Thứ Tư, tháng 3 19, 2008

CÔNG TỬ BẠC LIÊU

Nhân chuyến công tác, hôm rồi tôi có ghé thăm nhà Công tử Bạc Liêu, người mà từ hồi trường Trỗi bọn mình đã nghe nhiều giai thoại. Không có thời gian dông dài, xin gửi kèm một số trích đoạn (chữ nghiêng), anh em đọc cho vui.

Công tử BL là Trần Công Huy (Ba Huy) con ông Trần Trinh Trạch là chủ sở hữu của 74 sở điền, với 110.000 ha đất trồng lúa, gần 100.000 ha ruộng muối. Theo lời cháu chắt ông kể lại, toàn tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ (gồm 4 quận Vĩnh Lợi, Cà Mau, Vĩnh Châu, Giá Rai) có 13 lô ruộng muối thì 11 lô là của ông Hội Đồng Trạch, một lô còn lại của cha sở và một lô của dân thường. Ông Trạch có 7 người con, 4 gái, 3 trai. Trong 3 người con trai của ông Trạch (Trần Trinh Đinh, Trần Trinh Huy và Trần Trinh Khương) thì Ba Huy là ăn chơi hơn cả.
Trần Trinh Huy là người cao lớn, khoảng 1,70 m, lực lưỡng nhưng không cục mịch, trái lại dáng người rất thanh thoát, sang trọng, da đen, mày rậm... người đầy sinh lực. Tính tình Huy rất dễ dãi và hào phóng.
Người trong nhà lầm lỗi, Huy cũng ít rầy la. Bà con ở xa lên thăm, Huy đều cho tiền. Tá điền không thấy Huy đòi nợ ai bao giờ, ai nghèo quá, năn nỉ Huy còn bớt lúa ruộng. Cho nên tá điền Bàu Sàng ít ai oán ghét Ba Huy.
Trong các mối quan hệ, Ba Huy là người khoáng đạt, không dè dặt và mưu toan gì. Thời đó, các cậu công tử lẫn điền chủ điều chơi với người Pháp thì rất khúm núm, nịnh nọt, gọi là "chơi thế". Riêng Ba Huy thì cứ "toa toa" "moa moa"[2] sòng phẳng, ngang hàng. Nếu như trong mắt giới giang hồ tứ chiếng, Ba Huy là một người ngon nhất Nam bộ, thì trong mắt người Pháp, Huy được nể trọng vì có vợ đầm và mướn người Pháp làm công cho mình. Tánh của Ba Huy vị tha và coi tiền như rơm rác. Bút tích của Huy cho thấy tuy nét chữ bay bướm nhưng lại rất xấu, chứng tỏ đó là một con người thông minh, từng trải nhưng đường học vấn không đến nơi đến chốn.
Ba Huy cũng là người rất cởi mở, không cổ hủ, cực đoan như nhiều điền chủ khác. Ông từng ủng hộ Việt Minh một lúc 13.000 giạ lúa. Công tử Bạc Liêu còn tỏ ra là một con người tự trọng, đã hứa với Chính phủ những gì thì ông sẽ làm thế ấy. Ông đã hứa với người lãnh đạo cao nhất của Tỉnh ủy Bạc Liêu là giảm tô, không hợp tác với Pháp, gửi vải vóc thuốc men cho kháng chiến và thực hiện đúng như vậy. Thích hội hè, Ba Huy có lẽ là người tổ chức hội chợ và hội thi "Hoa hậu miệt đồng" đầu
tiên ở đồng bằng sông Cửu Long.
Những giai thoại

Ông Trạch giao cho Ba Huy việc trông coi điền sản. Huy đi vào các sở điền bằng xe hơi hoặc ca nô. Việc này là một sự kiện đặc biệt, Ba Huy đi đến đâu tá điền ùn ùn kéo đến xem, vì cả đời họ chưa được nhìn thấy xe hơi, ca nô bao giờ. Đi đòi nợ các tỉnh, Ba Huy dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, sản xuất năm 1922. Loại xe đó cả miền Nam khi ấy chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của vua Bảo Đại.
Ba Huy còn thuê một người Pháp làm công cho mình. Đó là ông Henri, chồng bà Tư Nhớt, một người trong gia tộc Trần Trinh. Ông này làm quản lý, điều hành gia sản cho ông Hội Đồng Trạch, dưới quyền ba Huy. Theo hợp đồng, quản lý được hưỏng 10% trên tổng số lợi tức thu được hàng năm. Chính vì vậy ông Henri mới bỏ "mẫu quốc" qua làm mướn cho bên vợ, mãi đến tháng 4 năm 1975 mới về nước.
Công tử Bạc Liêu rất mê nghề võ. Vào nữa đầu thế kỷ 20, học võ là một cái mốt với nhận thức: Học võ để nâng cao cái khí phách thượng võ của kẻ anh hào. Ba Huy không học võ Tây hay võ Ta mà học võ Xiêm. Ông ta đã cất công qua Xiêm mướn một ông thầy thượng hạng về dạy cho mình và Tám Bò, là em út của ông ta.
Một sự kiện chấn động cả nước khi đó là Ba Huy đi thăm ruộng bằng máy bay. Và lúc ấy cả Việt Nam cũng chỉ có 2 chiếc là của Công tử Bạc Liêu[3] và của vua Bảo Đại. Một lần bay qua thăm điền Rạch Giá, Công tử Bạc Liêu hứng chí bay ra biển Hà Tiên chơi, cứ bay mải miết cho đến khi kim báo xăng không còn nhiên liệu, buộc lòng Ba Huy phải đáp khẩn cấp. Xuống đất, Ba Huy hoảng hốt biết mình đã bay lọt sang tận nước Xiêm. Trần Trinh Huy bị Nhà nước Xiêm bắt giữ và phạt 200 ngàn giạ lúa. Ông Hội đồng Trạch phải chở một đoàn ghe chở lúa thật dài qua tận Xiêm để chuộc quí tử về. Ông là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân và sân bay tư nhân.
Ba Huy sinh hoạt cực kì sang trọng và xa hoa. Ra đường là đóng bộ veston, thứ hàng đắt tiền nhất thời đó. Thói quen của Ba Huy là ăn sáng kiểu Tây, trưa ăn cơm Tàu, chiều ăn cơm Tây. Mỗi lần từ Bạc Liêu đi Sài Gòn là ông ta ngồi trên chiếc xe cáu cạnh, có tài xế lái. Khi lên Sài Gòn ít khi Công tử Bạc Liêu ở ngôi biệt thự của Trần gia mà vào một trong những khách sạn nổi tiếng sang trọng ở Sài Gòn. Có khi hứng chí đi dạo mát Ba Huy thuê cả chục chiếc xe kéo, ông ta ngồi một chiếc, những chiếc còn lại chở những món đồ như mũ, cây "can"...
Công tử Bạc Liêu là một người luôn xê dịch và rất ham vui, những cuộc ăn chơi nổ trời diễn ra, Trần Trinh Huy lặn ngụp trong những bàn tiệc với rượu sâm banh. Mỗi chủ nhật ông đều đi nghỉ cuối tuần ở Vũng Tàu, Đà Lạt hoặc về Cần Thơ. Ba Huy cũng là một kẻ mê cờ bạc, có những khi ông đánh một cây bài 30.000 đồng, trong khi lúa chỉ 1,7 đồng một giạ[4], lương của Thống đốc Nam Kỳ chưa tới 3.000 đồng một tháng.

Hắc công tử và Bạch công tử

Bạch công tử là Lê Công Phước hay còn gọi là George Phước, con trai của Đốc phủ Lê Công Sủng[5], người ở làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho[6]. Phước cũng là một tay chơi nổi tiếng khi đó, da trắng nên được gọi Bạch công tử để phân biệt với Ba Huy. George Phước say mê cải lương, từng qua Pháp học về sân khấu. Về nước Phước cùng một người khác bỏ tiền lập hai gánh hát Phước Chương và Huỳnh Kỳ nổi tiếng với cô đào chánh đệ nhất tài sắc đương thời là cô Bảy Phùng Há và một cô đào tài sắc khác là Năm Phỉ. Cùng nổi tiếng ăn chơi, Bạch công tử và Hắc công tử trở thành kỳ phùng địch thủ.
Tác giả Nguyễn Thiện viết:
"Đang lúc cô Ba Trà, một người con gái có sắc đẹp làm xao xuyến tâm hồn Bạch công tử, thua bài sạch túi, ông trưởng giả lớn tuổi chưa kịp cung phụng tiền bạc tiếp để vừa lòng mỹ nhân, Bạch Công tử lù lù lái xe lại nhà cô Ba Trà, rủ xuống Cần Thơ ăn cá cháy và đánh bài gỡ bạc.
Hai người xừa xuống đến quán Bungalows ở Cần Thơ, máy xe chưa nguội thì chiếc Sport tám máy của Hắc Công Tử cũng vừa tới, thắng cái két. Cả hai lâm vào cảnh khó xử, việc chiếm được mỹ nhân chỉ còn cậy vào tài chinh phục của bản thân mình. Cả ba cùng đưa nhau vào khách sạn. Bạch Công tử lột chiếc cà rá hột xoàn trị giá 3.000 đồng vào thời đó để trên bàn trước khi vào phòng tắm. Lúc trở ra, thấy cô Ba Trà đeo thử nó trên tay, Bạch Công tử liền lên tiếng tặng luôn. Sau đó Hắc Công tử đã mua tặng cô Ba Trà một chiếc nhẫn trị giá gấp đôi..."
Một lần, đoàn Huỳnh Kỳ cùng cô Bảy Phùng Há về Bạc Liêu biểu diễn, Bạch công tử mời Hắc công tử đến xem. Đang xem, Bạch công tử móc thuốc hút, vô ý làm rớt tờ giấy con công [7], Bạch công tử cuối xuống tìm kiếm. Hắc công tử thấy vậy hỏi:
- Chú kiếm gì vậy?
- Tôi kiếm tờ con công.
Hắc công tử mỉm cười nói:
- Để tôi đốt đuốc cho chú kiếm.
Nói rồi Hắc công tử móc tờ giấy bạc bộ lư[8] châm lửa soi cho Bạch công tử kiếm[9]. Bị một vố quá nặng, vãn tuồng, Bạch công tử mới nói:
- Toa chơi moa[10] một cú đau quá. Bây giờ nếu toa ngon, toa với moa cân mỗi người ký đậu xanh, rồi lấy tiền nấu, ai sôi trước người ấy thắng? - Hắc Công Tử đáp "Chú cũng vậy nữa kìa! Ấy dà, Chú muốn chơi hả? Được,vậy để tôi chơi cho chú chết luôn!"
Tối hôm sau, Hắc công tử cho trải thảm đỏ từ ngoài cổng vào tận thềm nhà cứ mỗi thước cho một gia nhân cầm đuốc soi đường, nghinh đón phái đoàn của Bạch công tử. Cuộc thi được tổ chức ở đại sảnh nhà lớn của Trần gia. Lửa của tiền giấy thì rất kém nhiệt, chỉ cháy nhỏ, vì thế họ nấu chè rất lâu trong sự căng thẳng của rất nhiều người chứng kiến. Trán ai cũng rịn mồ hôi hột, nhất là những người trong gia đình họ Trần. Cuối cùng, nồi chè Bạch công tử sôi trước, Hắc công tử đành thua cuộc. Nhưng Ba Huy tuyên bố rằng ông ta thua trong danh dự.

Quả thật, nếu có sự so sánh thì giới địa chủ Bắc kỳ chỉ là mấy gã nhà quê bó mình trong bốn lũy tre làng. Quản lý theo kiểu “đo nước mắm, bấm dưa hành”, “gà què ăn quẩn cối xay”. Cánh điền chủ Nam kỳ mới đúng là những tay chơi thực thụ, nhiều người ngao du khắp thế giới, đập phá , hưởng lạc xài tiền không cần đếm. Công việc làm ăn , điều hành , quản lý ...đều giao cho “Tổng quản” lo. Lâu lâu các chú lại mò về nhà lấy tiền đi chơi tiếp, ghê thật. Mà cũng hay, mấy vị phụ huynh của họ cũng dễ tính lạ!
Ở đây, tôi hoàn toàn không có ý so sánh về phương thức bóc lột nông dân của hai giới địa chủ Nam- Bắc, bởi có ông nào tốt hơn ông nào đâu. Không bóc lột thì lấy đâu ra tiền xài, nhưng xài cỡ Công tử BL thì quả là hi hữu.
Hiện có những nhận xét khá hay về Công tử: một con người chơi bời ngông nghênh, hoang phí nhưng không nhỏ nhen, bần tiện. Công tử là người biết tôn trọng chữ tín, có nghĩa khí và quân tử ...

Ngày nay, Công tử Bạc Liêu trở thành một thương hiệu du lịch hấp dẫn của tỉnh Bạc Liêu. Tòa biệt thự của Ba Huy khi xưa nay trở thành Khánh sạn Công tử Bạc Liêu.
Du lịch BL đang khai thác “thương hiệu công tử” như tính hám danh của người đời... Có sao đâu, người lao động được ở nhà công tử, trong phòng công tử, ngủ trên giường công tử BL. Giấc mơ đó phải chăng chính là thành quả cách mạng?

Ngôi nhà của Công tử Bạc Liêu

Ngôi biệt thự của công tử Bạc Liêu được xây dựng từ năm 1919, do kỹ sư người Pháp thiết kế. Để đảm bảo độ bền và diện mạo kiến trúc, chủ nhân đã đặt hàng và cho chuyên chở toàn bộ vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí từ Pháp qua. Các bù loong, ốc vít cho các chi tiết xây dựng đều được đóng dấu chìm mẫu tự P rất hoa mỹ, chứng thực sản xuất tại thủ đô Paris. Người dân Bạc Liêu gọi đây là "Nhà Lớn". Không chỉ đẹp về kiến trúc, nội thất mà nhà Hội đồng Trạch cũng qui tụ vô số đồ gỗ, sứ, đồng... quý giá. Những bảo vật đó đến nay không còn do con cháu không giữ được, do mất mát vì chiến tranh hoặc những nguyên nhân khác. Có hai món đồ quí hiện được giữ nguyên vẹn ở chùa Chén Kiểu, Sóc Trăng là chiếc giường ngủ chạm khắc tuyệt mỹ và bộ bàn ghế cũng chạm trổ công phu. Đây là hai món quà do Ba Huy hào phóng tặng nhà chùa.
Hiện nay, ngôi biệt thự đó trở thành khách sạn Công Tử Bạc Liêu với 6 phòng ngủ. Trong đó 5 phòng bình thường và căn phòng Ba Huy từng ở trước đây có giá gấp đôi. "Phòng công tử" có một giường đôi, ti vi, máy lạnh, một bàn viết, một tủ áo và toilet khá rộng kế bên. Điểm độc đáo nhất của căn phòng này là chiếc máy điện thoại có từ đời Pháp thuộc đến giờ vẫn sử dụng tốt. Căn "phòng công tử" luôn đắt khách, nhất là người nước ngoài. Du khách muốn qua đêm tại đây buộc phải đặt phòng trước cả tháng. Cách khách sạn Công Tử Bạc Liêu không xa, còn có một cụm khách sạn, nhà hàng khác cũng mang tên Công Tử.

Đội ngũ phục vụ ở rất nhiệt tình, cười vui như tết. Chị em toàn đồng phục bà ba đen nền nã, gọn gàng. Tôi trộm nghĩ, các em chỉ cần thắt khăn rằn ngang lưng, đội nón tai bèo, quàng súng cacbin nữa là thành du kích VC. Các chú cựu chiến binh Mỹ đến thăm chắc sợ vãi đái!
Gửi kèm các bác mấy cái ảnh. Biết đâu nhờ “dịch vụ quảng cáo” này, duyên ngộ lãng du lại đưa anh em đến thăm nhà Công tử!

7 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

TM lại nâng quan điểm.
Người lao động nào vào ở nhà công tử BL, ngủ trên giường công tử BL? À, người lao động xài tiền nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.
Chứ người lao động Bắc Kì chân đất mắt toét chúng em, thấy chữ KS Công tử ... là đã vãi ... WC mà chưa cần nhìn thấy VC.

HữuThành.Nguyễn nói...

Nhớ hồi ở Trại Cau, cuối thời C7 (1966), chỉ vì học giỏi nên đến giờ là Lê Tự Thành (nằm cạnh tôi) mắc màn đi ngủ, mặc cho các bạn còn lúi húi đèn dầu học thêm, mà cậu được gọi là "công tử Bạc Liêu".

Nặc danh nói...

- Lỗi kỹ thuật, cây "cau sừng" bên khách sạn Trà Vinh bị bứng nhầm trồng sang đất nhà Công tử.Hôm nọ cháu Lan Anh xem ảnh cau 9 sừng này thì rất tin chuyện có " voi 9 ngà,gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao".
- Mặc dù "hoàn cảnh" nhưng mình vẫn khoái câu: " bạn vẫn chưa phải là tỉ phú nếu bạn muốn mua một chiếc du thuyền lại còn phải hỏi nó giá bao nhiêu".
TM
-

Nặc danh nói...

Giai thoại về công tử Bạc Liêu thì nhiều. Có một chuyện thế này chắc các bạn đã biết nhưng vẫn cứ viết ra đây để cùng vui. Một lần công tử BL đi nhậu cùng các bạn. Một ông đánh rơi đồng 1 xu, lúi húi tìm mãi không thấy. Công tử ta liền đốt mấy tờ 100 đồng làm đuốc soi cho ông bạn tìm. Thế mới là công tử Bạc Liêu.
GM.

HữuThành.Nguyễn nói...

Khảo dị: Một hôm hội bạn xấu giao ban ở Vườn Treo. VTM rơi cái gì không biết. Đèn sáng nhưng GM vẫn rút tờ 500 xanh ra châm lửa để soi, nhưng sau đó lại vuốt tờ tiền, cho vào túi và nói "xin lỗi, polime không cháy".

Nặc danh nói...

Cái vila của công tử:
Theo nguyên bản thì các cánh cửa gỗ lim của vila đều sơn xanh blue, nhưng nay (xem ảnh) ông Bạc liêu sơn lại màu ghi sáng. Nếu vậy nội thất ắt sẽ có vấn đề (sẽ không nguyên bản).
Cũng có thể tôi nhớ nhầm.
HCQuang

Nặc danh nói...

Chết nhầm, các cửa sơn màu xanh lá cây ("xanh gờ ren"). Xin lỗi.
Mình dốt chữ mà lại học đòi viết chữ tây.
Thật chả ra làm sao.
HCQuang