu cho vui rồi ngủ luôn trên đệm chuyển sang trải trên sàn nhà.
Chiều sương xuống dày, những hạt sương bám vào mặt li ti như mưa bay. Bên nhà dịch vụ có hai chiếc lều dài sọc trắng đỏ, hôm sau mới biết của nhóm trẻ Koto.
7h sáng ở khu Trung tâm. Nước nóng đêm qua vẫn còn. Mà thực ra cũng không cần lắm vì gió mùa đông bắc vẫn chưa về. Không điện, không điện thoại, không kết nối internet, hoàn toàn yên tĩnh.
Sau bữa sáng nhẹ tôi và Lixeta quyết đi thăm cây Chò ngàn năm tuổi. Đường đi cũng 3km nhưng lên dốc nhiều hơn. Buổi sáng khí rừng còn nặng, thêm sương dày đọng trên lá rơi lộp độp. Mồ hôi thấm từ trong ra, sương và mưa thấm từ ngoài vào.
Cuối cùng thì cũng đến. Cây chò 3 thân đã gãy mất một. Một trong hai thân còn lại cũng đã bị hỏng một phần vỏ, không biết còn trụ lại được bao lâu.
Đường về xuống dốc nhiều hơn, nhưng chân cẳng đã rệu rã, ngâm ngẩm đau nên cũng không nhanh hơn, cả đi và về mất 80 phút. Dù sao cũng làm cho ba tay kia khâm phục.
Koto là tổ chức Biết Một Dạy Một (Know One, Teach One), hoạt động bằng tiền hỗ trợ nhân đạo nhằm dạy cho trẻ cơ nhỡ kỹ năng kiếm sống. Khi chúng tôi về đến nơi thì 3 bác CCB đã giao lưu, tặng quà các cháu. Nhóm này đi với một người đội trưởng, giảm thiểu chi tiêu bằng cách ngủ lều, mang theo lương thực, thực phẩm, nồi soong,... tự nấu ăn như bộ đội. Ảnh bên lấy từ trang mạng Koto, không biết có đứa nào trong nhóm này đã gặp sáng nay?
Hôm nay bọn chúng sẽ hành quân 18km đến bản Mường điểm 12 trên sơ đồ. Ngày mai chúng sẽ quay lại để kết thúc chuyến đi. Ấn tượng của các CCB là bọn trẻ này ngoan, rất có kỷ luật, nghe có vẻ giống "thiếu sinh quân". Trước khi chia tay máy nhạc trong xe mở to một khúc quân hành để cùng hát với các cháu.
"Chúc các bác khỏe" là lời chào đồng thanh của các cháu. Ấn tượng của các CCB chuyến đi này là "có cảm xúc" mà một trong những cảm xúc ấy là cuộc giao lưu này. Tươi mát những giọt sương mai trên cánh đào sớm.
Thứ Hai, tháng 1 03, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
7 nhận xét:
Ông già HT vừa trở về thời "thiếu sinh quân" ngày xưa. giỏi thật.Trông như chạy nhẩy leo trèo dốc núi ở Mỹ Yên, Đại Từ ấy.
T5.
Cây Chò ngàn năm được nghe nói tới từ nhỏ mà chưa được thấy.
Còn gốc Sấu già này coi đã thiệt.
Tháng 3/2009 CLB DSNL cũng có một chuyến Thiền dã ngoại kết hợp Du xuân ở rừng Cúc Phương và một số địa điểm khác nữa. Mọi người đã leo lên chỗ cây Trò ngàn năm để ngồi thiền. Có một bức ảnh rất ấn tượng, xin chia sẻ cùng các anh, các chị. BỨC ẢNH
Các QUẾ vô cùng cám ơn anh H.T đã cho mở ra chương trình du lịch qua blog .
He he, các Quế!
Du lịch qua blog cũng giống như cái wiki, chia sẻ những gì mình có nhưng chưa chắc đúng.
Nếu các Quế đánh giá cao như thế thì có lẽ phải tính chuyện gắn nhãn để dễ lấy ra coi.
& A HT: Em cũng rất thích những bài viết về những chuyến đi của các anh. :)
Anh H.T tiến hành ngay đi để tết này các QUẾ được du lịch đã lun .Cám ơn anh trước nha. Hôm trước anh TQTrung có hứa vụ Đầm Đa mà sao QUẾ chờ mãi hổng thấy ?
Đăng nhận xét