Thứ Hai, tháng 3 10, 2008

Mẫu Sơn, "đào cành"

Chắc mọi người còn nhớ anh TM "khen" nhà tôi sành điệu, tết này chơi "đào cành".
Nhớ cành đào Mẫu Sơn năm ngoái rực rỡ ấn tượng mà 29 Tết này nhà tôi rước về một cành đào như ... củi. Chỉ có cành khẳng khiu đen đủi, không có lấy một biểu hiện nào của mùa xuân. Đợt rét sâu kéo dài 50 năm mới có làm băng tuyết đóng trên đỉnh Mẫu Sơn, cây không nảy chồi, cành ngậm nụ. Mãi qua rằm tháng giêng nhà tôi mới ngắm hoa Tết muộn.
Nhưng vì rét như thế nên đến giờ, đã qua tháng Hai âm lịch mà những cây đào trên đó mới sắp nở; vì đào mà quen người, bà Bình thỉnh thoảng hỏi thăm, họ nói vậy. Thế là hôm qua nhà tôi làm một chuyến lên Mẫu Sơn thưởng đào. Ngoài Trỗi nhà còn có TL và lão Hợp được mời và ... chịu đi.
Mẫu Sơn qua đợt rét vừa rồi, nhìn quang cảnh giống như qua một cơn bão. Có khác một chút là bão lốc gió to thì cây trốc gốc, còn ở đây băng tuyết bám dầy trên đám lá rậm của cây xứ nóng đã kéo gẫy cành.
Chúng tôi được vợ chồng anh Lê tiếp đón ở nhà nghỉ Yến Yến do gia đình đầu tư. Ngôi nhà nghỉ ở độ cao 1120m, bên sườn núi, xây giật 3 cấp, bởi thế chỉ có thể nhìn phần "nổi" từ phía trên. Sau bữa trưa được chiêu đãi với các đặc sản Mẫu Sơn như chanh rừng nhỏ như đầu ngón tay út, đọt lá sau sau, nấm hương tươi, ... chúng tôi được hai vợ chồng đưa đi thăm bãi đào của đồng bào người Dao.
Bỏ đường bê tông, rẽ vào con đường đất nhỏ mà TL nói được mở hồi chiến tranh 79 chống xâm lược Tầu, sau mới được san ủi theo chương trình 135 xoá đói giảm nghèo. Con đường đất đi hun hút bám bên sườn núi không có lấy một cọc tiêu, chả nói gì dải hộ lan hay biển báo.
Núi ở đây chắc là đã được khai hoang hoàn thành vào mấy chục năm trước, không còn cây cối, chỉ toàn cỏ bụi; nếu trượt bánh xe ra ngoài thì ô tô chỉ có lăn xuống đến đáy. Con đường có những chỗ hẹp khó tránh nhau, nhưng vì là con đường xoá đói giảm nghèo nên ít có ai đi(?!).
Cây dừng xem đầu tiên được gọi là "cổ đào", anh Lê nói "là nguồn cội của giống đào bây giờ". Không biết có đúng như vậy không, chỉ biết hoa của nó mầu hồng đào, rủ xuống như chuông và nở cùng với đào.
Từ xa đã có thể nhận ra cổ đào nhờ mầu hồng phớt trên đám cành khẳng khiu mà lộc non vẫn chưa nổi trội. Cổ đào tô điểm sườn núi cỏ hoang dáng vẻ mầu sắc "đẹp dịu dàng mà không chói loá".
Cuối cùng mọi người cũng đến được với vườn đào. Người dân ở đây trồng đào để lấy quả. Những năm gần đây dân ở xuôi chơi đào quả cánh đơn (thường bị gọi đểu là đào rừng) thành một cái thú. Mua cành được giá thì người ta bán, anh bạn Lê đã mua cả mấy vạt đào cội ở đây để bán cành dịp Tết. Những cây đào nhìn từ xa không thấy hoa đâu, lại gần mới thấy đầy nụ sắp nở.
Tới gần, nhìn những bông hoa nở sớm trên cành trông thật quyến rũ. Bông hoa đơn giản, cánh mong manh, tinh khiết bên cạnh búp và chồi.
Có cây hoa mầu đậm hơn hơi gắt, nổi rõ những gân mầu trên cánh, hai vợ chồng nhà anh Lê gọi là đào nhung.
Có cây hoa mầu gốc cánh đậm nhạt dần ra ngoài cánh, trông có vẻ nhẹ nhàng mà vẫn thu hút mắt nhìn.
Đây đó thấp hơn, ở dưới tán đào là những cây "cổ hồng bạch" (gọi đùa theo kiểu cổ đào). Nếu ở trong rừng hoang loài cây này cũng có thể bành trướng thành tập đoàn. Nhưng ở đây, trong vườn nhà, nó chỉ là loài cỏ đáng bị giãy. Nhờ thế mà con gái tôi có thể dùng tay không nhổ lấy mấy cây về trồng thử, hi vọng thay cho tầm xuân ở nhà trồng mãi chả lớn.
Thứ hoa này chắc chắn có họ với hoa hồng, cũng lá, cũng nụ, cũng gai. Có điều nó chỉ một lớp cánh, trông đơn giản hơn nhiều. Nếu áp dụng tên gọi "hoa hồng rừng" thì chính xác hơn so với cách người ta vẫn gọi "đào rừng".
Chuyến đi 15 tiếng đồng hồ từ 7h sáng tới 10h đêm qua gần 400km chỉ để mang về được một nóc xe đầy "củi đào rừng" và thùng xe xếp cổ đào. Những cây cổ đào về đến nhà héo rũ, cắm vào nước sáng nay đã thấy tươi tắn trở lại.
Cái được là cái "đi" chứ không phải cái mang về. Rồi có lẽ cuối năm, Tết đến, lại lên đây tự buôn đào rừng?

12 nhận xét:

Phú Hòa nói...

Đọc bài của HT viết về đỉnh Mẫu Sơn mà thèm. Giá anh chàng mở thêm mọt cái nhà vườn ở vùng này thì anh em mình lợi biết bao. Vừa có hướng dẫn viên đưa di chơi, vừa có nơi ngã lưng qua tối rồi đến Tết lại có người chở hoa đào ừng về tận cửa nhà. HT cố gắng lên cho anh em được nhờ.

HữuThành.Nguyễn nói...

Trên này thiếu nhất cũng là ... nước. PH chuẩn bị lên đây làm công trình nhé. Anh em lại được nhờ theo cậu.

Nặc danh nói...

Nhìn mấy cây đào rừng này của aHT, nhớ hồi YTrung, mãi tới giữa học kỳ 2 tức là khoảng tháng 2 - 3 âm lịch (khoảng này) đào mới ra hoa khi đã có nhiều lá non. Rồi khoảng tháng 4 - 5 dương lịch là bắt đầu có quả, rất nhỏ, nhưng lính ta cũng bắt đầu "nếm" ngay. Đúng là : đào vừa ra hoa - thì hoa đã biến thành quả rồi...(bài Cachiusa - nhạc Liên xô, lời ở Trung quốc)

HMK6

Nặc danh nói...

Tết đã qua từ lâu, nhưng nhìn cả một xe hoa đào nở đẹp thế kia ta bỗng giật mình "mùa xuân vẫn còn". Đất nước mình nhỏ ti ti mà biết bao vùng đất ta chưa tới. thèm một chuyến đi sao khó quá. Làm một chyến du lịch qua bài viết qua ảnh cũng chẳng buồn, cảm ơn bác HT.

Phú Hòa nói...

Hữu Thành bảo UBND Tỉnh xây dựng dự án đi. Tớ sẽ xin làm tay trong rong khoản xin kinh phí ( không lấy mầu ).

Nặc danh nói...

Xem mấy cái ảnh hoa bên trên vừa khen Tổng quản có con mắt nhìn hoa thật tinh đời thì cái ảnh cuối cùng lại làm mình đâm bất mãn. Hắn chở hoa như chở củi thế này thì Mẫu Sơn e trở thành núi trọc.
TM

Nặc danh nói...

Hồi Quế lâm, tụi nó trích nhựa đào, trộn chút đường, thế là có 1 chén "thạch" trắng, ngon (hồi ấy thấy thế, chứ thực sự chưa chắc đã ngon). Can tội phá hoại tài sản công xã nhân dân.
Gíap Tết, anh em ta ra chặt cành đào, mang về, đính hoa đào giấy lên, nom như thật. Phải nói anh Tàu có lọai giấy khá giống cánh hoa đào. Mỗi trung đội 1 cây đón xuân.
HCQuang

HữuThành.Nguyễn nói...

Vừa nói chuyện với cậu Lê, chủ nhà nghỉ trên Mẫu Sơn. Có lẽ khó xin kinh phí vì vấn đề nước khó là của khu du lịch thôi. Chứ dân thì người ta có đủ nước lấy từ các khe nhỏ rồi. Ít nước thì ít dân, sống thưa thớt.
Cậu Lê nói có lẽ phải xin kinh phí phát triển du lịch chứ không xin từ quỹ nước sạch nông thôn được.

HữuThành.Nguyễn nói...

Vừa nói chuyện với cậu Lê, chủ nhà nghỉ trên Mẫu Sơn. Có lẽ khó xin kinh phí vì vấn đề nước khó là của khu du lịch thôi. Chứ dân thì người ta có đủ nước lấy từ các khe nhỏ rồi. Ít nước thì ít dân, sống thưa thớt.
Cậu Lê nói có lẽ phải xin kinh phí phát triển du lịch chứ không xin từ quỹ nước sạch nông thôn được.

@TM: con người là thế. Vừa muốn thiên nhiên hoang sơ, vừa muốn ở trong nhà máy lạnh; vừa muốn bảo vệ cây rừng vừa muốn bứng về nhà mình một cây; vừa muốn loại bỏ hiệu ứng nhà kính vừa muốn đi xe hơi, máy bay, ... vừa muốn đa dạng sinh học lại vừa muốn ăn thịt thú rừng càng hiếm càng ngon. Tóm lại con người tự bản thân nó đã là nghịch lí; muốn đạo nhưng lại sống đời.

Phú Hòa nói...

Nước cho khu nhà nghỉ thì doanh nghiệp phải tự lo thôi chứ lấy " tiền chùa " để làm giầu cho túi tư chắc chắn là không được đâu. Cách đây một tuần ở bản tin của VDC có đăng tin là tiêu chí của cấp lãnh đạo là đến năm 2010 thì tất cả các huyện sẽ có hệ thống cung cấp nước sạch ( chứ không chỉ đơn thuần là nước sinh hoạt như hiện nay ). Nếu đạt dược chỉ tiêu này thì VN mình quá giỏi.

HT này, tôi và Quý nhẽo không thể liên lạc được với HH vì máy của nó luôn nằm ngoài vùng phủ sóng. Không biết giờ HH còn ở Canada hay không? Ông co tin tức gì về HH không? Quý nhẽo đang ngồi chồm hỗm trước laptop đấy. Ông cho bọn tôi biết tin nhé. Cậu chàng khoe là chỉ cần gọi điện cho HH vài lần là khả năng tiếng Pháp của nó lên vùn vụt. Có thể vì lý do này nên nó tích cực gọi cho HH để còn có cớ tán gẫu với mấy em ( người máy ) ở tổng đài bên đó, hì hì.

N.TV nói...

Đã liên lạc được với H.Hải rồi, cũng nhờ là mình mạnh dạn nói tiếng Pháp!

HữuThành.Nguyễn nói...

@PH: lịch bay của HH: tối 11/3 sang Tây (Pháp, HH nó gọi vậy), sau đó lại bay sang Đức. Sớm 18/3 hạ cánh Nội Bài.

Cái hoa đào mầu nhạt như đào phai hoá ra là "đào Mĩ" di thực đến Mẫu Sơn theo một dự án nào đó. Cuối cùng thì xúi người ta chặt đào bản địa mà đào Mĩ cũng không ra hàng hoá. Cái ông làm dự án đào Mĩ này thấy bảo "bây giờ nói dân không nghe".