Đào Duy
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những hệ lụy của nó thì vẫn cứ dai dẳng đeo bám theo mỗi phận người. Tôi vẫn nhớ trước chiến tranh khi còn bé, tôi đã đọc cuốn chuyện mà chị tôi mượn được từ một người bạn, cuốn tiểu thuyết “trước giờ nổ súng” của Phù Thăng không biết trí nhớ non nớt của tôi hồi đó có chính xác không. Cuốn chuyện cảm động về chiến tranh về những người lính. Phần cuối cuốn tiểu thuyết ông lý giải về chiến tranh chỉ một đôi dòng thế là bỗng chốc một tác phẩm văn học rất hay của ông gặp tai họa. Âm thầm lặng lẽ xách ba lô quay trở về nơi mà mấy chục năm trước ông đã chia tay vợ con chia tay người thân đi kháng chiến và cầm bút, cũng từ khi đó cho tới lúc giã từ cõi đời chả ai còn đoái hoài, chả ai còn biết tới ông nữa. Ai đã đọc câu truyện “hạt thóc” trong “Chân dung và đối thoại” của Trần đăng Khoa không thể không cầm được nước mắt về nhà văn chiến sỹ tài năng này, một hệ lụy xót xa.
Gia đình bố mẹ vợ tôi trước năm 1980 ở thị xã Hải Dương. Thị xã Hải Dương là một thị xã đẹp và nên thơ. Thị xã có những khu phố cổ, những con đường nhỏ với những hàng bàng xanh ngắt, giữa trưa hè ta có thể đi tản bộ mà không cần phải đội nón mũ. Tôi chưa thấy một thị xã nào phía bắc lại có nhiều sông hồ như thị xã Hải Dương, sông ngòi len lỏi vào giữa phố thị. Mẹ vợ tôi cùng bác và các cô đều sinh ra và lớn lên ở đây. Lịch sử của thành phố này từ đầu thế kỷ cho tới nay mẹ vợ tôi có thể kể tường tận. Ông ngoại vợ thời Pháp mở một xưởng lớn chuyên về sơn mài và làm đồ thờ cúng sơn son thếp vàng cung cấp cho hầu hết các địa phương xứ Đông. Chị cả mẹ vợ một thời là hoa hậu của Hải Dương, sau này Bác lấy chồng, bác trai làm thầu khoán gia đình giàu có. Bố vợ tôi tốt nghiệp Thăng Long, khi còn đèn sách ông trọ học cùng Tô Ngọc Vân trong một căn gác nhỏ nơi ngõ chợ Khâm Thiên và được ông này truyền nghề vẽ cho và với nghề tay trái này mấy chục năm sau gia đình vợ tôi sống nhờ vào nó. Thời Pháp bố vợ tôi làm nhiều nghề có thời gian phụ trách kiểm bài cho tờ Phong hóa, tiếng Tây của ông làu làu như tiếng ta. Năm 1952- 1954 ông là quản lý của khách sạn Palace trên Đà Lạt. Khi hiệp định Giơnevơ ký kết trước tình hình thời cuộc biến đổi ông chủ khách sạn Palace vì quý bố vợ tôi ông ấy khuyên bố vợ tôi nên đưa gia đình vào Đà Lạt và cùng với gia đình ông qua Pháp. Ông đã đặt mua vé máy bay khứ hồi cho cả nhà. Nhưng khi bố vợ tôi trở lại miền Bắc ông bà nội của vợ tôi nhất quyết không chịu đi vì tiếc của thế là gia đình vợ tôi đành theo ông bà ở lại.
Năm 1954 gia đình li tán phần lớn họ tộc bên vợ tôi lên tàu vào nam, vì gia đình có người chú phụ trách cơ quan di cư Bắc kỳ. Chỉ có riêng gia đình vợ tôi ở lại và cũng từ đó hệ lụy của chiến tranh, phân ly và chủ nghĩa lý lịch ám ảnh đeo bám gia đình vợ tôi cho đến cả hàng chục năm sau giải phóng.
Tôi có người em vợ, em vợ tôi tên là Hương. Năm 1978 Hương thi hết lớp 10 trong khi chờ kết quả thi đại học vì có ngoại hình và giọng đọc tốt nên được sở thông tin văn hóa Hải Dương trưng dụng đi Côn Sơn - Chí linh thuyết minh giới thiệu cho du khách về khu du lịch, lịch sử nổi tiếng này trong ba tháng hè. Thời cấp ba Hương có một người bạn trai rất thân, bạn trai Hương tên Chinh. Nhà Chinh ở ngoại ô thị xã, Chinh cao lớn trắng trẻo nhưng hiền và nhút nhát. Vợ tôi hồi đó đang học đại học ở Hà Nội khi về nhà biết chuyện thường “ngăn cấm”. Chinh rất ngại “đụng độ” với vợ tôi.
Một buổi chiều tháng tám vừa thuyết minh trở về nhà nghỉ Hương nghe mọi người báo có khách, chẳng biết ai. Khi xuống dưới chân đồi thì ra là Chinh, Chinh đang ngồi dựa lưng vào gốc cây thông già nét mặt buồn buồn. Thật bất ngờ về chuyến đi thăm không báo trước này của Chinh. Hai đứa dắt tay nhau lang thang trên những triền đồi giữa bạt ngàn của hoa Mua, hoa Sim tím và tràn ngập trong không gian mùi nhựa thông hăng hắc.
- Sao Chinh không nói gì? Lên thăm Hương có việc gì quan trọng không?
- Chinh đến để chào Hương, ngày mai Chinh nhập ngũ.
- Sao lại nhập ngũ? Hương ngỡ ngàng - Thế Chinh không chờ kết quả thi đại học?
- Chinh đi, hết nghĩa vụ rồi về, việc học hành đành dừng lại. Chinh đi nghĩa vụ thay cho suất người anh, vì thấy thương anh chị, hai vợ chồng trẻ với đứa con gái nhỏ để anh đi, vợ con ở nhà vò võ không đành. Mình độc thân đi phải lẽ hơn.
- Tối nay Chinh ở lại đây chứ?
- Không, Chinh phải về sáng mai giao quân rồi.
Chiều xuống miền sơn cước thật nhanh, khói chiều và sương đã bảng lảng nơi cuối đồi. Tiễn Chinh ra tận đường cái hai đứa cầm tay nhau thật lâu, bốn mắt nhìn nhau im lặng.
- Thôi Chinh về đi.
Cho đến bây giờ Hương vẫn không quên được đôi mắt ấy, đôi mắt của Chinh nhìn Hương như báo hiệu một điều gì đó bất an ở phía chân trời nào đó xa kia, nó mơ hồ như ảo ảnh Hương chỉ lờ mờ linh cảm thế thôi … rồi bóng Chinh khuất dần nơi cuối dốc.
Đêm ấy Hương không ngủ Hương viết một bài thơ về Chinh vào cuốn sổ lưu bút mà bạn bè tặng khi năm học cuối cùng phổ thông kết thúc. Những ám ảnh buồn bã bao trùm lên toàn bộ bài thơ Hương viết:
Tôi đến Côn Sơn một buổi chiều
Dừng chân chốn cũ gọi người yêu
Hoa sim nở tím màu thương nhớ
Nhạc rừng thông réo rắt than kêu
Đây chốn năm xưa khắc hình anh
Với bao kỷ niệm sáng lung linh
Anh dìu tôi qua đồi sim nở
Hái tặng tôi hoa tím chung tình
Tôi nhớ một buổi sáng anh đi
Anh nói một mai sẽ lại về
Dâng trọn riêng em tình sim tím
Em là của anh vị hôn thê
Nay vẫn mùa sim tím thủy chung
Vẫn cảnh năm xưa gọi ái tình
Nhưng anh đi mãi không trở lại
Để em buồn tan nát con tim!
Côn Sơn hôm nay cảnh u sầu
Suối tuôn dòng lệ chảy về đâu
Hoa sim tím ngắt buồn xót tủi
Còn ai mà hái để trao nhau
Côn Sơn năm xưa hát tình ca
Ca đôi duyên lứa mộng vô bờ
Hôm nay Côn Sơn buồn lạnh lẽo
Khóc cho tình ai sớm biệt ly
Tôi bước lang thang dạo một mình
Giữa đồi hoang vắng khuất người thương
Âm thầm tôi nghe lòng chết lặng
Sim tím tình sầu rụng vấn vương!
Côn Sơn ơi có nhớ lời thề
Của người con gái ấy năm xưa
Nguyện suốt đời giữ tình sim tím
Để yêu người giờ đã khuất xa.
Tháng 8/1978
Hương có đâu ngờ bài thơ của Hương như vận vào số phận của Chinh, lần lên Côn Sơn thăm Hương là lần cuối cùng hình ảnh của Chinh bằng xương, bằng thịt khắc ghi trong trái tim, trong trí não của Hương cho tới mãi hôm nay.
Huấn luyện ba tháng, vội vã theo đơn vị vào biên giới tây nam - Hà tiên bổ sung quân. Vợ tôi sau này kể lại có lần gặp Chinh ở bến xe, Chinh chạy tới chào vẫn ánh mắt buồn buồn như từ biệt, như trách móc “ Chào chị ở lại, em đi” mà mãi sau này nghe Hương kể về ánh mắt lạ lùng của Chinh vợ tôi mới “ân hận” nhận ra điều đó.
Sáu tháng sau Chinh hy sinh. Chinh bị thương do pháo kích của giặc, được cứu thương chuyển về phía sau trên đường đi lại vướng mìn. Những phút giây cuối cùng của Chinh được người cháu họ kể . Trước khi hy sinh trong ba lô của Chinh chỉ có một bộ quân phục lá thư và tấm hình của Hương thấm đẫm máu. Hôm truy điệu Chinh, Hương xin gia đình được giữ lại bộ quân phục của Chinh trước lúc hy sinh làm kỷ niệm. Bộ quân phục với những vệt máu đã khô xám lại bao năm qua nằm trang trọng trong vali của Hương, theo Hương đi khắp nơi, từ bắc vào nam, ám ảnh, giắn vặt Hương trong đời sống, trong giấc ngủ trong tiềm thức Hương bị chứng mất ngủ cũng từ dạo đó. Bộ quân phục nằm trong va ly của Hương duy nhất trong nhà chỉ có vợ tôi được Hương cho biết. Năm 1987 Hương lấy chồng, trước khi cưới, Hương lên chùa làm lễ cầu siêu và gửi những kỷ vật đó lại cho Chinh.
Từ ngày ấy Hương thanh thản hơn, nhưng lâu lâu trong hạnh phúc hiện hữu cùng chồng con vẫn có những giấc mơ về Chinh chợt ập về trong giấc ngủ chập chờn… Chiến tranh, nỗi đau, ly tán và những hệ lụy của nó vẫn còn đó, nó kéo dài từ thế hệ cha anh đến thế hệ chúng tôi và hiển hiện đây thế hệ của những người em tôi nữa. Trong cuốn sổ lưu bút của Hương chỉ có hai bài thơ. Hai bài viết cách nhau sáu tháng bài thứ nhất Hương viết khi Chinh tới Côn Sơn để tạm biệt Hương đi bộ đội. Bài thứ hai Hương viết khi nhận được tin Chinh hy sinh. Tôi chép ra đây bài thơ thứ hai nữa của Hương để bạn đọc chia sẻ, bài thơ buồn:
...Bỗng một hôm bất ngờ tin đưa đến
Anh đã hy sinh vĩnh biệt em rồi!
Đất dưới chân em quay cuồng đổi biến
Mắt lệ nhòa vị cay xót trên môi...
Em biết từ nay đâu còn gặp lại
Để đón anh trên một chuyến tàu xa
Con thuyền tình vẫn cắm sào đứng đợi
Giữa mênh mông sông nước ,đứng bơ vơ.
Bên tấm hình anh em ngồi cúi mặt
Để nhớ về những năm tháng xa xưa.
Anh vẫn nhìn em nụ cười rất đẹp
Mà sao anh không nói lặng như tờ.
Hai đứa chúng mình duyên trời đã định
Đứa mất đi, đứa còn lại u buồn.
Anh bên ấy yên cõi đời tĩnh mịch.
Em bên này bao gầm dữ đau thương.
Em sẽ đến nơi anh yên giấc ngủ
Quì bên anh đặt hoa huệ trắng trong
Qua hương khói có lời em nhắn gửi
Tới hồn anh, em nguyện sống chung tình.
Và đời em quãng đời này còn lại
Mảnh khăn tang em chít mái tóc thề
Trong tim em khắc tên anh mãi mãi
Hẹngặp hồn anh ,kiếp sống bên kia!
Tháng 2/1979
Thứ Sáu, tháng 4 25, 2008
NỖI ĐAU VÀ HỆ LUY CỦA CHIẾN TRANH
Gửi bởi Dao Duy lúc Thứ Sáu, tháng 4 25, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
17 nhận xét:
Số phận con người gắn liền vói vận mệnh của đất nuớc. Thương cho những người mẹ, người vợ, người phụ nữ mất con, mất chồng, mất người yêu!
Bài viết cảm động!
Chiến tranh là j? là cả hai bên đều khổ đau, hy sinh và mất mát. Không có ai thắng chỉ có đau khổ và những hệ lụy của nó.
Côn Sơn với đám "bạn xấu" chúng tôi có thể là nơi đi về bất chợt tuỳ hứng. Như một điểm thư giãn, tâm linh, lại gần Đa Cóc kỉ niệm xưa.
Bây giờ có thêm câu chuyện này. Vẫn biết thế hệ mình là như thế. Nhưng những câu chuyện như thế này mang lại cảm nhận riêng, cụ thể hiện hữu đâu đây.
Lão Hợp dọn vườn:
- Phù Thăng không viết "Trước giờ nổ súng" mà là Lê Khâm (sau này lấy bút danh Phan Tứ) viết.
- Tác phẩm nổi tiếng của Phù Thăng là "Đồng bằng", cũng viết về người lính, lấy tư liệu từ Đại đoàn Đồng Bằng.
Quyển "Trước giờ nổ súng" của Lê Khâm cũng gây ra sự cố nhưng không phải cho Phù Thăng. Sách đang có bán (thí dụ tại http://1001shoppings.com/itemdetails.aspx?ItemID=77194)
Tác phẩm "Đồng bằng" cũng gây sự cố cho Phù Thăng, nhưng không có định lượng.
(Ghi chú: lão Hợp chuyên dọn vườn, đặc biệt là thơ dịch từ Nga văn của GM).
Mẫu chuyện ngắn thời hậu chiến
Năm 1996 có dịp qua Úc thăm con gái tôi đang du học ở bên đó. Đang nhâm nhi ly cà phê ngắm cảnh vịnh Sitney, thì một người đàn ông trạc tuổi tôi lịch sự xin ngồi cùng bàn vì thấy chỗ còn trống. Sau một hồi chuyện trò làm quen.Ông ta hỏi:"Ngày xưa ông có đi lính không".Tôi nói: "có chứ ,thời buổi chiến tranh, thanh niên ngoài Bắc hầu hết được động viên vào quân ngũ". Ông ta nói:"Ở trong Nam tụi tôi cũng vậy. Muốn ở nhà làm ăn lắm chứ, nhưng làm sao trốn được quân dịch." Ông ta nói tiếp:"Tôi là sĩ quan thuôc binh chủng dù. Ngay loạt đầu sau khi tốt nghiệp, khóa tôi có 20 thằng nằm xuống. Tôi may mắn sống được cho đến lúc quân cách mạng vô giải phóng Sài Gòn, với lon Đại úy.Vậy ông có phải là sĩ quan không?" Tôi trả lời:"Tôi là Đại úy kỹ sư". Ông ta nói: "Sao không thấy ông giống mấy ông sĩ quan quản lý tôi ở trại học tập. Các ông ấy lúc nào cũng gọi bọn tôi là ngụy. Vậy chớ năm 1954, Bác Hồ chọn Sài gòn làm Thủ đô, năm 1975 quân cách mạng thay vì tiến vô Sài Gòn mà tiến vào Hà Nội tiếp nhận sự đầu hàng của Dương Văn Minh thì bây giờ ai là ngụy". Quả thật tôi không ngờ đó là ý tương của một si quan dù.
Hồ Quý Kỳ
Mấy bài thơ này gợi nhớ bài thơ "Đồi hoa sim" của Hữu Loan mà sau này nổi tiếng khi được phổ nhạc.
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những đứa em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng còn xanh
Tôi người Vệ quốc quân
Xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn không đòi may áo cứơi
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo.
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng đời chiến tranh
Mấy người đi trở lại ?
Nhỡ khi mình không về,
Thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê
Nhưng không chết người trai nơi khói lửa
Mà chết người em gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên con đầy bóng tối
Trước bình hoa ngày cưới
Thành bình hương lạnh vây quanh
Khi tóc nàng xanh xanh
Ngắn chưa đầy búi
Anh đi, giây phút cuối
Không đuợc nghe em nói
Không đuợc nhìn nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa
Một chiều rừng mưa
Ba người anh từ chiến trường Đông bắc
Đuợc tin em gái mất
Trứơc tin em lấy chồng
Khi gió sớm thu về gờn gợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về cỏ vàng chân mộ chị
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai tôi hát trong mầu hoa
“Áo anh sứt chỉ đuờng tà
Vợ anh mất sớm mẹ già chưa khâu”
Trên một chuyến tàu Bắc Nam, sau ngày đất nước thống nhất. Có một lữ khách già, được các bạn chiến đấu cũ mời vào thăm thành phố mang tên Bác. Đang trầm tư nhìn phong cảnh non xanh nước biếc...Bỗng đâu một giọng ca vọng tới tai làm ông ngỡ ngàng.Nhìn về cuối toa tàu,ông nhận ra một ông xẩm già lần bước theo đứa cháu gái, khàn khàn cất tiếng ca.Chú ý lắng nghe, càng nghe người lữ khách già càng thấy xao xuyến lạ lùng và vô tình để hai giọt lệ lăn tròn trên gương mặt phong trần... Khi hai ông cháu người ca sĩ bất đắc dĩ tới gần.Ông khách nói:" bác ơi! Bác có thể hát lại cho tôi nghe bài hát vừa rồi không?". Sau khi nghe hát lại một lần nữa,ông khách bồi hồi hỏi tên bài hát. Người "nghệ sĩ" già ngạc nhiên nói:" Ông không biết bài hát này thật sao? Đây là bài ĐỒI TÍM HOA SIM phỏng theo thơ Hữu Loan". Lúc ấy cụ Hữu Loan(ngừơi lữ khách già) sững người. Không ngờ bài thơ khóc vợ của mình đã đi vào lòng người như vậy.
Hồ Quý Kỳ
Ko còn gì để nói nữa.Qúa buồn,tôi khâm phục người phụ nữ ấy.Fuck...up the war !
Đây là một câu chuyện thực về người em vợ của em. hoàn toàn không một chút hư cấu. Thật cảm phục, người lính nào có được tình yêu như thế thì dù có hy sinh đời mình cũng không hối tiếc. Vợ em nói " Con Huơng nó ghê thật bộ quân phục còn đẫm máu của người bạn trai từng ấy năm vẫn nằm trang trọng trong va li của nó giữa những áo quần model kiểu cách mà nó chả biết sợ là gì".
Em viết bài này khi nghe tin nhà thơ Lê Đạt mất và được đọc lại bài thơ của ông 52 năm về trước.
Cảm ơn bác Hữu Thành, em nhớ nhầm tác phấm mà Phù Thăng bị tai họa là "phá vây". Còn "trước giờ nổ súng" là của của Lê Khâm. tác phẩm này cũng bị "tai nạn" tương tự,nên em lộn, xin cáo lỗi cùng "độc giả".
Chuyện hay.
Hồi chiến tranh, nhiều người có hoàn cảnh tương tự như vậy.
HCQuang
Trong lòng mỗi người đều có một chốn linh thiêng, nơi đó người ta thiết lập bàn thờ của mình. Chúng ta hiểu và trân trọng tấm lòng của người con gái đó. DĐ đã tặng anh em một bài viết hay, cảm động.
TM
Cảm ơn DĐ.
Chuyện viết thêm của HQK cũng hay nữa. Sao mà văn thơ Trỗi kỳ này phát thế.
Nói đến chiến tranh ở VN hình như người ta chỉ nhắc đến hai cuộc: chống Pháp và chống Mỹ. Còn cái "cuộc" sau này theo "định nghĩa" thì nó chỉ là một cuộc "xung đột (conflict) biên giới". Nhưng không vì thế mà hệ lụy của nó kém hơn hai cuộc kia. Cám ơn DĐ.
GM.
Hình như GM còn thiếu "cuộc kháng chiến chống Miên cứu nước vĩ đại"?
TM
Cảm ơn người anh rể của tôi.Anh đã thay tôi viết lại câu chuyện tình 30 năm về trước...Có một điều chỉnh về thời điểm bài thơ tôi đã làm không phải là ngay đêm chia tay mà là sau một năm chia tay khi nghe tin người yêu hy sinh.Hôm ấy ,vào một buổi chiều thu tôi trở lại Côn Sơn, nơi ghi dấu mối tình đầu của tôi để tìm lại kỷ niệm xưa.Với tâm trạng buồn ập đến,bài thơ có từ buổi ấy là nỗi niềm day dứt trong tôi cho đến ngày hôm nay...
@TM: Vì hai cuộc này gần nhau quá và đều là "xung đột" cả nên tôi mới góp làm một, mà thực chất nó là một vì đều do một "kẻ" chủ mưu.
GM.
Đăng nhận xét