Thứ Ba, tháng 7 15, 2008

Quê hương là ...

Với tôi, quê hương không là chùm khế ngọt như người ta thường hát. Quê tôi hình như không có khế. Chả bao giờ thấy khế, dù chua, để mà có thể nói "ngọt" như là một sự hơn.
Rủ HH đi cùng, cậu nói ấn tượng nhất của Quảng Trị là cát trắng nhức mắt, bạt ngàn. Quả có thế thật. Năm 1976 lần đầu tiên theo ba về quê, từ đường 1 rẽ vào tôi cũng nghĩ, quê gì toàn cát. Nhưng không phải thế, về đến quê, theo ba ra đồng mới thấy hoá ra quê mình trũng. Có ai biết quê tôi ở vùng nguồn của phá Tam Giang. Cũng có trằm (đầm lầy), có ruộng trũng chỉ làm một mùa lúa, cũng có làng với những ngôi nhà xen lẫn ruộng khoai, có bờ tre, chợ, đình và nhà thờ họ, ... . Có điều tất cả là trên đất cát, trắng trắng đen đen, khô thì tơi như cát. Mùa mưa thì lụt ngập, có mùa mọi người phải bỏ nhà lên huyện trú tạm. Nước rút về lo vệ sinh môi trường, nhặt gia súc gia cầm trú tạm rồi mắc kẹt trong đám tre gai, chết ngộp khi nước lên quá.
Chúng tôi chọn đi chuyến 19h. Theo nhà xe thì 12 tiếng sau khi khởi hành sẽ đến Huế. Cũng phải, theo QL1A thì Huế cách HN 650km, trung bình chạy mất 13 giờ đồng hồ liên tục. Xe du lịch chạy đêm có thể nhanh hơn.
Hẹn nhau có mặt 18h30. Quãng 18h40 xe nằm đến đón khách, HH chưa đến, khách lên đầy, đành chờ chuyến sau. Mãi 19h30 chuyến sau mới tới, gần như đầy khách du lịch Tây ba-lô. Hoá ra đi với Tây lại hay, chúng nó không "cậy gần nhà", yên lặng như không.
Có mỗi điều dở, là còn 3 giường cuối hàng giữa, ban đầu tưởng thế. Lần lượt leo lên, HH chậm chân lên sau, được cái giường có hẳn một chiếc TV chình ình ở giữa. Nằm nhìn lên TV, ngồi ôm chặt TV, tội nghiệp.
Tranh thủ phổ biến chuyện di chuyển bằng xe "vận tải hành khách du lịch". Đó là loại xe chuyên chạy đường dài định hướng chở khách du lịch. Có hai đặc điểm: chuyên chạy đêm để khách du lịch tranh thủ đi trong khi ngủ, và về danh nghĩa chỉ dừng ở các điểm có khu du lịch nên bán vé "làm tròn". Tôi về quê Hải Lăng phải trả tiền vé Huế. Bởi thế các xe này có điều kiện thu tiền cao của các khách gần với du lịch và "miễn trừ" khách đi xe chợ giá rẻ tạt nhặt khách bất tử.
Nhìn ảnh có thể thấy đầu HH nhô lên sau giá để hành lí. Không phải cậu "kê cao gối ngủ" mà vì người ta lùa chân tôi xuống dưới đầu HH bằng một cái hộp. Nhờ vậy một giường nằm 2m trên thực tế chỉ chiếm chiều dài 1m7. Chiều ngang bằng cái, phỉ phui cái mồm, quan tài. Hai tay phải chắp trên bụng, không để hai bên vì nó vừa bằng ... xương hông. Hình như hai hàng hai bên rộng hơn một chút nên mới thừa giường ở giữa.
Chúng tôi đi xe của hãng Hưng Thành, giá rẻ bằng nửa so với Hoàng Long, và chắc là tiền nào dịch vụ nấy. Nhưng mình chỉ cần một đêm về đến quê thì 170 nghìn cũng là quý, cần tiết kiệm.
Đó là một trong số nhiều chiếc xe của hãng, hiệu Deawoo, còn mới với 42 giường: 2 tầng, 7 hàng, 3 dãy. Đọc hàng chữ trước mặt lái xe thì biết nó được sản xuất tại Công ty Xe Bus Deawoo Quế Lâm, TQ.
Gần 8h sáng hôm sau, Thứ Hai, chúng tôi được xe thả xuống ở ngã rẽ về quê Diên Sanh, ngay thị trấn Huyện. Sáng này nhà tôi "hợp quân" về quê từ 3 đoàn. Ông anh cả và gia đình đi Đà Nẵng nghỉ, thuê xe tự lái chạy ra. Nhà bà chị và con gái tôi đi Huế nghỉ bằng xe nhà, còn bọn tôi về bằng xe khách du lịch lại đến trước. Nói đùa với HH "nhà tao về quê theo mô hình toán loạn".
Quê tôi có cả một khu đồi cát trắng quy ước làm nghĩa trang. Mỗi gia đình tự chọn lấy chỗ mai táng người thân, khi đã quây quần rồi thì họ mới trồng cây dứa gai hay xây hàng rào. Thêm một chút kiến trúc, gọi là xây lăng.
Riêng mộ ông nội tôi, rất lạ, một mình một khu, trước mặt là một hồ nước. Về quê nhiều lần, chưa bao giờ tôi thấy nước cạn dù là đất cát. Người ta nói mộ ông nội tôi tuy không xây, nhưng còn đẹp hơn lăng.
Thêm một chi tiết: tất cả các ngôi mộ ở quê tôi đều hình tròn, chỉ phân biệt đầu ở hướng chôn bia.
Chiều nhà chị Thái đi luôn về HN. Họ phải đi sớm vì sẽ nghỉ tối ở Thiên Cầm Hà Tĩnh, hôm nay ra theo đường 1 đến Hồng Lĩnh Can Lộc thì ghé vào viếng Ngã Ba Đồng Lộc rồi theo đường HCM ra để tránh đoạn Ninh Bình chen chúc trên đường xấu. Tôi và anh chị Cả nói chuyện nhà, chuyện thờ họ với các anh. Còn hai cháu với cô em và HH ra biển Mỹ Thuỷ tắm biển. Khi về cậu khen biển tuyệt đẹp. Cát trắng, nước xanh trong, hải sản ngon. Chắc phải chờ cô em đưa ảnh lên.
Ở nhà, tôi giật mình vì bưởi Diễn trồng mới 3 năm mà lớn không thua trồng ngoài này, nếu không hơn. Hàng 3 cây bưởi bên trái ảnh cao vượt đầu người.
Các anh ở nhà nói rồi cũng không ăn được đâu, cũng khó có thể biết chất lượng bưởi ra sao vì bọn trẻ sẽ phá hết. Chúng nó đã hái rồi mà vẫn còn thế này.
Rồi cũng đến lúc về, đã mua vé xe chuyến 18h đón trên đường 1. Mọi người đã về hết, anh chị cả vào lại Đà Nẵng để mai bay ra. Chúng tôi lên xe ôm ra chợ chiều trên Huyện. Một đứa cháu con em họ nhận ra, mà tôi phải hỏi cháu là đứa nào.
Rồi anh chồng của gia đình ba người bán cháo bột ở chợ cũng nhận ra. "Hồi sáng đi đám cháu có thấy 2 xe vào nhà. Nhà cháu bán cháo bột, ở sau nhà thờ họ Phan". - À, biết rồi, năm trước về tôi có qua nhà ăn cháo. Cháu nhỏ xíu, tóc thả đuôi gà, làm các việc ba sai; lấy bàn, lấy ghế, dọn bát, ... Khi trả tiền tôi cố ý đưa thừa mấy đồng và nói để cho cháu bé, làm quà động viên tinh thần yêu lao động.
Và đây là tiết mục cuối, kết thúc 10 giờ đồng hồ ở thăm quê: Cháo Bột Diên Sanh. Hi vọng sẽ có ý kiến của HH về cháo bột đã ăn trong 10 giờ đồng hồ ấy, tất cả là 3 bát.
24 giờ đồng hồ trên ô tô đi về, cộng với 10 giờ ở quê. Thế là 8h30 sáng nay tôi lại đã làm việc bình thường ở cơ quan, sau khi đã tắm và thay quần áo để sẵn ở đó từ hôm đi.
Chợt thấy đôi khi dùng dịch vụ có sẵn người ta sung sướng hơn vì "sống" được nhiều hơn. Chứ không phải lái xe vào ban ngày để rồi tổng thời gian nhìn ngó và cảm nhận chả được bao nhiêu.

21 nhận xét:

Phú Hòa nói...

Nhìn ảnh HH và HB xì xụp ăn " cháo " ngon lành đến mờ cả mục kỉnh thì tôi mớiu giật mình vì kiến thức quá thiển cận của mình để rút ra kết luận : Không phải cháo nào cũng là cháo.

To HB : em tranh luận với anh GM về cháo mì và cháo bột nhưng anh thấy toàn mì và nước chứ có thấy bột đâu??? Có lẽ là xuất phát theo kiểu địa phương và mọi người phải chấp nhận thôi. Phép vua thua lệ làng mờ.

Nặc danh nói...

@Hòa Bình :Củ ném lần trước nấu cháo không thành công sao, mà cho ea ăn cháo bột "ngó" thế? Ngó ảnh cậu và bác HH xì xụp mà thèm.
Sao không có ảnh bãi biển Mỹ Thủy TQ ơi.
KV.K7

Nặc danh nói...

Phú Hòa ơi! chyuện mì thành cháo có gì lạ đâu, ngay quê vợ tôi và một ít nơi khác nữa vẫn gọi các loại bánh ngọt là kẹo đấy.Bắc ninh chứ có xa xôi gì đâu.Tôi cũng đã đọc bài của HT giới thiệu, cũng ngớ ra một lúc đấy!sau nghĩ lại Ừ nhỉ,thế lại hay lại độc đáo của một món ăn quê, cha HT dùng từ tiếp thị đâm ra chuẩn.
DS

HữuThành.Nguyễn nói...

Bãi biển Mỹ Thuỷ thì phải chờ HB cho ảnh đã. Vì vừa rồi tôi không đi.
Tuần trước món cháo bột của HB mang đến giao ban có củ ném của KV gửi ra đấy chứ. Đủ tạo nên mùi khác biệt để mọi người thấy.

Nặc danh nói...

Quê HT có cháo mà húp thế là hạnh phúc rồi, cháo lại có cả hành nữa chứ, thời buổi lạm phát chuyến về quê của TQ và HH đúng là phù hợp với chủ trương của chính phủ rồi, tuần sau lại về quê nữa hè...
TTXVH

Nặc danh nói...

Đúng như PH nói, nhìn HH và HB húp cháo bột mà thèm!!!

Thật đáng tiếc, trong chuyến đi xuyên Việt của bọn này, chúng tôi đã nói đến chuyện dừng ở quê HT ăn cháo bột, nhưng lúc đó HT chưa giới thiệu quán, ae sợ ăn "nhầm", ảnh hưởng đến uy tín của món đặc sản ấy, nên cho qua!

Thôi, để lần sau vậy!!!

TN

HữuThành.Nguyễn nói...

Sẵn sàng mở tua "du lịch ba-lô 36 giờ, ngủ giường di động, ăn cháo bột Diên Sanh, tắm biển Mỹ Thuỷ" 500 nghìn đồng. Quá rẻ! :-))

VNQ nói...

Thảo nào, giao ban "Vườn treo" tuần vừa rồi, HB nấu một nồi cháo "Diên sanh" mang ra chiêu đãi mọi người. Vì "cháo ít, người đông" HB chỉ dùng tí chút, còn nhường mọi người. Vì biết sau hôm ấy về quê thì tha hồ ăn. Xia xia!

Hòa Bình nói...

Cháo bột Diên Sanh ăn ở quán "cháo bánh canh" Thủy trên đường từ huyện về làng Diên Sanh. Nhưng phải là sáng sớm trước 9 giờ. Còn buổi chiều thì ra chợ bờ hồ ăn ngay cổng chợ, ngon tuyệt!!!
@KV: Cháo bột tập hai mang ra giao ban thì HB chưa dám hứa cho tuần này vì phải học làm bột từ bột gạo mới thấy hết được cái ngon. HB có mua bột làm sẵn mang về nhưng mời bạn ăn gần hết rồi.
@TQ: Em ủng hộ mở tour về quê mình!

Tắm biển Mỹ Thủy quá đã! Lặn xuống đáy nhặt ốc đủ màu mới sướng! Nhưng HB không lặn được vì BS cấm nhịn thở. Nhặt vỏ ốc trên bờ cũng tha hồ. Hấp dẫn chưa?
Ảnh biển Mỹ Thủy sẽ có bên UTTROI.

Nặc danh nói...

@TQ &HB: Nhìn tô cháo,hình như có cả bánh canh ở trong.Phải vậy ko?

-Nếu phải,thì đây là lần đầu tiên tôi thấy.Tiếc vì ko được nếm thử trong chuyến đi tìm mộ YHòa tại HL,QT (vì ko ai giới thiệu).

HữuThành.Nguyễn nói...

@ak7: Đây chính là bánh canh, riêng tại quê tôi người ta gọi là cháo bột.
Cũng có thể tên gọi riêng là vì có cái rất riêng mà ăn đủ loại bánh canh Huế tôi không thoả mãn.
Cái riêng của cháo bột Diên Sanh/Hải Lăng là không có một chút mỡ nào và luôn có củ ném ướp vào cá (khỏi tanh). Bánh canh Huế bao giờ cũng xào cá nên có váng mỡ và không bao giờ dùng củ ném (chê hôi).
Ngay cả quán "cháo bột Diên Sanh" ở Huế (gần Đại Nội, phía đường 1A đi vào) cũng là món Huế thôi, tôi đã đến ăn rồi. Nếu không như thế thì chắc không không hợp khẩu vị và không đắt khách.
Xuống xe ở ngay Ga Diên Sanh, quá vài trăm mét nữa là Nghĩa trang Liệt sĩ Hải Lăng. Được biết mấy hôm rồi họ đang sửa sang dọn dẹp cho ngày 27/7. Có nhớ trong đó còn Đ.B.Linh k7(?) thất lạc tên mà chúng tôi không có thời gian sang đấy.

Nặc danh nói...

Tôi đã 3 lần đi xe giường nằm rồi, gò bó lắm. Nó dành cho tụi đi kiểu "tua mở". Trên xe có 1 nhà xí không bao giờ mở cửa.
Sau 3 chuyến tôi cảm thấy đi xe ngồi thích hơn (ghế cao hơn đầu, lưng ghế ngả được 30 độ).
HThành lưu ý, xe Deawoo có 2 loại giường, 1 loại hơi dài và loại ngắn hơn 1 chút. May vớ được giường dài sẽ đỡ mỏi chân chút ít. Riêng dãy giường trệt sau cùng (5 cái) thì nằm chung đụng, phiền.
HT nói đúng, xe càng nhiều tây càng tốt, tụi nó nói năng khẽ khàng chứ không chợ vỡ như dân ta.
HCQuang

Nặc danh nói...

@Tq:Thì ra là Bánh canh,vậy mà cứ tưởng trong Cháo có thêm Bánh canh!Tất nhiên là bánh canh mỗi vùng mỗi khác,tùy theo khẩu vị vùng miền.Khi nào có dịp,có lẽ phải thử xem nó khác các vùng khác thế nào.Càm ơn anh.

-Đ.B.Linh K7 là ls hay là sống ở đó?Sao e ko thấy trong Ds k7?Cảm ơn pác về thông tin này.

Nặc danh nói...

@ak7:Đ.B.Linh K6 .Nghĩa Tranng Hải Lăng cũng là nơi có mộ Trần Hữu Dân.Trường hợp của 2 ls này giống nhau,khi ở NT cấp xã thì có danh ,sau khi qui tập về cấp Huyện thì trở thành Vô Danh.
Hai "lính đểu" của tớ đọc bài của cậu cười nứt bụng và ước mơ gặp lại cậu lắm. Hì Hì
KV.K7

Nặc danh nói...

@KV:Chờ đến tháng 9 đi,có thể ra.Nếu ra,cậu bố trí lên LS thăm K.n một chuyến.Hổng piết nó còn nhận ra mình ko?

Nặc danh nói...

@ak7:Giao ban vườn treo xong ,thứ 7 mình và ĐHòa sẽ lên thăm Kn. Chắc nó không quên cậu đâu
KV.K7

Nặc danh nói...

Hi vọng giao ban thứ 6 này đông vui hơn các lần trước.
VTM

HữuThành.Nguyễn nói...

Đ.Cương tuyên bố "giao ban không uống rượu". Ok.
Nhưng xin có một ngoại lệ ngày mai là được uống một chai 900ml rượu đặc sản Hải Lăng, Quảng Trị: Rượu Kim Long, nhãn hiệu Xika. Rượu này nổi tiếng từ thời Pháp, bây giờ đang là "đặc sản công nghiệp của Huyện".
Còn ai muốn biết củ ném thế nào thì xin mời xem ở đây.

Phú Hòa nói...

Hữu Thành này, nhìn ảnh và lời chú giải của ông ở Út Trỗi thì tôi cho rằng củ nén là dạng lai giữa hành tây và tỏi do hình dáng và đặc tính của nó???? Chắc cho vào phở bò tái thì sẽ hợp khẩu vị.

Nặc danh nói...

Củ nén không biết là hành hay tỏi, song nó được sinh ra và bị bọc bởi phần trên của củ(tiếp theo là dọc).Từ bé tôi cứ nghĩ nó thuộc họ tỏi, nhưng hôm rồi có người cho một ít, ăn vô thấy hăng hăng chẳng ra vị hành mà cũng không ra tỏi. Bà già của Ngô Ngời hay ăn củ này, Bà gọi là củ nắng( theo âm địa phương), tôi nhớ nó có chút gì vị tỏi song hôm rồi xơi thử thấy lạ quá.
DS

HữuThành.Nguyễn nói...

Món quà cuối cùng của Quê mang đãi anh em ở "giao ban hưởng lạc": rượu Xika và quả vả.