Chủ Nhật, tháng 4 27, 2008

Sách hay nhớ lâu

Tạ Quang Vinh(V.) là một truyền nhân của người ham đọc sách nổi tiếng nhất của VN. Vì thế, theo tôi, thái độ của V. đối với sách vở rất đặc biệt. Hồi còn ở bên này, V. sống cách tôi 500 km, nên chủ yếu là chúng tôi gặp nhau online. Một hôm , V gọi điện cho tôi và nói:
- Mình vừa đọc xong một quyến sách đã cũ, tác giả cũng đã qua đời nhưng mình cảm thấy như ông ấy hiện về trước mặt mình và cất lên những lời viết ở trong ấy!
Tôi nhớ đến cảnh cậu bé Aliosa (Maxim Gorki) đã giơ cuốn sách lên hướng mặt trời để tìm xem trong những tờ giấy toàn chữ ấy có cái gì ở bên trong mà hấp dẫn và lôi cuốn cậu ta đến thế?...
Có lẽ tuy qua điện thoại nhưng V. cũng cảm nhận được hết nỗi ham muốn của tôi, và chủ yếu có lẽ là nể tình lính Trỗi nên hai ngày sau, qua bưu điện, tôi nhận được được „Hồi ký“ của Đặng Thai Mai, nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1985.
Quyển sách đã ố vàng, các bức ảnh hầu như không nhìn thấy rõ nữa, chất lượng giấy in hồi đó phải nói là rất tệ : chỉ cần mạnh tay một tý là rách ngay ! Vì thế tôi chỉ có thể đọc nó vào ban đêm , khi mọi việc đã xong xuôi và quyển sách được đặt ở trên bàn. Tôi rất muốn biết thời ấy-thời của tác giả- người ta đã sống như thế nào ? Tác giả là người Nghệ An nên cách ông viết rất chân thành, không màu mè và có nhiều đoạn cực kỳ nhiều cảm xúc. Tôi đã đọc lại rất nhiều lần đoạn ông tả lại phiên tòa đại hình xử cụ Phan Bội Châu mà ông được trực tiếp tham dự. Theo ông thì :“lời tự bào chữa của cụ Phan không hề có tý gì gọi là muốn tránh né trách nhiệm sợ hình phạt“, ngược lại cụ kiên quyết lên án chế độ thực dân và cuối cùng thì cụ Phan đã „đứng dậy cúi chào hai nhà luật gia Pháp và họ cũng đã kính cẩn chào lại“(những người đã bào chữa cho cụ). Chính quyền thực dân đã không thể kết án tử hình cụ.



Năm 1979, tôi được điều động về công tác ở sân bay Đà nẵng. Đối với đời lính tráng thì đây là một dịp may hiếm có với tôi. Chỉ cần vượt qua đèo Hải Vân sang bên kia là đến Huế , quê ngoại của tôi. Sau nhiều lần trình bày „đứt lưỡi“ thì cuối cùng ông trung đoàn trưởng cũng cho tôi về thăm quê. Và đấy cũng là lần duy nhất tôi về quê ngoại cho đến tận bây giờ. Ngôi nhà của gia đình tôi nay đã thuộc về người khác (mà tôi cũng không biết ở đâu). Lang thang một hồi, tôi quyết định đến thăm mộ cụ Phan. Mộ cụ nằm trong khuôn viên nhà cụ, phía dưới chân mộ là mộ của mấy con chó cụ nuôi, mộ con nào cũng có văn bia do cụ viết. Các anh chị lớn của tôi hồi còn nhỏ đều đã được theo gia đình đến thăm cụ Phan , chắc là cũng ở tại nơi đây? Trong ngôi nhà tưởng niệm có bày rất nhiều tác phẩm của cụ và viết về cụ. Lật qua vài trang sách bày , tôi đọc được những dòng cụ viết:-„Đời tôi trăm thất bại không một thành công. Tội tôi là tội chết , may mà đồng bào tha, cho sống . Và vì quá vội tôi cũng không biết câu ấy cụ viết ở sách nào?



Gần đây khi xem VTV4 , tôi thấy giáo sư Nguyễn Đình Chú nói câu ấy cụ viết trong „Phan Bội Châu niên biểu“. Theo giáo sư thì đây là một tập hồi ký đứng vào hàng đặc biệt không có tập hồi ký nào sánh được . Trong ấy cụ đã liên tục phủ định mình, hoàn toàn không có ý định đề cao bản thân .




Vậy là tôi đã phần nào hiểu ra thêm tại sao thế hệ của tác giả „Hồi ký“ lại khâm phục cụ Phan đến thế. Khi bị xử ở tòa đại hình thì cụ đã 60 tuổi . Cụ đã mang hầu hết cả cuộc đời mình ra để tự nguyện làm một cánh buồm . Nhưng tiếc thay ngọn gió thời thế đã không thổi vào cánh buồm ấy, khiến cho con thuyền khát vọng đã không đến được bến bờ . Trên con thuyền ấy chỉ chở khát vọng của cả một dân tộc đang bị áp bức chứ không chở bất cứ một thứ gì của riêng cụ . Tuy vậy trước dân cụ vẫn nhận tội chết. Tội ấy trước tòa đại hình của thực dân Pháp cụ đã dứt khoát khước từ . Khước từ không phải vì sợ hãi.
Bây giờ đây khi nghĩ đến những lời gan ruột của cụ Phan tôi lại có cảm giác bàng hoàng như trước mắt tôi hiện ra một tảng núi sừng sững mà người đức mỏng như tôi không bao giờ có hy vọng được nhìn thấy đỉnh. Trên đỉnh núi ấy có lẽ là những khối tâm sự lớn lao mà cụ muốn gửi „chim ngàn , cá bể“?
Nhưng đồng thời cũng khi nghĩ đến những lời gan ruột ấy tôi lại cảm thấy trong lòng dâng lên lòng tự hào vô bờ bến được làm đồng bào của cụ.

6 nhận xét:

tranbachai nói...

"Cụ đã mang hầu hết cả cuộc đời mình ra để tự nguyện làm một cánh buồm... Trên con thuyền ấy chỉ chở khát vọng của cả một dân tộc đang bị áp bức chứ không chở bất cứ một thứ gì của riêng cụ..."
Ngày hôm nay còn tự hào được vì các cụ là phúc lắm rồi. Đọc báo hôm kia, chúng nó còn đào mả một cụ Quận Công lên nữa để khảo của đấy.

Nặc danh nói...

Chào anh Quý. Chúc A và gia đình một buổi sáng chủ nhật vui vẻ đầm ấm. Sáng nay dậy sớm vợ con vẫn còn "nướng" trong phòng, làm ly trà nóng lipton với chút đường rồi mở máy. Biết bao nhiêu tin tức trong một đêm biết bao nhiêu tờ báo ra buổi sáng ... Phớt, vào Ban troi cái đã. Em đọc một mạch ba bài của anh, ba bài ba cách viết ba nội dung, bài nào cũng hay đọc xong tự nhiên thấy chán không muốn đọc các tờ báo mạng khác nữa. Đủ để chiêm nghiệm suy ngẫm cả tháng ...bây giờ có thể tắt máy và đi cafe giao ban được rồi cảm ơn anh một thằng em khóa dưới.

Nặc danh nói...

TGQuý ghé thăm mộ cụ Phan làm tôi nhớ tới đợt tôi về huyện Hương sơn - Hà tĩnh vào năm 1986 (có thể thời gian không chính xác). Đi lang thang trên dải Thiên nhẫn trên phần "biên giới" Hà tĩnh, tôi có gặp vết tích đồn binh Cao Thắng. Rồi tôi đổ bộ sang "quốc gia" Nghệ an, lang thang một chút, ngẫu nhiên gặp mộ cụ La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp. Không có nhang để thắp cho cụ, nhưng dù sao, mình cũng đã gặp được cụ, không chỉ trên sách vở.
HCQuang

LêThanh nói...

Bác TÔn Gia Quý ơi! nhiều khi thế hệ hậu sinh đọc các bài của bậc tiền bối như CỤ PHAN thì thấy mình đúng tài hèn, và hèn thật sự. Thế nhưng nhìn ra xung quanh thì không biết nên buồn....hay ...j nữa.

Nặc danh nói...

Anh hùng như lá mùa thu, tuấn kiệt như sao buổi sớm.

LêThanh nói...

Anh hùng như lá mùa thu "rụng", tuấn kiệt như sao buổi "chưa" sớm.