Thứ Năm, tháng 8 14, 2008

KỶ NIỆM VỀ GỐC ĐA HIỆU BỘ

Dương Minh

Chúng ta đang có những ngày sôi nổi với An Mỹ. Những kỷ niệm đầy ắp với An Mỹ đang thức dạy trong mỗi người làm cho chúng ta có những xúc động chung – riêng. Ở tận Sài Gòn xa xôi tôi chỉ biết dõi theo các bạn qua BanTroi, qua từng dòng tin, từng tấm ảnh để nhớ lại những ngày tháng ấy…
Tôi lên Trường Trỗi đầu năm học lớp 8. Lúc đó K4 đã ở phía rừng (bây giờ xem bản đồ của KQ mới biết khu đó gọi là La Hang). Những kỷ niệm Đồng Cháy, Trại Cau… tôi chỉ được biết qua câu chuyện của bạn bè K4 – những người lên Trường từ ngày đầu thành lập. Dù chỉ có nửa năm ở An Mỹ, nhưng cũng như các bạn, kỷ niệm ở đây quá nhiều, vì với tôi đây là lần đầu tiên sống tập thể, ở trong rừng, là thiếu sinh quân… Nhưng những chuyện đó chắc ai cũng trải qua cả rồi, tôi chỉ kể kỷ niệm riêng thôi.
Một sinh hoạt vui nhất sướng nhất khi ở An Mỹ là đón người nhà lên thăm vào cuối tuần. Dù đang thời chiến với chiến tranh phá hoại đã ác liệt, khu vực Gốc Đa cuối tuần vẫn sầm uất như phiên chợ Tết. Với riêng tôi nó là ngoài cuộc. Khi đó bố tôi ở chiến trường, mẹ tôi sơ tán ở Thiên Thai, Hà Bắc, tôi xác định rằng mẹ đến đây thăm tôi chỉ là giấc mơ!
Một chiều chủ nhật, khoảng 4 giờ, thầy Bân gọi tôi lên “Em có người nhà lên thăm, đang ở Nhà khách Hiệu bộ. Em có thể ngủ lại đó sáng mai mới về. Nhớ về đúng giờ học đấy nhé”. Tôi sướng run người vì có lẽ nào giấc mơ lại thành sự thật!
Tôi chạy như điên ra Gốc Đa, dừng lại và nhìn về phía Hiệu bộ, thấy một người phụ nữ đang dò dẫm lội qua Suối Chì. Đúng mẹ rồi, tôi chạy ào xuống, mẹ tôi cũng băng ào qua suối. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau bên bờ suối, tất nhiên cả hai đều khóc. Để đến thăm con, mẹ tôi phải đi từ tờ mờ sáng bằng đủ mọi phương tiện, và chặng cuối là cuốc bộ từ Đại Từ vào An Mỹ. Khi băng vội qua suối mẹ tôi bị văng mất một chiếc dép, sáng hôm sau bà đi nhờ xe ra Đại Từ với đôi chân trần, mua dép mới để đi tiếp chặng đường trở về Thiên Thai. Sau đủ thứ chuyện, tôi chợt nhớ ra một điều và hỏi mẹ “Sao mẹ không đợi con ở Nhà khách mà lại qua suối?”. “Thấy mẹ có vẻ sốt ruột muốn gặp con, mấy cô chú bảo cứ ra gốc đa, thể nào con cũng đến đó”.
Một chủ nhật khác, cũng phải đến 2 giờ chiều tôi lại được thầy Bân gọi lên thông báo “Em ra Hiệu bộ, người nhà em đang chờ ở đó. Nếu cần gì em nhờ các thầy ở Hiệu bộ gọi về đây cho thầy”. Tôi cũng chạy như điên ra Gốc Đa và tự hỏi “Ai đến thăm mình nhỉ?”. Lần này chưa đến Gốc Đa tôi đã thấy cậu tôi đang chờ ở đó.
Cũng phải viết thêm đôi dòng về cậu tôi. Mẹ tôi có một người anh, một người chị và một người em trai. Bốn anh chị em thì mẹ tôi và cậu tôi thoát ly công tác. Cậu tôi vào bộ đội, tham gia chiến dịch Điện Biên. Hòa bình ông xung phong ở lại Tây Bắc. Quyết theo học nghề y vì theo ông “Vừa giúp đời vừa giúp gia đình, bè bạn được nhiều nhất”. Khi tôi ở An Mỹ, ông là y sĩ công tác ở Bệnh viện Thuận Châu, đã ngoài ba mươi vẫn độc thân và đang theo học bác sĩ chuyên tu ở Yên Bái. Trước khi nghỉ hưu ông là Chủ nhiệm Khoa ngoại, Bệnh viện Đống Đa. Cách đây hơn mười năm ông đã mất ở tuổi 65 vì bị căn bệnh nhồi máu cơ tim.
Để đến thăm cháu, cậu tôi thức dạy từ nửa đêm làm thịt một con gà, nấu một nồi xôi rồi đạp xe từ Yên Bái sang Thái Nguyên. Hai cậu cháu ra sườn đồi vừa ăn xôi gà vừa nói chuyện. Lại chợt nhớ ra một điều, tôi hỏi cậu “Sao cậu đợi cháu ở đây?”. “Mọi người bảo cậu cứ ra gốc đa mà đợi, thể nào cháu cũng đến đây!”.
Gốc Đa An Mỹ sống mãi trong ký ức của tôi. Vậy mà hơi bị … buồn, Gốc Đa đã “hy sinh” rồi!

11 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Đừng buồn JM ơi. Người còn "sinh lão bệnh tử" huống gì cây.
Từ nỗi buồn có lẽ giống như vậy mà người ta "bảo vệ nguồn gen quý cây đa Tân Trào".
Đọc chuyện này mà ... buồn hết cả người. Trong số anh em mình cũng có khối anh là nguồn gen quý Tân Trào, Sơn Dương mà chả thấy ai đặt vấn đề bảo vệ (và nhân rộng). (vỗ tay)
Đến giờ thì, nói thật, muốn bảo vệ gen quý của các bạn ấy chắc có lẽ cũng phải "nhân bản vô tính" như giải pháp của tài nguyên môi trường Tuyên Quang thôi. (cười ... buồn)

HữuThành.Nguyễn nói...

À, mà theo bản đồ quân sự 1979 thì chỗ k4/c8 ở không phải là La Hang đâu mà là Yên Rã hoặc xa hơn một chút. La Hang là khoảng Gốc Đa rẽ phải, chắc là các lớp c9, c10 ở với nhau.
Các điểm dấu vàng là toạ độ ghi lại bằng GPS trong chuyến đi tiền trạm lần 1.

Nặc danh nói...

Gốc đa Là "Trung Tâm Văn hóa"của trường ta , mà không còn cả khu vưc Yên Mỹ nữa,ai cũng có những kỉ niệm khó quên.Ở đó chúng ta được xem phim,văn công...,mua sắm...Có lẽ trong chúng ta nhiều bạn như tôi khi đó rất dị ứng với chèo .Nhưng mọi sự thay dổi khi tôi được xem vở chèo đó: Chị Dậu.Khi đó tôi bị bệnh nhưng cũng cố gắng đi ,chỉ vì ở nhà thì buồn lắm chỉ còn một mình. Hôm đó cũng ngay Gốc đa này tôi mới được xem một vở chèo thật sự.Vở chèo đã cuốn hút tôi,cảm xúc dâng trào,tôi quên đi những hì hi, í ới,mà để này nọ... Nước mắt rưng rưng như đang sống, chứng kiến cùng nhân vật.Đó không phải là vở duy nhất tôi xem, nhưng phải nói nó là vở gây ấn tượng mạnh mẽ nhất ,làm thay đổi cách nhìn về loại hình nghệ thuật này.Khi sau này trưởng thành, mình mới càng thấm thía một điều là những cái đó,nghệ thuật Dân gian là tài sản vô giá của một dân tộc.
DS

Nặc danh nói...

Nhân chuyện của DMinh.
Lính Trỗi sống tập thể, kì nghỉ phép về với gia đình. Ở trường, thỉnh thoảng ba mẹ lên thăm, quây quần sum họp dưới GỐC ĐA. Cái bánh cái kẹo ba mẹ cho mới ngon ngọt làm sao, bởi nó không chỉ bao gồm vật chất.
Nhưng có nhiều bạn thuộc diện gia đình liệt sỹ hoặc ba mẹ đi chiến trường, và thế là chúng không có được cái bánh cái kẹo. Được bạn chia phần thì ăn vào cũng không thấy ngon thấy ngọt bằng chính "sở hữu chủ" (bây giờ khi đã làm cha làm mẹ mới thấy chú nhóc thật tội nghiệp).
Chỉ khi sang Quế lâm, tất cả đều không được "thăm nuôi" nên cái sự "không công bằng" nói trên mới được "xóa bỏ" - tất cả cùng tội nghiệp như nhau.
Vì thế ở Trỗi, chủ nghĩa cộng sản(*) mới được tập thể lính Trỗi thiết lập và duy trì.
(*) Chỉ hiểu theo nghĩa đen của từ này là "cộng tài sản".
HCQuang

TranKienQuoc nói...

DM ơi, có 2 khu chiêu đãi khổ: ở Gốc đa và ở không xa Trại Cau.DM chắc có chút nhầm lẫn vì suối Chì là ở tận ngòai cùng, khu k5 ở.

Nặc danh nói...

suối Chì nằm giữa Trại Cau K4 và Trại Bưởi K5.

HữuThành.Nguyễn nói...

Kỷ niệm với Gốc Đa thì nhiều, nhưng ấn tượng đầu tiên là buổi chiều muộn (ăn trưa ở nhà rồi mới đi?) sau khi xuống xe ở đấy chúng tôi (bọn k4 nhập trường 13/9 gồm Q.Khánh, H.Quang, P.Tùng, HCQ, Chi Long, tôi) lội suối đi sang Đồng Cháy. Nhớ mãi cái dáng thi thất thểu của Q.Khánh với "túi dết" nâu nâu sọc đỏ tới đầu gối. Đêm đầu tiên ngủ nhà dân, đèn dầu. Không phải là chưa bao giờ, nhưng đây là đêm đầu tiên tự mình xoay xở. Sáng hôm sau bắt đầu cuộc "dấn thân" với tất cả sự lạ lẫm của nếp sống quân đội, với bọn đồng lứa, với nước ruộng và quả sắn thuyền, ...

Nặc danh nói...

GỐC ĐA.
13/9/1965, tụi tôi "nhập ngũ" vô trường Trỗi, hành quân từ Hanoi lên An mỹ, tới Gốc Đa thì chia tay, ai về khóa nấy. Tụi tôi (HS cuối lớp 6 đầu lớp 7) theo thầy Lào (C trưởng, hông đeo K54) và MaiSinh (người bạn lớn, khoác tiểu liên K50 không đạn) đi vào Đồng Cháy, còn thằng em tôi (HS cuối lớp 4 đầu lớp 5) cùng mấy đứa cùng lứa đi đường khác, Suối Chì. Nhìn mấy thằng nhóc tì cao chừng mét mốt, ngơ ngác như con thỏ, vai balô, lặng lẽ chia tay anh "ra đi không hẹn ngày trở về" mà xúc động (mình nhóc đã đành, chúng còn nhóc hơn). Kể từ nay, chúng phải tự thân vận động.
Một kỉ niệm không bao giờ quên.
HCQuang

Nặc danh nói...

TVK6 đã thử đưa bản đồ Mỹ Yên lên WikiMapia dựa theo các chú thích của anh Hữu Thành. Mong được bác TQ và các ACE Bạn Trỗi góp ý chỉnh lí, xửa lỗi và đánh dấu thêm các địa điểm lịch sử khác như nơi đóng quân của các khóa 1235678 C11, ...
Mời xem: Bản đồ Mỹ Yên chụp từ vệ tinh tại WikiMapia
TVK6

HữuThành.Nguyễn nói...

Chuyến đi vừa rồi xác định lại trường PTTH là ở sau Trường Mẫu giáo chứ không phải ở chỗ đã đánh dấu theo phỏng đoán trước đây.
Mà cả Trường Mẫu giáo cộng với Trạm xá trước đây mới là Trường Mẫu giáo thực tế.
Không biết làm sao sửa được.
Còn trạm xá và trường tiểu học thực ở đâu thì tôi có nhìn qua nhưng không lưu tâm nên không chắc lắm.

Nặc danh nói...

Lẽ ra mít phải sấy khô gửi cho SG một ít chứ? Chẳng lẽ không "thưởng" cho thành tích của SG chút xíu gì? JM