Thứ Ba, tháng 8 26, 2008

XEM TRUYỆN Ở TRƯỜNG

Hồi trường mình lúc đã về Hưng Hóa, tôi không biết ai đã mang những cuốn truyện đó lên, nhưng là những cuốn như “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”, “Thuyết đường”… - hồi đó không còn xuất bản nữa - hay “Bồng lai hiệp khách”, “Hoàng giang nữ hiệp” - là những truyện kiếm hiệp nổi tiếng thời Tây, lúc bấy giờ đang bị cấm – toàn những truyện “mê ly”, hớp hồn cả bọn ở cái tuổi 14, 15. Mấy cuốn dầy như “Thủy hử” đều được tự động phân chia thành nhiều tập bằng cách xé ra từng xấp rồi truyền tay nhau xem.
Mà xem truyện cũng là 1 “mánh lới” lúc bấy giờ. Mượn được nó đâu phải dễ. Thường mấy đứa mượn được đàng hoàng hay tranh thủ xem vào giờ ngủ trưa, mà đứa nào “lỡ” ngủ mất là “toi”. Có đứa cẩn thận nhét xấp truyện xuống dưới gối, nằm lên cho chắc ăn. Và đấy cũng là việc chắc ăn cho tụi tôi, tụi chẳng biết làm sao mượn được mấy cuốn truyện đó cả. Chỉ đợi tụi nó ngủ rồi là mình lòn tay nâng đầu thằng bạn lên 1 cách nhẹ nhàng làm nhiều thằng lớ mớ cứ tưởng như đang ở nhà được mẹ nâng đầu khi ngủ vậy. Thế là tay kia rút ngay cuốn truyện ra. Thật mỹ mãn !
Nhưng tới lúc xem mới là “gay cấn”. “Thò” ra xem đàng hoàng nó đòi lại là xong. Chỉ có cách hay nhất mà cũng thích nhất là xem trong giờ học – không phải giờ Tự tu, vì lúc đó đứa nào cũng có thể tới “xem mày làm gì ?”. Vậy là áp dụng ngay “chiến thuật copy” bài khi kiểm tra để xem. Nhiều khi ham quá, quên là trong giờ, khoái chí cười lớn bị thầy phạt thấy mẹ luôn. Mà tranh thủ ngay lúc mình bị phạt, thằng bên cạnh lập tức “chôm” luôn cuốn truyện - Phải thủ tiêu tang chứng để thầy không biết ! Thế là “họa vô đơn chí”!
Đó là thượng sách, còn hạ sách thì có thằng đợi tối tới, sau khi tắt đèn bèn trùm chăn lại đốt lên 1 cái đèn dầu riêng đã thủ sẵn trước đó để đọc. Cực kỳ yên tĩnh và không ai biết. Vấn đề ở chỗ là nếu chẳng may ngủ gục thì bỏ mẹ ngay và ngoài ra còn phải thường xuyên thò mũi ra ngoài hít thở “không khí trong lành” vài cái rồi mới tiếp tục được.
Các xấp truyện được trao đổi với nhau sau khi xem xong không theo 1 thứ tự, lớp lang nào hết. Việc xem phần đuôi trước, phần đầu sau là bình thường. Không những thế còn xem lẫn lộn 1 lúc nhiều truyện khác nhau nữa là. Tuy vậy tất cả đều mê mải “nghiên cứu” không sót từ nào rồi lại mang ra bình phẩm, trao đổi. Tôi nhớ, có thằng còn đọc vanh vách không sai chữ nào tới vài chục trang liền của 1 cuốn truyện mà nó có cơ hội giữ lâu – trong khi mấy câu dẫn chứng ngắn ngủn cho bài tập làm văn thì sai lên sai xuống, học mãi vẫn không vô !
Thiệt là hồi đó xem mấy cuốn truyện rách và thiếu trang (mà ngày nay tụi nhỏ gọi là Chưởng “thọt”) sao thấy hay thế và chẳng thể nào quên được. Sau này tôi có cơ hội xem lại 1 số truyện đó, nhưng đều cảm thấy không còn hay như xưa (?) Hay tại ngày nay NXB in thiếu !

10 nhận xét:

Nặc danh nói...

Không phải NXB in thiếu mà là "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" đấy HMK6 ạ.
GM.

AK7 nói...

thằng Mèo nhắc lại chuyện xưa nghe đã góa...Còn nhớ,sáng sau dậy,thằng này nhìn thằng kia ôm bụng cười vì 2 lỗ mũi đen kịt vì muội đèn...!

Nặc danh nói...

Tôi nhớ ngày ở Trung Hà, tôi đang đọc một cuốn Tam Quốc ( không nhớ là tập mấy). Cất dưới gối thì bị mất.Mấy hôm sau được nhận lại từ một người thầy, tôi lại tiếp tục đọc. Nhưng lần đọc này là trong giờ học ,lại là giờ của thầy đã đưa lại cuốn sách cho tôi.Hôm đó, thầy bắt được, thầy lật qua lật lại rồi xé nát nó ngay trước lớp.Tôi phẫn uất và tiếc cuốn sách nên không kìm được mình :” Thầy xem xong rồi mà !”. Giờ học đó tôi bị đuổi ra khỏi lớp. Mỗi lần nhớ lại, tôi thấy thật buồn cho mình

Nặc danh nói...

quen xung danh :KT.K7

HữuThành.Nguyễn nói...

Truyện đọc ở trường nhiều nhất là thời bên Quế Lâm, mượn ở thư viện. Jên Erơ, Bài ca sư phạm, kịch Moliere, ... Sau này thời sinh viên ở HN đọc Xa Mạc-tư-khoa, và các tác phẩm nội thời chống Mỹ. Đó là những quyển sách làm nên nhân cách.
75 vào SG, ở 755 hoặc TSN, mới đọc hàng thước sách chưởng mượn từ nhà đồng hương cháo bột cho thuê sách. Buổi tối chia nhau đọc. Không xé sách ra nhưng cũng loạn xà ngầu, người từ đầu lại, người từ giữa ra, ... Không trùm chăn nhưng cũng phải vào kho đọc để khỏi ảnh hưởng các anh không đọc như HQT k1, ... Đôi khi "CLB sỹ quan" trong TSN còn tổ chức cháo gà, rượu đậu nành sau giờ lính "lên chuồng" để lấy sức đọc thâu đêm.

Nặc danh nói...

Minh Nghia b2 khoa 8 noi.Nho Hoa Son co tri nho tuyet voi.Dem tat den di ngu ca tieu doi nam nghe Hoa Son doc Thuy hu,Tam quoc tu tri nho.

Nặc danh nói...

Đời tui đọc cũng khá nhìu sách, nhưng cuốn ấn tượng nhất là quyển Bài ca sư phạm (BCSP) của Makarenco. Trước đó có thầy cho mựơn nhưng chỉ đọc vài trang rồi trả. Hồi lớp 5 có học giảng văn trích đọan cái pố xây lò sưởi, nhưng chẳng hiểu jì hết.

Đến đầu học kỳ 3 lớp 8, lúc đã quay về Trung Hà, ngồi chơi với 2 giáo viên dạy cho cánh Anh hùng Dũng sĩ (ko hỉu các pác có nhớ ko), thấy trên bàn có cuốn BCSP tập 2, liền mở ra coi. Đọc vài trang rồi cười ngất, liền mượn cả 3tập. Ngốn ngấu trong một ngày chủ nhật, rồi trả liền. Có zdậy đở mất công giử sách. Mà các pố nhà ta lúc đó cũng chưa thèm đọc cái đồ khô khan như "sư phạm".
Còn chiện chưởng thi phải nói Tư tui là số 1 tòan trường, vì trước đó (năm 66), Tư còn ở SG. Ở Trại Cau, đem chuyện Kim Dung ra kể, bị pố nhà ta nào đó hót với B trưởng là tuyên truyền văn hóa phản động, độc hại, xém bị kiểm điểm. Từ đó tịt ngòi lun. Chuyện nè có ĐN, Gtl làm chứng.

Bi jờ đọc "chưởng" vẫn hay, nhưng xem phim thì ko "đã" vì phim kém so dzới sức tưởng tượng bay bổng của mình hồi nẫm.

Vài hồi ức dzui dzẻ.

4SG

Nặc danh nói...

Thế ra bantroi ta có nhều quái nhân nhỉ. Hồi ở trường thú thật là mính chưa đọc một quyển chuyên nào cả. Ấy thế mà Hội chợ phù hoa, Jenere...đều tỏ. K4 có anh Toàn Thắng trí nhớ tuyệt vời.Khi ở Hưng hóa, cứ chiều đến mấy anh em hay tụ họp trên bãi cỏ trước nhà hiệu bộ. Thằng ngồi thằng nằm ai thích kiểu gì thì tùy,sau một hồi tán gẫu, đến phấn TT đọc truyện,đọc mà không hề có sách.Phải nói là anh em lim dim mê li. Sau này có thời gian đọc lại những chuyên đó,mới thấy càng khâm phục trí nhớ của bạn mình .Phải nói các cụ xưa dich truyện hay không thể tả được. Nó sống động cứ như cuốn phim diễn ra trước mắt,nó làm mình sống chung với câu chuyện...
DS

Nặc danh nói...

Hồi đó K4 lớp bé cũng có Minh Dũng hay đọc chuyện và có trí nhớ tốt, hồi đó cứ khi lên giường cả lớp lại yêu cầu nó "đọc lại", nghe mê mệt mãi đến khi nó cười ầm ĩ thì mới biết là cả lớp nghe nó tự sáng tác và bốc phét, vậy mà cả lớp vẫn cứ yêu cầu nó sáng tác tiếp.
TTXVH

Nặc danh nói...

Trường mình có thư viện Trường Văn hóa, cũng nhiều sách.
HCQuang