Dương Minh
Chúng ta đang có ý tưởng làm một số công tác xã hội. Tôi xin kể lại một câu chuyện để cùng nhau suy ngẫm!
Cậu lái xe ở công ty tôi là dân Nam bộ thứ thiệt, quê ở huyện Tân Phước, Tiền Giang. Mặc dù chỉ cách Tp.HCM hơn trăm cây số nhưng đây là một miền quê vùng sâu, vùng xa thuộc Đồng Tháp Mười. Hôm cậu ta cưới vợ, công ty ai cũng háo hức muốn đi để thưởng thức đám cưới ở vùng quê Nam bộ. Cuối cùng công ty quyết định điều xe 15 chỗ đủ cho cả đòan đại biểu đại diện từ cấp ủy, công đòan, thanh niên đến các ban bệ chính quyền.
Cha của chú rể là cán bộ cấp huyện nên hầu hết cán bộ huyện, xã đều có mặt ở đám cưới để chia vui với gia đình. Biết chúng tôi từ Thành phố xuống ai cũng ghé qua bàn chào xã giao kèm theo là một cú “trăm phần trăm” rất rôm rả. Cuối cùng thì Chủ tịch xã tình nguyện thay mặt cho địa phương và gia đình ngồi cùng bàn để tiếp chuyện.
Mới bảy giờ tối trong sân thì náo nhiệt nhưng xung quanh rất tĩnh lặng. Dòng kênh trước nhà và cánh đồng phía sau hình như đã chìm trong giấc ngủ từ rất lâu. Chuyện nọ xọ chuyện kia chúng tôi quay qua Chủ tịch xã nói chuyện địa phương. “Này Sáu tình hình xã có gì đặc biệt không?”. “Thưa anh Hai, xã em có diện tích lớn nhất Nam bộ đấy. Cả xã hơn một nghìn hộ, gần bảy nghìn dân. Tòan là nông dân thôi, chỉ có số ít là tiểu thương, buôn bán lặt vặt…”. “Dân xã mình đời sống hiện nay thế nào?”. “Nếu theo chuẩn cũ thì xã đạt tiêu chuẩn “xóa đói, giảm nghèo” nhưng theo chuẩn mới thì chưa, buồn quá anh Hai!”.
Chúng tôi ngớ người, không ai hiểu “chuẩn cũ, chuẩn mới” là thế nào. Chủ tịch xã liền giải thích “Chuẩn cũ là qui ra thu nhập bình quân đầu người trong một hộ mỗi tháng tối thiểu trăm ngàn, chuẩn mới là hai trăm ngàn. Xã còn hai mốt phần trăm số hộ dưới chuẩn nên chưa đạt chỉ tiêu “xóa đói, giảm nghèo”. “Một phần năm còn đói nghèo cơ à! Thu nhập vậy thì nhà cửa, tiện nghi thế nào? Những cái lều ven kênh kia là nhà à?”. “Dạ, nhà đấy anh Hai. Nhưng cũng còn gần mười phần trăm chưa có nhà như thế!”. Cả bàn tiệc lặng đi. Chủ tịch công đòan công ty tôi an ủi “Sáu à, nếu buồn thì buồn vì dân còn khổ quá chứ đừng buồn vì cách tính phần trăm. Nếu theo chuẩn cũ Sáu có thành tích nhưng thành tích cái nỗi gì khi dân khổ thế! Thế có phong trào nhà tình thương, tình nghĩa gì không?”. “Tình thương, tình nghĩa là giành cho gia đình có công, còn nông dân thuần túy gọi là Nhà đại đòan kết”. “Một căn đại đòan kết bao nhiêu?”. “Dạ, năm triệu”. Chúng tôi ồ lên, ai đó buột miệng “Riêng Bùi Tiến Dũng cá độ bóng đá đã nướng gần muời nghìn căn rồi. Quản lý tốt thì riêng chỗ đó cũng đủ Nhà đại đòan kết cho cả lục tỉnh!”.
Trong khi tiếp tục ăn tiệc cưới chúng tôi hội ý chớp nhóang rồi thông báo với Chủ tịch xã “Này Sáu, tụi mình rất cảm thông với bà con ở xã. Kế họach ngân quỹ đóng góp nhà tình thương, tình nghĩa năm nay ở trên Thành phố tụi mình chi hết rồi. Tuy nhiên chẳng mấy khi có dịp đến đây, anh em công ty cũng muốn bày tỏ tình cảm của mình. Của ít lòng nhiều, công ty đăng ký tặng cho xã hai Nhà đại đòan kết nhé!”. “Chà, cám ơn các anh quá. Tưởng chuyện nhậu chỉ nói cho vui, nào ngờ các anh quan tâm đến thế!”.
Thấm thoắt hai tháng trôi qua, đúng dịp 30/4 công ty tôi lại tổ chức một nhóm quay lại Tân Phước để nghiệm thu và bàn giao Nhà đại đòan kết cho hai gia đình nông dân. Thực tình chúng tôi cũng không muốn dềnh dang. Cái nhà có năm triệu thì sao gọi là nhà, mình tặng thật đấy mà vẫn cảm thấy băn khoăn! Tuy nhiên UBND xã cứ thiết tha tổ chức cũng đành phải đi.
Từ UBND xã đi ghe máy gần một tiếng mới vào tới nơi. Nhà dân rải rác dọc bờ kênh, nhà nọ cách nhà kia ít thì trăm mét, nhiều cũng phải vài trăm mét. Những căn nhà mái lá dừa nước, vách cũng thưng bằng lá dừa nước … trải qua mưa nắng sậm đen trên nền nhà đất cũng đen sậm. (Tay Chủ tịch công đòan hôm trước gọi là “lều” cũng không ngoa!). Nhìn thấy ghe máy chúng tôi chạy tới, chủ nhà mặc quần xà lỏn, cởi trần ra đón từ xa. Vừa gặp, Chủ tịch xã đã nhắc “Các anh ấy từ Thành phố xuống, sao không mặc cái áo cho đàng hòang?”. “Dạ thưa anh, em không còn cái áo nào!”. Căn Nhà đại đòan kết gồm 6 cột bê tông cốt sắt, rui mè bằng sắt và lợp tôn trên nền đất rộng khỏang 18-20m2; xung quanh vẫn thưng bằng lá dừa nước. Khi nhận quà gồm bột ngọt, mỳ tôm, dầu ăn, đường, sữa … và năm trăm ngàn, chủ nhà rưng rưng “Cả đời, gia đình em chưa bao giờ có nhiều thứ và khỏan tiền lớn như thế này!”. Vẫn buồn nhưng chúng tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Có được chứng kiến như vậy chúng tôi mới hiểu: món quà dù nhỏ nhưng thực sự là niềm mơ ước lớn lao trong cuộc sống của anh bạn nông dân Tân Phước!
Thứ Sáu, tháng 4 18, 2008
TÌNH CÔNG NÔNG
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Sáu, tháng 4 18, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
21 nhận xét:
Những chuyến đi như thế này thật là ý nghĩa.
Nhiều khi những chuyện như thế này gợi rất nhiều suy nghĩ.
Mấy năm trước anh bạn thường trú báo Nhân Dân ở Nghệ An nói chuyện 135 ở vùng sâu. Mỗi hộ nghèo được vay 500 nghìn. Ít lâu sau hỏi xoá đói giảm nghèo đến đâu thì được trả lời: xoá đói được ít hôm còn nghèo thì nghèo thêm (vì nợ thêm khoản ấy).
Chúng ta đã không xây dựng được cái mô hình xã hội không cần có từ thiện, bây giờ làm từ thiện, vẫn thấy thế nào; "giá mà CM thành công"!
Tại sao không có 1 cách nào đó hoặc cơ chế , chính sách để người dân tự lo cho mình? Từ thiện là ăn mày lòng thương hại. GDP tăng cao nhưng thực tế có bao nhiêu % người dân được hưởng lợi từ việc đó hay là nghèo thêm?
Em cũng đi một số tỉnh phía bắc thấy dân nghèo thật , nhưng khi nói chuyện với một số người dân từ đồng bằng lên thì được biết dân bản địa rất lười . mang việc đến tận nơi họ cũng không làm vì thế nên họ rất nghèo .
Đề tài này sẽ rất nóng đây.
Đồng bằng SCL vựa lúa, lo cái ăn cho cả nước và xuất khẩu gạo, đóng góp GDP vào loại nhất nhì nhưng:
-Nhiều vùng mức sống và văn hóa vào loại thấp nhất nước.Trường Bé năm rồi vào thăm căn cứ CM U Minh Hạ, tặng 200 phần quà nho nhỏ mà dân tình cảm động quá chừng. Nhiều gia đình không sắm nổi đôi dép để đi. Lưới điện đã có nhưng chả mấy nhà mua nổi quạt máy …Dân kháng chiến về kể “giống như mình ở thời 9 năm đánh Tây!”.
-Lại có chuyện này nữa: Các doanh nghiệp tặng nhà tình nghĩa , tình thương thích chọn địa điểm gần đừơng quốc lộ ( cho dễ đi) và nơi có nền đất cứng ( đầu tư móng cho nhẹ tiền)…Kết quả dân ở tuốt trong vùng sâu hầu như chả được gì.
-Có những chuyện oái oăm như một gia đình chính sách, được trên cho một máy cày tay. Gia đình ở trong căn chòi lá dột tứ tung vẫn phải mượn tiền mua ni lon che máy . Máy không dùng được ở vùng sình lầy này, nhưng đem trả thì mất toi, đem bán lại sợ bị đì , khổ. Nguyện vọng gia đình chỉ ao ước được chục tấm tôn !
-Tặng được cái nhà TN 25 Tr , khi tân gia nhậu mất của người ta 4-5 Tr. Có Phường “ủng hộ dân bị lũ lụt” kéo 60-70 người đến một xã , giúp chẳng được bao nhiêu, Chủ tịch xã thiếu điều phát khóc vì khoản chăm sóc đãi đằng “đội bạn”…
Những chuyện tôi nêu chỉ là hiện tượng. Vấn đề vĩ mô, chính sách , chủ trương mình chả dám bàn Song có điều này: Giờ mình mới thấm thía “ham muốn tột bậc” của Cụ Hồ- “ tôi chỉ muốn dân ta ai cũng có cơm ăn, có áo mặc, ai cũng được học hành”, giản dị mà sao phải đấu tranh gian khổ thế!
TM
Nóng thì đề nghị tự giác giảm nhiệt.
Hết hơi rồi!
Hiện nay ở miền tây Nam bộ (vùng sâu cùng xa) vẫn còn học sinh đi học mà chỉ có 1 bộ đồng phục, nếu giặt mà sáng sau chưa khô thì hôm đó nghỉ học. Vẫn còn học sinh hết năm học đem vở ra phơi sương cho mờ mực để dùng cho năm tới.
HCQuang
Nói thế chứ đôi lúc ae mình cũng "lãng phí" ra phết, đặc biệt trong các cuộc nhậu vui gặp mặt (điều không tránh khỏi). Tôi có ý kiến nhỏ thế này. Mỗi cuộc nhậu, chúng ta uống bớt đi "một chai" nếu là rượu hoặc "một tuần" nếu là bia. Số tiền đó nộp lại cho thủ qũi (tuỳ từng nhóm bầu ra). Cuối năm hoặc nhân dịp nào đó ta mang đi giúp đỡ người nghèo. Tôi nói vậy có gì chưa hợp lý mong các bạn góp ý. Bởi vì nếu chỉ định uống một chai mà lại bỏ vào quĩ thì "cứng nhắc" quá. Ta có nhiều cách mà. Miễn là thống nhất quan điểm. Chúng ta làm như vậy được hai mục đích là:
1. Uống ít để còn được uống lâu với nhau như mọi người vẫn nhắc nhau trên blog này.
2. Giúp đỡ người nghèo, một miếng khi đói bằng một gói khi no.
Tôi đã trình ra Hội đồng sáng kiến của GM nhưng họ không duyệt vì không đúng chủ trương kích cầu. Theo họ, mỗi người cần uồng thêm 1 chai, lợi nhuận gia tăng thu được từ bia, rượu sẽ góp vào quỹ "xóa đói giảm nghèo".
12ly7
Không có một nền kinh tế thị trường nào mà không kích cầu. Đấy là điểm yếu của nền kinh tế thị trường. Thậm chí các tổ hợp công nghiệp quân sự lâu lâu lại phải phát động một cuộc chiến tranh như kiểu Việt Nam, Nam Tư, I-rắc dù có phải nguỵ tạo bằng cớ và áp đặt triết lí quốc gia ra ngoài biên giới.
So với tội vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng mà mình biết thì các cuộc chiến tranh do "lobby vô trách nhiệm gây chiến tranh nghiêm trọng" ấy nghiêm trọng hơn nhiều.
Mong sao VN mình cũng có những đại gia đủ tiền sản xuất vũ khí, lâu lâu cử quân đi đánh nước khác, lấy tiền tha hồ làm từ thiện. Khỏi cần GM nhịn uống một li mỗi bữa. "Đổi li rượu lấy phiếu bầu".
E ko đồng ý với pác GM,giơ 2 tay với pác 12ly7.Khoản bia,diệu đã có thuế tiêu thụ đặc biệt!Nếu ae đang ham vui thì..."đừng để chết vì thiếu...".
Theo e,các pác trước khi uống nên có mặt đặt tên,thu trước đi(qui ra thóc).Sau này sẽ có một khoản nhớn đẻ làm từ thiện đấy!
Ối giời ơi bố GM ơi, cái chuyện tinh nghĩa, từ thiện này tôi sợ quá,vì đã cùng tham gia với chúng nó.Tôi có một anh bạn học người HN hẳn hoi nhé,hắn làm cho hội chữ thập đỏ,hắn kể với tôi thế này, chúng tao làm một căn nhà tình nghĩa cho tỉnh Lâm đồng,ngôi nhà hết cỡ 24 triệu,nhưng tỉnh phục vụ đoàn hôm khánh thành hết nhõn 32 triệu?!?!/!. Chưa hết hắn hỏi tôi địa phương mày có cần làm nhà tình nghĩa nóivới tao xong ngay.Em sợ quá phải từ chối ngay vì quê em nghèo lắm.
Chuyện thứ hai cũng tay HN này,sau tết hắn alu cho tôi và Xuân Minh, này đi khám bệnh từ thiện với tao đi,khám bệnh cho bà côn nghèo không có ngày tết. "Xúc động đậy", sau tết đúng ngày cưới con Hố Mai lên đường về quê hương đồng khởi. Trưa tới nơi, địa phương đón tiếp rất long trọng, sau dó vào việc ngay.Tôi có cái duyên nói chuyện với đồng bào miền Tây nên chỗ tôi đông nghẹt người. Mới khám 2 ,3 người kê toa thuốc,có một cô trong đoàn nhắc nhở, cho ít thôi hết thuốc rồi!?1?!Điên tiết bố cứ khám cứ ra toa,làm mãi đầu giờ chiều mới xong. Ngồi ngía lại xem sao, 100 đồng bào nghèo không có tết,nhõn có vài vị qua tay tôi, trong đó có một em(đàn ông) SIDA,nhưng đâu giám nói,còn lại người nghèo khác thì nếu được vậy thì tốt quá,toàn người khỏe mạnh, ăn mặc trắng trơn. Chua hết,thuốc đem theo còn lại rất nhiều,tất nhiên là phải cho rồi,nhưng cho ai? cho cán bộ y tế xã. Tết sau hắn gọi tôi đi khám từ thiện, em chào tngười bạn không đươc tham gia. Đan mạch, chúng nó giám lợi dụng cả bố nữa.Cú nhất là vì hắn lèo mà tao với X.Minh không dự đám cưới con HỒ Mai.
Cho nên bây giờ nói đến làm từ thiện em hãi lắm.Cái thằng cha này rất tài ba ,chỉ có việc làm cho hội chữ thập đỏ mà hắn sắm được cả xe hơi đấy, đáng nể thật!
DS
Ấy là tôi cứ có ý kiến thế, ai "làm từ thiện" kiểu gì thì tuỳ theo cách của mình. Nhưng trước hết chợt nghĩ, mình phải làm "từ thiện" cho chính mình cái đã. Chắc là điều này các bạn không phản đối chứ???
GM lừa quả này khéo quá. Ngày xưa đá bóng có dẻo thế không?
Chết cha, mình nói "thật" thì TQ lại bảo mình "lừa". Mình nêu "ý của con kiến", mọi người không đồng tình thì mình phải "thiểu số phục tùng đa số" thôi.
Em đồng ý với ý kiến anh Giang.Nhưng cách thu có khác,cứ ai uống chai nào thì bỏ vô quỹ 1000vnd(1 ngàn)cứ thế,uống nhiều bỏ nhiều.
Nhất trí với ý kiến của bác GM và Đạt về việc thu thêm khoản đóng quỹ để làm từ thiện, thu bao nhiêu tùy từng quỹ nhưng điều này hay ở chỗ là các bác sẽ phải giảm luợng uống và... thế là quỹ từ thiện hay không chưa biết nhưng chắc chắn là còn đủ sức mà đi "từ thiện" nhiều lần sau.
Để tránh tình trạng tốn kém như TM và DS kể, khi đi bàn giao nhà chỉ có tôi và Chủ tịch CĐ. Bàn giao xong cùng Chủ tịch xã và mấy anh em trong UBND đến ăn một bữa cơm gia đình rồi chia tay. JM
JM viết thiếu đấy, viết đủ là :"...rồi chia tay và hẹn 15' sau gặp lại ở quán Karaoke".
12ly7
Sao 12ly7 lại biết là " 15' sau gặp lại ở quán karaoke"? hay là 12ly7 đã ra đấy trước chờ bác JM rồi?
-@ LT: Không biết thì làm sao "lãnh đạo" cán bộ được!?
12ly7
Đăng nhận xét