Anh em ta chắc không ai không biết chuyện "ngô bổ hơn gạo", "cá khô bổ hơn cá tươi", ... của thời cơm độn ngô ăn với cá khô. Hồi ở Hưng Hoá bọn ăn nhiều chúng tôi rất khoái các bữa trùng hợp "cơm ngô-cá khô". Cơm ngô và (đầu) cá khô, vì khó ăn, sẽ còn thừa và bọn tôi chỉ cần dồn đồ thừa ấy của vài mâm là đủ ăn đến no, với lí sự "động viên" của ông Từ Giấy. Nay Từ Ngữ có vài dòng tâm sự, tôi chuyển lên đây để chia sẻ với mọi người.
Thành ơi, Từ Ngữ đây, Ông già tôi hiện nay không khỏe lắm, tôi muốn viết mấy nét về Ông già tôi. Ông xem hộ, nếu không thấy phiền hà gì thì đưa lên blog, tôi muốn anh em góp ý kiến, cảm ơn nhiều và mong có nhiều ý kiến.
Từ Ngữ
Mấy năm gần đây trên các diễn đàn về dinh dưỡng - thực phẩm, chúng ta thiếu vắng các bài viết mang tính triết lý sâu sắc như “Thực đơn giết chồng”, “Một nụ hôn nối liền hai thế kỷ”... Tác giả của các bài viết đó là GS. Từ Giấy, Anh hùng Lao động, nguyên Chủ nhiệm báo “Vui sống” thời kỳ chống Pháp, nguyên Chủ nhiệm khoa Vệ sinh - Đại học Quân Y, Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng đầu tiên của trường Đại học Y khoa Hà Nội, Chủ nhiệm hai chương trình nghiên cứu trọng điểm của Nhà nước về “cải tiến cơ cấu bữa ăn” mang mã số 64D, 64-02. Ông cũng nguyên là đại tá, phó cục trưởng cục Quân nhu, Viện trưởng viện Nghiên cứu ăn mặc quân đội - đã góp phần nuôi dưỡng quân đội đánh thắng đế quốc Mỹ với các thực đơn cho các quân binh chủng, lương khô 701 - 702, gạo bảo quản 4 túi...
Vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp, vừa là con út trong gia đình, tôi đã được Ông dạy bảo chu đáo, đồng thời tôi cũng có nhiều thời gian tìm hiểu Ông qua các câu chuyện vốn vẫn lưu truyền.
Ông ơi (tôi vẫn thường gọi Bố mình như vậy), người ta cứ gọi Ông là Ông “ngô bổ hơn gạo” là sao vậy? Ông cười và nói: “Thế không đúng sao, con phải hiểu là trong ngô giàu methionin (một loại axit amin) và chất béo hơn trong gạo nên ăn bánh đúc ngô thấy béo hơn bánh đúc gạo”. Thế có nghĩa là Ông chỉ nói về hai chất đó thôi ạ? Ông lại cười và bảo: “Không hẳn vậy, mà vì người ta chỉ nghe nửa tai thôi nên mới có tích ngô bổ hơn gạo”.
Ông ơi, thế còn Ông xuất thân từ gia đình bần nông sao người ta lại gọi Ông là “trí thức - tiểu tư sản”? Ông nói, ngày xưa lúc đất nước còn khó khăn nên người ta thường gọi là bữa cơm, người ta cũng thường mời “mời Bố Mẹ ăn cơm, mời Bác ăn cơm...”. Lúc ấy, vừa đi học ở Liên Xô về thấy bữa ăn của người Việt Nam thiếu nhiều chất đạm và béo nên trong các bài trình bày về dinh dưỡng và cải tiến bữa ăn, Bố thường nói cần phải có thêm thịt, cá, mỡ (bơ sữa) trong bữa ăn để bữa ăn cân đối hơn, góp phần cải thiện đời sống.
Ông ơi, thế tại sao Ông lại là “vua trốn họp” mà con thấy Ông đi họp cũng nhiều mà chủ trì các cuộc họp cũng nhiều? Ông nói ngay: “không đúng, cái nào cần họp vẫn phải họp”. Ông kể, họp là một phương pháp dùng trí tuệ tập thể để giải quyết công việc, tổ chức họp là một khoa học, họp phải mang lại lợi ích kinh tế. Sao lại vậy, họp có ra tiền đâu ạ? Ông lại giải thích, giả sử cuộc họp bàn về thất thu sau thu hoạch liên quan tới lĩnh vực vận chuyển, chế biến và bảo quản, nếu cuộc họp đưa ra giải pháp chỉ cần làm giảm tỷ lệ thất thu đó 1% - tính ra tiền thì nhiều lắm - thì chắc chắn cuộc họp đó là mang lại lợi ích về kinh tế rồi. Nhưng Ông vẫn nói thêm rằng thành phần cuộc họp rất quan trọng, không phải chỉ có người ra quyết định mà còn phải có người tổ chức thực hiện các quyết định đó...
Thế còn VAC, tại sao bác Nguyễn Ngọc Trìu (Chủ tịch hội VACVINA, nguyên Phó thủ tướng) lại tặng bằng khen “Người đề xuất danh từ VAC” cho Ông? Ông kể rằng cả cuộc đời Ông gắn với từ “ứng dụng”. Trong Ông, làm thế nào để biến một bữa cơm thành một bữa ăn ở một đất nước có tới 80% dân số làm nông nghiệp, làm sao có thực phẩm tại chỗ (để đảm bảo dinh dưỡng) luôn là câu hỏi. Ông quan trọng việc đưa được mô hình sản xuất VAC vào cuộc sống hơn là tranh luận VAC có từ đâu. Ông dùng lời của Eramus Darwin (1731 - 1802) để kết luận: “Trong nghiên cứu, vinh quang thuộc về người có khả năng thuyết phục để mọi người chấp nhận, biết đưa những phát kiến mới vào thực tế cuộc sống chứ không phải là người đầu tiên đã đưa ra ý kiến đó”.
Tôi nay đã là tiến sỹ (phun thuốc sâu cũ) và học hoàn toàn trong nước. Những năm 80 của thế kỷ trước khi Ông còn làm Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Ông luôn hỏi “con muốn học trên đại học ở đâu?”, Bố thì luôn muốn con học ở trong nước, Việt Nam là nước nghèo, bệnh thiếu dinh dưỡng là chủ yếu, nếu học ở Âu Mỹ thì rất tốt về phương pháp học nhưng việc ứng dụng các kiến thức học được lại khó, hay con trở thành trường hợp “đối chứng” đi. Vốn sợ thức ăn “tây”, ngày nhỏ thì lại nói ngọng thành ra “ngoại ngữ” kém nên tôi đồng ý làm “thực nghiệm” cho Ông. Và thế là một thày một trò (hai Bố con), và bài học đầu tiên Ông dạy tôi là “tự học”. Ông cũng dạy tôi cách đọc sách: đọc mục lục trước, đọc lời giới thiệu cuốn sách, cách đọc sách nhanh như đọc cách trang, đọc chéo... để chọn lựa các chỗ mình cần đọc, với các từ tiếng Anh thì chỉ các từ được lặp lại nhiều lần mới tra từ điển nghĩa của từ đó... Bố tôi vẫn kể không bao giờ Ông đánh trượt học sinh và cũng chẳng bao giờ Ông cho học sinh điểm mười vì Ông vẫn nghĩ ai cũng phải tiếp tục học và học mãi. Mà vì thế thì phải tự học thôi.
Giờ đây, mỗi sáng trước khi đi làm vào chào “Ông ơi, con đi làm đây”, Ông nằm đấy và chỉ gật gật đầu. Bác Nguyễn Thanh Bình từng kể rằng Bố “mày” bơi rất giỏi, trong chiến dịch Điện Biên Phủ bữa ăn thiếu chất đạm và Bố “mày” thường là người lặn xuống suối bắt cá để cải thiện bữa ăn đạm bạc cho “chúng tao” đấy. Ông có nhiều khả năng và sở thích như viết báo, dạy thống kê y học và từng là phẫu thuật viên tại chiến trường nhưng Ông gắn bó cả cuộc đời với ngành Dinh dưỡng. GS. TSKH. Hà Huy Khôi đã viết: “Phải chăng cái mong muốn có một viện nghiên cứu quốc gia để cải thiện bữa ăn đã hình thành trong Anh từ thủa đó, lúc Anh ở tuổi 30”.
Thứ Tư, tháng 8 20, 2008
TẢN MẠN VỀ CHA TÔI - NGƯỜI CHIẾN SỸ - NHÀ GIÁO - NHÀ BÁO - NHÀ KHOA HỌC
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Tư, tháng 8 20, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
17 nhận xét:
Bài viết hay kinh khủng!
Cháu xin mạn phép các bloger "Bán Trời".
Thật sự bài viết của Bố rất hay, rất cảm động. Thanks Bố
- Bỏ mẹ, lâu nay cứ tưởng tác giả mấy chữ VAC là của cánh "nhà lông" chúng tôi.
- Ngày xưa tôi có đọc một bài của Cụ TG so sánh sự thất thu 1% sau thu hoạch với "thất thu" về hấp thụ dinh dưỡng do ăn uống không đúng cách.Rất đáng nể vì không có ai nhìn vấn đề dưới góc độ ấy cả.Trí thức phải tâm huyết thế mới xứng danh trí thức!
TM
Hôm nọ nghe Q.Dũng nói chuyện với một chuyên gia cao cấp vi sinh vật về men tiêu hoá, biết thêm một điều: số lượng con men (một triệu con chẳng hạn) trong một liều uống không quan trọng bằng khả năng sống và sinh sôi trong đường ruột của chúng. Một triệu con chết cả không bằng một nghìn con sống cả, đại loại là thế.
Qua bài viết của anh TN về người bố, người thầy của mình rất giản dị, gần gũi với mọi người. Tôi không dám khen, chỉ cảm nhận được quan niệm sống, làm việc và cống hiến của bác TG rất nhân bản và đầy ắp tính nhân văn. Đấy là tấm gương dung dị " Vì nước vì dân".
Đã bao nhiêu năm anh em mình ở với nhau thì đã bấy nhiêu năm biết đến GS Từ Giấy, một con người nhiệt huyết vì khoa học, vì cuộc sống của nhân dân lao động, đặc biệt vì sức khỏe của bộ đội.
Thực lòng cái câu: "Ngô bổ hơn gạo" anh em tôi ngày đó cứ cho là do hoàn cảnh đất nước nghèo đói mà các cụ nói vậy để động viên dân ta vui vẻ ăn khoai ăn sắn thay gạo. Thực tình cũng như xưa nay bọn tôi không hiểu biết nhiều về dinh dưỡng, mà chỉ biết ăn cái gì sướng mồm thôi. Mỗi lần đọc bài của GS Từ Giấy và sau này được anh Từ Ngữ giảng giải cho một số kiến thức về dinh dưỡng (nhân những chuyến anh em mình cùng ngồi trên xe đi về Phú Thọ, Đại Từ...)tôi cũng vỡ ra nhiều và đã vận dụng vào để "dinh dưỡng" cho đứa cháu nội.
GS Từ Giấy là chỗ đồng nghiệp thân thiết của ông già tôi, các cụ giống nhau đặc biệt về nhiệt huyết nghề nghiệp.Bây giờ tuổi cao, sức yếu nó bó cái nhiệt huyết của các cụ thì thấy các cụ khổ sở lắm.
GS Từ Giấy - một con người được nhiều người biết đến, đặc biệt trong giới y học trong nước cũng như quốc tế. Chúng ta mãi mãi tự hào vì có những người cha, người thày đáng kính như GS Từ Giấy.
TTXVH
có chuyện này chưa nói, chuyện về cách cắt bánh chưng : vẫn dùng 4 lạt, có hai cách cắt. 1 là đặt lạt theo chiều dọc hai cái theo chiềi này hai cái theo chiều kia và cắt được 9 miếng. Cách hai như ngày nay, hai lạt vuông với nhau ở giữa và hai cái chéo và cắt được 8 miếng. Tại sao lại vậy? Hoàn toàn là dinh dưỡng đấy. cám ơn nếu các bạn có lời bình. TN
Chào TN! ông viết rất hay, sáng nay đọc,đinh viết mấy chuyện tếu táo mà hôm ông đi xiên vịt vừa rồi tôi có lẻo mép một chút, song vì thấy nghiêm túc quá nên lại thôi.(cái chuyện "học thấy" cho đồng bọn húp ...xương gà ấy mà). Cũng đinh tuy tooe vài chữ song thấy văn mình dạng văn củ khoai nên nỏ giám. THứ nữa là bị bắn phơi lung dững hai lần nên cũng dét. Ông cố gắng viết nhiều cho ACE đọc cọp vậy cũng đã là góp công nhớn rồi. Cảm ơn ông đã cho bọn tớ, những hoc trò của cụ một chân dung một người thầy mẫu mực đúng với tất cả những ý nghĩa đẹpnhất của từ này.
DS
nếu Dũng Sô muốn thì sẽ gửi bài của người khác viết về GS. Còn tôi chỉ thích tản mạn và mọi người tự hiểu thôi. Cảm ơn. TN
DS làm gì mà nhanh "dét" thế. Bắn chơi như gãi ngứa thôi mà. Mà chắc gì là bắn DS?
Trong sản xuất, nhất là nông nghiệp, việc tăng sản lượng 1% là khó vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố: giống, chăm bón, thời tiết...Nhưng việc giảm tỷ lệ thất thoát 1% sau thu hoạch thì lại là một việc làm hiện thực, chỉ phụ thuộc vào con người thôi. Hai việc làm đều đạt một mục đích là tăng sản lượng 1%, nhưng cách thứ hai hiện thực hơn tại sao không làm nhỉ. Hồi còn bé ở quê tôi vẫn thường đi mót lúa, tức là nhặt những bông lúa còn sót lại trên cánh đồng sau khi gặt. Cũng được kha khá (không kể cả rút trộm).
GM.
Dạ thưa các mem bantroi. Cháu xin bật mí một chuyện nhỏ về gia đình cháu. Cháu là người rất khảnh ăn, không bao giờ cháu ăn được ngô (bắp). Ông nội cháu lại rất yêu cháu vì cháu rất ngoan :)) (hồi nhỏ thôi ạ). Và điều quan trọng nhất cháu đến bây giờ vẫn không hiểu là tại sao ông nội cháu nói : "Ngô bổ hơn gạo" nhưng thực sự cháu không bao giờ được ăn đồ bổ cả. Lúc đó, thưa các mem, cả nhà cháu đành phải hy sinh đồ bổ cho mọi người và ăn cái thứ "không bổ" thôi :))
-Kính bác GM :
Bác nói thế là động vào chuyên môn của em rồi.Hiện nay nước ta có cả một bộ máy hùng hậu các nhà KH lo cho "công nghệ sau thu hoạch". Họ rất giỏi nên cãi nhau rất hăng trong các hội nghị.Thực ra vấn đề không đơn giản như mình nghĩ, ví dụ loại máy gặt liên hợp nào gặt sạch và ít rơi rụng nhất( máy Tây xài ở ruộng bùn của ta chỉ có vứt);xử lý ẩm độ hạt trong bảo quản, tồn trữ khi thu hoạch mùa mưa lũ; phòng chống chuột bọ, sâu mọt...Chi phí là rất lớn.
Trong Nam người ta không mót lúa như thời anh đâu, họ cho vịt thả đồng vào chén sạch, lợi cả đôi đường.
Có thêm chuyện vui này. Hồi mình còn đói, bọn FAO ( tổ chức lương thực Của LHQ) đến thăm,các chú ta lập tức "ca bài ca con cá" để xin viện trợ,vì ở VN" tổn thất sau thu hoạch" là quá lớn,gồm cả... nạn tham nhũng LT.Mấy ô Tây ngớ ra rồi cười phá lên- Họ quan niệm LT do tham nhũng, cuối cùng cũng chui vào bụng con người nên không thể coi là tổn thất.
TM
Thời HTX, nghe nói, người ta đi gặt để sót nhiều. Lúa sót, hoặc sẽ có GM đi nhặt, hoặc sẽ có vịt xơi cuối cùng cũng vào bụng. Chả phải miền Nam mới có vịt chạy đồng.
Nói thế qúa bằng chỉ có GM và dân thả vịt "mong" tổn thất sau thu hoạch là 10%!?
TM
Từ Ngữ đọc lời góp của anh em, tức khí viết bài này. Tôi thấy cứ cho vào lời góp cho nó sôi động cái đề tài dinh dưỡng nhìn từ nhiều góc độ.
Chuyện Dinh dưỡng
Dinh dưỡng mà không liên quan tới kinh tế à? Người ta tính rằng một người thọ 70 tuổi ăn hết 10 tấn gạo, 25 tấn thực phẩm (thịt, cá, rau…), 65 tấn nước và 10 tấn than củi chất đốt để nấu ăn. Vì vậy biết ăn thì tiết kiệm được kha khá đấy, tất nhiên phải chú ý “hoạ từ miệng” nhé. Vì vậy người á đông rất quan tâm tới cân bằng âm dương trong bữa ăn.
Thuốc và thực phẩm thì ai cũng biết, nhưng có loại chẳng phải thuốc cũng chẳng phải thực phẩm mà vẫn dùng qua đường miệng (nhiều người rất thích cao hổ cốt, nhân sâm, cao ngựa bạch…) nên người “Tầu” mới nghĩ ra thuật ngữ “Thuốc - thực phẩm” vào những năm 1980, Âu Mỹ nhân đó có ngay thuật ngữ “Thực phẩm chức năng”. Phương đông hiện nay có bán “thực phẩm chức năng” đa cấp rất thịnh hành, chắc là nhiều bạn hay gia đình đã dùng. Người Âu Mỹ lại dùng “one per day” - ngày 1 viên, mà bản chất là tổng hợp các loại vitamin và khoáng (ngày xưa ta có polyvitamin hay đa sinh tố).
Chuyện chất béo cũng hay. Ngày nay nhà nhà ăn dầu thực vật. Ngày xưa cứ đến tết cánh ta phải ăn hết 1 đĩa thịt lợn mỡ, nay thì “ uống bia hưởng lạc”. Tôi cũng không hiểu tại sao bây giờ ai cũng sợ chất béo nguồn gốc động vật (mỡ lợn). Có người giải thích vì sợ cholesteron máu cao gây cao huyết áp, gây đột quỵ… Thưa rằng cholesteron gây xơ cứng thành mạch nên cao huyết áp? Đúng. Nhưng nếu chỉ dùng dầu thực vật thôi thì lại có nguy cơ thành mạch “yếu” dẫn tới nhũn não. Cho nên có lời khuyên các bạn nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật. Cụ thể thế nào nên đọc thêm tài liệu và nghe lời chỉ dẫn của Bác sĩ.
Chúng ta có giao ban hưởng lạc, thấy các bạn trẻ giờ cứ “zô” 100%..., tôi xin kể chuyện các giai đoạn trong uống rượu. Rượu là gì chắc ai cũng biết, tại sao ta lại uống bia rượu cũng biết và vì thế mới cần có văn hóa trong uống rượu. Giai đoạn 1 là uống để biến thành con công, công thì là phải đẹp rồi, ăn nói hấp dẫn hơn, dám nói ra các điều bình thường ngại không muốn nói, thường chị em không phản đối việc này. Giai đoạn 2 là biến thành con khỉ, thấy người ta uống mình cũng uống (bắt chước), giai đoạn này hay bị lừa lắm vì phụ thuộc vào người ra rượu. Qua giai đoạn này đến giai đoạn con Hổ, hung hăng, trên bàn tiệc cả trăm người nói và không có người nghe, và bữa tiệc thường tàn khi này. Và đến giai đoạn con Lợn lăn ra ngủ và không biết gì hết, chị em ghét lắm nên mới nói “cút hơn lít là vậy”.
Các cụ ta thường nói “cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà nhẩy ổ”. Các cụ thích gì nói đó và mọi người đều hiểu, còn ta bây giờ thích thì rất thích nhưng cứ nói lòng vòng.
TN nói thế cũng chưa đúng hoàn toàn, bây giờ nó không nói mà thích gì thì làm tới luôn
Đăng nhận xét