Thứ Bảy, tháng 11 29, 2008

Chuyện nhiều kì: Buôn lậu qua biên giới

Đầu những năm 1990, trí thức VN - thừa tri thức và thiếu tiền nên đói và nghèo - dưới danh nghĩa “hợp tác khoa học” đã tìm đường sang Nga, Ba lan, Tiệp… nơi họ đã từng sống thời sinh viên để kiếm sống. Kiếm sống bằng mọi cách miễn là có tiền. Từ nhu cầu thị truờng mà họ tìm ra các cách kinh doanh “phục vụ” dân sinh.


Trào lưu buôn máy tính

Có lẽ phát minh CPU là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Nhớ ngày còn làm việc ở Viện Tự động hóa chỉ huy IMAT thì Quân đội quốc gia Đức chỉ có vài chục máy tính PC 16 bit đặt tận Berlin. Khi bảo vệ đề tài, được sử dụng mới thấy nó ưu việt hơn hẳn minicomputer (to 1 góc nhà) hay máy Computer Quả táo 8 bit.

Và tất cả đều “bắt đầu từ phía tây”, từ các nuớc TBCN. Vậy là PC từ Tây Đức chạy vòng qua Tiệp, Ba lan nằm chờ; rồi từ đây được vận chuyển theo kiểu “bánh mì kẹp thịt” (mỗi khi có cán bộ VIP của ta với “hộ chiếu đỏ” - miễn trừ ngọai giao) qua cửa khẩu để vào Nga (theo đuờng sắt hoặc đường không). Cứ mỗi lần tầu liên vận về tới ga Bélarussia (Mat) là dịp công nhân Nga kiếm bộn tiền do bốc dỡ máy tính từ các cup-pê xuống xe. Từng đòan xe kéo chở hàng trăm kiện CPU và Monitor chạy rồng rắn trên sân ga. Chả khác gì lễ hội.

Dom 5 của Viện Hàn lâm khoa học Nga trở thành trung tâm buôn bán máy tính. Trí “béo”, Long “le”… là các ông trùm. Các VIP từ VN qua hay nhân viên Sứ quán (có hộ chiếu ngoại giao) là “cửu vạn”. Căn hộ của họ ở Dom 5 thành kho. Khi hàng về quá nhiều lại thuê thêm phòng để máy. Máy tính từ đây được “thợ đầu đen” người Grudia đánh đi tòan Liên bang.

Buôn máy tính thật tấp nập và cực lãi. Mỗi chiếc lãi “vài vé” cho ông chủ, còn “thợ mang hàng” (các VIP) lúc đầu cũng được 1 vé/chiếc (đến khi nhiều người đánh thì tiền dịch vụ cũng được vài chục đô). Vậy là sau chuyến công tác Đông Âu, các VIP mang về cho bu nó ở nhà ít tiền.

Chỉ đến khi các Cty máy tính của Nga vào cuộc thì chiến dịch buôn chui máy tính của dân Cộng phải stop.


Đánh quần bò, đồng hồ điện tử qua biên giới

Dân Cộng vốn rất năng động, tắc cửa này tìm ngay cửa khác(!). Vẫn biết dân Do thái làm ăn rất giỏi nhưng có lẽ kiểu “chộp giật” thì chỉ có dân ta. Sau cú “máy tính” phải ngưng, anh em phát hiện dân Ba lan buôn quần bò “đểu” từ Thái và đồng hồ điện tử “dởm” từ Hồng Kông về. Vì Hồng Kông vốn là trung tâm hàng giả nổi tiếng của thế giới, quần bò, đồng hồ “đều”... được sản xuất từ đây rồi qua Thái nhập về Ba lan. Ngày đó dân Nga coi ai có đồng hồ điện tử đeo tay, chân xỏ quần bò Jeans mới là “thời thượng”. Qua hệ thống bán buôn mà hàng ra chợ. Vì vậy dân Cộng tìm mọi cách mua rồi đánh hàng từ Vac về. Vậy là hình thành ngay đường dây cung ứng của dân Cộng.

Từng đòan dân buôn chuyến với “pass” phổ thông (lọai AB miễn visa qua cửa khẩu Brest), thậm chí với pass đỏ được “chế” lại rất khéo, được tổ chức rầm rập sang Ba lan. Trong túi du lịch mỗi người có vài chai vodka, dăm cái xúc xích và chục lát bánh mì, còn tiền thì găm trong người và “phơ put!” (lên đường). Đi, về đều tại ga Bélarussia. Lập tức hình thành đường dây “dịch vụ vé” tầu liên vận. (Hà Xuân Tiến (Tiến “vé”, con cụ Hà Xuân Trường) bắt mối ngay với 1 con mẹ là nhân viên nhà ga và trở thành 1 trong những đầu nậu).

Tấp nập, cứ 3-4 ngày 1 chuyến. Từ Dom 5 xuất phát như đi hội. Lúc đầu ra ngay chợ giời Banacha ở Vacsava mua hàng rồi chạy vội ra tầu. Được vài tháng thì tự hình thành tổ chức, có người bám trụ tại “Vac” làm đầu tây, chuẩn bị sẵn hàng hóa.


“Đội du kích đường sắt”

Riêng tôi lúc mới sang tá túc nhờ 1 căn hộ của Tiến Long thuê ở Broniewskiego. (Truớc, từng là điểm phân kim). Sống tập đòan. Từ mờ sương kéo xe ra bến tầu điện để ra ga. Tối mịt mới trở về. Ngày nghỉ thì hì hụi sửa áo gió hỏng feẹc (dây kéo), hỏng khuy. Lắm hôm gõ chan chát xuống sàn bị chủ nhà dưới lên gõ cửa nhắc nhở. Mỗi lần hàng về chiếm giữ thang máy gây khó chịu cho cư dân. Ngày có bạn đến chơi hay sinh nhật lại uống, hát tận khuya. Dân chúng khó chiụ trước cảnh sống bầy đàn của dân Cộng.

Sau này chuyển sang 1 căn hộ thuộc 1 cao ốc ở phố Bolkowska. Bọn đàn em của Long, Trí lấy đây làm điểm hẹn. Hết Hùng Nhân, Cường “lác”, đến vợ chồng Dũng “nội” (dân Hàng Bạc đi buôn mang theo cả thằng con)… Mỗi lần Dũng sang, “tắc cống” phòng tắm vì tóc tai, lông lá vón thành mớ, mỡ, ghét đóng viền lên thành bồn. Đi tầu sang tới nơi, chạy đi mua hàng, quay về Mat phải mất tới 4 ngày, nếu hàng bán chạy phải quay ngược luôn thì coi như “cả tuần sống trên tầu”. Người ngợm hôi hám, nhất là mùa đông, vì nước đâu mà tắm. Mỗi lần chúng vào nhà tắm chả khác gì làm lông lợn!

Đi buôn lậu thì phải cầu may. Lắm “cặp” trước khi đi không quên đốt vía. Một sớm ra hành lang chung thấy có mẩu giấy đốt dở, nghĩ chỉ có dân Cộng; vào nhà tra hỏi thì ra có cô em đã đốt vía rồi vứt tàn ra đó. May mà bọn Tây không thấy. Bị mắng, ngay lần sau cô ta đốt luôn trong phòng ngủ. Thấy khen khét, chạy vào thì lửa đã bén vào đệm cỏ, khói nghi ngút. Tôi và Nghị “phệ” phải dập quyết liệt mới hết. May mà không ai thấy khói bay ra cửa sổ, chỉ cần nó gọi cứu hỏa đến thì không đủ tiền mà đền (chưa kể cháy thật!).

Cánh đi buôn tự phong nhau là “đội viên Đội du kích đường sắt” như trong phim “Rừng thẳm tuyết dày” của Trung Quốc ngày xưa. Còn tôi được “tấn phong” đội trưởng. Anh em cứ về đến Mat là phone sang đặt hàng: Lần này em 2 thùng đồng hồ, 50 quần bò; anh chị 100 áo, v.v… Mà đã đi “chiến đấu” với tụi Tây mà không biết tiếng thì rất khổ, tôi đã tự học tiếng Ba lan qua tiếng Nga, rồi hỏi chúng bạn theo kiểu “Không biết thì hỏi tự ti mà làm gì!”. Anh em sinh viên cũ khen mình nói không kém gì tụi học trong nước sang nghiên cứu sinh(!). Theo order, tôi phóng xe đi các cửa hàng và các lò lùng mua hàng… (Ngày ấy, mua được chiếc Volkswagen Passat đít comby cũ, đánh từ Đức về, giá có 3000 USD). Đến ngày khách từ Mat sang thì đánh xe kéo rơ-moóc chở hàng ra ga Tây (đây là ga chuẩn bị cho các chuyến tầu liên vận, dừng trước cả mấy tiếng đồng hồ nên có thể tới đây chia hàng, đóng gói thoải mái). Cũng tại đây các chú thanh tóan tiền cho chuyến truớc (trả chậm)…

Đồng hồ hàng trăm, hàng nghìn chiếc được chia ra, bọc vào túi ni-lông rồi nhét vào ba-lô du lịch, khoác lên vai ra ga. Đoạn ngồi tầu từ Vac đến biên giới còn thời gian để đánh bài, tán láo. Nhưng mỗi lần đến ga Brest phải đổi sang toa liên vận vì anh em Cộng vốn tiết kiệm nên không mua vé cup-pê đi thẳng. Anh em phải kéo hàng xuống, chạy vòng qua cầu vượt để sang toa mới. Đồng hồ rởm trong túi không bị khoá khi này (và cả khi qua biên giới) đã tự động kêu chuông báo thức. Các bản nhạc phát lọan lên, gây chú ý cho bọn hải quan và công an cửa khẩu. “Đi buôn hả?”. Vậy là phải “lê văn chi”(!). Cũng may các chú cũng đói, vả lại buôn bán kiểu này cũng là buôn nhỏ , tuần nào chẳng thấy mấy "thằng Cộng" này qua lại cửa khẩu đến mấy lần thành quen này nên họ cho qua dễ dàng, miễn là "biết làm luật".

Quả thật dân Cộng buôn lậu qua biên giới Nga - Ba lan "rất chi là tấp nập", có thể so sánh như những ngày tháng 4/1975: "Có những ngày vui sao cả nước lên đường xao xuyến..."!


(Sau này “làm ăn nhớn”, anh em đã kí hợp đồng rồi đánh cả container qua biên giới. Nhưng những chú fit (mafia) Ba lan đánh hơi thấy mầu cũng tìm cách đánh cắp. Chuyện sẽ được lên khuôn báo vào những số sau!).

5 nhận xét:

Hòa Bình nói...

Anh KQ cũng là tay buôn lậu tầm cỡ quốc tế đấy nhỉ? Thấy anh bôn ba nào Đức, nào Nga, nào Balan, hình như lại cả Tiệp nữa? Thảo nào thỉnh thoảng thấy anh cứ sì sồ cái tiếng chi lạ lắm.

TranKienQuoc nói...

Bị lăn vào thời cuộc ấy mà. Vui là chính mà lúc nào, ở đâu cũng có anh em.

Nặc danh nói...

Sao hồi ấy không gặp ông anh mình để cất hàng nhỉ. Có lần lên Mát lấy hàng ngủ nhà anh Châu tùy viên. Khách đông như quân nguyên nằm úp thìa trên sàn, lách mãi mới kiếm được chỗ đặt lưng. "Thằng cha" nằm chổng mông vào mình, mặt úp sát tường, quái sao mông tay này to và tròn thế nhỉ. Mẹ tiên sư sáng ra mới biết một mẹ sồn sồn cũng cảnh chạy chợ, từ phía nam lên lấy hàng. Thế có chết không chứ lị.dđk6

Nặc danh nói...

Hoà Bình nhận xét rất chính xác. KQ không chỉ là "tay buôn lậu tầm cỡ xuyên biên giới", mà còn là "Đại cao thủ" ngay tại nước Đức. Năm 87 khi mới "chân ướt, chân ráo" sang Đức, Qx đã được KQ " dẫn lối, đưa đường " vào đường dây buôn " cát-sét" và "linh kiện máy vi tính" do "Dũng xế" của phòng tùy viên Quân sự chủ trì. Nhờ vậy mà Qx cũng có "bát cháo" qua ngày.

TranKienQuoc nói...

Có quan hệ mà giấu giếm, ăn mảnh, không bàn giao cho bạn là có tội. Vả lại chơi rộng mà làm thế thì thành chơi hẹp, hải không Qx?