Từ nhỏ tới giờ, tôi đọc nhiều truyện, hay có – dở có, nhưng nhiều khi ngẫm nghĩ thấy tức anh ách. Chuyện đời mình, chuyện AE mình, có chuyện mình biết, có chuyện mình nghe…lắm khi còn hay hơn nhiều, nhưng chỉ tại mình viết không được. Suốt thời gian ở Trỗi, nhận được điểm Văn 3/5 là đã thấy mừng “hết lớn” rồi. Chỉ mỗi khi về học lớp 10 ở Hà Nội thì mới có điểm Văn khá hơn 1 chút – 6/10. Điểm khá hơn không phải vì mình học giỏi hơn mà vì “hên” sao gặp ông thầy dậy Văn chỉ cho cách làm văn theo công thức như toán học : Trước hết phải làm giàn bài, có bao nhiêu ý ghi ra thành từng gạch đầu dòng. Sau đó cứ việc theo từng ý mà viết. Câu đầu nêu ý đã ghi, câu 2 đưa vào dẫn chứng rồi ghi dẫn chứng, câu 3 phân tích dẫn chứng, câu 4 kết luận ý đã phân tích, câu 5 chuyển sang ý mới, chấm xuống dòng và tiếp tục trở lại với công thức. Mỗi ý 5 câu là đảm bảo điểm trung bình trở lên. Vậy là tôi đạt điểm trung bình !
Điểm thì có tiến bộ, nhưng xem lại bài mình viết thì thấy “chẳng giống ai”. Nhiều khi muốn chửi thề mấy thằng nhà văn sao viết hay thế. Rồi 1 hôm, tôi được xem cuốn truyện nổi tiếng “Papillon – người tù khổ sai”. Tác giả - Henri Charriere - vốn là 1 người tù, không phải nhà văn, chữ nghĩa không nhiều, không đủ chữ để viết nên truyện mà chỉ kể lại chuyện ở tù của mình như vẫn kể chuyện cho bạn bè nghe. Có khác chăng là ông kể bằng cách viết, có lược đi 1 số từ không phù hợp, ví dụ như chửi thề. Và kết quả thật tuyệt vời ! Xem xong, tôi nghĩ lại mình. Mình nói chuyện cũng đâu có quá tệ. Khi nhậu vào, nói cũng khối người nghe, nhất là lúc tán gái thì khó mà chê được, các em “mê như điếu đổ”. Vậy sao mình không lược bỏ mấy câu chửi thề rồi viết thành chữ, đặt các dấu chấm phẩy như học hồi cấp 1, vậy là xong chứ có gì khó đâu. Nghĩ là làm. Nhưng lúc này mới thấy bắt chước H.Charriere không dễ. So sánh thì không dám rồi. Tự đọc lại bài mình viết thì bao giờ chẳng thấy giống “vợ người”. Vấn đề quan trọng là phải có người xem và phê bình. Trước khi đăng thành sách, H.Charriere cũng cần phải có bạn bè xem trước vậy - nữa là mình. Ai xem ? Đúng là nếu không có Blog Trỗi – nơi mà độc giả toàn là bạn bè mình – thì cũng đành chịu chết. Đưa mấy bài văn “đểu” lên blog, được AE xem và cho vài lời chê bai làm mình thấy “sướng run”. Vậy chớ ! Không lẽ nói dóc có người nghe mà viết thì không ai đọc.
Rồi viết lúc nào ? Mình đâu có phải nhà văn, muốn viết là viết. Nội dung có nghĩ ra thì cũng chỉ ghi lại như là giàn bài mà thầy đã dậy là cùng. Rồi tới một ngày nào đó, cảm hứng bất chợt nổi lên mới ngồi vô máy. Viết bài cũng phải đúng giờ. Ví như bài về các món ăn thì phải viết vào khoảng 5 - 6 giờ chiều, khi bụng đang đói cồn cào cộng với mùi xào nấu thoang thoảng của vợ bay lên thì cảm hứng tăng lên gấp bội. Viết xong để đó, sau khi ăn uống no bụng rồi, tay cầm điếu thuốc, nhấm nháp tý trà hoặc café ngồi đọc lại. Lúc này mà thấy bài viết hay và “tiêu thụ” được thì mới là đạt yêu cầu. Bởi đâu có ai đọc bài mình lúc đói ! Mấy bài về trường Trỗi thì viết vào đêm trước của Café “giao ban”, khi đang háo hức đi gặp các bạn mình và xem lại sau khi về, lúc đã trút hết tâm sự, không còn gì vướng mắc.
Cứ từ từ như vậy, ngày càng cảm thấy tự tin hơn với các bài đăng của mình. Chẳng phải hay ho gì, nhưng cứ nghĩ : Tụi nó văn hay chữ tốt thì viết ra tiền, ra bạc. Còn mình làng nhàng thì viết ra niềm vui cho các bạn mình và cũng là cho mình. Thật hạnh phúc biết bao. Cám ơn Tổng quản các blog Trỗi !
5 nhận xét:
@hmk6:Đúng vậy,sợ cái "léo" gì,cứ phang bừa rồi cũng quen thôi."Văn mình,vợ người"mà!
Thế mới gọi là "dòng văn học Trỗi" chứ! hay đáo để. Tối qua ngồi đọc bài "NHỚ CHU QUANG" của ĐÀO DUY bên trang văn nghệ, mà sướng! cười chảy nước mắt. Anh em ta lo gì chuyện không có người đọc. Phải thực hiện phương châm: "Viết cho nhau đọc, kể cho nhau nghe" chứ! Đó là nghị quyết của "Đảng ủy Blog".
hameok6 ơi! Dũng cảm viết đi. " Tôi viết cho anh em Trỗi đọc" mà. Nếu được giải Nobel văn học thì đừng quên anh e Trỗi nhé!
Viết là tâm sự và cũng là giải tỏa.
Mượn lời: “…Có thể không kể hết đuợc song cũng ghi một tấm lòng”
Đăng nhận xét