Thứ Hai, tháng 4 28, 2008

NGÀY 1/5/1975 CỦA TÔI

7 giờ sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, tôi ểu oải nằm dài trên giường chưa muốn dậy, đầu vẫn còn nhức như búa bổ bởi cơn say tối hôm trước. Ngày Quốc tế lao động là ngày lễ được nghỉ học, nên tối 30, CLB Sinh viên thường “tranh thủ” tổ chức Disco vì đây là tối mà tất cả sinh viên của trường đều có mặt ở Ký túc xá, không về nhà để chuẩn bị dự lễ vào ngày hôm sau.

Ngoài hành lang, tụi cùng lớp la lối, đùa giỡn, đập cửa phòng tôi ầm ầm. Cửa xịch mở, mấy thằng trong lớp nhào vô “Hà Chí dậy đi !” - “Làm gì mà ồn ào quá vậy ? 9 giờ mới miting mà” Tôi lầm bầm chửi thề. “Sài Gòn của mày giải phóng rồi mà còn nằm đấy hả” - “Xạo vừa thôi mày!” 1 thằng lao lại mở radio trên bàn tôi. Chương trình thời sự buổi sáng của DDR – Rundfunk (Đài phát thanh CHDC Đức) đang ra rả nói trong tiếng nhạc đệm của bài “Giải phóng miền Nam” – “Ủa, cái gì kỳ vậy ?” Tôi nhổm lên lắng nghe – “Hôm qua, ngày 30 tháng 4, vào lúc 11 giờ 30 phút giờ Hà Nội, Sài Gòn đã được hoàn toàn giải phóng. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã….” – “Ah !!!” Tôi bật dậy ôm chầm lấy mấy thằng bạn Đức la lên bằng tiếng Việt “Thắng rồi ! Thắng rồi !” Ngay lúc đó không biết từ đâu mấy thằng Việt Nam cùng trường cũng đã xuất hiện trước cửa phòng tôi và cùng la lên theo “Ah…Thắng rồi ! Thắng rồi !” Tụi Đức ngớ ra, nhưng rồi lập tức hiểu ngay và cùng la theo “Sieg ! Sieg !” (Chiến thắng ! Chiến thắng !)

Tôi vội vã làm vệ sinh cá nhân với tốc độ nhanh nhất và rồi lao ra khòi phòng cùng mấy đứa Việt Nam chạy dọc hành lang Ký Túc Xá la nhoi “Ah…Thắng rồi ! Thắng rồi !” Tụi Đức thấy vui quá cũng chạy theo la “Sieg ! Sieg ! Việt Nam ! Việt Nam !” Chúng tôi như những thằng điên la um xùm, thấy ai cũng ôm hôn mừng rỡ (đặc biệt là mấy em nhỏ bên khoa Kinh tế).

Sáng hôm đó, trong đoàn tuần hành qua quảng trường thành phố, tất cả tụi Việt Nam đều được bố trí đứng ngay hàng đầu và cầm cờ (trong đội cầm cờ đỏ cờ đi đầu). Báo hại gió thổi cờ nặng muốn chết. Ở tất cả các đoàn tuần hành của các trường, các cơ quan, xí nghiệp….đều có biểu ngữ đại loại như : Việt Nam hoàn toàn giải phóng ! Việt Nam chiến thắng ! …. Và khi tụi tôi đi ngang qua khán đài thì thấy mọi người la lên :Việt Nam Hồ Chí Minh ! Việt Nam Hồ Chí Minh !....

Sài Gòn giải phóng ! Thật là 1 cảm giác nôn nao khó tả. Suốt cuộc đời mình từ nhỏ tới giờ luôn luôn mang 1 ý niệm trong tâm trí : đất nước bị chia cắt, chiến tranh tồn tại ở cả 2 miền. Chiến đấu giải phóng miền Nam ! Giải phóng miền Nam ! Dẫu luôn hy vọng và biết chắc rằng đến 1 ngày nào đó Sài Gòn sẽ được giải phóng, chiến tranh sẽ kết thúc, nhưng khi nó đến thì thật là không thể tưởng tượng nổi. Bất ngờ và cũng không bất ngờ. Hồi bấy giờ, thông tin không được mau lẹ và đầy đủ như bây giờ, tuy tụi tôi vẫn thường xuyên nghe tin chiến thắng ở miền Nam, nhưng cũng như suốt 30 năm nay mình vẫn nghe vậy không hể có cảm giác gì với chiến thắng đã gần kề, không hề được sống trong không khí sôi động của những ngày cuối cuộc chiến như các AE trong quân ngũ hay ở quê nhà. Bỗng dưng tin vui đột ngột ập tới, mà là tin vui quá lớn, ngoài sự chuẩn bị của mình. Ngợp thở ! Ngợp vì quá vui. Có lẽ đó là cảm giác chính xác nhất của tụi tôi, những thằng sinh viên đang học ở nước ngoài trong thời gian này.

Những ngày tiếp sau đó những ngày lâng lâng và bâng khuâng của tất cả. Lâng lâng vì niềm vui quá lớn. Bâng khuâng vì muốn bay ngay về Nam, nhưng phải làm gì đây ? Học chưa xong mà ! Nói chung với tâm lý “bao cấp”, hầu hết đều chỉ dừng lại ở việc trao đổi, bàn luận rồi đều phải quay về với thực tế : Tiếp tục “cày” đi con ! Nhưng không phải tất cả. 2 người bạn Trỗi lúc bấy giờ cũng đang học ở CHDC Đức như tôi đã quyết định. Tụi nó lập tức lên xin “Sứ” (Đại sứ quán VN) cho về Nam. Tất nhiên là bị từ chối. Một hành động kiên quyết đã được tụi nó thực hiện mà bất cứ ai cũng đều biết, tây cũng như ta, sinh viên lẫn giáo sư, kể cả “Sứ”. Đó là hành động bỏ không làm bài thi cuối năm, nạp giấy trắng để nhà trường bắt buộc phải nói lời từ biệt và kèm theo đó là “Sứ” gửi về nước. Tụi nó đã quyết toại nguyện bằng mọi giá. Xin nói thêm : 2 người bạn này đã lập tức về thẳng Sài Gòn và sau nhiều việc phải giải quyết, tụi nó đã tiếp tục đi học. Cho đến nay đều thành công ở mức độ khác nhau trong sự nghiệp. 1 quyết định không sai, nhưng có lẽ không phải là tối ưu (theo tôi).

Như vậy đó, niềm vui Đại thắng của dân tộc đã đến với tôi, 1 thằng sinh viên đang du học cách Sài Gòn ¼ trái đất chắc chắn hoàn toàn khác với các bạn. Tuy không được hưởng bầu không khí hân hoan của toàn thể dân mình, nhưng nó vẫn mang cho riêng tôi dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời.

Không có nhận xét nào: