Chủ Nhật, tháng 4 05, 2009

Đến Lũng Vân để tìm "trường thọ"

Bạn già nào trong số anh em ta mà muốn "trường thọ" thế nào cũng chú ý đến một bài báo đăng trên Báo Quân Đội Nhân Dân về một xã chỉ 400 nóc nhà mà có tới 9 cụ trên trăm tuổi. Đó là Lũng Vân. Vào Google tìm "Lũng Vân" sẽ có kết quả khá nhiều bài từ nhiều nguồn: báo, trang tin điện tử, diễn đàn dân "phượt", blog, ...
Hôm nay tôi chỉ đường cho vợ chồng Từ Ngữ đến đó. Chả biết nguồn tin ở đâu mà Bình Dân, vợ Từ Ngữ, biết tôi đã từng đến đây; nay đọc được bài báo bèn đề nghị tôi đưa đi; chắc định phân tích "trường thọ" từ "dinh dưỡng"? Rỗi, thì ... phượt.
Tấm ảnh bên cạnh được chụp không phải vào lần đầu, mà chắc là lần thứ hai, tháng 9/2006. Một vùng lúa nước bậc thang rộng gần hút tầm mắt, xung quanh là núi. Điểm đặc biệt của Lũng Vân là nó nằm trên độ cao hơn 800m (GPS) trên đỉnh dãy núi đá sườn dốc, ô tô đi lên bằng một con đường bê tông độc đạo mới được làm theo chương trình xóa đói giảm nghèo 135 bắt đầu từ năm 2000. Trước đó Lũng Vân không có điện-đường-trường-trạm.
Bản đồ ghi đường GPS hồi đó cho thấy chỉ tới được Lũng Vân và Nam Sơn. Đường đi tiếp tới Bắc Sơn và các xóm về phía Bá Thước, Thanh Hóa, còn đang chưa đi được thuận tiện.
Hôm nay bằng ô tô, chúng tôi đã đi quá Nam Sơn, gần tới ranh giới Tân Lạc (Hòa Bình) và Bá Thước (Thanh Hóa).
Bản đồ quân sự 1/50 nghìn thể hiện cả những con đường mòn bằng vạch đứt quãng. Bắc Sơn thì vẫn chưa tới được. Bản đồ mỗi ô là 2cm=1km thực địa.
Đường làm dở về phía Bá Thước. Nếu đây là xóm cuối cùng của Nam Sơn, thì chưa chắc nó sẽ được tiếp tục.
Đường làm dở tới xã Bắc Sơn.
Những ngôi nhà "thời kỳ đổi mới" rõ ràng mang phong cách mới, thưng kín gầm sàn, làm rầu lòng những kẻ bảo thủ muốn mọi thứ như xưa.
Trên núi xa xa có những vệt trắng của hoa trẩu.
Cái mới là người ta đã khoanh vùng bảo vệ thiên nhiên.
Chúng tôi ra về trong màn mưa dầy đặc, xe đi đối diện từ xa chỉ là những chiếc bóng đèn lòa nhòa.

Tôi biết đến Lũng Vân lần đầu khi một người bạn ở Đại học Tổng hợp nay làm về YHDT tỉnh Hòa Bình đưa đi. Người bạn này vợ chồng Từ Ngữ cũng biết, chúng tôi cùng học những năm đầu Tổng hợp.
Vùng này vốn là một nguồn dược liệu quý, đa dạng và có vẻ dồi dào. Nhưng đấy là khi nó còn là vùng sâu, xa, ít người. Bây giờ những thứ đó đã trở nên khan hiếm. Quy luật đường mở tới đâu thì tài nguyên thiên nhiên cục bộ "chảy" ra với cộng đồng từ đấy; chả khác gì bể dầu trầm tích được chọc một mũi khoan vào. Rồi sẽ hết.
Sau này phía Nhật đặt hàng Viện Dược liệu một thứ cây gọi là Lão Quan Thảo trồng thích hợp ở Lũng Vân. Viện Dược đưa giống cho dân ở đây trồng, thu hái, sấy khô rồi thu mua xuất cho Nhật. Cây này không biết làm ra thuốc gì bên Nhật, ta thì chỉ trồng mà không dùng. Nay không còn trồng nữa, vì giá không thuận. Nếu đoán xa một chút, biết đâu chất lượng không được như họ mong muốn?
Một người quen có họ hàng làm cho cơ quan POW/MIA hồi trước nói có những đợt tìm kiếm tiến hành khá gian khổ trên Lũng Vân. Phía Mỹ phải đến đây bằng máy bay lên thẳng. Ngày chống chiến tranh phá hoại ta đã từng bắn máy bay Mỹ rơi trên đó.
Bây giờ thì Lũng Vân bắt đầu trở thành điểm đến cho một số rất nhỏ, mà cũng chỉ có thể nhỏ, những thanh niên có máu "phượt" theo cách họ gọi. Khi xe lên đến một chỗ có góc nhìn đẹp xuống đồng bằng chúng tôi gặp một tốp hai nam hai nữ đi hai xe máy xuống, đang dừng lại chụp ảnh. Về đến quán ăn chúng tôi lại gặp kịp họ. Hỏi chuyện, họ là những thanh niên đã đi làm mỗi người một nghề, chuyến này đi theo "chỉ dẫn" từ một bài của nhà báo/blogger Bình Nguyên (tra Google là có). Đêm qua họ ngủ trong nhà dân ở bản Chiềng(?), lối đi Bắc Sơn đến ngã ba làm dở rẽ trái. Mình ngạc nhiên "các cháu đi tìm trường thọ sớm thế à", thì bọn chúng cười mà rằng "các bác lên rồi lại về ngay ư". Bởi thế cái từ "phượt" tôi dùng cho mình ở đầu bài, là cho oai với nhau thôi, chả bõ cho bọn trẻ nó cười. Mấy đứa trẻ này ngoan, không như bọn thanh niên hay gặp trong phố vốn nên có một chút nghi kỵ. Chúng tôi ngồi ăn, thấy chúng lên đường trước ngoái cổ ra nhìn, còn được "xin phép các bác chúng cháu về trước".
Bọn tôi vượt qua mấy đứa trẻ khi nãy trên đỉnh dốc Cun, bọn chúng cũng nhận ra xe mình nhưng chắc chẳng thể nhìn ra bàn tay vẫy sau cửa kính trong cơn mưa nặng hạt.

25 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thuật trường thọ: chỉ sống quanh quẩn Lũng Vân, ăn uống thanh đạm, không gái-rượu-chè-thuốclá, không TV-nốimạng-báochí.

Nặc danh nói...

Theo TQ, hôm nay Lũng Vân bắt đầu hiện đại hóa rồi thì cũng chẳng còn trường thọ nữa đâu.
Chẳng mấy chốc lại thấy dịch vụ du lịch đi Lũng Vân ... tìm trường thọ!

HMK6

HữuThành.Nguyễn nói...

Quên, hồi đến lần đầu chúng tôi còn được nói có cái hang người xưa, do Xã quản lý. Nếu thu xếp thì người ta có thể mở hang, bật điện cho mình vào thăm. Nếu là nghề khảo cổ học thì vào, chứ không thì cũng như nhìn cái ... hang thôi.

Nặc danh nói...

Tần Thuỷ Hoàng đế còn sống thì thế nào ổng cũng ghé Lũng Vân, chơi đẹp luôn.
HCQuang

Nặc danh nói...

Có nhiều đại gia đi Hòa Bình để tìm thuật đoản thọ vì nghe nói trên đó bao OK chưa có trong từ điển tiếng Mường ( không tin thì mua TĐ về mà tra ).
Có anh bạn tôi khi đi HB đã mang cả hộp OK đi theo với mong muốn giải thích cho các cô gái Mường rằng: OK thoải mái lắm , an toàn lắm.Khi trở về HN, hộp OK gần như còn nguyên, anh bảo: mình lo cho họ thế mà họ chẳng chịu dùng . Kết quả bạn tôi phải đi tiêm kháng sinh, đi xét nghiệm tự nguyện, may mà không dính...Hú vía.
Càng đi về phía Tây Bắc càng thấy văn hóa của đồng bào thiểu số có những nét khác (giống phương Tây hơn) người kinh ta như tục : ngủ thăm, chọc sàn, cướp vợ, ở rể,chợ tình, mẫu hệ,đa phu, múa hát tập thể dưới trăng với điệu múa riêng của dân tộc mình.v.v...
Nếu các bạn chỉ chạy xe qua ngắm cảnh và ngủ một vài tối ở Motel thì không thấy hết cái phong phú ấy được đâu.
Lại còn nghe nói về bùa ngải nữa.
TV

DH nói...

"Các bác lên rồi về ngay" vì tìm trường thọ mà phải sống ở nơi "chay tịnh" thế thì các bác...không quen!Đoản thọ cũng được.

Nặc danh nói...

Em khoái thích thuật đoản thọ hơn.

Nặc danh nói...

Đi cùng vợ chồng TN & HT lên Lũng Vân ,mục đích của tôi muốn gặp vài cụ sống trên 100 t ể hỏi kinh nghiệm mà...né . Tuy không gặp crụ nào nhưng nhìn đồng ruộng là hiểu ngay .Phần lớn đất đai được trồng ngô mà từ lâu rồi cụ Từ Giấy - cụ thân sinh ra ôTN- đã nói ngô bổ hơn gạo .Rồi nữa ngày xưa muốn vào Lũng ta phải đi theo đường mòn của chuột ,bây giờ auto của chúng tôi cứ phom phom leo núi trên con đường nhựa rộng thênh .Vào trong Lũng thấy phần lớn nhà sàn kiểu mới - coi ảnh HT đã đăng- và chi chít Chảo bắt tín hiệu tv ,cũng còn một điều may là chưa thấy có quán karaoke nhưng chắc sang năm là đầy .Hỏi mấy cô cậu thanh niên rằng các cụ đâu? Họ bèn chỉ vào những nấm mộ ven đường .Giờ thì tôi đã hiểu , nền văn minh luôn đi ngược vói tuổi thọ .Rất hân hoan ,thư thới ra về ,mừng là mình đã sống đúng cách...GiảmThọ.
HH

Phú Hòa nói...

Đọc đến câu cuối cùng của TQ thì tôi nghĩ là những ai có được một tình cảm đơn sơ và chân thành như vậy chắc chắn sẽ trường thọ. Đằng nào thì TQ nhà mình sẽ phải là người " ra đi " cuối cùng để còn khóa cái blog này. Ngoài TQ ra thì chẳng ai có quyền cả ( trừ khi thoái vị trước để nhường quyền cho HH ).
Hỏi nhỏ TQ một chút : hồi trẻ có bao giờ TQ đã có những lần vẫy tay đến lưu luyến, nẫu ruột, đi không xong, ở không đành với một ai đó như với các cháu không?
P.S : phiền TQ xóa hộ comment đầu nhé vì viết vội lại không kiểm tra nên lởm khởm quá.

HữuThành.Nguyễn nói...

Chết! PH "nâng quan điểm" thế thì chết! Hay là phong luôn cho tao "kịch sĩ nhân dân" đi cho nó xong một nhẽ. Chứ lâu lâu lại soi một cái coi bộ ... giảm thọ?

Trong bài không dám nhắc HH là có lý do. Mấy ngày cuối tuần cậu tỏ ý muốn né, rút vào bí mật, không xuất hiện trên mạng. Giờ là tự cậu thò ra mới nói. Chẳng qua HH không học được bài trường thọ, có muốn cũng chịu. Chun đứt hết 9 phần, phần còn lại có kéo được là bao? Thôi, anh em ta đợi thay chun mới hãy tính chuyện... nhớn!

Phú Hòa nói...

TQ nhà ta lại giải lao giữa giấc ngủ đấy hả? HH đang mải " đ.g" nên rút vào bí mật là phải thôi.

Nặc danh nói...

Nói như rứa có nghĩa là "Chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy" ăn đứt các Chủ nghĩa" còn lại? Suy cho cùng, để trường thọ mà phải kiêng kem đủ thứ thì ... buồn.

Có ông phấn đấu và đã thành công v/v suốt đời không mần bất cứ điều gì "không phải" mà Đạo của ổng đã khuyên (không gái, không rượu, không trà thuốc, không TV báo chí, không..., không..., có lẽ ổng chỉ xài mỗi gạo lứt muối mè). Khi chết, ổng được phép men theo cây cầu Vồng 7 màu mà lên tới tận Thiên đường.
Tới Thiên đường, ổng hỏi người đại diện hợp pháp của Thiên đường: hãy cho con biết tiệm nhậu, karaoke, sàn nhảy, các em... ở mô (ổng chỉ không nhắc tới cafe giao ban)?
Người đại diện: đó là những tội lỗi của Địa ngục. Thiên đường là nơi trời trong sáng, khí hậu mát mẻ, hết.
Ổng khóc: vậy tôi phấn đấu suốt cả cuộc đời để làm gì?
Người đại diện đành làm thủ tục chuyển ổng về tuyến dưới (Địa ngục) - nơi đầy rẫy những tội lỗi mà loài người mắc phải.
Nghe xong chuyện thấy áy náy quá, không biết mình nên phấn đấu vì mục tiêu Trường thọ hay Đoản thọ đây?
HCQuang

VNQ nói...

Đến giờ này, tuổi này các bác cũng ko "mơ" được Đoản thọ nữa rồi, thôi thì cố gắng phấn đấu được như "ông Thọ" là quí lắm.
À! mà Saigonmilk còn sản xuất ông Thọ nữa ko nhỉ?

Nặc danh nói...

bây giờ hết "sữa ông Thọ" rồi, chỉ còn "sữa cô gái Hà Lan" thôi. Thế này thì đoản thọ là cái chắc.

HMK6

HữuThành.Nguyễn nói...

Sữa Ông Thọ của Vinamilk vẫn có, có loại đóng bao nhựa cỡ 50ml để cho mỗi lần dùng 1 đơn vị.
HMK6 phải viết là "hết muốn sữa ông Thọ, chỉ còn muốn sữa cô gái..." thì mới đúng.

Nặc danh nói...

Đêm nay nằm mãi mà giấc ngủ không tới ,bực mình bò dậy mò lên blog thấy các bạn đòi uống sữa dữ quá . Thôi các bố cho tôi xin ,uống vừa vừa thôi không lại sơi phải thứ có Melamine thì phiền lắm .Già rồi thận yếu cả rồi cứ phải " cẩn tắc vô áy náy" .
Chiều nay nhờ ĐC chở đi mua một cái đồng hồ báo thức vặn dây cót đàng hoàng .Trước khi đi ngủ có lên dây cẩn thận & để báo thức 07H ,mục đích dậy đi làm kính cho TN ,ấy vậy mà giờ này vẫn còn mò mẫm blog ,mai làm sao đi .Có gì bác TN thông cảm nhé ,nhà E sẽ làm bù sau .
HH

Nặc danh nói...

Vậy cái “máu phượt” nó thế nào? Đọc xong cả bài gốc + 16 lời góp + bài dẫn tui vẫn lơ mơ. Có tiên sinh nào thu nhận học trò ngu ngơ thì kêu tui với. Ba Chai

HữuThành.Nguyễn nói...

"Phượt" là động từ mới do đám thanh niên nghĩ ra. Âm vị của từ, gốc lượt phượt, cho ta cảm giác: di động, không định hình thể và thời gian, lôi thôi, ...
Bài báo mới nhất về "phượt".

dathb136 nói...

Các bác cứ đòi uống sữa này,sữa nọ.Nhưng gần đây có bài báo viết 90% dân VN không hấp thu được sữa?Do cơ địa.

VNQ nói...

Đọc về "Phượt" có thể hiểu được là chỉ nên dành cho đám thanh niên muốn tìm hiểu, khám phá và khẳng định chính bản thân mình. Kể cũng hơi..."PHIÊU".

HữuThành.Nguyễn nói...

Còn xem là sữa "ông" hay sữa "cô" nữa chứ!
Đùa thôi. Sữa tươi thì khó tiêu còn sữa đặc có đường làm từ sữa bột nhập khẩu thì không sao.

Nặc danh nói...

Đúng rồi sữa tươi khó tiêu. Chắc đó là một phần cái giá của sự sung sướng.

Cảm ơn TQ sư phụ đã thâu nhận học trò. Nay đồ đệ cũng muốn về VN “phượt” phát!

BaChai

Nặc danh nói...

Uống sữa bị té re là do cơ thể không sản xuất cái men lactaza để tiêu hóa đường lactoza trong sữa. Chứng này gọi là “lactose-intolerance” (“không chịu được lactoza”).
Hầu hết dân VN ta lúc sơ sinh thì vẫn hấp thu được sữa, nhưng từ lúc cai sữa thì cái gien lactaza nó đóng lại dần dần, đến khoảng 4 tuổi thì lượng men lactaza giảm còn khoảng 1/10. Hiện tượng này phổ biến ở mọi nơi, không riêng gì xứ ta. Dân Châu Âu vốn có nguồn gốc du mục nên trong cộng đồng gốc Âu phổ biến một cái đột biến gien trội ở nhiễm sắc thể số 2, làm cho cái gien lactaza nó luôn luôn mở ra, không đóng lại nữa. Bởi vậy ít thấy thằng mắt xanh mũi lõ nào bị té re do sữa. Mặc dù vậy trong siêu thị vẫn bày bán loại sữa “lactose-free”, dành riêng cho những người bị chứng “lactose-intolerance”.
Có tin mừng cho các bác khoái sữa tươi, đó là nếu sau khi ngưng bú sữa mẹ các bác cứ kiên trì uống/bú sữa cô gái Hà Lan, thì cho đến già cái con lactaza của các bác vẫn tiếp tục hoạt động tốt. Con cháu các bác rồi cũng như dân Nhật dân Hàn thôi, lớn lên sẽ vẫn uống sữa tươi bình thường, do xã hội ngày càng phát triển thì việc dùng sữa ngày càng phổ biến.
Nói vậy thôi, chứ các bác đừng ham luyện công năng uống/bú sữa tươi mà cố gắng quá sức mình. Thật ra cũng có những căn bệnh hiếm như bệnh Coeliac, các bác càng luyện thì càng té re mà thôi.
Mạn phép múa rìu qua mắt các bác Từ Ngữ, Trung Liệm.
BaChai

HữuThành.Nguyễn nói...

Tinh vi thật, hóa ra là tại gen đóng lại. Khái niệm này bây giờ tôi mới nghe.

Nặc danh nói...

Về già cái gen đó lại mở ra HT à. Điều này đã được cụ Ngô tất Tố c/minh bởi n/vật "cụ Cố" trong "Tắt đèn" của Ông .HT có muốn được...mở không? .
HH