Thứ Tư, tháng 10 31, 2007

CẢM NHẬN TRUNG HOA MỚI

Sau đúng 4 năm (cũng vào dịp cuối tháng 10) chúng tôi quay lại Trung Quốc. Thấy đổi thay nhiều quá!

Biển số xe Quảng Tây
Biển số xe ôtô tỉnh Quảng Tây đều có chữ QUẾ ở đầu. Hỏi bạn thì biết: Tới cuối những năm 1930 thì thủ phủ xứ Quảng của dân tộc Choang là Quế Lâm chứ không phải Nam Ninh. Thứ nữa quế là tỉnh hoa nên chữ QUẾ được chọn gắn vào biển số xe. Sau đó có chữ cái la-tin A, B, C... tương ứng với Nam Ninh, Quế Lâm, Liễu Châu... Tất cả xe đều mang biển xanh dương, trừ của Police là mang biển trắng, còn xe tải, xe lớn mang biển màu vàng...

Nụ cười trên môi
Tất cả ca-bin của nhân viên thu lệ phí trên đường cao tốc mà chúng tôi đi qua đều được hàn chết một khung sắt kiên cố để bảo vệ, phòng xe mất đà lao vào gây tai nạn. Người ta bảo vệ con người đến thế đấy!
Hơn nữa, mọi nhân viên được tuyển chọn là các em trẻ, tươi tắn và luôn nở nụ cười trên môi mỗi khi có xe qua. Chú Dương Đức Hải k8 cũng chớp được mấy pô về vụ này. Mũ kê-pi, quần xanh đen, áo màu xanh trứng sáo... thống nhất toàn quốc. Quả thật thấy em nào cũng xinh, có khi đi dự thi hoa hậu cũng được!

Đường cao tốc đạt tiêu chuẩn quốc tế
Ở Quảng Tây có trục đường cao tốc Bắc-Quế (mà Hữu Thành lại bảo là Quế-Hải. Không hiểu tôi có nhớ đúng?) dài 650km. Ngày 28/10, ta đi từ Liễu Châu về Nam Ninh theo một phần trục đường này. Khi xe qua cổng kiểm soát cuối cùng, tài xế đưa thẻ từ cho nhân viên thu phí thì trên bảng điện tử hiện lên con số "265km" và phí phải trả là 265 tệ. Hướng dẫn viên giải thích: "Phí giao thông quả là cao hơn 4000 VNĐ/km nhưng ngược lại xe được đi với tốc độ cao, không bị vướng, tắc, không tai nạn...".
Còn ai không muốn "lục tốn" thì đi theo hệ thống đường cao tốc cũ. Chả bao giờ có kiểu thu phí đầu đường như ở ta, vừa cản trở giao thông, vừa tính không chính xác, gây nên thất thoát.

Biểu tượng
Ở cửa vào Nam Ninh thấy biểu tượng của 12 cánh hoa dâm bụt như 12 cánh buồm (tượng trưng cho 12 dân tộc của Quảng Tây) vươn trên đồi cao. Đây là loài hoa đặc trưng của riêng Nam Ninh, tương tự như quế hoa ở Quế Lâm, hoa phượng đỏ ở Hải Phòng hay hoa sữa ở Hà Nội(!!!). Ban đêm hệ thống đèn sẽ chiếu sáng rực các sắc màu, gây ấn tượng mạnh cho khách các tỉnh khi về thăm Nam Ninh. Kế đó là khu đô thị mới với hàng chục cao ốc, quy hoạch gọn, đẹp, hịên đại. Ở Nam Ninh không cho phép xây nhà tư nhân. Ai muốn xây villa thì về ngoại ô. Còn công thự nào cũng nguy nga, hoành tráng.

Cái vỗ tay của các nhà lãnh đạo Trung Hoa
Côn Minh được gọi là thành phố hoa còn Nam Ninh là thành phố xanh. Dọc 2 bên đường khắp nơi là màu xanh của cây. Nghe nói tới 50% diện tích thành phố được phủ xanh. Dân tộc Đại đạo là con đường lớn với 6 làn xe, chạy qua cả khu Đại triển lãm đang tổ chức "Hội chợ quốc tế Trung Quốc - Asian lần 4". Thủ tướng ta cũng sang dự. Mấy hôm trước các nguyên thủ có về Dương Sóc đánh golf nên công an dẹp đường suốt. Tổng lãnh sự ta cũng nằm trên lộ này.
Đối diện với công viên Dung Hồ là bức tranh lớn cao 10m, dài đến 50m, có hình ảnh 3 vị lãnh tụ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân. Ba ông đang vỗ tay với 3 kiểu tay khác nhau. Mao Chủ tịch vỗ tay hơi khép - biểu thị cho sự "thống nhất giang sơn", Đặng Tiểu Bình có kiểu vỗ tay "đổi mới", còn Giang thì vỗ 2 bàn tay rộng mở - biểu thị của sự "mở cửa" của nước Trung Hoa mới.

Cái gì của họ cũng hoành tráng. Đại Hán mà!

6 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Đúng là không nhớ chắc chắn. Bắc-Quế là hai chữ đầu, có vẻ hợp hơn về lí. Nhưng tôi nhớ láng máng trên đường đi đọc thấy ở đâu đó là Quế Hải. Để xem lại bản đồ sau.

HữuThành.Nguyễn nói...

Hoa dâm bụt chứ không phải là hoa đại.

TranKienQuoc nói...

Xa lộ không có nhà mặt tiền như ở ta. Nếu chẳng may làng nào bị quy hoạch sát xa lộ thì phải xây tường bít kín.

HCQuang nói...

Bên Tàu, một vài nét chấm phá.
Sẽ là sai lầm nếu bạn bỏ công tìm một chút hình ảnh giao thông của thời kì CMVH.

Các con đường lớn trong nội ô:
1/ Lề đường dành cho người đi bộ rất rộng. Đa phần là 8-10m, nhiều chỗ trên 10m. Chỗ nào thấy hẹp thì cũng 5m. Có chỗ khá hẹp nhưng mang tính cá biệt.
"Đồng hành" với nó là hệ thống xe buýt (không biết có thuận tiện không, nhưng nom thấy hảo hảo).
2/ Trên lề đi bộ có 1 dải lát đá khác mầu, rộng chừng 50cm. Bạn nói là để dành cho đào bới (đặt ống nước, ống điện chẳng hạn).
3/ Rất nhiều cây xanh, hoa cỏ, kể cả trên xa lộ.
4/ Liên tục có công nhân đi thu gom rác, luợm từng tàn thuốc. Rất nhiều thùng rác công cộng với hình thức đẹp.
5/ Bảng chỉ đường theo kiểu HuêKỳ: kchìa ngang ra đường, ghi tên đường và hướng đường. Ví dụ đường Thiên hoa Đông hay Thiên hoa Tây (ấy là ví dụ, chứ họ không có đường tên này).
Phổ cập đèn quẹo trái, đèn cho người đi bộ.

Xa lộ:
1/ Hầu như không gặp người đi câu (CSGT).
2/ Tốc độ 100Km/h, có đoạn 120Km/h (không phân biệt loại xe).
3/ Xa lộ chỉ dẫn tận tình:
Bảng 1 - (cách lối rẽ đi) QL 2Km, bảng 2 - (cách) QL 1Km, bảng 3 - (cách) QL 500m và dĩ nhiên bảng 4 - (đây rồi chỗ rẽ) QL.
Có bộ bảng hiệu để đo tốc độ xe (sử dụng đồng hồ bấm giây): bảng 1 - 0m, bảng 2 - 50m, bảng 3 - 100m, và thêm 1 bộ bảng hiệu như rứa đặt sau bộ trước một chút.

Con Cốc trên sông Ly:
Không còn chiếc mảng chở đàn cốc đen thủi đen thui, cổ đeo vòng, đi mò cá nữa, mà là mấy lão ngư ông (ăn mặc đúng kiểu xưa) cắp cái sào với hai đầu là 2 con cốc đứng vững chãi. Du khách chụp hình chung với ngư ông thì phải trả tiền (hình như 5 tệ). Du khách trả tiền (cho ngư ông) xong, quay lưng đi là có 1 gã tới thu ngay số tiền đó. Chắc gã là nhân viên điều hành du lịch chứ không phải dân đại ca đường phố.

Huy hiệu, Mao tuyển, mũ Bát lộ quân: bán thoải mái ở chợ, bán cả tượng bác Mao bằng đất giả đồng. Mao tuyển cũ và loại cuốn song ngữ

Nặc danh nói...

Đúng là KQ có nhận xét sâu sắc về kiểu vỗ tay của các lãnh tụ TQ qua các thời kỳ. Khi đọc đến đoạn này thì GM nhớ lại một chuyện cũng cách đây 40 năm. Đó là vào tháng 8/1967 khi ngồi trên tầu liên vận sang LX du học. Khi đến biên giới Trung-Xô (phía Mãn Châu Lý), ngay đường biên giới phía Trung Quốc có một tượng của Mao Chủ tịch chìa tay về phía LX, mọi người thắc mắc thì một đ/c Nga giải thích (tất nhiên là qua phiên dịch, vì đã biết được tiếng Nga nào trong đầu đâu): Khi Trung-Xô còn hữu hảo thì hai bên cùng nhau dựng một tượng đài Stalin và Mao Trạch Đông bắt tay nhau ngay giữa đường biên giới. Sau đó phía LX dỡ bỏ tượng Stalin vì sùng bái cá nhân, thế là chỉ còn lại tượng của Mao Chủ tịch mà lại chìa tay về phía LX. Ông bạn Nga nói : Mao Trạch Đông đang chỉ về phía Nga ý rằng đây là đất của Trung Quốc!!!
Cứ nói người Trung Quốc thâm nho đi, người Nga cũng thâm nho đấy chứ.
GM

TranKienQuoc nói...

Riêng đ/c Tàu nào cắt cúp đựoc ảnh 3 vị lãnh tụ vào đúng thời điểm tay đang vỗ như vậy, rồi ghép trên 1 hình, không quên họa lại bằng nhời... cũng xứng đáng là thứ trưởng Bộ VHTT Tung Quốc chứ chả chơi!