Thứ Ba, tháng 10 30, 2007

Quế Lâm, chuyện đi

Đi thăm lại Quế Lâm. Rõ ràng trước khi thăm thì phải đi. Vậy thì chuyện đi có gì hay?

Ngay từ cửa khẩu có thể thấy hai cửa hầm lớn. Đó là điểm cuối của xa lộ Nam Ninh - Hữu Nghị Quan (HNQ) được khánh thành vào 1/1/2006, dài khoảng gần 200km. Hành trình từ cửa khẩu HNQ đến Quế Lâm sẽ đi trên hai xa lộ: Nam Ninh - HNQ và đoạn Nam Ninh - Quế Lâm của xa lộ Quế Hải 600km nối Quế Lâm với thành phố Bắc Hải nằm giữa đảo Hải Nam với Móng Cái. Nhờ thế toàn tuyến HNQ-Quế Lâm đã được nối bằng xa lộ có tốc độ chạy xe tối đa cho phép là 120km/h.

Cấu trúc xa lộ giống xương cá. Xa lộ là xương sống, các lối rẽ là xương sườn. Tất cả các lối rẽ đều có trạm thu phí. Hai đầu của xa lộ được nối vào đường vành đai của thành phố, ở đó cũng có trạm thu phí. Nếu không có gì đặc biệt (như cứu nạn) phải mở các lối thông hai chiều đường thì trên xa lộ xe chỉ có thể chạy theo một chiều giữa hai trạm thu phí bất kì nhờ những con đường giao nhau khác mức. Cấu trúc đó tạo thành hệ thống đường-đóng có thể rất quen thuộc với các bạn đã từng sống ở nước ngoài. Nhưng ở VN chưa hề có hệ thống nào giống như vậy. Hệ thống đường đóng có ưu điểm kiểm soát tất cả mọi phương tiện tham gia giao thông và tính phí theo số km đi trên đường. Trên xa lộ của TQ chỉ có các loại xe ôtô được phép chạy. Ảnh trên là một chiều đường có hai làn xe.
Như vậy các chủ xe có thể lựa chọn đi theo xa lộ có trả phí hoặc đi theo đường không trả phí với chất lượng chắc chắn kém hơn. Gần như hai bên xa lộ được rào kín để tránh gia súc đi qua đường, và trồng hoa. Trên thực tế suốt mấy ngày đi đường chúng tôi chưa hề thấy một con gia súc nào bên ngoài hàng rào, chưa nói là bên trong hoặc trên mặt đường. Cùng với hệ thống cọc tiêu và dải thép hộ lan là các cột điện thoại gọi cứu cấp theo số 12122.

Mặt xa lộ làm trước đây được trải bằng bê tông có xẻ rãnh tăng ma sát. Các đoạn đường mới như HNQ-Nam Ninh chủ yếu trải bê tông at-phan. Theo các chuyên gia xây dựng có mặt trong đoàn thì đường trải at-phan có tính chất cơ lí tốt cho xe chạy hơn (độ bám, phẳng, ít hao mòn lốp, ...) Thế mà trước đây tôi tưởng là bê tông xi măng tốt hơn.

Hệ thống "cơm tù" của TQ cũng rất tốt. So với chuyến đi năm 2003 từ Quế Lâm về Nam Ninh thì các trạm dừng hiện nay trên xa lộ được xây dựng khang trang hơn nhiều, với khoảng cách hợp lí để gần như khi nào có nhu cầu giải lao, vệ sinh, ăn uống đều có trạm dừng sẵn sàng phục vụ.
Đoạn HNQ-Nam Ninh mật độ xe đi thưa nhưng các trạm dừng vẫn đầy đủ, vì thế chúng rất ít khách. Đoạn Nam Ninh-Quế Lâm lưu thông tấp nập hơn nhưng không có trạm dừng nào bị quá tải. Tất cả các xe dừng nghỉ đều vào bãi đỗ.
Ở đây có trạm xăng, dịch vụ kĩ thuật, cửa hàng bán đồ ăn nhẹ và đồ khô, chỗ ngồi ăn đồ mua tại chỗ hoặc mang theo tuỳ thích.
Đặc biệt các trạm dừng còn có các dụng cụ tập thể dục để lái xe, hành khách tập cho thoải mái sau một thời gian ngồi một trạng thái. Các dụng cụ này được các quý bà trong đoàn đặc biệt thích thú. Bà Trần Hà k4 đang kéo dãn lưng, bà Chí Quang k4 đang chao eo, bà Mạnh Dũng k4 và bà Mẫn k5 đang đạp cột, bà Xuyên k5 đang chờ đến lượt nâng tạ bản thân.
Các quý ông thì quan tâm hơn đến ăn uống, hút thuốc, li lái và xem bản đồ. Toilet, sân bãi của trạm dừng sạch sẽ, được chăm lo chu đáo, nói chung là không chê vào đâu được.
Gớm, đây là chỗ nào mà mía trồng hai bên đường tới tận chân trời. Có một điểm đặc biệt là xa lộ của TQ cách xa vùng dân cư tới mức đi hàng trăm cây số mà không thấy bóng nhà cửa làng mạc ở đâu. Mía trồng nhiều như vậy tất nhiên họ cũng phải ở đâu đó trong vùng, nhưng chắc là rất xa.

Giao nhau khác mức được áp dụng 100% trên xa lộ và khá phổ biến ở các đô thị. Quế Lâm là thành phố nhỏ nên giao nhau khác mức thường là đường hầm. Ở các thành phố lớn hơn mà chúng tôi có dịp tham quan như Liễu Châu hay Nam Ninh thì chúng là cả một hệ thống có khi chồng lên nhau tới ba tầng.
Ở Nam Ninh, đoàn nghỉ ăn trước khi về cửa khẩu tại nhà hàng Ngọc Trai. Trước nhà hàng là một hệ thống đường trên cao có tổng chiều dài 10km, được làm trong 7 tháng. Minh Sơn k5 nói 4 tháng trước đây có đến nhà hàng này, khi đó ở đây chưa có đám cầu-đường này.

Một hệ thống đường sá như thế thì cầu cống cũng phải tương ứng. Nhưng có gì để nói về cầu của xa lộ, chả có gì cả vì chúng đồng bộ rồi. Điều dễ nhận thấy nhất về cầu là ở các đô thị. Có lẽ TQ đã phát triển đến mức đưa nghệ thuật vào ngành cầu.
Chúng ta có ai nhớ cầu Giải Phóng duy nhất bắc qua sông Li ngày xưa như thế nào. Bây giờ nó là đây, với bốn làn xe chạy. Về phía hạ lưu, ngay gần trường Y Trung cũ có cầu Li Giang mới xây dựng sau này. Một thành phố cỡ triệu dân ở hai bên bờ sông thì hai cây cầu như vậy là quá thoải mái. Nhưng vào giờ cao điểm thì việc qua được cầu cũng tốn khá nhiều thời gian. Một trong những lí do làm chúng tôi chậm giờ chuyến Hai Sông Bốn Hồ là chậm xe trên cầu Giải Phóng.
Quế Lâm có hai sông bốn hồ nối thông với nhau. Bốn hồ tuy đã đào thông với nhau thành một nhưng vẫn là bốn vì truyền thống. Bốn hồ nối thông với sông mà vẫn là hồ vì chúng không đồng mức.
Hai điểm đào thông hồ với sông là hai âu thuyền để duy trì mức nước hồ cao hơn nước sông khoảng 3m khi chúng tôi đi chuyến tham quan.
Trong vùng hai sông bốn hồ này mật độ cầu dầy đặc là nơi phô diễn cảm hứng của các nhà thiết kế.
Gầm cầu ở VN mình gợi lên cảm giác bần cùng thì ở đây, trong vùng du lịch, người ta có thể thưởng ngoạn một chút xíu nào cảm giác vơ-ni-dơ với nước sông mấp mé mặt đường, phù điêu trên tường, tranh "gầm cầu" trang trí.
Một điểm nghệ-thuật-cầu nữa là về đêm tất cả các cầu ở khu đô thị đều được trang trí đèn mầu, đèn chiếu để làm cho nó có giá trị không chỉ để đi. Ngay ở Liễu Châu, một thành phố công nghiệp với khoảng chục đường sắt cụt trên bản đồ (biểu thị của các cơ sở sản xuất lớn vận chuyển nguyên liệu/hàng hoá bằng đường sắt), hầu như vắng bóng khách du lịch, các cầu qua sông Liễu cũng được kết đèn lung linh.
Khi bóng đêm nhạt dần, những cây cầu công viên trong sương sớm hiện lên mộc mạc như tranh thuỷ mạc. Giống người phụ nữ, son phấn cho vẻ đẹp rực rỡ và chân quê cho sự bình lặng dịu dàng.

Cuối cùng của chuyện đi. Ấy là tại sao tôi chọn phương án Ta-Ba-Lô. Người ta bảo là đi theo tua mệt lắm. Đi nhiều nơi, thăm nhiều thắng cảnh mà giá lại rẻ. Thế thì họ phải tìm cách thu lại bằng cách khác, mà một trong số đó là hoa hồng cửa tiệm. Đi nhiều nơi thì phải "cưỡi ngựa xem hoa". Tóm lại nếu muốn chuyến đi có thu hoạch riêng tư thì ba-lô là lựa chọn đúng. Tôi hài lòng vì đã đi theo cách này. Chỉ buồn một nỗi thỉnh thoảng lại phải kéo theo nhiều rơ-mooc có quyền biểu quyết nên thời gian đi "ăn lẻ" cũng bị hao hụt.

10 nhận xét:

Tuong Lai nói...

Quá đã, quá đã.Trưa nay, trong cuộc gặp mặt Minh Nghĩa anh em đã được nghe, nay lại "kỳ hình". Phải nói chú trộm thăm hỏi TM cũng có con mắt tinh đời: chọn đúng đối tượng sẵn sàng "bỏ qua tiểu tiết hướng tới đại cục" như lãnh tụ dạy ( có khả năng lại còn phát triển lên thành luân điểm "bỏ qua hiện tại -hướng tới tương lai" nữa chứ lị)để chia xớt. Phải người khác Công an TQ lại cho nó Tây Tạng mà tìm Đông trung Hạ thảo sớm. Kể cũng may, kịp thời phát hiện ra "thằng mô ị nón troa" chứ va li mà mất thật thì sự kiện "quan hệ" này khéo làm chúng ta mất luôn đồng chí "ngoại trưởng nhân dân". Vui thật.

HữuThành.Nguyễn nói...

Anh Tương Lai lại "vào nhầm chuồng" hay sao ấy. Lời góp này để bên "phong thuỷ" chứ. Ở đây đang nói chuyện giao thông nhé.

Nặc danh nói...

Chắc cái "hạn" nó vẫn còn nên bên facific báo chuyến hồi hương của tôi sẽ delay 2 tiếng.Hàng không cũa ta vui tính thật,chuyên nghề chòng ghẹo "thượng đế".Biết thế này ông mua quách cái tàu bay tự đi cho bõ giận.
làm gì trong thời gian chờ đợi lúc này ngoài việc viết bài "phục vụ nhân dân"?
Nhìn ảnh cách đồng mía kéo dài mút mắt kéo dài từ biên giới VN đến tận Nam ninh, là ngưòi" biết " chút ít đến ngành mía đường tôi xin mạn phép nói một chút về quy mô, tầm vóc của đồng mía ấy đằng sau cái ĐẸP như các bạn đạ thấy.
- Trong các dự án mía đường,Về nguyên tắc muốn làm nhà máy đường trước tiên phải xây đựng vùng nguyên liệu mía. Vùng NLnày có bán kính cách nhà máy 50 km ( của bạn là 60km) để kịp chở mía chín( mía đến lúc thu hoạch tốt nhất) về nhà máy trong 24tiếng( để chậm chữ đường sẽ giảm dẫn đến tỉ lệ thu hồi thành phẩm thấp...). Nhà máy loại vừa như của ta ( 1000 tấn mía /ngày ) cần 200 xe tải loại 5t chuyên chở. Để ôto chạy được cần có hệ thống giao thông tốt giữa các cánh đồng xe mới chạy kịp.
Các dự án mía đường của ta toi vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do không xây dựng được vùng nguyên liệu(chuyện dài nhiều tập không viết hết được), Cánh đồng của bạn mênh mông thế không biết họ canh tác , thu hoạch, chuyên chở kiểu gì ? Mà lại chở bằng đường bộ nữa thì lấy đâu ra lời. Bài toán Trung hoa quả là bí hiểm...
- Trồng mía lợi nhuận khá cao( không kém gì lúa), canh tác không phức tạp nhưng phải có nước ) đòi hỏi thuỷ lợi rât tốt, không thì chỉ là "củi mía". Anh Ba mình trồng cả trên cao không biết họ tưới kiểu gì với diện tích bạt ngàn như thế ?
Chẳng lẽ họ có giống mía chịu hạn (vì thổ nhưỡng nơi đó như ta thấy khá khô cằn)?
-TQ trong quá trình cải cách, họ đã thay thế toàn bộ thiết bị mía đường theo công nghệ mới. Đồ cũ họ bán cho ta với giá rẻ lại còn được trả chậm nên các chú nhà mình rất sướng. Kết quả là ngành mía đường VN chết vật như hiện nay.
-Nhìn canh đồng mía này chắc các bọ nhà mình thèm rỏ dãi. Họ quy hoạch như vậy, ta đã bàn và làm mấy chục năm nay nhưng đều không kết quả.Dù đã ký kết Hợp đồng kinh tế nhưng giá cao dân lại bán ngoài ( được giá ) mặc cho nhà máy chết vì thiếu nguyên liệu. không có đầu ra cho đường, nhà máy "ép"lại dân bằng cách yêu cầu nguyên liệu chất lượng cao hoặc giảm giá mua thế là thằng dân la làng vì bị ép như ép mía ...vòng luẩn quẩn ấy dẫn đến chuyện mía bị bỏ chết khô không ai thèm thu hoạch hoặc nhà máy chạy cầm chừng chờ phá sản .
Điều tôi muốn nói ở đây chính là họ có cách quản lý thế nào đó, để tạo động lực làm cho cả nhà sản xuất đường và người trồng mía đều thấy..Khoái?!
Cùng tồn tại , cùng phát triển," chia nhau mà sống" chứ không như mình...Phải chăng đó chính là điều chúng ta cần HỌC?
...Tôi phải đi đây-"chai chen" các bạn!

TM

Nặc danh nói...

Cái khác biệt lớn nhất là tỷ lệ phần trăm trong phương trâm "uâi dẩn mỉn phủ u" mà thôi! DMinh

HCQuang nói...

Nói chuyện Tàu mới ngẫm đến Ta. DMinh nói đúng, vấn đề là ông Chính phủ cân nhắc tỷ lệ phần trăm giữa việc phục vụ nhân dân và phục vụ những việc còn lại.
Nhà tôi đi ra Bắc và Quế lâm, tổng số 13 ngày. Trước khi đi có chàng điện lực tới nhà ghi điện, cho cái bưu. Tối 31.10 về tới nhà đã thấy giấy gọi lần thứ 2 đòi lên nộp tiền điện. Sáng sau (01.11) thấy 2 cậu điện lực tới, tính leo cột cắt điện, trong tay cầm tờ quyết định cắt điện hẳn hòi. Mặt 2 cậu vênh còn hơn cảnh sát hình sự lúc bắt được thằng ăn cướp, may chúng còn biết bấm chuông. 2 cậu qua lại đôi lời không có chủ ngữ (với gia chủ) rồi tếc, chứ không thì bị cúp điện rồi. Bác mày đi du lịch chứ có quỵt tiền điện của nhà mày đâu.
Đấy, có 1 tí ti thế thôi mà cũng làm mình làm mẩy. Chứ vĩ đại như kế hoạch "đường mía hóa" mà TMinh nói thì ... khỏi bàn. Nói chuyện Tàu thì các bố xin nghỉ phép nhé.

Nặc danh nói...

Chí Quang à! việc phục vụ nhân dân nhanh như vậy chứng tỏ "hậu quả" của công cuộc cải cách hành chính đã chuyển mình. Rất mong mọi việc khác của dân giải quyết đều nhanh như vậy

HữuThành.Nguyễn nói...

Nhà đèn thấy mưa to gió lớn thì cắt điện để an toàn cho dân. Thấy nhà vắng người (trả tiền) cũng cắt điện để an toàn, đề phòng sự cố. Cơ quan tôi khi ra về cũng cắt cầu dao mà.
Anh chường cái mặt ra là được rồi, họ không cắt điện nữa đâu. Cứ để anh thiếu tiền điện, sau này tính lãi ngân hàng không hơn à?

Nặc danh nói...

Anh Chí đừng quá bức xúc, chúng ta đang tiến tới nền hành chính pháp trị mà. Cứ thông cảm cho cac bác hoài, rồi các bác cứ lấy tinh thần (lời nói)thay cho vật chất (phong bao)mãi thì... con cháu teo bao tử hết mất.

Nặc danh nói...

Xem ảnh đường giao nhau khác mức của Trung Quốc do HT chuyển tải lại ngẫm đến mình. Của họ các cột đỡ đều thanh mảnh, còn của mình thì to đùng. Các bạn có biết vì sao không? Trung Quốc họ không bớt xén vật liệu, còn Việt Nam mình thì chi phí ngoại giao cho một công trình quá lớn nên phải lấy lãi bằng cách rút bớt vật liệu. Chính vì thế mà khi thiết kế, các kỹ sư đã phải nghĩ đến chuyện này, thiết kế to hơn để khi công nhân ăn bớt vật liệu thì công trình vẫn đủ độ bền. Nhưng thực tế đâu phải hoàn toàn như vậy. Cầu chui Văn Thánh, cầu Cần Thơ và nhiều cầu khác vẫn không chịu được tải trọng.
GM.

HCQuang nói...

Đi tàu trên 2 sông 4 hồ:
Lên tàu đi ngắm cảnh đêm QuếLâm thì phải thấy cây cối, đèm đóm, cầu cống...
Cty chiếu sáng công cộng thì lo đèn màu, dây nhợ và duy tu bảo vệ chúng. Chắc tạm ứng luôn tiền điện.
Cty cây xanh thì lo cây lo cối vem sông hồ.
Cty cầu cống thì thì làm đẹp cầu cống, lo cái phần bên trên, lo cái phần bên dưới (vì tàu chui qua gầm cầu).
Ông Môi trường thì sao cho nước sông hồ dơ it ít thôi, các thứ ven sông hồ sạch một chút cho du khách dễ coi.
Cty xây dựng thì làm một số công trình ven sông cho vừa mắt khách. Rồi làm 3 cảng du lịch, làm Âu thuyền.
Riêng cty du lịch thì sắm tàu, đón khách, và quan trọng hơn cả: thu tiền.
Nếu nghĩ theo cách quản lý của nước ta thì tiền họ chia chác ra răng, khéo thằng du lịch nó xực hết, phần mình còn xí quách.
Nước ta có mỗi tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở mà hai ba ông chính quyền giằng qua giằng lại, hờn dỗi nhau đủ chuyện. Rồi giấy trắng, giấy đỏ, giấy hồng, suýt có cả giấy xanh.
Thế mà, ở bên Tàu, họ làm được, không cty nào tị nạnh cty nào.
Chắc là họ biết lo cho đại cục.