Chủ Nhật, tháng 7 06, 2008

Ăn mày cửa Phật

Tục ngữ "ăn mày cửa Phật" giải nghĩa cho đúng không biết là gì. Chắc không phải mấy ông "ăn mày" chúng tôi mới gặp mấy hôm nay.
Dăm hôm trước mấy Trỗi loanh quanh xóm Vườn Treo rủ nhau ăn trưa cho đỡ "nhớ". Đang ngồi nói chuyện vui vẻ trong quán cơm văn phòng máy lạnh thì có một tay đàn ông cao lớn đẩy cửa bước vào. Gã mặc áo chùng mầu xanh xanh nhạt (mầu áo phái Nga Mi trong chưởng Tầu?), đầu húi cua, chân đi giày vải Tầu, vai khoác túi vải "thầy chùa", cổ đeo tràng hạt. Bộ dạng của ông "thầy chùa" này làm người ta phải chú ý. Cơ thể khoẻ mạnh, động tác nhanh nhẹn, vẻ mặt thoả mãn, tiến ngay vào bàn trong cùng của bọn tôi. Một tay "thầy" cầm một cái dùi nhăm nhăm chực gõ vào miệng bát nhỏ trống rỗng trong lòng bàn tay cầm chặt mà ngón cái sẵn sàng hạ xuống chặn đường lui của cái gì trong đó. Rõ là động tác xin tiền khác lạ.
Vốn không thích cho tiền người ăn xin, lại thấy bộ dạng khác lạ không biết nó là loại "công nghệ" gì, tôi không sờ ví. VTM lấy mấy đồng lẻ thả vào bát. Cái bát nhỏ tới mức tờ tiền không thể nằm yên ở trong, ngón tay gân guốc lập tức chặn lên và cái bát được hua hua qua trước mặt mấy chúng tôi còn lại kèm theo lời cám ơn nho nhỏ "xia xia, xia xia" phát ra từ bộ mặt tươi cười và sung mãn. Không có tờ tiền nào được thả vào, "thầy" nhanh nhẹn lướt sang bàn khác trong khi bàn tay đã thu tờ tiền thả vào túi vải bên hông. Khất thực Tầu có khác, phong độ hơn người. Thắc mắc với nhau, HH giải thích "đây không phải là người ta đi xin, mà là người ta đi ban. Mày cho tiền là mày được phước đức, người ta hài lòng ban phước đức cho mày".
Hôm nay, khi tôi đang đi ra khỏi xóm ở vùng quê mới lên phường vài ba năm nay, đã lại thấy một "thầy" áo nâu sồng đi vào. Vội móc đồ nghề ra tác nghiệp. "Thầy" cứ thấy cửa mở có người là đến. Cũng bộ dạng như vậy, vào nhà ở, quán nước, quán chat, ... Sao mà phước đức đến với dân dã dễ dàng như vậy chứ!
TL nói ở chợ Nguyễn Cao "thầy" mặc áo mầu đất, gõ "keng" một cái trước khi đưa bát ra trước mặt người ta. Các bà các chị đi chợ kháo nhau "thầy" làm ăn dễ quá, gõ một cái là thu tiền.
Xem ra, bỏ tiền vào bát, mình có lẽ mới là những kẻ "ăn mày cửa Phật".

6 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tôi không biết gì về nhà Phật, nhưng phái khất thực, đối với họ là việc làm nghiêm chỉnh và có bài bản. Thứ nhất họ không bao giờ đi lẻ(một ngừơi), thứ hai họ đi thành hàng rất trật tự(đi đều từng bứoc một), thứ ba bao giờ cũng đi chân trần. Những người khoác áo nhà Phật mà đi khất thực một mình ở SG thì 100% là kẻ tả lưa.
Còn nơi khác bọ nỏ biết.
DS

HữuThành.Nguyễn nói...

Tôi dùng từ "khất thực" là muốn dùng từ có sẵn thôi. Chứ trường phái này là "khất bạc".
Cái bát của họ nhỏ tới mức cho "thực" là điều không thực tế. Người Tầu họ khôn thế đấy. Thực sự họ sợ bị nhầm là khất "thực".

VNQ nói...

"...họ đi thành hàng rất trật tự(đi đều từng bước một)..." theo kiểu: "Vừng đông dã hửng sáng..."

Nặc danh nói...

Ở HN đi ăn đi uống giờ khổ thế đấy!

Nặc danh nói...

@a TQ:Cái bát "nhỏ" ko thành vấn đề,hãy để ý đến cái túi của họ...Ở trong Sg e từng chứng kiến (chùa đàng hoàng),sáng,trưa,chiều thu tiền khách thập phương tới viếng...tối thì đi Ka rao ồ kê.Ô hay!kinh phật hát chi mà lạ,hỏi ra mới biết đấy là chùa của tư nhân xây...!

Nặc danh nói...

Quy định nội bộ của Phật gia VN là yêu cầu các đơn vị cơ sở (của họ) không đi khuất thực (cũng như khất bạc) mà hoạt động trên cơ sở tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Thao tác mà các anh nói là của Phật gia bên Tàu (có lẽ vậy).
HCQuang