Thứ Năm, tháng 1 01, 2009

Cái nóp - ăn cơm mới nói chuyện cũ

Hội nghị khoa học “về văn hóa, văn nghệ truyền thống và dân ca đồng bằng sông Cửu long” tổ chức tại Cần thơ (3/1983) có mươi dòng định nghĩa về cái nóp. Tuy nhiên, do để “gọn nhẹ hóa” vấn đề, định nghĩa chưa thể hiện được đầy đủ về cái nóp.
Xưa kia miền tây Nam bộ – vùng đất u u minh minh, muỗi kêu sáo thổi – chưa có mùng. Khi đi ngủ, người ta hun khói đuổi muỗi, bù mắc và dùng bó cọng dừa “vụt” chúng. Nếu một mình trong bưng, họ ngủ “mùng nước”: trầm mình dưới sình, lấy tàu lá (ví dụ lá sen) úp lên mặt, thế là ngủ “ngon”. Rồi vài trăm năm gần đây, người dân miền tây phát minh ra “nóp”. “Nóp” được khâu từ cái “đệm” – một loại chiếu không dệt từ cói. “Đệm” được đan từ cọng “bàng”, loài cỏ dại cọng dài, dai sợi, hằng hà sa số ở miền tây.

Vật liệu
: Khi cọng bàng dài hơn mét trở lên, người ta chống xuồng đi thu hoạch, mang về phơi khô rồi giã trên “thớt” (tạm gọi vậy). Thớt là một khúc gỗ to, dài chừng 2 mét hơn, mặt trên (và mặt dưới) đẽo phẳng làm mặt thớt. Cứ hai người một thớt, họ đặt bó bàng lên thớt và đứng lên trên, mỗi người một đầu, dùng chân đè bó bàng rồi dùng chày giã. Đêm đêm “tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng người ca” ngân lên khắp xóm. “Cụp cùm cum”, “cụp cùm cum”.
Đan “đệm”:
Bàng giã xong trở thành vật liệu đan đệm. Người ta đan lóng đôi, lóng ba (nong đôi, nong ba) thành cái đệm. Đệm tính theo “vuông” nhưng đơn vị thương mại thì theo “mét tới” với khổ tiêu chuẩn (khoảng 2 mét). Dân miền tây nói nằm “đệm” êm hơn, mát hơn nằm chiếu cói.
Khâu “nóp”: Người ta gập đôi cái “đệm” theo chiều “tới” sao cho nửa trên (sau sẽ là "mùng") dài hơn nửa dưới (sau sẽ là “chiếu nằm”) chừng 2 tấc “tới”. Phần 2 tấc "dư" gọi là “lưỡi gà”. Họ khâu mép trên và mép dưới của 2 đầu lại, thế là thành cái “nóp” với 3 phía kín và 1 phía cửa.
Ngủ nóp: Người ta trải nóp xuống, ngậm nước phun lên nóc nóp và dùng tay phủi khắp người để xua đàn muỗi, bù mắc đang bu đặc quanh người, rồi “lăn” vô nóp. Vô trong rồi, kẻ đó gập “lưỡi gà” lại, gài vô phần “chiếu nằm” và yên giấc. Người ta giải thích phun nước cho mát, nhưng có người nói, do “đệm” đan không đều, có kẽ hở, bù mắc chui vô, nên phải phun nước để bàng nở ra bít kẽ đan. Hồi chín năm, anh Trần Kết người Rumany (chiến sỹ quốc tế, nguyên là lính lê dương), do coi thường “nguyên lý” nên đã dìm nóp xuống nước, ý sẽ được mát hơn, không dè cọng bàng nở ra bít khít các kẽ thông thoáng. Ngợp quá, me xừ phải chui đầu ra ngoài, bị muỗi chích sưng híp mặt. Được cái cọng bàng mau khô nên khi nóp gặp mưa, người ta chỉ cần phơi một hồi là ráo. Để phần “mùng” không chạm vào mặt, họ bẻ cái que hay dùng cây “chạc tiêu chuẩn” chống phía đầu nóp.
Ngủ nóp loại “2 đệm”
(nóp có phần lưỡi gà rộng bằng phần “chiếu nằm”): Sau khi “lăn” vô nóp, kẻ đó xoay nghiêng người để kéo phần lưỡi gà “đi” hết phần “chiếu nằm” rồi nghiêng người lại nằm đè lên “chiếu”. Thế là sở hữu chủ nằm trên 2 lớp đệm, êm ái gấp đôi.
Nóp đôi
: Vợ chồng mới cưới ngủ nóp đôi, cho dù nằm dưới mái lá trống huơ trống hoác hay giữa trời đầy sao, thời vẫn … kín như bưng. Nếu ngủ nóp loại “2 đệm” thì cả hai phải nghiêng qua lăn lại, chí chóe một hồi mới luồn được lưỡi gà “đi” hết “chiếu”. Cực một chút nhưng … vui.
Nóp 99%
: Thời Pháp thuộc đã có mùng nhưng là mặt hàng quý hiếm, dân bưng biền chỉ dám mua miếng vải mùng về chia nhau, mỗi người một miếng cỡ 2 bàn tay. Họ khoét một lỗ ở nóc nóp và “khâu thế” miếng vải mùng vào, cho đỡ ngộp.
Tính đa dụng
: Nóp là mùng, là chiếu, là lều của người dân miền tây. Với người lính, nóp còn là ba lô. Sáng dậy, anh lính bỏ quân tư trang vô nóp rồi xếp-cột lại, đeo lên lưng. Anh cán bộ dân chánh cất sổ sách tài liệu vô nóp, xếp-cột lại, gọn ghẽ không thua cái cặp “sămsunai”. Trong tác chiến, bị chém sau lưng hay trúng bom đạn thì cái nóp phần nào có tác dụng như áo giáp. Rủi hy sinh trận mạc, thay vì “da ngựa bọc thây” thì nay “xài” nóp.
Thay lời kết: Nóp là một phương tiện của người nông dân nghèo mà nay đã được thay thế bằng mùng và các phương tiện khác. Có lẽ nó chỉ còn tồn tại trong kí ức những người của một thời nóp với dáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng.

18 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đọc bài của anh về cái nóp của ngưòi dân Nam bộ thời khẩn hoang, ngẫm lại thời Trỗi, có lẽ cái lò than tự chế của từng anh em ta khi ở bên Tàu cũng thấy có nét tương đồng. Nó là cái bật lửa đồng thời là lò sưởi cơ động giúp ta có thể ra khỏi nhà, đi khắp mọi nơi trong mùa Đông giá rét. Khi đói, nó là dụng cụ diệt khuẩn tốt nhất để ta có thể an tâm cho vào mồm mọi con, củ, quả, hạt... tìm được. Và.... Chắc các bạn còn tìm thấy nhiều công dụng nữa. Mong anh và các bạn góp thêm câu chuyện về dụng cụ " một thời để nhớ này". K8NVT

Nặc danh nói...

Cây bàng là một loại cỏ có họ với cây lác thường dùng để dệt chiếu như cây cói ở miền Bắc. Theo tiếng la tinh thì cả 3 loại này đều có họ với nhau (cyperus ... rồi gì gì đó).
Bởi vậy mấy anh MN tập kết "dịch" bệnh lác (hắc lào) là bệnh cói. Chết mẹ, tao bị cói rồi!
Vì là :
lác MN = hắc lào MB
lác MB = lé MN
lác MN = cói MB
cói MB = giống như bàng MN
bàng MN = bàng MB
....
Đúng là "phong ba bão táp ko bằng ngữ pháp VN".

HMK6

TranKienQuoc nói...

Cứ tưởng "nóp" là nón? Hóa ra bú shi!!!

Nặc danh nói...

AQ cứ nghĩ nóp là nón cũng phải,vì bố này hay dùng l,n quen rồi trên các bài cò men hay sử dụng.Cho"nóp với giáo mang ngang vai"gần nhau quá bố cháu hiểu như vậy ko có jì fải théc méc.

AK7

HữuThành.Nguyễn nói...

Anh Chí thử kiếm ít cái nóp cho du lịch bụi xem có đắt hàng không?
Ngày xưa bọn biệt kích cũng phải xài hàng có cùng cấu trúc. Thời buổi "sở hữu trí tuệ", có khi bây giờ làm nóp lại phải trả tiền bản quyền cho ... Mỹ?

Hòa Bình nói...

@Anh Chí: anh cho vài kiểu ảnh minh họa được không?

Nặc danh nói...

Cũng hệt bác KQ, từ trước tới nay em vẫn "tưởng" cái Nóp là cái nón giống ở Miến bắc nhưng vành nhỏ hơn.
Có chuyện thế này: Có viên quan hai Pháp gọi một chú lính ta lên giao nhiệm vụ. Khi hoàn tất, tay lính báo cáo xếp. Kiểm tra lại công việc, tay quan hai bắt chú lính chổng mông lên đá đít cho mấy cái đau điếng vì làm sai ý định của cấp trên. Tay lính vẫn cố quay đầu lại thanh minh "em tưởng". Qua bài của bác em hiểu thêm, kiến thức "mênh mang" thật! nhiều khi cứ tưởng là bỏ mẹ.

Nặc danh nói...

Tào lao. Bàng và cói là 2 cây khác nhau. Bàng thân rỗng ( như cọng hành) người ta đập dẹp , phơi khô để đan lát. Cói đặc ruột, thân vuông có cạnh, chẻ ra phơi khô mới đan được.
Nóp chính là cái túi ngủ của dân Nam bộ thời xưa. Túi ngủ của Tây chỉ khác ta ở khoản vật liệu. Xét về tiêu chuẩn “thân thiện môi trường” thì “túi Ta” ăn đứt “túi Tây”. Sém chút nữa nóp trở thành trang bị chính thức của QĐNDVN, tất nhiên Trỗi cũng có phần.Các anh xem tại đay http://mobi.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?Ar

TM

HữuThành.Nguyễn nói...

Hoá ra cũng có người nhầm nón với nóp. Lỗi này tại thằng học chứ không phải tại thầy Sảng, thầy Chi Phan dậy "trích giảng văn học" không nói nhé.

Nặc danh nói...

Mèo con.
Anh không tìm đâu ra cái nóp để chụp tấm hình, vô bảo tàng cũng nỏ thấy. Nóp bị thất truyền rồi.
Tuy nhiên, với công nghệ như rứa thì bất kì ai cũng có thể tự sản xuất được nóp, miễn có cái "đệm bàng".
HCQuang

HữuThành.Nguyễn nói...

Liệu đệm bàng đã thất truyền chưa? Nếu chưa thì khi nào có dịp ra các anh chịu khó mang ra một cái cho tôi. Để thường trên xe ô tô chắc khối dịp dùng.

Nặc danh nói...

TMinh đâu, HThành nó yêu cầu kìa. Bữa tới ông dzìa miền tây, rảo chợ chút coi, mua cho nó 1 cái đệm bàng 2m tới. Rảnh nó khâu nóp, chui vô nằm cho biết thế nào là ngộp. Vui vui thì cho nó thêm 1 cái nón bàng.
HCQuang

Nặc danh nói...

TMinh.
Bữa tới dzìa miền tây, ông xem vùng đó còn xài xuồng 3 lá không, chụp dùm vài tấm để tôi minh họa cho bài viết. Nhớ đừng có chụp loại 5-7-9 lá nhen.
HCQuang

Nặc danh nói...

Chí nhớn khôn thật,hắn gầy sòng vụ "nóp" rồi lại xúi tui "chủ chi" sắm nóp cho TQ? Chuyện nhỏ nhé! Nóp thì giờ thất truyền rồi, không có đâu. Sẽ thay bằng đệm bàng, trải ra nằm , ngồi đều thoải mái. Xếp, cuộn lại gọn nhẹ, dễ dàng. TQ dùng thứ này đi chơi đảm bảo "đại tiện".
TM

Nặc danh nói...

Còn "trung tiện,tiểu tiện" khóet 1 vài lỗ thông hơi và tuyển 1 đọan ống nứa d>nhà máy nước chĩa ra ngoài(giống như hồi ở Bắc Thái,ống nứa xuyên qua vách tường đất.Thế là xong.

Nặc danh nói...

Bác Chí ơi, sao mới đầu năm lại nghĩ đến cái nóp? thấy các bác nói "để muỗi nó không cắn" nhưng không hình dung ra được nó như thế nào, tiếc là không có hình minh họa.
VTM

TK8 nói...

NÓP ĐÂY NÈ chị Mai ơi !. Nó cuộn lại 1 đống, e cũng chẳng hỉu mô tê gì. :)))

HữuThành.Nguyễn nói...

Ghi nhận TM sẽ cung cấp đệm bàng vào dịp ra HN tới đây.
Có đệm rồi thì muốn thành nóp đâu có khó, cứ làm theo mô tả và công năng thì được thôi. Chính cái công năng của nóp mới là "thất truyền" vì không cần nữa.