Thứ Sáu, tháng 5 16, 2008

"Về nguồn" An Mỹ, Đại Từ

Gọi là An Mỹ theo tên cũ để hợp với "về nguồn", chứ bây giờ là xã Mỹ Yên. Bản đồ quân sự do Bộ TTM in năm 1979 cũng đã dùng tên này rồi. Trộm phép anh Kính cấc, vừa được anh DS tặng cho danh hiệu "bác Hán học", giải nôm của tên chữ An Mỹ hay Mỹ Yên thì đều là "vừa đẹp vừa lành".

Theo hẹn chúng tôi đến đón PH tại khách sạn vào 7h30 sáng 15/5 và 15 phút sau đã chờ ở phù điêu đầu cầu Thăng Long. Gọi điện cho nhóm Tăng Bạt Hổ, biết họ chưa khởi hành nên chúng tôi quyết định sẽ tà tà đi trước, nếu có nghỉ ở đâu thì báo để hội quân. Lúc gặp nhau mới biết thay vì đi hai xe rộng rãi bọn họ chọn phương án một xe đầy tải. Kể ra như thế có ưu điểm thay lái cho nhau nhưng lại hơi bị chật. Tổng cộng có 11 người đi chuyến này: vợ chồng Từ Ngũ, vợ chồng KQ, HH, ĐC và GM đi xe KQ; còn Văn Tuấn, Ngọc Tuấn và PH đi xe tôi.

Đến Thái Nguyên, chúng tôi rẽ đường đi Hồ Núi Cốc để khảo sát đường và nghỉ chờ nhóm kia luôn. Nhưng ĐC thông báo họ sẽ đi thẳng đường 3 lên Bờ Đậu rẽ vào. Mà trên Xã anh Điều CT UBND đã gọi điện hỏi đến đâu rồi, liệu 11h có tới? Vì thế chúng tôi đi thẳng, hẹn chờ ở khu Di tích Lịch sử 27/7, nơi Cụ Hồ kí q/đ Ngày TBLS 27/7.

Đường vào Mỹ Yên xấu hơn mấy năm trước tôi đi, kiểu xấu của đường đất lẫn đá lâu lâu chưa được san ủi lại. Tuấn hủi bảo cho cái xe gạt cậu làm đẹp chỉ khoảng nửa tháng. Có điều an ủi là dân đang chặt cây ven đường suốt từ Đại Từ cho đến Mỹ Yên, giải phóng mặt đường để làm đường theo dự án 12 tỉ vốn ngân sách. KQ có sáng kiến "bảo tồn di tích lịch sử", đề nghị cứ giữ nguyên đường xấu cho nó giống ngày xưa!!!

Trong đoàn, hình như chỉ có tôi và Tuấn hủi đã từng về lại An Mỹ. Nhưng chuyến của Tuấn hủi thì 10 năm rồi nên có cái cậu cũng không biết, như chuyện gốc đa chiếu phim đã thành xóm(?). Qua bộ đàm, khi đi qua khỏi Suối Chì tôi mới dám chắc, thông báo khu vực Trại Cau và các lối vào bên trái, bên phải đi k5/k6 thời đó. Cũng chỉ lướt qua vì chủ đang đợi khách. Đến ngã 3 Gốc Đa Tuấn hủi công nhận khác quá, đã từng về mà còn thấy lạ. Nổ ra tranh cãi Gốc Đa là gốc đa nào, bên phải hay bên trái lối vào. Tôi thì chỉ có gốc đa bên phải, là chỗ chiếu phim. Còn Tuấn hủi, có PH ủng hộ, thì lại bảo bên trái, to hơn. Nếu nói như vậy thì hình như cả khu đó đều có gốc đa; bãi chiếu phim bên phải, nhà khách và hiệu bộ bên trái trước khi xuống suối, đều có. Với tôi Gốc Đa là chỗ chiếu phim hàng tuần.

Lần thứ 3 trở lại Mỹ Yên nhưng đây là lần đầu tiên tôi có thời gian, quan hệ và bạn bè để đến lại những nơi chốn cũ. Từ ngã ba Gốc Đa xuôi qua suối gần 2km là đến trung tâm xã. Ở đây có trường mẫu giáo, trường phổ thông, bưu điện, chợ, hàng ăn, trạm xá, ... Bây giờ tôi mới nhớ không hỏi một câu nào, không sang ngó cái bệnh xá mà mình (mượn giọng thị trường chứng khoán) có "cổ phần".
UBND ở ngay bên đường, mẫu nhà một tầng mái bằng, có lẽ mới xây vì cây trong sân vẫn còn nhỏ, chưa đủ che bóng mát (điểm dấu "MyYenDaiTu").

Các anh chị đầu Xã đã chờ sẵn, mời vào hội trường giới thiệu làm quen. Ngồi cạnh KQ là anh Điều Chủ tịch UBND, phó BT; xa hơn một chút là anh Quang Chủ tịch HĐND, Bí thư, và một vài anh chị khác. Chúng tôi giới thiệu anh em trong đoàn và nêu mối quan tâm đóng góp thiết thực gì cho địa phương hợp với sức mình. Anh Quang điều khiển "hội nghị" mời mọi người đi ăn trưa, giao lưu rồi từ từ sẽ trao đổi.

Đặt y/c được gặp gỡ địa phương để làm việc, chúng tôi ban đầu sợ phiền nên đề nghị không có ăn uống gì. Nhưng quả là trái với phong tục quý khách của dân ta nói chung, nên không thể từ chối. Biết thế nên chúng tôi đã trình bày trước rằng sẽ đóng góp cho bữa này, bằng "hiện vật có cồn" và "hiện kim", chủ nhà vui vẻ chấp thuận. Bởi thế đây là bữa trưa rất vui vẻ giữa anh chị em đoàn Trỗi và các anh chị cán bộ nhiều ngành của Xã. Mọi người nói chuyện rất vui vẻ, thân mật, không khách sáo. Có lẽ vì anh em trong đoàn không phải xa lạ như khách khi nói tới con người, mảnh đất nơi đây.
Rượu uống "xa luân chiến", cả các anh và các chị, rất khó từ chối dù đã nấp sau trách nhiệm lái xe. GM khen rượu Mỹ Yên uống ngon, tôi thì chịu không biết đánh giá nhưng không thấy khó ở trong đầu.
Một năm rưỡi ở Mỹ Yên, thời gian ở trong nhà dân chỉ là vài tháng trước khi có doanh trại. Các anh em chuyển từ trại Hoè lên quãng tháng 6. Còn tôi thì mãi giữa tháng 9 mới lên, đầu tháng 10 đã ra Trại Cau trước ngày khai giảng 15/10 thế nhưng vẫn nhớ được ít cảnh vật, sinh hoạt trong Đồng Cháy. Kể ra chuyện buổi trưa lên đồi ăn quả sắn thuyền đen miệng là nhận ra "dân Đồng Cháy". Anh Khương, phó CT UBND, nhà trước đây bếp ăn k4 đóng, vẫn còn nhớ hồi đó chuyên đi theo các anh để ... xin kẹo. Lại còn hồi tưởng của người già nào đó về Nhân "kiệt" chuyên ăn kẹo trong ... màn. Xem ra trong dân, câu chuyện của chúng ta có rất ít "khói lửa" mà nhiều đường ngọt và những cú ngã ôm gọn con vịt trong lòng. Bây giờ tất cả chỉ là chuyện vui.
Kế hoạch 17h chia tay, các điểm k4 đã từng ở sẽ được các anh đầu Xã đưa đi. Đầu tiên là Đồng Cháy.
Bám bờ tường UBND Xã đã nhìn rõ xóm Đồng Cháy ngay gần. Cứ nghĩ có thể đi chân, nhưng đông, người thành phần sức khoẻ đa dạng, có tuổi, nhậu rượu, lại cần thời gian đi nhiều nơi nên cũng phải lên ô tô, hơn cây số chứ có ít đâu. Dừng xe chụp toàn cảnh xóm Đồng Cháy, là cách gọi của mình, tựa lưng vào dãy đồi cao đằng sau mà trên bản đồ là Đông Chay.
Ra khỏi xe, đứng giữa ruộng lúa thì con gái, thoảng thơm. Những khoảnh ruộng bậc thang lớn gợi nhớ khi xưa ăn cơm xong rửa bát bằng nước chảy từ ruộng trên xuống ruộng dưới. Nhìn về phía Gốc Đa là xóm k4 ở, có nhà bếp.
Sau lưng là đồi Đồng Cháy. Không nghĩ là khoảng cách buổi trưa bỏ ngủ, lên đồi kết hợp "quận công" với ăn quả sắn thuyền lại phải đi xa như thế. Tất cả các khoảng cách không gian hồi nhỏ thấy to thì lớn lên lại thấy nhỏ. Ở đây cảm cảm nhận ngược lại. Có điều chính xác là hồi đó không ở sát đồi. Trên bản đồ, từ bếp đến đồi cũng phải trên km.
Theo lời kể của tôi, từ nhà tôi ở đi đến bếp phải qua một cái giếng xếp đá có miệng be bằng cật tre đan. Anh Khương nói thế thì ở nhà ông Lý.
Nhà ấy dọn về Phổ Yên với con, thửa đất nay không còn ai ở nữa, ở xa kia kìa. Cũng cái ảnh trên trích một mảnh ở tỉ lệ xem 1/1 thì là chỗ đất có cái mộ xây mầu trắng.
Còn cái giếng xưa thì bây giờ nó thế này. Là vì có phong trào người rút lên chỗ cao ở để lấy đất làm ruộng nên thế, chứ ngày xưa nó ở giáp ruộng. Ngoài vườn hoang cạnh cái giếng kia có cái cối đá mẻ miệng, chả dùng được nữa. Tôi xin về định sẽ để lăn lóc đâu đó trong sân nhà như một thứ "đồ cổ" chỉ có giá trị với mình; mà nặng quá, không tiện lấy được chuyến này.
Ngay chỗ chúng tôi đứng là nhà của một lão đ/c Tiền Khởi nghĩa, tên Dương Văn Luân (vợ, bà Nguyễn Thị Hội), 87 tuổi. Ông nói ngày xưa thầy Tiệp ở đây, sau lưng là tường treo bảng. Chúng tôi nhớ thầy Tiệp thấp, nhỏ người, mặt tròn, dạy toán. Khi mới lên có chuyến đi lấy củi, bọn tôi không được đi vì còn phải ở nhà học ôn cho kịp các bạn. Chắc là các thầy muốn bọn tôi vào sống xa nhà một cách từ từ, sốc là đòi về đấy.
Đặc biệt lão đ/c Dương Văn Luân nói được tham dự buổi tuyên bố phong tướng cho Đại tướng VNG ở đâu đó mà tôi không nghe rõ. Đó là ngày 28/8/1948, có khi ông không còn nhớ. Chia tay, ông gửi lời thăm thầy Tiệp. Anh em nhận lời với ông mà có khi không biết hiện thầy Tiệp ở đâu.
Rời Đồng Cháy, các anh Quang, Điều đưa chúng tôi đi Bom Bom bằng lối "hữu ngạn" qua các xóm mà ngày xưa khi cơn lũ suối tràn vào nhà B2, chúng tôi phải đội mưa vào ngủ tạm qua đêm. Đường hẹp, mới làm để xe cơ giới có thể đi. Nhưng có lẽ không theo bất cứ tiêu chuẩn nào nên mặt khô mà thân còn nhão. Xe Zace chạy trước xọc ngay 4 bánh xuống, không tiến, lùi được nữa. Công cuộc giải cứu rất khó khăn. Xe tôi cài cầu khoẻ, côn cháy khét lẹt mà xe kia vẫn không lên được. Dây kéo lớn bằng ni-lông của tôi đã từng cứu hộ xe bị lầy thành công nay đứt phựt. Hì hục đào đất chèn bánh xe. Giải pháp cuối cùng có hiệu quả là đào đất bánh sau, tập trung khiêng đầu xe cho bánh trước thoát, xe tự lên được. Mãi khi về giữa đường mùi khét ở đầu xe tôi mới tan hết, cũng coi như bị nội thương. Kết luận "lối nhỏ chưa chắc là lối an toàn".
Quay lại đi BomBom theo lối cũ, ghé nhà anh Quang, ngay ngã ba Gốc Đa. Trước kia ở đây chính là chỗ có gốc đa. Khi dồn dân lên cao lấy đất làm ruộng và có dân di cư đến khai hoang (quá đà nên giờ núi trọc) thì các gốc đa đều bị chặt hạ lấy đất ở.
Ngõ vào, một bên là vườn chè lấy búp, một bên là xưởng xẻ gỗ của con trai anh Quang. Nhà anh Quang thu thập giấy khen của mấy chục năm công tác, đến mấy chục cái treo kín trên tường. Xế đằng sau nhà không biết công ti thông tin di động nào đã dựng cột nhưng chưa có an-ten. Nếu chụp ảnh từ xa thì thuyết minh về Gốc Đa sẽ dễ hơn, nhưng bận lái xe không chụp được. Cứ hình dung đi đường trong xóm, tường xây cao, đến một ngã ba, nếu nhìn xuống dốc thấy suối thì trong khuôn viên của mấy cái nhà quanh đấy sẽ là chỗ của các gốc đa xưa.

Rời nhà anh Quang bí thư, rẽ phải theo đường xưa vào bãi đá khai giảng. Ngày trước đoạn đường này hai bên là bãi cỏ với những lùm cây phân xanh, cây mua, thi thoảng có cây dọc và có cả trám xanh. Bây giờ là một nỗi thất vọng lớn. Tường nhà, hàng rào nối tiếp "che mắt địch". Rồi cũng chỉ đi được một đoạn, nhìn thấy một lối đi ra suối, là nơi tôi để xe của chuyến về mấy năm trước.
Có một xóm nhỏ mấy ngôi nhà là bếp tạm năm lớp 8 trước khi có bếp riêng sát bờ suối.

Lần này có sếp địa phương dẫn đường, đi thêm được một đoạn. Nhớ ngày xưa lên dốc là đâm thẳng vào nhà, khi chưa khai giảng, khi còn đi chặt cây làm nhà, khi mà trong nhà có một thằng mới lên trắng phốp pháp miễn lao động toàn nói chuyện thế giới; ấy là Thanh Nhân.
Bây giờ chả biết đấy bây giờ là đâu.
Xa xa là tường rào của bể trữ nước sạch; công trình nước sạch tự chảy điển hình với lưu lượng 8 nghìn mét khối/ngày. Nếu tính mỗi hộ dùng nước sinh hoạt 1 khối trên ngày thì nguồn này đủ cho 8 nghìn hộ, một con số lớn.
Đi thêm một đoạn thì thấy lại con đường qua suối (điểm dấu "QUASUOI"). Bên kia đi mãi sẽ là bãi khai thác đá, nơi khai giảng lần đầu tiên 15/10/1965 giữa cây rừng. Tự nhủ sẽ phải đi cho tới chỗ đó. Cuối cùng không có đồng chí, đành ngắm nhìn cầu treo cho nước nguồn theo ống về bể, và đi xuôi xuống Bom Bom.
Nước không còn nhiều nhưng cũng đủ chảy vui mắt. Mùa này chưa nắng nhiều, đá còn sạch chưa bị bám nhiều rêu, tinh khiết.
Những vết đen trong hình bên là những con bướm đen chập chờn. Chính tại chỗ này hơn 40 năm trước tôi đã thấy đàn bướm trắng hàng nghìn con đậu trên đá và dập dờn trong nắng. Như bài "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" của Phạm Tiến Duật "nắng khe cạn bướm bay lèn đá".
Còn đây là mặt nước Bom Bom. Tuy không còn là vực thẳm sâu như trước trận lũ lịch sử, nhưng Bom Bom đã trở lại là một hõm sâu có thể tắm. Bãi đá con lấp phẳng vực sau trận lũ đã được lũ của mấy chục năm qua cuốn trôi.
ĐC trèo đèo lội suối ở đâu không biết, ở đây cậu sẵn sàng leo lên lưng Chủ tịch UBND xã để qua chỗ lội. Rồi sau đó nhanh chóng biến mất. Nghe nói cậu lên vườn, hái chè mà không bắt bướm.
PH sướng quá, tắm tiên. Phải nói được tắm trong chuyến đi này thật sướng. Chỉ vì uống rượu ngà ngà, lại tự cho là có trách nhiệm điều tiết chuyến đi nên tôi đã không "thoát y tắm". Nước trong vắt, nhìn tận đáy. Được cái nó lung linh bóng trời nên PH không bị "lộ hàng". Đằng sau đ/c Chủ tịch cũng đã trầm mình vào dòng nước, còn HH đang tần ngần đứng trên tảng đá, chắc có lẽ tự hỏi đi tiếp hay quay lui.
Anh em động viên, Bí thư khích lệ, HH quyết định liều thân. Những ảnh tiếp theo có nội dung nhạy cảm, xin miễn công bố. Nói theo HH, nếu công bố sẽ bị 2 tội: 1. phát tán văn hóa phẩm có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục; 2. mà nội dung lại xấu, phản thẩm mỹ.
Từ từ leo dốc ngược lên đồi, về chỗ để xe. Trong vườn chè được rào bằng đá xếp bà con vẫn đang hái chè. Đất đồi, bà con vẫn chưa tìm ra trồng cây gì có lợi hơn. Trông vườn chè ở khắp nơi đều được chăm tốt, có thu, chứng tỏ người dân vẫn còn trông vào nó được. Kết thúc chuyến thăm bãi đá khai giảng (nợ) và Bom Bom, chúng tôi quay lui, chuẩn bị chia tay với địa phương.
Lại ghé nhà anh Quang để chia tay với các anh, Bí thư Quang, Chủ tịch Điều, mặc dù các anh đi suốt với đoàn. Uống chén trà Thái Nguyên, nói lời tạm biệt. Các anh sẽ tiễn chúng tôi tại Trại Cau.
Tôi chạy trước, định dừng xe ở lối vào xưa qua nhà ông cắt tóc Thái Lai. Nhưng lại được dẫn theo lối vào ngay ngôi nhà gần đường. Hồi xưa lối này đã có, đi ngang qua một cái giếng cạn bỏ không gần nhà tôi từng ở hồi học kì 1 lớp 7 cùng Mai Sinh, Q.Thắng, Nhân ve, Phạm Bình, Thế Nam, ... Đại Cương thì ở nhà bên cạnh. Hỏi đến cái giếng đó, mà hình như Khánh bưa đã từng rơi xuống, họ biết và còn chỉ được chỗ. Ở đây ngày trước có hàng cây lá như vầu nhưng cây không lớn làm hàng rào, mấy cây cà phê vối, ... bây giờ đều không còn. Các nền nhà cũ của trường đều đã thành vườn chè dù trên đỉnh đồi bằng phẳng hay bên sườn dốc. Lạ một điều là ở sườn dốc thì những nền nhà ấy cũng bị san dốc nên rất khó nhận chính xác nó ở chỗ nào.
Đi theo đường cũ xuống bếp, trạm xá, phía trong là nhà ăn và một nhà ở phía trên. Tất thảy đều đã thành vườn. Giếng dưới chân đồi, cả lớn và nhỏ, nay đều đã trở về trạng thái nguyên thủy của nó là bãi lầy thụt do mạch nước thấm ra. Tuấn hủi cãi rất hăng, đến khi anh Chòi mòi xuất hiện làm trọng tài thì cậu mới chịu.
Đại thể các khu ở đều có thể nhận ra. Nhưng chính xác thì vì lối đi cũ nay không còn, nên phải tin vào chỉ dẫn của anh Chòi mòi. Toàn bộ khu vực B2 trong ảnh này, chỗ Chòi mòi đứng là nhà A5-6, còn mép phải ảnh là A7-8 (bấm vào ảnh xem to).
Cánh đồng lúa xanh kia, ngày trước chúng tôi thay phiên nhau chăn ngỗng giờ ngủ trưa. Khi ấy chả ai cấy cầy gì ở đó. Đến lượt chăn ngỗng, tôi vẫn rút cỏ khô có túm hoa trên đầu để HH mang về cho bà làm nhuỵ hoa bưởi giả.
Cái bãi đất phía dưới nhà A7-8 vẫn còn, không được phẳng như xưa, vì ruộng "xâm lấn" khúc giữa làm thấp xuống. Chuồng ngỗng ở đó; cả nhà xí kiểu cầu ao, "thả" thẳng "bom" xuống ruộng.
Cuộc đi đến hồi kết thúc, 17h30 chúng tôi chụp những kiểu ảnh cuối cùng, ở chính chỗ đã từng sót lại bức ảnh cũ nhất của k4 thời An Mỹ. Tuấn tỉn, Hồng Hải, Tuấn hủi, Từ Ngũ, Phú Hoà.
Bãi không còn phẳng như hồi dàn đội hình 9-6-3-0 tập võ thể dục buổi sáng. Giao thông hào chưa lấp, có nhiều ngôi mộ vì đây thành nghĩa trang xóm(?). Và người cũng không còn như xưa. Duy nhất Phú Hoà là người có mặt ở hai tấm ảnh này, một địa điểm, sau 42, 43 năm./.

Xem thêm:
GoogleEarth khu vực xã Mỹ Yên 11/2007. Chiều lòng bạn Trỗi, khu vực này lại có ảnh tỉ lệ lớn, đủ để nhận ra nhà UBND xã, đường gốc đa qua suối, các lối rẽ Trại Cau, k5, k6, ...
Để dễ tìm trên GoogleEarth, tham chiếu toạ độ UBND: 21 độ 34 phút 51 giây Bắc và 105 độ 35 phút 41 giây Đông.

16 nhận xét:

Nặc danh nói...

các pac ơi!bữa nhậu đoàn kết QD có cái móm chám kho Việt Bắc kg?

HữuThành.Nguyễn nói...

Sau chiến dịch di dân 1972 ca bài "rừng ơi ta đã về đây" thì bây giờ còn gì của rừng nữa.
Hỏi có còn cây dọc không, bảo "hiếm lắm". Thấy Tuấn hủi bảo 10 năm trước người ta nói đi thêm 5km nữa mới vào rừng. Bây giờ không biết là bao nhiêu km rồi.

Nặc danh nói...

TQ có hình chỗ Gốc đa trước kia đăng lên cho AE xem với. Nếu tính theo hướng từ Trại Cau đi vào thì gốc đa và Chiêu đã sở nằm bên trái, bên phải là bãi chiếu phim. Ngay chỗ gốc đa có con đường đi xuống xóm, nơi mà tụi ở trại Hòe về ở nhà dân khi chưa có doanh trại. Từ gốc đa đi vào khoảng 1km, phía bên phải là nơi K5 ở lúc đầu và sau đó là K1/K2. Có hình TQ đăng luôn và có ghi chú nha!

HMK6

HữuThành.Nguyễn nói...

Từ từ rồi sẽ có gốc đa.
Như vậy là có nhiều ý kiến về gốc đa bên trái cùng với nhà khách.
Nhưng mà bên phải, bãi chiếu phim, cũng có một gốc đa to chứ. Tôi ấn tượng với cây đó.
Mà HMk6 lên Trỗi khi nào mà kể vanh vách xóm k5 ở trước, k1/k2 ở sau nhỉ?

Nặc danh nói...

HMK6 lên trường cùng ngày với TQ, 13/09/1965. Lên xe ở Lý Nam Đế, xuống xe ở Gốc đa.
HCQuang

HữuThành.Nguyễn nói...

Thế thì chuyến xe com-măng-ca của ta không chỉ có CQ, QX, Khánh bưa, Chi Long, Tùng kiếng, HT mà còn cả HMK6. Xuất phát từ xưởng phim QĐ ngõ 12 LNĐ.

TranKienQuoc nói...

Có 2 gốc đa ở gần nhà anh Quang. Gốc phải (trên đường xuống dốc) cạnh cung tiêu, gốc trái (sau nhà anh). Tin này được anh Quang xác nhận.

TranKienQuoc nói...

Thầy Tiệp ở Nam Định. Tôi có viết thư cho thầy. Sẽ tìm lại dịa chỉ.

Nặc danh nói...

13. Lã Khắc Tiệp GV Toán 281/703 Trường Chinh, P Hạ Long, TP Nam Định (theo Danh Sách Cán Bộ, Giáo viên trường Nguyễn Văn Trỗi)

ĐN.K7 nói...

Ở Trại Cau có một đặc sản là hạt Gắm, ăn thơm và bùi, bây giờ có còn khg các anh ơi?

HữuThành.Nguyễn nói...

Hạt gắm không phải là đặc sản của Trại Cau. Hạt gắm là đặc sản rừng, nếu ở Trại Cau thì gọi là đặc sản (được ăn) ở Trại Cau. Với k4 thì là ở trong rừng, năm 1966, mới có ăn.
Hạt gắm ăn "thay" hạt dẻ, không cẩn thận dễ bị ngứa vì có một lớp vỏ lông bao phủ.

Nặc danh nói...

Xem bài viết thấy như mình được về An Mỹ vậy. Chỉ tiếc là thấy toàn k4 thôi. Cám ơn TQ!

HMK6

Nặc danh nói...

Tôi biết bơi là nhờ suối Bom bom. Hồi chưa bị lũ quét (cuối 1966) thì cũng khá sâu, âm u, mát lạnh.

An mỹ có gỗ ba gạc.
Gỗ ba gạc mềm, trắng, gọt máy bay rất đẹp. Không biết hồi xưa ai mang về mẫu mô hình MIG17, MIG21, F4H, F105D nhỉ, để mà phổ cập toàn trường. Lá ba gạc thì chữa ghẻ, đa năng.

Hồi đó trong rừng có quả máu chó, ăn cũng được. Ăn xong miệng đỏ như ngậm máu. Lại có quả vú bò, ăn cũng được. Đồng cháy thì có quả sắn thuyền, ăn vô miệng lưỡi đen thui như cứt chó phơi 3 nắng. Hình như quả gì ăn cũng được.
HCQuang

Nặc danh nói...

Ko ae nào nhắc đến lá cây Găng,mọc làm hàng rào.Hái lá đó cho vào khăn rồi vò lấy ra thứ nước đen,sền sệt.Làm thạch,thêm tí đường ăn mát phết.

Nặc danh nói...

Đúng rồi, lá găng vò ra làm thạch, ngon hơn thạch chế từ nhựa cây đào Quế lâm. Cho lá vào khăn mặt rồi vò, vò xong khăn mặt sạch hẳn. Không biết cái chất từ khăn mặt có tác dụng gì không.

HữuThành.Nguyễn nói...

Nhựa đào tính độc, mà ăn không vô. Có ai ăn một bát thạch này rồi thì nói echo anh em biết. Tôi cũng đã từng thử ở E hồi đó, nhưng chịu. Có lẽ thạnh nhựa đào chỉ là "huyền thoại" thôi.