Thứ Sáu, tháng 4 18, 2008

ĂN CHÁO


Hôm rồi mấy người bạn rủ tôi đi ăn cháo vịt Thanh Đa. Đã mấy năm nay, vẫn thường xuyên đi ngang, nhưng hôm nay mới trở lại nhà hàng này. “Cháo vịt Thanh Đa” vốn có từ gánh cháo của một bà trông rất nông dân bán ở chân cầu Thanh Đa từ trước giải phóng đến nay. Các đôi thanh niên nam nữ, hồi mới giải phóng thường ghé gánh cháo của bà ăn khuya sau mỗi buổi cặp kè với nhau. Riết rồi cái tên “Cháo vịt Thanh Đa” tự nhiên trở thành thương hiệu. Bà chủ từ gánh cháo tiến tới mở quán nho nhỏ rồi tiến tới dựng nhà hàng. Nay ghé lại thì…ôi! Tá hỏa. Có tới 2 nhà hàng “Cháo vịt Thanh Đa” bự tổ chảng, nhìn choáng cả người. Cả 2 đều xưng là “gốc”, chẳng hiểu gốc nào thật. Vị trí thì cũng khoảng khoảng chỗ đó, thôi thì vô đại một cái. Không ngon bằng xưa, nhưng cũng chẳng chê vào chỗ nào được.

Ngẫm nghĩ cũng lạ. Xưa nay ai làm gì không được thì đều bị coi là : Làm vậy thì có nước húp cháo ! Cháo vốn là món ăn của dân nghèo, không đủ gạo nấu cơm nên phải ăn cháo. Từ xưa, miền Bắc có nồi cháo hoa, miền Nam có cháo trắng. Loại cháo của người nghèo thực thụ. “Cháo trắng” hay “cháo cò” là cháo có màu trắng hoàn toàn chỉ nấu bằng gạo (nhiều nhà nghèo quá còn nấu cháo bằng cơm nguội), không có thịt thà, cá mú chi cả. “Cháo hoa” cũng là cháo trắng, nhưng do người Bắc khi nấu cháo đều giã cho vỡ hạt gạo ra nên hạt cháo nấu chín nhừ nở bung trông như hoa. Người tàu còn ăn cháo trắng với hột vịt muối, ca la thầu…

Nhưng ngày nay cháo đã được đưa vô nhà hàng, trở thành món ăn chơi cho nam thanh nữ tú. Bởi vậy món cháo vịt cũng không hề đơn giản chút nào. Vịt được luộc trong nước sôi với chút gừng và muối cho đậm đà. Khi gần chín, vớt ra hấp trong xửng cho chín hẳn nên thịt không bị bở hay lớp da bị bèo nhèo. Thịt vịt được chặt ra trộn gỏi với bắp chuối có chút chanh và ít đậu phộng (lạc) rang rắc lên. Đã là cháo vịt thì phải nấu bằng gạo tấm mới ngon. Gạo tấm được rang cho săn lại rồi mới nấu bằng nước luộc vịt cùng với đầu, cổ, cánh, chân tới chín nhừ. Cháo phải nấu loãng và khi múc ra tô phải thấy nước cháo trong, chỉ có một chút mỡ vịt lóang thoáng nổi trên mặt lấy mùi không tạo cảm giác ngán khi ăn. Bỏ ít hành ngò và chút tiêu vào tô cháo nóng, ăn với gỏi vịt chấm nước mắm gừng thì …chắc là muôn đời khó quên !

Món cháo vịt Thanh Đa này khác hẳn cháo vịt Vân Đình (Hà Tây – nay là Hà Nội) với nồi cháo đặc sệt như bột, sánh ngậy, vàng nâu mầu mỡ và hành phi. Thịt vịt thì bóng mướt, béo ngậy bỏ lẫn trong tô cháo, khi ăn thì trộn lên gắp từng miếng thịt quện với cháo mà thưởng thức.

Ở Sài Gòn, gần thì ăn cháo vịt Thanh Đa, chịu khó đi xa một chút thì lên khu làng Đại học Thủ Đức cũ thưởng thức “Cháo cá miền tây”. Món cháo cá miền tây ở đây đã được biến tướng thành món “lẩu cháo”. Cháo cá được nấu bằng gạo đã rang sơ tới săn lại sao cho không đổ nhựa khi nấu cháo. Cá lóc luộc chín được lóc xương bỏ da. Sau đó chọn lấy phần thịt cho vào nồi cháo –chính xác là nồi lẩu cháo - đang sôi sùng sục ở trên bếp. Cháo có ngon hay không là do bàn tay nêm nếm của người nấu. Gần đây, một số tiệm lại còn cho thêm đậu xanh và nấm rơm vào nồi cháo làm cho hương vị lại càng đậm đà hơn. Ăn cháo cá tất nhiên không thể thiếu rau đắng. Thứ rau dại này của miền tây, người mới nghe thấy hơi sợ, nhưng khi ăn vào, nhất là ăn với cháo cá thì tạo nên hương vị thanh mát dịu dàng, vị đắng làm tăng mùi thơm và giảm mùi tanh của cá. Không chỉ có rau đắng, cần, ngò, giá, cải xanh, bắp chuối … và đôi khi cả rau muống chẻ cũng không thiếu trong nồi lẩu cháo. Tùy theo yêu của khách, nhà hàng còn cung cấp thêm thịt bò, thịt heo, gan thái mỏng và vài con tôm cho nồi cháo thêm ngọt. Nhưng tới đây có lẽ đã trở thành nồi “cháo lai” rồi !

Cháo ở các nhà hàng Sài Gòn nay cầu kỳ như vậy đó. Nhưng không thể “qua mặt” được cháo miền tây “thứ thiệt”. Các bạn hãy thử tưởng tượng ra cảnh sau :

Ta đi theo chân một ông lão nông bước ra đầu ruộng kéo đó lên bắt mớ cá bống kèo còn sống nhảy soi sói, đem về trút thẳng vào nồi cháo đang sôi trên bếp. Con cá vùng vẫy trong nồi nghe kêu “rồ rồ” một chút rồi tắt hẳn. Lúc đó là cá vừa chín tới. Đem nồi cháo xuống, vớt cá ra đĩa, con cá bống kèo nứt da, dựng kỳ, dựng vi, nếu không quen cũng thấy “ớn”, nhưng ăn vô sẽ thấy ngon tuyệt vời, nó có vị ngọt của tự nhiên, thịt mềm khó mà mô tả được. Chấm cá vô nước mắm gừng với chút chanh, chút đường. Húp miếng cháo nóng cái “rột”. Còn gì đã hơn ! Thưởng thức món cháo cá bống kèo kiểu nầy rồi bạn sẽ chán kiểu nấu cầu kỳ như các nhà hàng : Làm sạch, chặt đầu, nấu với đủ thứ tùm lum và nói theo dân quê thì ăn như “dzậy” là “hổng biết” ăn cá bống kèo nấu cháo.

25 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hay lắm , viết ngon như cháo cá vậy.
-Mấy ai biết rằng, rau đắng ăn cháo cá ở SG chỉ là "nhà quê" so với dân"tỉnh" Long An.Cháo cá LA ăn với rau đắng đất ( lá nhỏ bằng đầu ngón tay, hơi đỏ như rau dền)được rửa sạch với cả bộ rễ khá dài. Thứ này ăn với cháo thì hết ý .
- Người ta nói cá kèo ngon là ở ..nhớt cá và mật cá vì vậy chỉ rửa sơ, không cạo nhớt và để sống tống thẳng vào nồi lẩu hoặc cháo. Dân thành phố gắp con cá chấm nước mắm và gặm...Dân quê sành điệu ngồi cười. Họ cầm nhẹ đầu con cá, kẹp đủa vào thân và tuốt nhẹ, toàn bộ thịt sẽ rớt hết vào tô.Cái đầu và bộ ruột đăng đắng, beo béo dùng để nhậu bá cháy .
TM

Nặc danh nói...

Đúng là các món ăn Nam bộ không thể qua mặt được aTM.

HMK6

Nặc danh nói...

Dạ em chào các anh chị! đọc những dòng chữ viết về Cháo vit Thanh Đa..quê hương thứ 2 của em...30 năm sống ở đây, cho em góp vài dòng nhé
Theo như Mẹ em kể lại trước năm 80, nơi đây là nơi se nhang(hương)để bán...sau năm 80..cháo Vịt mới bắt đầu được bán ở đây, do người Mẹ đứng bán chính để nuôi các con, nay vẫn còn bán ngay chỗ cũ với tên gọi là Chaó Vịt gốc nhà Lá, do người con gái út tên Hà quản lý (vẫn là nhà Trệt nhưng đã lợp tôn, không có Lầu)...còn nhà Lầu cách đó vài căn là do người con gái lấy chồng ra riêng đứng kinh doanh theo thời thị trường có phòng máy lạnh, lấy tên là Cháo Vịt Thu Nga
Thịt Vịt của quán bán cho khách hàng ngày là do quán tự nuôi, thả đồng và cho ăn thức ăn đặc biệt nên thịt Vịt da mỏng, thịt mềm và ít mỡ...và thêm 1 điểm để phân biệt với các quán khác là bánh tráng( bánh đa) được nướng hàng ngày bằng than, trong bánh tráng có 1 lượng nước dừa vừa đủ để khách thấy ngon, béo..nhưng không ngấy..bánh tráng này làm riêng cho quán...không bán ở bên ngoài..
Tốt nhất để tránh chọn nhầm quán..khi nào các anh chị đến Thanh Đa thì cứ gọi em nhé..heheh

dathb136 nói...

Hà mèo tả mà bắt thèm.Muốn ra ngay Thanh đa làm 1 tô cháo.Có một món này ăn với cháo cá lóc phải nói là tuyệt vời,dân thành phố sợ chưa được thưởng thức?Đó là món nấm mối,chỉ có dân nông thôn,theo tôi biết không dễ gì kiếm?Do hiếm nên họ chỉ để ăn, không bán?Nó hơi nhẫn nhẫn,hậu ngọt,tôi chỉ được ăn có một lần do người bạn quê ở Tây ninh mang xuống,sau này muốn ăn lại,nhờ kiếm mà không có.

Nặc danh nói...

Ngay đoạn giữa hai cầu Văn thánh ( đối diện hồ bơi Hải Quân) có một tiệm trương biển CHÁO CÁ MIỀN TÂY từ ngày có con đường NGUYỄN HỮU CẢNH. Nỏ biết ngon dở ra răng vì chưa húp bữa mô.

Thanh Minh là chuyên gia ẩm thực Nam bộ thì khỏi bàn, tới nhà hắn có hai cái thú. Thứ nhất là được câu cá sông SG và xơi tại chỗ, thứ hai là hưởng các món tuyệt tác mà đich thân hắn,vợ hoặc con dâu thực hiện.

Cháo vịt Thanh đa thì phải bàn nhiều vì nó thuộc khẩu vị. Tôi xơi món cháo vịt ở đây nhõn hai lần,mà cả hai lần đều thất vọng. Lần gần đây nhất là mồng 4 tết vừa rồi, hai cha con mồ côi chẳng ăn uống ngày tết gì sất, rủ con đi ăn cháo vịt Thanh đa. Quán nào con? Nga. Phi từ quận 1 sang, hai cha con vào trong,cho xin cái "minu",nhòm chả thấy vịt ngan gì sất,hỏi nhân viên thực đơn vịt dâu? dạ vịt là đặc sản, chú cứ gọi. Tao biết mày có món gì mà gọi, thằng cu chạy bàn này cũng ú ớ. Mãi cũng gọi 3 món,gỏi, cháo,lòng mề. thú thật các bác,em nỏ duyệt được món mô. Công bằng mà nói chỉ được cái thịt mềm,béo vừa phải. Còn cái món tiết canh thì như thế này ;cái đĩa nhỏ,có một it nhân và tiết thì mỏng như bánh đa( nem), mà rõ khổ em cũng không được xơi.
Nói các bác đừng giận chứ tất cả tại cái anh khẩu vị.Em chỉ thấy ngon khi em tự làm hoặc bạn của em mần thôi. Cái khẩu vị" Nhà Quê" ấy mà nó vưỡn chưa chịu dịch chuyển khỏi em. Thôi em giông dài quá làm các bác nổi xung, dạ !em chào các bác, nhớ có đi ăn vịt thì gọi em.
DS

Nặc danh nói...

@ Đạt bột:
- Nấm mối thì khó kiếm nhưng nấm tràm thì đơn giản.Chất lượng 2 thứ cũng sém như nhau, đều có vị đắng nhân nhẫn. Nếu thích thì sau 2-3 cơn mưa đầu mùa đi Trị An với anh "thu hoạch" nấm tràm. Dưới lớp lá mục của bạch đàn và tràm bông vàng có khá nhiều.
- Liên lạc với anh Đt: 0903950081. Sáng mai( chủ nhật) , nếu có thể đến nhà anh 257 Ung Văn Khiêm, P25, Bình Thạnh trao đổi về vấn đề tìm mộ liệt sĩ...
TM

HữuThành.Nguyễn nói...

Nấm mối ngoài Bắc thì lại ngọt. Chả nhẫn nhẫn tị nào. Sao thế nhỉ, hay là cứt mối mỗi nơi một khác?

Nặc danh nói...

Em bé nặc danh nào đó nói đúng. Khoảng thời gian 1978 - 1980 gì đó, cháo vịt Thanh đa không có bán hoặc rất ít khi vì đó là thời kỳ "bo bo" mà, lấy đâu ra gạo nấu cháo.

HMK6

Nặc danh nói...

Em bé nặc danh là Suối đây anh ah, vì em quên để tên mà...vào khỏang giữa tháng 6, em có lần đến Củ Chi được ăn Bánh xèo mà họ nói là lấy Nấm mối làm nhân...không biết có phải loại Nấm mà các anh đang nói đến k ah?

Suối

Nặc danh nói...

Miền tây có món cá lóc nướng trui. Để nguyên con, không làm gì cả, cứ thế là nướng, ăn. Thơm ngon tinh khiết.
HCQuang

GM nói...

Thế hóa ra nấm mối là mọc từ cứt mối à TQ? Không sao, con mối mình còn ăn được thì nấm chắc sẽ ngon. Nhưng vị ngọt thì còn biết chứ cái vị "nhẫn nhẫn" ấy nó ra răng hở các bác?

Nặc danh nói...

- @ TQ:Đã hỏi lại con dâu, nấm mối ngọt, không đắng, đem làm nhân bánh xèo, nấu canh mồng tơi, quấn lá cách nướng đều ngon cả ...Giá 2007 tại T.Giang 200.000đ/kg.
Bào tử (meo) nấm mối sống trong đất tổ mối, nấm mọc vào 5/5 âm lịch , sau mưa đầu mùa khi độ ẩm và nhiệt độ thích hợp.Nấm mọc chỉ có 1 năm một lần , kéo dài gần 1 tháng, con dâu bảo thế!
- @ GM: "nhân nhẫn" với dân Nam là vị hơi đăng đắng. Nấm tràm có vị này.Khi ăn , sau "nhân nhẫn"là vị ngọt hậu đậm đà kiểu như bác uống chè Thái ấy.

Nặc danh nói...

"nhân nhẫn" = vị hơi đăng đắng là từ chính gốc của người đồng bằng Bắc bộ đó !

HMK6

Nặc danh nói...

Ôi! lại cháo,món này tôi chỉ thích nó sau một chầu nhậu tơi bời khói lửa.Này nhé,ngày hôm sau nếu ko đi làm nổi,hãy nhờ bà xã nấu cho một nồi cháo gì cũng được (hột gà,hột vịt muối,hột vịt bác thảo,cá kèo kho...hoặc nấu với đậu xanh hay đuôi heo với đậu đen...)ăn trong một ngày.Sáng mốt thức dậy có cảm giác cứ như chưa bao giờ uống...người cứ nhẹ nhàng,phơi phới...!Bác nào ko tin cứ thử mà xem,biết liền!

GM nói...

@AK7: Chả cần đến ngày hôm sau đâu. Hồi những năm 90 đi "đánh quả" ở Đà Nẵng, sau khi nhậu tới bến về làm một tô cháo lươn cạnh nhà máy X50 HQ là tỉnh liền. Có thể chèo qua cổng sắt của nhà máy mà không bị ngã. Ngay như Chí Phèo khi say được Thị Nở cho một tô cháo hành đã có thể cho "ra sản phẩm" ngay được đấy thôi.

Nặc danh nói...

@ pác GM:e ko phản đối,nhưng đó là hồi pác còn "trẻ giai"!Chứ bi giờ thì pác phải cẩn trọng đấy,bởi vì khi uống thì ko ai muốn mình là người 'có tuổi"cả.Còn nữa,e nói pác đừng để bụng,sau này thằng e có ra Hn mời pác lại dỗi thì chết:Khi uống nhiều mệt,nếu có xơi cháo,pác nên cẩn thận cất kiếng vào túi.Nếu ko,ae lại phải xúm lại mò kiếng dùm cho thì...hì...hì!!!

dathb136 nói...

@Anh Thanh Minh:Cám ơn anh,em sẽ tới nhà anh.Có lẽ sau lễ?Trong tháng 4 em bận.

GM nói...

Cái vụ cháo của Hà mèo "dzui" quá trời, mỗi người một sáng kiến, vui ghê. AK7 cứ yên tâm, khi đi nhậu anh bỏ kính ở nhà luôn, khỏi phải mò!!!

Nặc danh nói...

Mọi người khỏi phải mò, nhưng anh lại phải mò. Mò trúng ko sao, mò sai thì bỏ mẹ !

HMK6

Nặc danh nói...

Trước khi HH về nước với ý định mở quán phở, ae đã có một loạt bài về phở, rồi ae cũng đã được thưởng thức phở HH (à phở Bắc Mông gì đấy), giờ thì đến cháo, thêm vài bài nữa biết đâu HQK cũng sẽ về nước để mở quán cháo.
VTM

dathb136 nói...

@Chị Mai:Không có gì rôm rả bằng bàn chuyện ăn?Chị không thấy cứ mỗi lần có bài ăn trên blog là rất nhiều comment sao.Chuyện thịt chó, phở,cháo...etc.

LêThanh nói...

Bác GM đừng nghe anh e xui dại đấy . Để kính ở nhà thì gắp cái j? cứ chờ ai gắp cho j ăn nấy ah?

Nặc danh nói...

Lo hão.Khi thị giác hạn chế thi xúc giác sẽ phát triển. GM cũng không ngoại lệ. Cẩn thận với 'bàn tay vàng' sờ tất tần tật của pác ấy!
12ly7

Nặc danh nói...

Đúng vậy Đạt à, để giảm nhiệt ấy mà. Năm ngoái vào SG mấy đứa bạn mang đi ăn cá kèo nướng (không nhớ là ăn ở đâu), chúng nó nói "ngon lắm..." nhưng chị thấy nó hơi tanh và nhớt, cố được 2 con. Không biết con cá bống kèo của Hà mèo tả có phải là loại cá mà chị đã ăn không?

Bác GM mà giảm thị giác, phát xúc giác thì đúng là sờ tất tật.
VTM

dathb136 nói...

@Chị Mai:Đúng là con Bống kèo của HM đó.Chị ăn chưa quen thôi,em giờ này chỉ ăn từ khúc sau,vẫn sợ ăn ruột,mặc dù khúc bụng của nó là ngon nhất.Lần sau chị vô,gọi em.Sẽ đưa chị đi ăn nhiều món ngon Nam bộ!