Thứ Ba, tháng 11 25, 2008

PHÚ QUỐC ĐẢO

Thanh Minh

Phóng viên "Báo chữ to" vừa từ PQ về, thấy đôi điều là lạ. Do không có thời gian nên tôi sử dụng thêm tư liệu ngoài …chẳng qua chỉ là mong được cùng anh em chia sẻ chút hiểu biết về non sông gấm vóc. PQ hiện đang "nóng" dần lên khi CPC vừa phát hiện trữ lượng dầu khí rất lớn tại vùng biển này .

Vị trí
Phú Quốc hay còn gọi là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 593,05 km², xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore. Thị trấn Dương Đông, tọa lạc ở phía tây bắc, là thủ phủ của huyện đảo. Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km.

Đảo Phú Quốc dài 50 km, nơi rộng nhất (ở phía bắc đảo) 25 km. Điểm cao nhất tới 603 m (núi Chúa). Địa hình thiên nhiên thoai thoải chạy từ nam đến bắc với 99 ngọn núi đồi. Phần các vùng biển quanh đảo nông có độ sâu chưa đến 10 m. Tuy nhiên, cụm đảo nhỏ của cảng An Thới bị ngăn cách hẳn với phần mũi phía nam của đảo Phú Quốc bởi một eo biển có độ sâu tới hơn 60 m.

Trong đoàn tôi có anh phát biểu: " PQ mình lớn ngang ngửa Singapore, có rừng nguyên sinh và bờ biển tuyệt vời với bao tiềm năng ẩn giấu, có khi còn hơn bạn. Giờ ta chỉ thiếu mỗi…Lý Quang Diệu nữa thôi"! Tay này có định "chọc ngoáy" gì không đây?

Lịch sử
• Năm 1671, một người Hoa tên Mạc Cửu (Mạc Kính Cửu), quê ở Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, mang cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người lên thuyền rời khỏi Phúc Kiến. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, phái đoàn Mạc Cửu đổ bộ lên một vùng đất hoang trong vịnh Thái Lan. Sau khi dò hỏi và biết vùng đất này thuộc ảnh hưởng Chân Lạp, phái đoàn liền tìm đường đến Oudong xin tị nạn, nhưng lúc đó nội bộ Chân Lạp có loạn. Mạc Cửu gặp Nặc Ông Thu (Ang Sur, Jayajettha III) và ở lại hợp tác cho đến năm 1681.
• 1680, Mạc Cửu đã lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau. Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, hoặc ở đất cao theo Giang thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, Ông Đốc để canh tác.
• Ông lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển: Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Kompong Som), Sài Mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral). Thủ phủ đặt tại Mán Khảm (cảng của người Mán, tức người Khmer), sau đổi thành Căn Khẩu (Căn Kháo hay Căn Cáo). Tiếng đồn vang xa, lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi trong vịnh Thái Lan xin vào đây lập nghiệp, dần dần vùng đất này trở thành một lãnh địa phồn vinh với tên gọi mới: Căn Khẩu Quốc. Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc (vùng đất giàu có).
• Năm 1708, Mạc Cửu liên lạc được với Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu.
• Năm 1714, Mạc Cửu xin làm thuộc hạ của chúa Nguyễn và được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu.
• Năm 1724, Mạc Cửu dâng luôn toàn bộ đất đai và được phong làm đô đốc cai trị lãnh thổ Căn Khẩu, đổi tên thành Long Hồ dinh.
• Từ 1729, Long Hồ dinh nổi tiếng là vùng đất trù phú nhất vịnh Thái Lan.
• Năm 1735, Mạc Cửu mất, con là Mạc Sĩ Lân, sau đổi thành Mạc Thiên Tứ, được phong làm đô đốc, kế nghiệp cha cai trị Long Hồ dinh. Gia đình họ Mạc được Ninh vương Nguyễn Phúc Trú nâng lên hàng vương tôn. Long Hồ dinh đổi tên thành trấn Hà Tiên.
• Năm 1739, Mạc Thiên Tứ lập thêm bốn huyện: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (bắc Bạc Liêu).
• Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng chúa Nguyễn lãnh thổ hai phủ Tầm Bôn (Cần Thơ) và Lôi Lập (Long Xuyên) để được về Nam Vang cai trị. Năm 1758, chúa Nguyễn đưa Nặc Tôn (Ang Ton II) lên làm vua và được tặng thêm lãnh thổ Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc). Nặc Tôn tặng riêng Mạc Thiên Tứ lãnh thổ 5 phủ miền Đông-Nam Chân Lạp: Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột Kampot), Trực Sâm (Chưng Rừm), Sài Mạt (Cheal Meas) và Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ xã Sré Ambel đến làng Peam), nói chung là toàn bộ vùng biển ven duyên quanh đảo Phú Quốc, Mạc Thiên Tứ dâng hết cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Võ vương sát nhập tất cả các vùng đất mới vào trấn Hà Tiên, giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.

Hay nhỉ. Hóa ra bọn "bành trướng" nó "mần" đất của bạn Miên rồi "dâng" cho ta? Thằng Tàu nó khoái "danh" thì ta cho nó danh. Ta thích đất thì OK, ta được đất!?

Dân cư
Trước năm 1975 dân số trên đảo chỉ hơn 5000 người. Sau năm 1975, dân số trên đảo tăng lên nhanh chóng do hiện tượng di dân. Đến năm 2003, theo thống kê của tỉnh Kiên Giang dân cư sinh sống trên đảo đã lên đến trên 79.800 người, với mật độ trung bình là 135 người/km², thấp hơn mật độ trung bình của cả nước 253 người/km².
Tin mới nhất thì hiện nay dân số PG đã lên đến 85.000 người. Trong đó anh em " bọ" mình và đồng bào Quảng Ngãi chiếm 1/3. Dân đảo thực ra từ nhiều nơi kéo tới, dân gốc ít thôi. Họ sống chủ yếu dựa vào rừng và biển nên đất vườn cũng ít. Mấy anh đến sau 85 " tư duy mới" nên mua gom của họ, thôn tính từng mảng bờ biển dài, đẹp bán lại cho bên du lịch kiếm lời bạc tỉ.

Sau đây là mấy cái lạ của PQ:
• Tên " Dương" : PQ có nhiều địa danh tên " dương". Thị trấn Dương Đông thủ phủ của huyện đảo ; Xã Dương Tơ là nơi TT Nguyễn Tấn Dũng vừa đến động thổ sân bay quốc tế; xã Cửa Dương … Thì ra do PQ trồng rất nhiều dương ( phi lao) nên mới có chuyện này .
• Nước: PQ là đảo nhưng nhờ có núi và rừng nguyên sinh nên nguồn nước ngọt rất dồi dào. Ngay thị trấn có cả con sông lớn nước ngọt, trong xanh chảy ngang, một số nơi ngay bờ biển người ta chỉ cần đào xuống một chút là có nước ngọt , mà ngọt thật chứ không ngọt lợ,thật lý tưởng .
• Tiêu: PQ là xứ tiêu , những dây tiêu giống đầu tiên được đưa từ Hải Nam đến trồng thử, không ngờ hạp chất đất thế là "định cư" luôn. Năng xuất tiêu PQ không bằng tiêu đất liền nhưng chất lượng thì hơn hẳn do được bón phân bò và phân xác mắm. Tôi có thăm vườn tiêu của ông
Mười Đen có vợ là bà Mười Trắng." Sản phẩm" của Đen- Trắng là cô bé bán tiêu trong ảnh. Người PQ trông cũng ăn đứt nơi khác đấy chứ ! Số phận cây tiêu PQ cũng long đong như cây vải thiều quê DĐ. Có năm tiêu rớt giá thê thảm, dân trồng tiêu "dỗi" bỏ cho rụng không buồn thu hoạch nữa. Tiếc!
• Sim : PQ có rất nhiều sim . Người ta ủ sim chín với đường cho lên men là thành siro chứ không chưng cất gì cả . Ai thích thì pha thêm đế vào thế là thành rượu sim, uống khá ngon, giờ cũng là loại đặc sản của huyện. Bụi sim PQ rất to, cao và nhiều trái chứ không còi cọc như sim Quế Lâm. Các em học sinh rất thích đi hái sim cải thiện, ngày có thể hái 5-7 kg/người, gía 16- 18 ngàn đồng/ kg. Người ta không trồng sim nhưng giờ sim mọc trong vườn cũng được chăm sóc như cây ăn trái.
Dân trồng tiêu lắm lúc chán đời quay sang hái sim ..lời hơn. Lạ!
• Nhà: Phía tây bắc đảo có nhiều căn nhà nhỏ chỉ có mái , vách thưng bằng vỏ cây kền kền trên đảo. Loại vật liệu này có tuổi thọ (40 năm!), khi trời nóng , khô, vỏ cây co lại tạo thành những khe hở , khi mưa, ẫm võ lại dãn ra như một " máy điều hòa nhiệt độ" tự nhiên. Các nhà này đều không có cửa . Khi mình "phỏng vấn" họ rất ngạc nhiên và trả lời tỉnh rụi:" có gì đâu mà mất". Buồn!
• Chó : Chó Phú Quốc là một loại chó riêng của đảo Phú Quốc, Việt Nam. Nó có đặc điểm phân biệt với các loại chó khác là các xoáy lông ở trên sống lưng. Nó là một trong ba dòng chó có xoáy lông trên lưng trên thế giới. Hai loại chó lông xoáy ở lưng còn lại là chó lông xoáy Rhodesia và chó lông xoáy Thái. Chó Phú Quốc biết đào hang để đẻ và có biệt tài săn thú, bơi dưới nước giỏi như rái cá nhờ chân có màng như chân vịt và bộ lông mượt sát (1-2 cm) rất ngắn nên khi ướt chó Phú Quốc chỉ cần lắc mình vài lượt nước sẽ bắn đi do đó sẽ chóng khô. Tôi đã xem kỹ , hóa ra bọn chó này có khá nhiều kiểu xoáy khác nhau, chắc chúng cũng chạy theo model như đám trẻ làm đầu bây giờ vậy.
• Bò biển ( đugiong) : Đây là loài động vật có vú ở đảo PQ, ăn rong và cỏ dưới biển. Chúng chính là " nàng tiên cá" với bao nhiêu tưởng tượng và giai thoại ly kỳ . hiện nay loài này được đưa vào sách đỏ và có nguy cơ tuyệt chủng, bởi thế tôi chỉ có thể chụp ảnh …cốt của nó để các bạn ngắm

Viết thế chắc cũng đã nhiều? Thay cho lời kết xin mời các bạn nghe: "Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được xây dựng, đưa vào vận hành khai thác sẽ góp phần quan trọng vào sự phồn vinh, phát triển toàn diện của Phú Quốc, của Kiên Giang, của cả vùng và cả nước, đóng góp không chỉ cho lĩnh vực kinh tế mà còn tăng cường sức mạnh phòng thủ của quốc gia.
Phú Quốc là huyện đảo có diện tích và dân số lớn nhất trong 12 huyện đảo của nước ta, diện tích tương đương Singapore, có tiềm năng và lợi thế phát triển rất đa dạng.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt xây dựng Phú Quốc với mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch, dịch vụ có chất lượng cao, đồng thời là trung tâm giao thương với các vùng trong nước, khu vực và quốc tế".

Biển Phú Quốc

Chó Phú Quốc

Máy bay đưa thủ tướng Dũng ra đảo và đưa ô. Minh về đất liền. Oách.

Khách sạn Phú Quốc

Cây tiêu, đặc sản Phú Quốc

Vườn tiêu

Cô bán tiêu

Gành Dầu, cách 4 km đường biển dãy núi phía xa là CPC

20 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hay nhỉ. Hóa ra bọn "bành trướng" nó "mần" đất của bạn Miên rồi "dâng" cho ta? Thằng Tàu nó khoái "danh" thì ta cho nó danh. Ta thích đất thì OK, ta được đất!?

Pác TM ơi!! Khỏan này thì pác mất cảnh giác rùi. Chết thật!!

Thứ nhất, sau này nó sẽ dựa vào khỏan có đất xương cốt "bành trướng" thì thành đất của thiên triều đó.

Thứ hai, đây là bí mật quốc gia mà pác phang lên bờ lốc, chúng nó đọc được biết được, nó lại sang đòi Hà Tiên thành lãnh thổ hải ngọai nửa thì dân Nam Kỳ lựu đạn chúng ta có lẽ lưu vong qua Mỹ mà kiếm cơm thui!!


4 SG

LêThanh nói...

Bác 4Sg ơi! nếu dựa vào "khỏan có đất xương cốt "bành trướng" thì thành đất của thiên triều đó" thế thì Gò Đống Đa nơi có Tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ tại thủ đô Hà nội thì tính sao đây ?.

Nặc danh nói...

-@TQ: Đã nhận mail. "Nhanh chưa"? Báo cáo anh là "nhanh rồi", nhanh đến mức
quên sửa cả trính tả và đưa luôn đoạn nhắn gửi vào Blog!
Có ảnh trong gmail của anh rồi đấy.

- @4SG: "Dân ta phải biết sử ta", vấn đề nhậy cảm!!!
Kiên Giang , An Giang , PQ...ta đều có đền thờ Mạc Cửu như người có công "mở đất" phương Nam.
Thoại Ngọc Hầu được đánh giá cao là có tầm nhìn nhờ đào kênh Vĩnh Tế làm biên giới nhân tạo Việt-Miên. Nghe đâu sau này còn bị "phê bình" vì đào dịch về phía Tây ít quá .
Vai trò Triều Nguyễn trong việc "giữ đất" đang được Nhà nước đánh giá lại và đề cao trong các cuộc hội thảo lịch sử vừa qua.
TM

HữuThành.Nguyễn nói...

Cái vụ nước ngọt, nếu không có quy hoạch sử dụng và bảo vệ hợp lí thì, rồi sẽ lại bị khai thác cạn kiệt thôi.
Mà dân ta khai thác tài nguyên theo cách lưu thông trên đường: thấy trống là lao vào chiếm chả cần biết "hồi sau sẽ ... tắc" như thế nào.
Các khu du lịch, sân golf, đô thị, ... cần nhiều nước ngọt kinh khủng lắm. Singapore xài nước của Malaysia có phải không nhỉ?

Nặc danh nói...

HThành.
Đúng, Singapore mua nước và rau của Malay.
Phú quốc có giếng Vua, tới đó tắm như Vua (Gia long).
TMinh.
Máy bay: hôm đó chuyến ra đảo là bay kĩ thuật thôi (phải chất lên cho đủ tải). Thiếu tải, bí quá, các bố HKDD mới "chất" thêm đoàn a.Dũng. Chuyến về mới là dịch vụ bay và TM là những người đầu tiên hưởng dịch vụ từ máy bay này.
HCQuang

Nặc danh nói...

Hồi còn ở vùng 5 HQ tôi ở mấy cái đảo tí xíu,được về công tác Phú quốc là sướng lắm, như về đất liền.Hồi đó ở đây còn "Hoang sơ" lắm,từ An thới mà lên Dương đông là cả một kì công. Năm 1979 tôi được đi học về PQ được mấy Bantroi nhà ta giúp nên lên Dương đông cũng dễ dàng( chúng bố trí xe cho đi nỏ cần anh chỉ huy nào cho).Rồi còn liên hệ cho mua vé máy bay nữa chứ, cái loại cánh quạt nhỏ xíu ,bay xóc lên xóc xuống về SG phải đi làm hai chặng.Mới đó mà ngót 30 năm rồi.Ngoài đó còn có Khánh BS k5, hắn lập nghiệp ở đó( không biết giờ còn không).

HữuThành.Nguyễn nói...

Anh Chí nói chơi cho vui. Chứ ATR-72 bay PQ dịch vụ thường xuyên mà?

Nặc danh nói...

Chết thật, a.HThành thật thà quá. Ông nội thằng HKDD nào dám đưa ngài thủ tướng lên làm tải để mà thử máy bay.
HCQuang

HữuThành.Nguyễn nói...

Chết thật, anh Chí thật thà quá. Tôi sợ có thằng nào thật thà như cái thằng thật thà anh nói.

ĐN.K7 nói...

-Anh TM nhắc Mạc Cửu liên hệ thấy từ ngày xưa mấy ông ấy đã biết đào kênh ngang dọc khắp Nam bộ để điều tiết các dòng sông,tưới tiêu và chống lụt, ghe tàu có thể từ SG đi được tới các nơi ở Miền Tây. Thời nay mấy chục năm qua chẳng ai đào kênh, người ta lại lấp dần kênh rạch để xây nhà để lâu lâu đường phố ngập lụt chơi.
-Ông Dũng và anh TM liều quá, dám đi máy bay chắc là nằm kho lâu rồi nên còn mang logo cũ của HKVN, hay lại có một hãng HK mới đây?

Nặc danh nói...

Chắc bữa nào tôi ra Phú quốc làm một cú lặn biển coi thử ra răng, hỉ, chứ nghe TM nói mà phát ham. Tiện thể múc vài lít nước biển đem về bán cho tụi BV175 để truyền dịch cho anh em bệnh binh, bù tiền vé máy bay.
HCQuang

Nặc danh nói...

- ĐN: Cái ông đào kênh thủy lợi và giao thông là Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại).Không biết ông tu nghiệp ở trường nào ( chắc không phải ĐH thủy lợi của ta bây giờ) nhưng các kênh giờ vẫn phát huy hiệu quả rất tốt.
- A Chí: PQ có dịch vụ lặn biển ngay tại các khách sạn, người ta hướng dẫn lặn trong bể bơi rồi lôi ngay xuống biển thực hành.
Tụi nhân viên bảo: " các bác lặn làm gì cho khổ , trên bờ có ối cá to 4-5 chục ký"!

Nặc danh nói...

Về công lao của Mạc Cửu là to lớn, nhưng chắc chắn một điều là ông ta không phải là người khẳng định chủ quyền.Các bọ còn nhớ khi ta học lịch sử ở trường không,hồi đó không có chuyện dấu diếm về sự mở rộng bờ cõi.Ba nước phiên thuôc của VN là Chiêm thành,Chân lạp,Lào thì hai đã trở thành đất Việt. Đặc biệt anh Chân lạp(Thủy chân lạp)vì là một nước yếu nên cứ phải tặng đất dần cho Anh Việt sau mỗi lần nhờ vả giữ nước và kết cục là dâng cả.Anh Mạc Cửu được tá túc trên đất đó và mở rộng ảnh hưởng của mình.Sau này được nhà Nguyễn chính thức hóa quyền lực, ông trở thành công dân của người Việt...Trong việc :"mang gươm đi mở nước..." không thể là "công lao" của ngườiTàu.Họ chỉ là những người khai khẩn trên mảnh đất đã có chủ.Đánh gia vai trò của ngươi Tàu vê việc mở rộng bờ cõi,và phát triển nó có sự lẫn lộn.
Người Việt còn khẳng định chủ quyền của mình đến tận đảo Cotang (gần congpongxom), hòn Ông, hòn Bà(Poloway),sau đánh khơme đỏ ta trả lại cho CPC. Riêng hòn Poloway chính quyền SG giữ ở đó trước năm 75.(Mấy đảo nói trên khi đánh Polpot ta đánh để lấy lại,chậm một chút thì cánh Khơ me đỏ xơi cả đảo Phú Quốc ).Người Việt và người Khơ me ở biên giới có truyền thống rất "hữu ...",e cũng có nguồn gốc của nó.
DS

Lê Tự Thành nói...

Mình cũng thấy PQ thật đẹp, ra đó còn rất nhiều nơi hoang sơ và nghèo. (Đơn cử là thấy rất nhiều trường chỉ có hàng rào và 1 túp lều tranh cũng tấm biển tên trường).
Nghe nói về nhiều dự án, nhưng chắc thành hiện thực cũng phải có thời gian. Nhất là khi ta cứ chờ đợi thằng tây (có nghĩa chung là thằng nước ngoài) đầu tư. Hóa ra chiếm đất đã khó, mà giữ đất mới thật là khó.
Nếu PQ thành một nơi như Singapore thì ta có mất gì không nhỉ? Chắc TM sẽ mua được tiêu, gặp cô bán tiêu và chó "mang tên PQ' chăng. Dù sống hiện đại, mình cũng thấy thật tiếc nếu mất đi cái PQ bây giờ.
Tự Thành

Nặc danh nói...

O PQ co Quoc Khanh K5 Bs Hai quan nay da nghi huu rat men khach nhat la ae Troi.Khanh co oto hieu Míubizhi 2 cau rat tien cho viec di chuyen tren dao,nha Khanh o gan cang Hai quan va Nha tu PQ cach thi tran Duong Dong hon 30km.Ae nao ra PQ l.lac Khanh dt 0913849353 NTrung

Nặc danh nói...

Nhà tù PQ cũng nổi tiếng lắm, TM có ghé ko? Tôi có thằng em họ đi B, bị bắt, được trao trả năm 1973. Nó kể đã bị cưa dần dần cụt trọn cả 2 tay ở nhà tù PQ. Bây giờ đi thăm nhà tù PQ, hướng dẫn viên cũng biết và có mô tả lại hình thức dã man này.JM

HữuThành.Nguyễn nói...

Có lẽ phải ghi lại số điện thoại của các anh em Trỗi "ở lẻ" để có dịp thì không mất cơ hội giao lưu.

Nặc danh nói...

Coment Phú Quốc đảo

- @ DS: Tôi chỉ phục sự thông thái của thằng Google. Bác hãy vào “Người Hoa( VN)”. Rất thú vị!
“Vào thế kỷ 17 tại Trung Quốc, sự sụp đổ của nhà Minh dẫn đến làn sóng người Hoa trung thành với nhà Minh và không thần phục nhà Thanh bỏ quê hương di dân sang vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam ( Mạc Cửu thù nhà Thanh).

Năm 1671, Mạc Cửu và gia đình đến vùng đất Mang Khảm (nay là Hà Tiên), khi đó vẫn thuộc quyền kiểm soát của vương quốc Khmer. Mạc Cửu đã biến vùng đất này thành một khu vực buôn bán giàu có, mở rộng quyền kiểm soát ra các vùng lân cận, và quy thuận chúa Nguyễn”.
Theo tôi cái câu “ mang gươm đi mở nước” của ta nội hàm đã mang tính bạo lực, mạnh được yếu thua trong ấy. Tại sao lại không phải là “mang dao” đi phát cỏ , “ mang cuốc” đi vỡ đất...??
Mạc Cửu đã có những đóng góp nhất định trong việc phát triển Tây nam đất Việt, việc ông quy thuận Chúa Nguyễn là hành động rất khôn ngoan chứ chẳng phải tử tế gì. Có người lo an ninh để mình tập trung làm giàu, sướng! Vấn đề “chủ quyền , lãnh thổ” thiêng liêng xin được đàm đạo với bác vào dịp khác.
JM : Có ảnh và tư liệu nhà tù PQ, post sau.
-@ LTT: Cái gì mà chẳng phải trả gí a. vấn đề anh tài , anh gỏi thì trả giá ít và được lợi nhiều hơn. PQ giờ đã khác xưa nhiều rồi...
TM

Nặc danh nói...

@TM,DS: Tui khóai(phái, khóoi) cái đề tài "mở cỏi" này lắm. Giao ban Đôi Khi ngày 07/12 ta hội thảo nhá!!

4 SG

Nặc danh nói...

Chú Tư: Thế giới giờ có "sổ hồng", "sổ đỏ" cả rồi, hổng có lộn xộn như ngày xưa. Chú mà loạng quạng " mỡ cõi" qua nhà hàng xóm coi chừng bể gáo đa!
TM