Chả hiểu sao trong buổi giao ban "hưởng lạc" hôm nay lão Hợp lại lôi bài báo đăng chuyên mục Cùng Suy Ngẫm cuả Tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 11/2007 do tôi viết ra "khoe" và đề nghị cho lên trang tin Bạn Trỗi để anh em "dọn vườn".
Anh em tò mò muốn biết nó ra sao, trong khi thực lòng tôi không muốn đưa nó ra. Vì nó triết lí lẩn thẩn, sợ là không thích hợp với không khí văn-vui-hoài cổ đã định. Với lại hình như tôi đã có đăng lên đây rồi. Chứ không phải là vì ngại có hơi hướng chính trị. Bài đã đăng báo giấy phát hành toàn quốc thì bây giờ có ngại gì đâu.
Việc đã gợi ra, tôi xuất bản thêm một lần nữa ở dưới đây vậy.
Nếu bây giờ có gì gần gũi với bài viết đã cũ này thì đó chính là ngày sinh Lê Nin, bởi bài viết là dành cho ngày kỉ niệm CM tháng 10 Nga.
CHỢT NHẬN RA ...
Ngày kỉ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (CMTM), viết gì cho tin học suy ngẫm.
Chợt nhận ra rằng CMTM tuy là vĩ đại với đời người nhưng cũng không là vĩnh viễn với lịch sử. Sau 74 năm tồn tại nó đã lụi tàn, không bằng một phần thời gian của một vài triều đại phong kiến Việt Nam, chưa nói gì tới những triều đại lớn trên thế giới.
"Tôi ơi, đừng tuyệt vọng" (Trịnh Công Sơn). Đừng tuyệt vọng vì sự nghiệp của CMTM sụp đổ. Thời gian còn dài, sẽ còn những cuộc "CMTM" khác.
Chợt nhận ra rằng CMTM cũng chỉ là một biểu hiện đầu tiên, và đáng kể nhất, của học thuyết về việc đấu tranh có tính cách mạng giữa các giai cấp. Mà khởi động cuộc đấu tranh đó là giai cấp vô sản tự cho mình là tiến bộ hơn nhờ hấp thụ lý thuyết được sáng tạo bởi những người thầy trí thức hữu sản.
Liệu có phải nghịch lí của cách mạng vô sản khi khai sáng nó lại là Mác và Ăng-ghen, những trí thức hữu sản?
Chợt nhận ra rằng những người thầy đó đã phân tích cụ thể những điều kiện cụ thể sự phát triển của xã hội loài người trong suốt lịch sử lâu dài để nói rằng xã hội loài người phát triển theo sự phát triển của các phương thức sản xuất tiến bộ hơn.
Phân tích cụ thể những điều kiện cụ thể là linh hồn sống của chủ nghĩa Mác. Nếu thực sự là học trò của Mác thì đừng trích dẫn Mác như những kẻ giáo điều mà hãy học Mác nhận thức thế giới đã đổi thay.
Chợt nhận ra rằng những người thầy khi đó chỉ mới thấy được các cuộc cách mạng về cơ khí và năng lượng nối dài cơ bắp và khuếch trương sức mạnh sinh học của con người. Các cuộc cách mạng này dù mới bắt đầu nhưng cũng đã cho thấy sức mạnh vô cùng to lớn như những tiên đề đảm bảo cho sự đúng đắn của lí thuyết được sáng tạo ra.
Thời gian trôi ngày càng xa thì những "tín điều" Mác nói ngày càng lạc hậu. Chỉ có phương pháp luận Mác là còn có giá trị.
Chợt nhận ra rằng cách mạng vô sản tạm thời thành công đã được duy trì bằng học thuyết kinh tế xã hội chủ nghĩa. Học thuyết này đến nay đã tỏ ra không tưởng bởi sự phủ nhận thị trường và nền sản xuất hàng hoá trong lòng nó.
Cách mạng XHCN thành công, người ta đã xây dựng XHCN bằng học thuyết kinh tế không có bóc lột. Nền kinh tế không có bóc lột chỉ có thể có nếu không có giá trị thặng dư được định đoạt thông qua vòng quay của hàng hoá. XHCN được xây dựng trên nền kinh tế mà "hàng hoá đã không còn là hàng hoá, đang không còn là hàng hoá và sẽ không còn là hàng hoá". Mỗi lao động thực hiện sẽ đáp ứng cho một nhu cầu có địa chỉ và mỗi nhu cầu xuất hiện sẽ được đáp ứng bằng một lượng lao động tương ứng.
Chợt nhận ra rằng xã hội loài người đang bước vào một cuộc cách mạng mới về năng lực trí não và ký ức. Đó là cách mạng tin học, nó làm sâu sắc thêm, mở ra giới hạn mới cho các cách mạng công nghệ trước. Nó không những góp phần làm cho thế giới nhỏ bé lại hơn nữa mà còn làm cho thế giới trở nên không rào cản về không gian và thời gian xét theo nghĩa thông tin.
Cách mạng cơ khí và năng lượng mới chỉ giải phóng được con người về vật chất. Cách mạng tin học mới thực sự giải phóng nốt phần còn lại của con người, đó là trí não và kí ức.
Chợt nhận ra rằng với cách mạng tin học dường như xã hội loài người đã có điều kiện cần để thực hiện một nền kinh tế không cần tới thị trường và hàng hoá.
Chỉ có tin học có thể giúp nối liền vòng biện chứng "sản xuất quy định tiêu dùng, tiêu dùng tạo ra sản xuất trong ý niệm" mà không cần thông qua hình thức hàng hoá. Tin học là điều kiện đủ để thực hiện học thuyết kinh tế không hàng hoá của CNXH. Chủ nghĩa hậu Lê Nin đã nhầm khi cho rằng lực lượng sản xuất Xô Viết đã đủ để thực hiện quan hệ sản xuất XHCN. Quan hệ SX XHCN đi trước nền tảng của nó 90 năm, duy trì được tới hơn 70 năm mới sụp đổ là ... quá giỏi.
Chợt nhận ra rằng lí thuyết của những người thầy vẫn tạm thời là vĩnh viễn, bởi cho tới giờ cách mạng tin học và những hệ quả mới nhất của nó vẫn chưa chứng tỏ rằng lí thuyết lạc hậu.
Tất cả những điều làm thất bại trước đây đột nhiên trở nên khả thi nếu chính quyền còn trong tay giai cấp vô sản và đi theo triết lí của CNXH. Nhờ có cách mạng công nghệ tin học.
Chợt nhận ra rằng thế giới đang rất mong manh bởi sức mạnh của xã hội loài người đã quá lớn so với tự nhiên; Và rằng tiến hoá sinh học chưa cho con người xã hội vượt ra khỏi tập tính bản năng để sống bằng lí trí; Và rằng mỗi thứ đạo đều chứa trong nó những triết lí đấu tranh giữa bản năng và lí trí.
Khi điều kiện cần và đủ để thực hiện CNXH thì thế giới lại chứng kiến điều trái lại, thế giới đơn cực của chủ nghĩa bản năng. Phải chăng con người chưa đủ tiến hoá sinh học để sống theo lí trí mà vẫn phải đối phó với những cuộc, ngày càng tàn bạo, chinh phục kinh tế và thậm chí những cuộc chiến phi đạo lí để tiêu thụ các loại hàng hoá, thậm chí đấy là vũ khí giết người. Chủ nghĩa tiêu dùng được đề cao như một nghịch lí trước nhận thức thế giới đã vô cùng nhỏ bé trước tác động huỷ hoại môi sinh không đường thoát tới diệt vong tự huỷ.
Bởi thế sự lụi tàn của CMTM, mà trực tiếp là học thuyết kinh tế XHCN, cũng chỉ là thêm một lần thất bại của lí trí trước bản năng trong sự phát triển của xã hội con người. Và đó là biểu hiện của một thứ đạo mới đã hình thành và sẽ còn tiếp tục dẫn dắt xã hội loài người trong tiến trình tới tương lai./.
Mọi tôn giáo, dù là yếm thế như Phật giáo hay bị chủ nghĩa đơn cực nước lớn cho là khủng bố cuồng loạn như đạo Hồi, đều chứa trong lòng nó cái mầm nhân văn. Nếu coi lí tưởng XHCN như một thứ đạo, thì đó là thứ đạo mới nhất và đáng theo nhất. Cũng phải coi nó là đạo để có thể sống với nó, nuôi dưỡng nó, hi sinh vì nó mà không cần có "đời" là những tổ chức nhất thời như Quốc tế Cộng sản chẳng hạn.
Thứ Bảy, tháng 4 26, 2008
Cùng suy ngẫm với ... Lê Nin
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Bảy, tháng 4 26, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
9 nhận xét:
Sao tự nhiên lại xuất hiện nhiều bài triết lý thể nhỉ (ở cả 2 blog).
CMTM và CNXH trong thời nay là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Nhưng ko thể đơn giản loại bỏ những viên gạch đầu tiên, vì nếu ko có nó làm sao có chỗ cho các viên tiếp theo. Các CN chẳng phải vốn đều được hình thành trên các CN trong lịch sử trước đó của chình nó đấy thôi.
Và /hoặc nếu tệ nhất thì cũng là "thất bại là mẹ thành công".
HMK6
Chợt nhận ra rằng những điều xảy ra hôm nay chẳng phải là Marx đã tiên đoán hay sao?
Chợt nhận ra rằng chẳng phải nhiều ước mơ của ông ấy nay đã thành hiện thực ?
Khẳng định rằng một sự nghiệp của cả một dân tộc dưới sự lãnh đạo của Lê nin là không hề uổng phí. Cho đến ngày nay về mặt lịch sử nó vẫn là một tượng đài kỳ vỹ không gì sánh được.
Theo phép DUY VÂT BIÊN CHỨNG thì mọi sự vật không xơ cứng nằm nguyên một chỗ, mà luôn vận động. Năm thứ nhất ở DHBK tôi suýt chết bởi ông thầy dạy môn triết hoc Mac Lê Nin, cầm cây bút, đặt từ trái sang phải và hỏi tôi cây bút đang vận động phải không.Tôi trả lời:"Không, nó chỉ thay đổi vị trí tương đối".Vậy là thoát. Theo các bài học Duy vật(lại vật) lịch sử, xã hội loài người phát triển theo vòng xoáy ốc. Từ bầy đoàn tiến lên xã hội cộng sản nguyên thủy. Rồi nông nô,xã hội này lung lay bởi cuộc nổi dậy cúa Spatacut. Sau đó là chế độ phong kiến được trao tay lại cho chế độ tư sản, khi cái đầu của Luy 16 rớt xuống trong cách mạng tư sản Pháp năm 1879. Năm 1917 cách mạng tháng mười Nga nổ ra, cả nhà vua Sa lên đường về SIBỂRI nghỉ mát...Chế độ cộng sản được thiết lập.Vậy là vòng xoáy trôn ốc mà các thầy dạy anh em ta đã đi hết một vòng. Nước Nga trở thành thành trì của chủ nghĩa cộng sản. Không ít người duy vật lại muốn mọi cái dừng lại ở đây, nghĩa là không thích duy vật nữa.Bởi chăng theo phép duy vật thì mọi cái lại vận đông thay đổi. Có lẽ vì vậy mà Regan đã rỉ tai Gorbachop :"Các ông là học trò của Mac, mà không làm theo Mac".
Hồ Quý Kỳ
Xin lỗi các bạn tôi đã gõ nhầm :"cách mạng tư sản Phap năm 1789" HQK
Tôi sẵn sàng đổi hai chục đảng viên lấy một chuyên gia tư sản (Lê nin nói chứ không phải HCQuang nói).
HCQuang
Khi đăng lại bài này tôi đã có ý định sẽ bộc bạch những gửi gắm của mình trong đó, như lời giải cho câu đố mà lão Hợp đã đưa ra trước mọi người.
Tất nhiên bài viết là "cùng suy ngẫm" nên nó chỉ gợi một cái nhìn để mỗi người có thể ngẫm theo cách của mình. Những lời chữ xanh là suy ngẫm của riêng tôi, đưa ra cho mọi người trước khi bài viết chìm vào quá khứ.
-@ Anh Chí:
Lê nin không "đổi" như thế vì đổi vậy thì lỗ to.Cụ nói "Tôi sẵn sàng đổi một tá Đvcs TỒI để lấy một chuyên gia TS GIỎI "!
TM
Cái khó của cụ Lê nin là sau khi đã có được 1 chuyên gia TS giỏi thì làm sao để nó không bị biến thành 1 Đvcs tồi. Cái này hồi bọn mình học chính trị các giảng viên gọi là vấn đề "ai thắng ai".
Các bố đã nói giùm tôi và có lẽ cung không ít người khác nữa,xin cảm ơn. Tôi chỉ muốn nói một điều là những tiêu cực bây giờ anh em ta rất bức xúc, đó là cái bức xúc của cả xã hội. Chỉ sợ rằng chẳng ma nào nóng máu thôi. Khi mà động lực của xã hội vẫn còn thì lúc đó ta vẫn yên tâm.Tôi vẫn tin tưởng rằng nước VN tasẽ chẳng thua em kém chị ,khi mà con đường đi tới đúng hướng.
DS
Đăng nhận xét