Những ngày này cách đây 33 năm, cả nước theo dõi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với cuộc hành quân thần tốc của các binh đoàn chủ lực tấn công vào sào huyệt cuối cùng của kẻ địch. Tôi vừa qua tuổi 23. Học viên khoá 5 Quân sự vừa nhận đồ án. Chỉ còn 3 tháng nữa là tốt nghiệp, nhưng không đứa nào còn tâm trí làm đồ án. Giá được ra trận lần này!
Hình như mơ ước mà phù hợp với nguyện vọng chung thì sẽ thành hiện thực(!). Giữa tháng 4-1975, nhận được lệnh: Đặc cách tốt nghiệp cho khoá 5, tăng cường ngay cho vùng mới giải phóng. Thế là 119 học viên xếp bút sách, tạm biệt thầy cô, bạn bè, người yêu chuẩn bị lên đường.
Năm đó, các anh Kỉnh, Khôi, Hay cùng Lê Chí Hoà và tôi được giữ lại trường. Vinh dự hơn, bốn anh em có tên trong đoàn khảo sát, tiếp quản các trung tâm kĩ thuật viễn thông do Mỹ-ngụy để lại. Trưởng đoàn là anh Lê Khôi (Trưởng bộ môn Hữu tuyến), phó đoàn là anh Ngô Hai (Trưởng bộ môn Vô tuyến). Đoàn còn có các anh Hà Trọng Tuyên, Hoàng Thọ Nghiêu, Nguyễn Việt Hùng, Kiều Khắc Lâu, Trần Hữu Vị, Đào Đức Kính, Liên radar, Vượng “khuà”. Không có thời gian chuẩn bị, nhét vội vào ba-lô cuốn tự điển Anh-Việt bỏ túi, cuốn nhật ký và vở ghi chép về Thông tin đối lưu mới được giáo viên Bách khoa lên lớp.
Chiều 25-4, từ Vĩnh Yên, tôi được tạt về nhà chào mẹ, rồi ra ngay trạm 23 Phan Bội Châu lên xe xuống Binh trạm Phú Xuyên – bãi tập kết của các đơn vị. Cả đoàn được cấp một xe Zil-Khơ “mới coong” do đ/c Thắng điều khiển. Bãi xe có đến hàng ngàn xe tải, xe khách. Khắp nơi thấy xanh rì màu bộ đội. Các đoàn nhận xăng dầu, lương thực, thực phẩm cho đợt hành quân tới Binh trạm Vinh. Gặp nhiều anh em cùng trường các khoá trước; cả anh Bảnh (anh trai Trần Lảnh) công tác ở Cty Xe khách, được bổ sung chạy xe ca chở bộ đội vào
Sớm 26-4, đúng 4 giờ, xuất phát. Tiết trời mát lạnh, không khí trong lành. Sớm chưa rõ mặt người, nhưng cả trăm xe bật pha sáng trưng, phóng ra quốc lộ 1A. Háo hức, hồ hởi… “Có những ngày vui sao, cả nước lên đường...”!
Xe qua Ninh Bình, nhìn lên đỉnh Non Nước, nhớ lại nơi đây Anh hùng Giáp Văn Khương hồi 9 năm chỉ huy đơn vị tấn công cứ điểm này, khi hết đạn bị địch bao vây đã nhảy từ trên cao năm, sáu chục thước xuống sông thoát thân… Trên núi Hàm Rồng trước khi vào thị xã Thanh Hoá thấy có dòng chữ xếp bằng đá trắng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Những năm 60, vào tới Thanh Hoá, đến Sầm Sơn là “kịch”, nay thì cứ dọc quốc lộ 1A mà tiến. Đến giờ ăn, dừng xe, mỗi người mỗi việc, anh vào dân xin nước và củi đuốc, người vo gạo thổi cơm, ông nhặt rau, xào nấu. Thực phẩm chính là thịt hộp, ruốc. Những bữa ăn dã chiến đơn giản, nhưng ngon miệng. Vui, chuyện trò râm ran.
Vào đất Nghệ An thì khí hậu thay đổi. Nắng như thiêu như đốt, gió Lào thổi rát mặt. Dừng xe thấm ướt khăn mặt, vắt lên che mặt chưa được nửa tiếng đã khô cong. Chiến tranh kết thúc đã được 3 năm, nhưng những hố bom dọc đường hành quân vẫn còn tươi roí, những rừng thông xác xơ, chưa kịp nảy chồi… Sự huỷ diệt của chiến tranh là thế! Chiều tối đến Binh trạm Vinh. Trời về chiều, cái nóng đã nhường chỗ cho gió mát thổi vào từ biển Cửa Lò. Bữa cơm tối cũng là một kỷ niệm đáng nhớ, thức ăn và cơm lẫn với cát, ai cũng trệu trạo nhai nhưng cố nuốt. Cái đất này nắng, gió và cát quá nhiều! Tối mắc võng đầu hè ngủ ngon lành.
Sáng 27-4, đi từ sớm. Chờ phà Bến Thuỷ hơn tiếng đồng hồ. Qua phà thấy xe cộ tấp nập vào
Trưa 28-4, đoàn qua cầu Hiền Lương, vượt sông Bến Hải. Thật cảm động! Nhớ lại những thước phim “Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm” đã được xem, mà cố hình dung ra Vĩ tuyến 17 ngày xưa. Năm 1974, cầu Hiền Lương được làm lại rộng hơn, sàn cầu lát gỗ, khung bằng sắt. Chiến tranh mới kết thúc được hai, ba năm, mà cảnh vật đã thay đổi nhiều. Riêng cột cờ Hiền Lương được dựng từ năm 1954 vẫn sừng sững đứng đó - vật chứng lịch sử chứng kiến bao đổi thay suốt 21 năm qua… Hít một hơi thật dài dồn nén xúc động trong lòng. Cái ngày mà hàng chục triệu dân Việt mong đợi hơn 20 năm qua đã đến! Và hàng triệu người đã hy sinh xương máu và sinh mạng cho cái giờ phút này!
Vút tầm mắt qua cánh đồng bờ
Chiều tối 28-4 dừng chân ở Huế, ngay đầu cầu Bạch Hổ dành cho xe lửa (nay gọi là Dã Viên). Sông Hương chảy qua thành phố có 3 cái cầu bắc ngang, đó là Tràng Tiền, Phú Xuân và Bạch Hổ. Sông Hương phân đôi Huế thành 2 khu: Thành Nội ở phiá Bắc và Thành Ngoại ở phía Nam. Xuống sông Hương tắm, rồi nấu ăn ngay bên bờ. Đêm thay nhau gác. Suốt đêm, xe cộ ào ào chạy về
Sáng 29-4-1975, nghe tin quân ta đã tiến sát tới Sài Gòn. Từ Huế, xe qua Quân trường Quang Trung – lúc bấy giờ là Binh trạm Huế – nhận xăng dầu, thực phẩm. Sau đó qua sân bay Phú Bài và tiếp tục xuôi về Đà Nẵng. Càng vào
Xe ì ạch vượt đèo. Đèo Hải Vân dài hơn 20 km, đường rộng, nhưng “cua tay áo” liên tục. Đường sắt uốn lượn phiá dưới chân đèo. Lên đến đỉnh, anh Khôi cho cả đoàn nghỉ chân ngắm trời biển, hít thở không khí trong lành. Từ đây thấy dãy Trường Sơn sừng sững từ phiá tây kéo ra tận sát biển, chếch tay trái là bán đảo Sơn Trà. Và kia là Đà Nẵng – một căn cứ quân sự khổng lồ kéo dài suốt từ chân đèo, dường như được lợp một lớp tôn công nghiệp xám xịt. Không hề thấy mầu xanh. Đổ đèo, qua kho xăng Liên Chiểu. Tới Đà Nẵng vòng vèo liên hệ với “tiền trạm” của Bộ Tư lệnh thông tin và Viện Kỹ thuật biết cánh k3: Trung Việt, Hoàng Sơn, Hữu Dũng, Dương Thanh… cũng đã vào tiếp quản.
Quãng 1 giờ trưa 30-4-1975, dừng xe ngay cổng sân bay Đà Nẵng. Mở radio bắt sóng Đài Giải phóng, khi nghe phát thanh viên trịnh trọng thông báo: “Đây là tiếng nói của Ủy ban Cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Chúng tôi yêu cầu tất cả đồng bào, anh chị em công nhân, nhất là anh chị em nhân viên các nhà đèn, nhà nước và tất cả sinh viên, học sinh tụ họp lại chờ những điều động của Ủy ban Nhân dân cách mạng… Chúng tôi xin long trọng tuyến bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn!” thì cả xe ôm nhau hét lên: “Sài Gòn giải phóng rồi! Giải phóng rồi!”. Dân chúng tràn ra phố, từng đoàn người, đoàn xe với cờ và khẩu hiệu tiến về trung tâm. Cả Đà Nẵng trong một rừng cờ. Sung sướng nhất đoàn có lẽ là anh Ngô Hai và anh Kỉnh vì cả hai đều có gia đình đang sống ở Sài Gòn và Bến Tre.
Có vui nào vui hơn! Tôi nhớ ngay tới mẹ và gia đình cùng anh em bạn bè, người thân (hình như có cả người yêu!!!). Giá lúc này có họ ở bên cạnh để cùng san sẻ niềm vui này!
Thứ Hai, tháng 4 28, 2008
Nhớ ngày này năm xưa
Gửi bởi TranKienQuoc lúc Thứ Hai, tháng 4 28, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét