Thứ Năm, tháng 1 31, 2008

CÁI GỌI LÀ CÀ PHÊ (tiếp theo)

Khi còn học ở CHDC Đức tụi tôi vẫn thường uống thứ cà phê bình dân nhất được nấu trong bình pha tự động với giá 0,5 Mark (Đông Đức) được 1 tách cà phê với 2 viên đường. Tụi Đức hỏi tôi : nước mày có uống cà phế không ? – Có – Cà phê nước mày làm bằng gì ? – Ơ… thì tất niên là cà phê chứ bằng gì ? – 100% từ hạt cà phê – Tất nhiên – Nước mày sang quá. Cà phê mình đang uống chỉ có rất ít là cà phê thật, còn thì là từ 1 loại cây… Lúc bấy giờ nghe xong tôi chẳng hiểu là cây gì, chỉ biết rằng không phải cây Cà phê.

Nhưng hôm rồi, tức mình với bài viết về cà phê trên "Sài Gòn tiếp thị", tôi đã tìm hiểu và thấy 1 số tài liệu của Đức ghi như sau : Cà phê vốn trước kia rất mắc, chỉ có những người giàu mới uống được. Do vậy giới bình dân đã sử dụng sản phẩm của 1 số loại khác có mùi vị tương tự như tiếng Đức gọi là Muckefuck, Malzkaffee hay Zichorie. Nay, cà phê đã rẻ hơn do có thông thương trên thế giới, song người ta vẫn sử dụng các sản phẩm này như là sản phẩm thay thế vì nó có mùi vị giống cà phê, nhưng không có chất caphein có hại cho sức khỏe.

Ngay bản thân tên của các sản phẩm này cũng thể hiện phần nào. Như sản phẩm Muckefuck là 1 từ Đức hóa từ tiếng Pháp Mocca faux (có nghĩa là : không phải cà phê) do Napoleon đặt ra khi uống cái thứ cà phê này ở Rheinland thuộc Đức.

Muốn gửi lên đây hình ảnh của 1 vài thứ cây mà người ta đã chế biến làm cà phê để AE phần nào tưởng tưởng ra cái thứ được gọi là cà phê mà chúng ta vẫn và sẽ còn được uống dài dài, song tải mãi không được, không biết lỗi ở đâu. Cáo lỗi.

Đúng là sau khi đi uống cà phê về là tải được hình bổ sung thêm cho bài viết.



hình trái : cây này gọi là Gerster

hình phải : cây này gọi là Eicheln

Bác Ấm

Cuối cùng thì sau nhiều tháng trời vật lộn với tử thần, Bác Nguyễn Tăng Âm đã ra đi 26/1/08. Bác là ba của Tăng Lực, Tăng Tiến, Tăng Cường.
Lễ viếng từ sáng ngày mai 1/2 tại 5 Lê Thánh Tôn, Hà Nội.
Anh em K5 ở xa, xin điện thoại chia buồn tới Lực (0983460771) và Ngọc (0908460771).
Thầy Ấm ơi, giờ thì thầy đã đi thật rồi, chẳng nhớ đến một thằng "tiểu đồng nghiệp" mười mấy năm trước. Cái chức nhỏ bé của thầy sau khi về hưu còn đến với chúng con ở 520 Nguyễn Tri Phương, sáng nay không đọc thấy trên báo sau những danh vị giáo sư, thứ trưởng, tướng quân y... nhưng với con, đó là một kỷ niệm của những năm tháng không thể nào quên. Xin vĩnh biệt thầy.
Trần Bắc Hải

Trận bóng đá thứ tư

Chiều 30/1. Rách việc, lần ra đầu phố Yết Kiêu và Trần Hưng Đạo tìm đồng bọn. Trời chiều càng lạnh, từ 12 độ giảm xuống còn 10,5 độ. Mưa phùn nữa chứ. Thấy Phương “tròn” đang ngồi dưới tán cây hoa sữa, đối diện với quầy bán giầy xuất khẩu của Phú. (Mấy hôm trước GM qua đây thấy có đôi “giầy khủng bố” đen, mặc hợp với quần Jeans và chiếc số 40, chiếc 41 hợp với chân tươi chân héo của mình (thuận chân phải mà!) đã mua. Giá 190 mà thằng em "bắt trả" có 100. Thế có chết tôi không chứ! Phú mời uống trà. Đang ngồi thì có điện thọai Văn Hùng Chủ tịch CLB Lão tướng CAHN: “Chiều mai 3g, anh ra Hàng Đẫy đá tất niên!”. Đá với đội Hàng Vải gồm anh em cũ của Thể Công, Đường sắt, Bưu điện, Công nhân XDHN… Ninh “choắt” trong Nam cũng tham gia trận này cùng Bình, Ngọc “rùa”...



… Ngày mới ra, biết tôi mê đá bóng nên Hùng rủ rê ra sinh họat. Máu thì máu thật nhưng đá với cánh “prồ” hãi bỏ mẹ. “Chuyện vặt, tòan anh em. Anh đừng ngại!”. Trận đầu đá ở sân cỏ nhân tạo Đại học Thủy Lợi. Cựu thủ quân Điệp “già” phân đá tiền đạo ngay hiệp 1. Đá với anh em chuyên nghiệp nên “khớp” quá. Chạy lung tung mà không chạm bóng lần nào. Có quả bật xà, bóng dội ra đã chuẩn bị đá vuốt thì bóng lại trượt khỏi mu. Ngã sóng xòai. Ngượng chín cả người. Sau đó xin ra. Văn Hùng động viên: “Kệ nó, rồi quen ấy mà!”.

Trận 2, đá gắn hơn. Đến trận thứ 3 thì anh em đã đọc bài Văn Hùng viết trên Uttroi: quả tạt lên của Khánh ngon như “óc chó”, trong vòng 16,5m, tôi đệm lòng 1 chạm chân phải nhưng thủ môn bạn chặn được. Tiếc!

Nay là trận thứ 4 đá với đội từ ngày ngược ra Bắc. Không phải dân chuyên nghiệp “unpro” nên suốt từ 3g sáng sau khi thức giấc đi giải đã trằn trọc, không ngủ được. Tâm trạng thấp thỏm, lo lắng như mỗi lần đá giải khoa hay trường cách nay hơn 30 năm. Vậy mới bật ra tứ thơ con cóc:

Hàng Đẫy 3 giờ kéo quân ra

“Hàng Vải” giao hữu cũng đội nhà

Đá xong 2 đội cùng ra quán

Đón xuân "Nhậu Tý" rượu (chứ không phải bia vì lạnh quá!) thay hoa!

Đúng 3g, bóng lăn dù mưa nặng hạt và lạnh khủng khiếp. Có lẽ đây là trận bóng duy nhất trong lịch sử hiện đại của làng bóng tròn VN. Thủ môn Chính (CAHN) phải đội mũ bảo hiểm khi đứng trong cầu môn. Đồng chí đại diện cho trường ta bên trong svet-tô-măng, ngòai bộ đỏ (chứ không phải "xin phép bác cho em trên mùa đông, dưới mùa hè!" như GM hay nói). GM, Khắc Việt và Văn Hùng ngồi trên khán đài phải thốt lên: "Qúa xứng đáng để gắn huân chương "liều mạng" và gắn danh hiệu Anh hùng cho các đồng chí có mặt trong trận cầu chiều nay!".

Ấy vậy mà nhiều chị em lại chọc gậy bánh xe, nói với bà cụ thân sinh ra con tôi: "Bác Q lừa vợ chứ có mà điên mới đá bóng trong trời lạnh chết người và mưa to như hôm nay!". Thôi thì để thực tế minh chứng!

Thứ Tư, tháng 1 30, 2008

Lời cám ơn từ gia đình Hồ Trương

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2008

Thay mặt gia đình bố Hồ Trương, cháu xin gửi lời chào tới các cô chú trường Trỗi!

Cháu là Vân Chi, con gái út của bố Hồ Trương. Hôm nay cháu xin thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn chân thành tới các cô chú trường Trỗi - những người bạn đã luôn kề vai sát cánh cùng bố cháu trong những ngày tháng cuối đời chiến đấu với căn bệnh ung thư và như những người thân đã chia sẻ một cách chân thành và sâu sắc với gia đình cháu trong những giai đoạn khó khăn nhất.

Cháu rất xin lỗi cô chú vì lời cảm ơn muộn màng này. Mẹ cháu đã nhiều lần nhắc cháu phải thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn lên blog. Nhưng, nói thật, cháu đã rất chần chừ. Lý do duy nhất chỉ vì đối với cháu, một lời cảm ơn thôi chưa đủ để nói lên hết những suy nghĩ và tình cảm của bản thân, của mẹ và anh chị cháu, và của cô cậu cháu đối với những gì cô chú đã làm cho bố cháu và gia đình cháu.

Cháu đã từng nói với chú Hữu Thành và giờ đây cháu muốn chia sẻ cùng với các cô chú trường Trỗi đôi dòng suy nghĩ của mình, “trong tình bạn không có sự khác biệt về thế hệ. Các cô chú đã sống hết mình trong tình bạn, và biết gìn giữ cũng như trân trọng tình bạn của mình. Cháu thấy thật sự tự hào khi bố cháu có được những người bạn như cô chú.”

Một lần, khi bố con cháu tâm sự trong Viện quân y 108, cháu có hỏi bố cháu xem bố có muốn căn dặn gì không hay có thấy nuối tiếc gì không. Và bố cháu đã trả lời rằng “Mỗi ngày trôi qua, bố đều sống hết mình và sống thật trọn vẹn. Bố không có gì phải nuối tiếc, chẳng có gì phải hối hận và cũng chẳng có bí mật nào giấu giếm vợ con. Bố cảm thấy rất thanh thản.” Đối với cháu, bố là người thương yêu cháu nhất trên đời, cả đời vất vả làm việc để lo cho vợ con được sống một cách đầy đủ. Bố sống hết mình cho công việc nghiên cứu và còn làm việc cho tới những giây phút cuối cùng. Và cháu cũng biết, bố cháu luôn sống hết mình cho cả tình bạn, đặc biệt là đối với những người bạn trường Trỗi.

Những dòng cảm ơn này xuất phát từ tấm lòng chân thành của cháu và gia đình. Và cháu biết rằng, ở đâu đó trong một thế giới khác, bố cháu cũng thầm gửi lời cảm ơn đến những người bạn trường Trỗi yêu quý của mình!

Cháu Vân Chi.

Nhà 99 không của riêng tôi

Có một thời nhà 99 Trần Hưng Đạo là nơi tụ bạ của nhiều lính Trỗi và anh em. Mẹ tôi từng phải chịu đựng sự nghịch ngợm liều lĩnh của anh em (nào là tổ chức nhảy đầm, chơi nhạc ồn ào suốt đêm, nào là buôn lậu giấy thuốc lá, giấy ảnh… sau mỗi chuyến chuyên cơ của “các cụ” ở bển về (thậm chí bà còn doạ báo công an!) nhưng lại rất thương yêu bạn các con: “Chúng nó cũng là con của bạn mình”. Bà thuộc tên từng đứa và bố mẹ chúng.

Xin đuợc trình tấm ảnh chụp hôm liên hoan tiễn tôi đi thực tập sinh ở Đức cuối tháng 10/1086.

Ngày đó tôi có cái phòng nhỏ xinh xinh, cỡ 15-16m2, (xưa dành cho người giúp việc, nay dùng để ngủ và anh em nhậu say về có nơi ngả lưng!). Trên tường treo cây ghi-ta và dán ảnh nghệ sĩ điện ảnh thần tượng (như cánh trẻ bây giờ). Ăn nhậu ngòai sân xong (mà là trải chiếu xuống đất, ngồi bệt (may mà bụng chưa to như bây giờ!), uống bia hơi rót can mua ở Khách sạn Ga về) thì vào phòng chụp ảnh. Mẹ tôi hiền hậu ngồi giữa. Vây xung quanh là bầy con, cháu. Điểm hàng trên từ trái sang là bác sĩ Hoàng Quốc Tòan k5 (người phụ tá cho bác sĩ Thọ cắt tuyến cảnh ở cổ, trị bệnh hen phế quản cho tôi. Toàn là người dẫn Việt Trung, Tiến Long đến với Vĩnh Xuân). Cạnh Toàn là chú em Hải (thợ cắt, đóng điện ở Yên Phụ. Ngày ấy, chú được khối việc, nhất là mỗi lần bạn bè có đám cưới!) và nghệ sĩ Dờ Mờ Đờ (khi đó chưa là “Nờ sứt”! Hôm 49 ngày của bà, chúng tôi bắt hắn phải hát. Đức bảo: "Cả đời tôi chưa bao giờ hát như thế. Kinh bỏ mẹ!". "Nhưng mà bà nhớ ông!" và hắn phải thực thi). Kế đến là cánh Khu 16: Lê Bình k5 cùng Đức Ái k8 (nay em đã là người thiên cổ). Người ngồi góc phải là bạn cùng cơ quan Phúc, em gái, nhưng lại chơi với tôi.

Tên đội mũ đang nhoẻn miệng cười, ngồi cạnh mẹ tôi là Vinh “Yên Phụ”. Hắn chuyên sửa chữa xe máy cho các ông anh nhưng không lấy tiền, thậm chí còn đòi được chiêu đãi các anh rượu và cá tươi mua lại của hội câu trộm ở hồ Tây. Bên phải mẹ là anh Minh “Du lịch”, sau này về hưu hết nguồn thu quay ra "đánh đề đâm đổ đốn", nợ như chúa Chổm (nợ cả anh em thân. Mất tư cách đảng viên!). Cạnh anh Minh là chú Danh (nhân viên hải quan Nội Bài cùng cánh Vinh "tỉa", Ngô Đình Diệm) từng "bảo kê" buôn lậu đường hàng không với chúng tôi một thời.

Tôi (kẻ mặc áo pull in cá heo) đang khóac tay lên vai đồng chí Nguyễn Văn Bẩm (trợ lí cán bộ của Cục Cán bộ, có quan hệ rộng vì sớm biết nịnh các sếp. Khi ở Mat, hắn chuyên bán giùm khách qua lại đồng hồ Seiko, quần bò, áo phông, xilíp bông hồng… và mua giùm nào bàn là, mai-xo, nào tủ lạnh Saratov… để “trói” các cụ sau này khi về nước! Hắn là kẻ biết nhìn xa trông rộng). Sau này ông ta cũng hỏng và có tật hay bốc phét (thậm chí nói sùi cả bọt mép!), chỉ có khả năng “đi tiếp khách dưới địa phương” lên Hà Nội. (Sau này ra quân làm nhân viên lo đời sống của Văn phòng Ban Công nghiệp TW mà dám khoe với mẹ tôi là “Phó Ban”). Ngồi trước mẹ tôi là anh Trần Đình Ngân (Guilin rẻn), giáo viên Học viện, nay sống ở Đức với cánh Xèng và Tôn Gia. Thái Dũng, bạn tôi và Quang Bắc từ hồi lớp 1, được anh Đòan Mạnh Thanh ghé đầu vào vai. (Trông anh Thanh rất “nai”. Quá dễ thương! Còn Dũng kiếm ra tiền rất sớm khi chúng tôi còn là “lính sơ mít”. Mỗi lần tôi và Lê Chí Hòa ở Vĩnh Yên về hay được Dũng rủ đi uống R với lòng lợn, tiết canh). Thái Dũng đã đi xa cả chục năm vì uống quá nhiều R.

Đòan “Đổng lý” ngày đó trông gầy và hốc hác (có lẽ vì thiếu ăn) cũng là khách thuờng xuyên của nhà. Là bạn của anh Chiến, là thầy nhưng lại rất thân với tôi. Khi anh mới lên Văn phòng 7, lại chơi và được mẹ tôi dặn: “Mày đừng xa dân, cháu ạ!”). Cho dù sau này làm đến Bộ truởng nhưng anh vẫn giữ tình thân khi xưa. Có thể khen: Đồng chí này là… dưng mà tốt!!!

Cháu Trần Việt Hùng (con Công "xìn" k6, em tôi) ngày đó bé tí cũng chen vào chụp chung, nay đã là business man. Quang xèng không được đi Đức đợt này cùng tôi (tin do Bẩm tuồn ra) nhưng vẫn đến chia vui. Không tuần chay nào là không có nuớc mắt! Hắn và tôi cứ lằng nhằng dây điện suốt cả đời. Cạnh Quang là Sắc “bọ”, chồng đầu của Phúc, (tuy 2 đứa đã chia tay nhưng chúng tôi vẫn coi là anh em, khi có việc Sắc vẫn có mặt).

Tấm ảnh do Dũng “báo ảnh” chụp đã 22 năm. Ngày ấy gian khổ nhưng ai cũng "nhạc trẻ". Cuộc đời với bao đổi thay, người mất, kẻ còn; anh đông, em tây; có người không còn chơi với chúng tôi nữa. Dù thế nào thì đó vẫn là cuộc sống!

Duyên dáng Việt Nam

Chưa lần nào xem DDVN và cũng nhiều năm không xem băng đĩa các buổi diễn của nó nhưng tôi hi vọng các bạn ở Đức có thể xem chương trình này.
DDVN chỉ dành cho số ít, mà các bạn ở bên đó thì đúng là số ít rồi.

http://www1.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2008/1/30/224618.tno

Thứ Ba, tháng 1 29, 2008

CÁI GỌI LÀ CÀ PHÊ

Xin gửi tới AE 1 bài viết trên "Sài Gòn tiếp thị" để tham khảo thêm về Ca phê

“Đen như quỷ sứ, nóng như địa ngục, tinh khiết như thiên thần, ngọt ngào như tình yêu”, nhà ngoại giao Pháp nổi tiếng thế kỷ 19 có cái tên dài dòng là Charles Maurice de Talleyrand-Perigord (1754 – 1838) đã có lời ca tụng cà phê lừng lẫy như thế. Với ly cà phê Việt Nam ngày nay, lời ca tụng ấy e chỉ đúng một nửa – nửa thứ nhất

Thứ nước đen sánh bọt, beo béo, ngậy thơm, vừa ngọt vừa đắng gọi là cà phê ấy tấn công ta tổng lực bằng cả thị giác, khứu giác và vị giác. Nhưng cái chất lỏng màu đen ta nạp vào cơ thể hàng ngày có phải là cà phê không? “Không!”, A.T nói như đinh đóng cột. Ngồi trong quán cà phê rợp bóng mát ở Bảo Lộc nhưng A.T không hề uống cà phê. Anh đã bỏ luôn thói quen uống cà phê sau những năm làm nghề chế biến cà phê và cũng bỏ luôn nghề này ...

Cà phê không có... cà phê

Xuất thân là một nhân viên của một công ty chuyên cung cấp hương liệu thực phẩm, A.T thường bán hương liệu cho các nhà chế biến cà phê ở khu vực Sài Gòn, Đồng Nai và Lâm Đồng. Chứng kiến những khoản lợi nhuận lớn từ việc chế biến cà phê, anh bỏ công ty về Bảo Lộc mở cơ sở riêng. Nghe tôi khen cà phê Bảo Lộc ngon và hợp khẩu vị, A.T cười: “Đại đa số các loại cà phê đã rang xay và phân phối trên thị trường nước mình mà có tối đa 30% cà phê nguyên chất đã gọi là hảo hạng rồi anh ơi!” Nét mặt sửng sốt của tôi khiến A.T thú vị: “Anh sẽ ngạc nhiên hơn nữa nếu biết anh đã từng nếm qua những ly cà phê không hề có chút cà phê nào!”

Và A.T cho tôi luôn công thức: “Anh lấy 40kg đường trộn với 100kg đậu nành và rang trong khi pha chế chất tạo màu cà phê. Để tạo màu, pha 1 lít rượu đế, muốn lời nhiều hơn nữa thì dùng nước lã, 1 lạng màu nâu, 1 lạng màu đỏ, trộn thêm ít đường hoá học, thêm 1kg bột béo, 1kg bột ca cao nữa. Khi đậu đã tới và bốc mùi thơm, anh trộn hết dung dịch màu vừa pha chế vào, quậy đều, rồi vừa tiếp tục rang vừa dùng quạt thổi cho bay hết các mùi cháy khét”. Cái hỗn hợp vón cục ấy sau đó được đánh tơi ra bằng đủ hình thức trộn bằng máy, đạp bằng… chân trần lẫn chân dép rồi cho hương liệu vào trước khi xay thành “cà phê”.

Chính tỷ lệ và loại hương liệu trộn vào trước khi xay sẽ quyết định “cà phê” ấy là loại gì với giá cả không giới hạn. Với loại “thượng hạng”, tỷ lệ cà phê thật chỉ có 30%, còn lại là các chất độn như đậu nành, đậu đỏ, bắp… Ở Bảo Lộc còn có “chiêu” riêng: trộn chung 30% vỏ cà phê với đậu nành vì trong vỏ cà phê có khoảng 5 – 10% lượng caffeine so với nhân cà phê.

Vàng đen!

Phải 4,5kg cà phê tươi mới cho 1kg cà phê nhân khô đạt chuẩn xuất khẩu. Giá cà phê nhân hiện nay là 31.000 đồng/kg, trong khi cà phê tươi – vốn là thứ đã từng không ai mua – bây giờ cũng được mua với giá từ 5.000 – 10.000 đồng/kg tuỳ theo tỷ lệ thuỷ phần (độ ướt) để trộn chung với cà phê chính phẩm và cung cấp cho các cơ sở chế biến cà phê. Tại đây, cà phê nhân tạp lẫn lại được pha chế lần nữa để cho ra đời những thứ bột đen mang đủ thứ nhãn hiệu và “copyright”!

Cái gọi là “bí quyết gia truyền” của nhãn hiệu cà phê từ Bắc chí Nam chỉ là tỷ lệ, liều lượng và cách phối hợp các hương liệu và hoá chất để tạo ra một hương vị riêng. Muốn “cà phê” sánh bọt, dùng chất tạo bọt lauryl sulfate. Muốn “cà phê” có vị đắng, dùng chất đắng caffeine hydrant, muốn lời hơn nữa dùng ký ninh (quinine) hay vỏ cau. Muốn “cà phê” có mùi… cà phê, dùng hương liệu với đủ thứ mùi từ moka, catimore cho tới… chồn!

Một nhà chuyên cung cấp cà phê chế biến sẵn ở Sài Gòn không hề có cơ sở rang xay nào đã bán ra ở thị trường này gần 8 tấn chỉ trong tháng 12 vừa qua. Nhà này chuyên cung cấp các công thức pha chế cho các cơ sở rang xay cà phê ở Bảo Lộc để chế biến theo yêu cầu. Cho dù giá cà phê nhân lên xuống ra sao, giá cà phê đã chế biến ở thị trường Việt Nam luôn ổn định ở mức cao và không ngừng tăng. Ai biết được thực tế các cơ sở chế biến cà phê đã kiếm lời được bao nhiêu trên sức khoẻ của người tiêu dùng!

Hoàng thân ả Rập Sheik Abd-al-Kadir từ năm 1587 đã ghi danh vào sử sách chỉ nhờ một bài thơ ca tụng… cà phê. Trong bài thơ có câu: “Cà phê là vàng của thường dân, và giống như vàng, nó mang cho mọi người cảm giác vương giả và quý phái”. Nếu đầu thai ở Việt Nam ngày nay, ông hoàng

ả rập này sẽ thấy cà phê thật sự là vàng chứ không còn là “cảm giác” nữa. Không biết ông có còn dám uống cà phê và sáng tác một bài tụng thi khác?

Tạp ẩm!

Cái mùi thơm quyến rũ của cà phê đã giúp một công ty ở Buôn Ma Thuột thành công. Bí quyết: hương liệu! Trong quá trình tìm cách xây dựng thương hiệu cà phê riêng, một công ty cà phê Bảo Lộc đã thông qua người thân đang làm việc cho công ty kia tìm cách lấy được thông tin về một số loại hương liệu và địa chỉ nhà cung cấp ở Singapore. Muốn tạo hương vị đậm đà, đặc biệt hơn cho sản phẩm của mình, công ty ở Bảo Lộc này liên lạc với nhà cung cấp đặt mua nhưng bị từ chối thẳng thừng. Lý do: công ty cà phê kia là khách hàng độc quyền mua loại hương liệu đó. Nếu bán loại hương liệu đó cho bất kỳ ai ở Việt Nam, nhà cung cấp phải bồi thường cho công ty kia!

Chính hương liệu hợp khẩu vị người Việt lại là rào cản cho xuất khẩu cà phê thành phẩm. Tuy Việt Nam xuất khẩu cà phê nhân đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Brazil, nhưng cà phê đã chế biến của Việt Nam vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng thế giới. Theo số liệu của hiệp hội cà phê và cacao Việt Nam, năm 2007 nước ta đã xuất khẩu 1,2 triệu tấn cà phê, mang lại tổng kim ngạch hơn 1,8 tỉ USD. Tuy nhiên, suốt mấy năm qua, trung bình cả nước chỉ xuất khẩu được khoảng 160 tấn cà phê rang xay với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 700.000 USD. Cho đến nay, chưa đơn vị sơ chế nào cho ra được cà phê nhân Arabica đủ số lượng lớn để xay rang thành cà phê chất lượng cao. Mặt khác, cà phê rang xay lại được pha trộn, chế biến theo sở thích cà phê tạp – được độn và tẩm nhiều thứ khác nhau khiến người tiêu dùng nước ngoài xa lánh vì không hợp khẩu vị và không an toàn vệ sinh thực phẩm.

Starbucks là một thương hiệu Mỹ nổi tiếng thế giới với hơn 15.000 cửa hàng cà phê toàn cầu. Tôi đã từng uống cà phê Starbucks ở Thái Lan, Singapore, và Malaysia để xem cà phê này ngon cỡ nào. Tất cả các ly Starbucks tôi uống đều có hương vị giống nhau: loãng và nhạt! Những lời tán dương mà tôi đã đọc về Starbucks đều không đánh lừa được khẩu vị đã quen thuộc với thứ chất lỏng màu đen gọi là “cà phê” tôi uống hàng ngày ở xứ ta.

Có lẽ khi đã quen dần với những gì không còn tinh tuyền như cà phê thì người tiêu dùng không còn thích thú, mặn mà gì với thứ thiệt nữa. Nửa sau trong lời ca ngợi cà phê của ông Talleyrand kia hoàn toàn sai! Trên một diễn đàn về marketing, nghe đâu Starbucks chuẩn bị vào thị trường Việt Nam và muốn mua lại hết chuỗi cửa hàng cà phê Highlands ở Sài Gòn và Hà Nội. Nhưng liệu Starbucks có thắng được khẩu vị cà phê tạp ẩm đang phổ biến hiện nay?

Trần Đức Tài

Vui, Buồn... Cuộc đời vẫn thế!

Trong cái rét, lâu lắm, mới có của miền Bắc, xen lẫn nỗi buồn là những niềm vui... Cuộc đời vẫn thế!!!

1. Nghe "tít", mở máy thì nhận thư chị Quyên - bà chị cả của trường. Gửi tin nhắn cho tôi nhưng cũng là tin vui cho cả trường: "Em có khỏe không? Anh chị vừa tổ chức đám cưới cho cháu Việt. Báo để em mừng! Chị Quyên."
Ngày 15/10/1964, anh Trỗi hy sinh. Tận 9 năm sau, khi ra học trường Bổ túc Công Nông (sơ tán ở Hưng Yên), chị tìm hiểu anh Tư Dũng và được cô chú Lê Toàn Thư thay mặt cha mẹ, tổ chức đám cưới ở Phan Đình Phùng, Hà Nội. Tới 1979, khi trở về Nam, chị mới sinh cháu Việt. (Tại sao tên Việt ư? Chúng tôi cứ đùa: vì nhớ anh Trỗi với câu nói: "Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!" trước lúc anh hy sinh nên... Anh Dũng chỉ cười). Gia đình chị là địa chỉ thân thiết của anh em Trỗi. Thậm chí lần nào đến giỗ anh cũng gặp anh Sáu Phong).
Hôm cưới trong Tp, anh em Trỗi cũng đến dự, ngồi kín mấy mâm mừng cho anh chị và cháu, có cả cô Thục. Cháu Việt là cảnh sát hình sự. Năm 1987, khi chị sinh cháu gái đã đặt tên "Nga" để kỷ niệm Vietsovpetro hút đưọc thùng đầu tiên. Bà chị ta là thế!

2. Tin đã đưa không cần cải chính: Một lính Trỗi chính thức nhận quyết định phong hàm số 124/CTN, kí ngày 28/1/2008 về việc... Mời các bạn đón tin trên blog!

3. Sáng nay, 10g, chúng tôi (Lê Khắc Khảm k3, Giang "mù" k9, Khắc Việt k7) có mặt ở khách sạn Chìa Khóa Vàng chia tay chị Niệm và khách Quế Lâm. Chuyến đi thắng lợi, tuy cần rút kinh nghiệm về tổ chức. Chị Niệm chuyển lời cảm ơn tới anh em Trỗi từ Hà Nội tới TpHCM đã đón tiếp thịnh tình, lo lắng chu đáo từ nơi ăn, chốn ở đến xe cộ đi lại. Đặc biệt cảm ơn Thế Hà k7, Dương Minh k4 và Hoà Bình (phu nhân Đôn Hoà k5), Nghĩa k8 đã tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn. Các bạn Quế Lâm hứa sẽ còn huấy lải.
Mũi nở to nhưng tôi chỉ dám nói: Chuyện thường ngày của lính Trỗi!

Thứ Hai, tháng 1 28, 2008

Em ơi! Hà Nội ... rét!

Đợt rét này nhiều người Hà Nội kêu sao năm nay rét thế.

Xem nhiết kế thì chưa có sớm nào rét xuống đến 8 độ C như một vài năm trước. Nhưng có lẽ vì rét kéo dài, không có ấm lên trong ngày, độ ẩm cao 80% dễ thoát nhiệt, nên thấy rét tệ.

TM được dịp chơi ở HN mấy ngày cuối tuần, rét, thỉnh thoảng lẩm bẩm "12 năm mới có rét thế này, mấy khi". Mà đúng là mấy khi thật. Làm gì có ai rét đến quên cả đôi dép ấm chân, tắt đèn lên giường ngủ kéo cả dép vào trong ... chăn. Sáng ra cậu bảo "hôm qua có ai lên lấy đôi dép đi đâu". Đến khi cậu rũ chăn, lòi ra đôi dép trên giường, mới thôi thắc mắc!!!

VTM thì hễ có dịp lại ta thán "năm sau kiếm chỗ nào trong SG để rét vào ở". Thế nhưng vừa gọi điện xem tình hình thế nào thì "chị" nói đang uống lon bia tìm được trong tủ lạnh. Chắc là chưa nghĩ ra chỗ nào trong Nam để vào ở thì sống chung với rét. Nhét lạnh vào trong cho nó ấm ra ngoài vậy. Mọi người có còn nhớ cái thú trời rét ăn kem?

Lão Hợp ngồi nói với TM chuyện tắm. Lão bảo dân lao động bên Liên Xô có phải tắm nước lạnh thì quấn khăn vào bụng cúi người tắm nửa thân trên. Sau đó mặc áo ấm tắm nửa dưới. Xong đâu đấy, cuối cùng mới gội đầu. Chả biết thực hư thế nào, nhưng TM thì bảo thế chưa ăn thua. Tôi còn nhớ khi ra suối tắm mùa đông hồi trên Đại Từ bọn tôi thường thò chân tay xuống chỗ nước tương đối sâu. Hít một hơi dài, thả tõm người xuống cho sự đã rồi. Sau đó vùng dậy tắm ào đi cho xong. Rét chết, chả theo dõi xem cậu tắm như thế nào, nhưng thấy cậu tuyên bố "tắm từng bộ phận".

Trời rét mà đi ngoài đường lâu, lại càng thấy rét. TM bay vào SG chuyến 17h, dự phòng nửa giờ đi đến chỗ xe bus lên sân bay, vẫn không đủ cho tắc đường. Thoát ra được thì đành phải nói taxi chạy thẳng luôn. Vẫn không thoát, đường Âu Cơ, Nghi Tàm giờ này bắt đầu bán hoa Tết. "Rét" vì lo chậm giờ máy bay. 16h45 cậu gọi điện, cười khà khà trên máy bay, thoát rồi.

Bây giờ thì chắc là máy bay TM đi đã hạ cánh. Tiếng nữa là cậu có thể tắm thoải mái bằng nước "lạnh" hẳn hoi. Còn nhớ Tết năm 77 tôi ở SG ra nghỉ phép. Suốt hai tuần lạnh, không tắm. Lượt vào xuống đến sân bay, xắn tay áo lên vội bỏ xuống ngay. Trông cánh tay mốc thếch phát kinh. Thế mới biết tuy lạnh, nhưng bây giờ quần áo sẵn, đi lại, nhà cửa cải thiện hơn nhiều, có rét là bao.

Lại... tin buồn!

Sáng nay, Tăng Lực báo tin: Bác Tính, mẹ bạn Võ Minh Đạo k5 (bác sĩ Nội soi của Viện 354), từ trần.
Tang lễ tổ chức tại Nhà tang lễ quân đội 5 Trần Thánh Tông.
Thời gian: chiều thứ tư, 30/1/2008.
Mời các bạn k5 và anh em ở HN tập trung đến viếng lúc 14g cùng ngày!

Tang lễ của bác Nguyễn Tăng Ấm (thân phụ anh Tăng Cường k2, Tăng Lực k5, Tăng Tiến k8) tổ chức tại Nhà tang lễ quân đội 5 Trần Thánh Tông.
Thời gian: sáng thứ sáu, 1/2/2008, từ 8-11g.
Mời các bạn k5 và anh em ở HN tập trung đến viếng lúc 10g cùng ngày.

BLL k5 kính báo!

Chủ Nhật, tháng 1 27, 2008

Cưới con Thanh Bình

Hôm nay Thanh Bình (tớn) tổ chức cưới vợ cho con trai tại nhà riêng, Sơn Tây.
Vì điều kiện xa Hà Nội, nơi tập trung nhiều bạn, nên Thanh Bình chỉ mời một số các bạn hay qua lại. Bọn k4 chúng tôi đi dự, gồm HT, VTM, HP, V.Thắng, C.Minh, Thao láo, TM, M.Dũng và vợ. Tại Sơn Tây có vợ chồng Trần Hà, Sùng Hải, Thanh k7.
Thanh Bình bố trí cho hội Trỗi ngồi 2 mâm riêng trong tum của sân thượng, chả có ai khác. Có lẽ với khách xịn thì họ sẽ phật ý vì cứ như trốn vào một chỗ để ... chén. Quân ta thì lại khoái, được thể khuất mắt "đồng bào" chuyện nói tía lia, uống cả rượu thuốc của Thao láo mang lên, cả Vodka HN. Hơi bị nhiều, may mà nghỉ một lát vẫn lái xe về được.
Cứ tưởng không kéo được đến khi đón dâu về. Thế mà cuối cùng cả hội cũng ngồi từ 10h30 đến tận 13h, dâu đón về, đợi hai họ tuyên bố xong rồi mới rời nhà Thanh Bình sang thăm cơ sở của Sùng Hải. Cậu Sùng Hải này mỗi khi có dịp là lại mời mọi người sang chơi rất nhiệt tình. Sợ nhất là lại bị mời ... rượu. Hôm nay kiên quyết mới tránh được quả rượu ở đây.
Mấy tháng trước nhóm bạn xấu đã "hộ tống" vợ chồng Bình tớn đi Thanh Hoá làm quen với nhà gái, gồm TL, CM, HT, ... Bây giờ hai cháu đã thành hôn. Chúc cho hai cháu hạnh phúc dài lâu.

Thứ Bảy, tháng 1 26, 2008

Nhiều tin buồn quá

Suốt mấy tuần nay trang tin Bạn Trỗi có nhiều tin, bài u buồn quá. Nhưng nếu nhớ bạn, nhớ "thầy" thì cũng nên nhớ ý nguyện của những người đã khuất đó muốn chúng ta sống trọn vẹn. Nghĩa là có tình, có nghĩa, có buồn, có vui.
Lưu luyến chỉ làm cho người đã khuất không nỡ rời xa và vì thế khó lòng siêu thoát. Vì vậy đừng sầu lâu, đừng buồn mãi. Hãy xứng đáng với mong mỏi của họ.

Tin buồn

Sáng nay, 26/1/2008, Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Tăng Ấm, thân sinh ra anh Tăng Cường k2, Tăng Lực k5, Tăng Tiến k8, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã từ trần tại Viện quân y 175 TpHCM sau thời gian lâm bệnh nặng kéo dài.
6g chiều nay sẽ di quan ra Hà Nội. Tang lễ tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội. Kế hoạch được thông báo sau.
BLL k5 kính báo!

Thứ Năm, tháng 1 24, 2008

Lễ tang Hồ Trương

Lễ tang bạn Phạm Hồ Trương đã được thực hiện đúng kế hoạch, theo nghi lễ Quân đội. Thời tiết tốt giúp tang lễ được thuận lợi.

Bạn Trỗi k4 ở Hà Nội tập hợp khá đông đủ, trừ các bạn do công việc không thể tham dự đã gửi lời chia buồn và điếu phúng. Tôi đã hẹn sẽ đưa thầy Bân đến thăm gia đình Hồ Trương khi nào trời ấm. Không ngờ thầy hôm nay cũng tới (thầy đứng trước Lưu thẹo hàng sau cùng, cạnh Hoàng Ngọc Dũng).
Có 4 vòng hoa Trỗi: k4, k4 phía Nam, B4 k4 (lớp chọn giỏi), bạn Hồng Hải (từ Canada gửi nhờ) và một của riêng gia đình Văn Công Phước. Hồng Hải và VCP có những quan hệ cá nhân về gia đình với gia đình Hồ Trương.

Mộ phần của Hồ được đặt tại Nghĩa trang Thanh Tước, khu A17, hàng 1 dãy 2. Sau 13h, lễ mai táng được tiến hành. Quan tài khuất dần xuống huyệt.

Thay mặt gia đình, anh Tùng cám ơn mọi người đến dự lễ tiễn đưa Hồ Trương về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong lời cám ơn anh Tùng có nhắc tới các bạn trường Nguyễn Văn Trỗi.

Trước khi ra về các bạn Trỗi mỗi người uống với Hồ Trương chút rượu lần cuối. Đây là rượu, mà trong lần chia tay để VCP vào lại SG, tôi và Hồ Trương mỗi thằng lấy một chai trong cơ số dùng không hết của VCP. Ba thằng hôm đó uống rượu với nhau, hôm nay mất một. Rượu còn để làm gì, uống nốt với nhau đi.

VIẾNG BẠN

Anh đi mãi xa rồi!
PHẠM HỒ TRƯƠNG ơi chúng tôi ngậm ngùi đưa tiễn

Sao Anh vội ra đi?
Trong nỗi tiếc thương của gia đình đồng đội
Trong nỗi đau của cha mẹ anh em
Của vợ, của con và bạn bè trường Trỗi!

Xa quá Trương ơi!
Không thể thắp một nén nhang cho bạn
Mấy dòng này thay hàng lệ tuôn rơi
Trong khói nhang trầm cay xé mắt
Tiếng nhạc chiêu hồn trầm mặc
Như cứa vào tim bạn Trỗi chúng tôi!

Xa quá Trương ơi
Vĩnh biệt Bạn không lên xe đưa tiễn
Gửi vào đây nỗi thương nhớ tột cùng
Cho tôi thắp nén nhang lòng tri kỷ
Vĩnh biệt HỒ TRƯƠNG!
Vĩnh biệt nhé HỒ TRƯƠNG!

Quy Nhơn, 5 giờ 15 phút, 24-1-2008
Huỳnh Xuân Thuỷ

Thứ Ba, tháng 1 22, 2008

PHẠM HỒ TRƯƠNG – MỘT NGƯỜI BẠN TỐT VÀ GIÀU NGHỊ LỰC

Suốt mấy tháng qua, tình hình của Hồ Trương lúc nào cũng ám ảnh tôi. Trong các cuộc họp mặt - với anh em Bạn Trỗi, đương nhiên ai cũng canh cánh trong lòng và cầu mong cho bạn mình qua khỏi – nhưng ngay cả với những người khác tôi cũng không che dấu được nỗi niềm “Buồn quá, có ông bạn đang lâm bệnh nặng, không biết có qua nổi không? Ông bạn mình tốt lắm, đáng được sống lắm, chứ không phải như …”.

Tối Thứ bảy (19/1) vừa rồi, ngồi với đám bạn cũ thời Khoa Toán, ĐH Tổng hợp Hà Nội – những cựu chiến binh đã lăn lộn vào sinh ra tử ở chiến trường Đông Nam bộ từ 1971 đến 30/4/1975, khi nghe tôi nói về Trương họ cũng tấm tắc “Tụi tôi vẫn nhớ, anh Trương bộ đội học bên Khoa Sinh, hiền hậu, đẹp trai, lắm tài …”. Thế mà, chỉ hơn một ngày sau, mọi cái về bạn mình đã thành hoài niệm …

Thời kỳ ở Trỗi, Trường và Thày Cô dùng thước đo gì để đánh giá tụi mình? Chắc là có nhiều, nhưng dù ở mái trường nào cũng có 2 điều quan trọng: phẩm chất và học lực. Hồ Trương ơi, bạn thật đáng tự hào khi đó bạn đã hoàn hảo với hai tiêu chuẩn này. Bạn học giỏi, cùng lứa với nhau nhưng bạn đã là cán bộ Trung đội làm nhiệm vụ giúp Thầy Cô quán xuyến tụi mình!

Khi tôi lên Trỗi ở An Mỹ, tiếp xúc với Hồ Trương tôi hơi lạ khi thấy Trương nói năng từ tốn, chậm rãi và hình như suy nghĩ rất kỹ. Được mấy ông khác thông báo “ló lói ngọng, ló đang sửa đấy, thằng lày trước cũng nắm nời nắm”. Chuyện của tuổi thơ, biết vậy rồi cũng mau chóng quên đi.

Tháng 10/2005, sau Hội Trường kỷ niệm 40 năm thành lập, theo chương trình của Võ Hạnh Phúc, có hơn một chục người vào thăm Võ Đại tướng – trong đó có Hồ Trương. Khi được Đại tướng hỏi thăm về gia đình, Trương nói “Bố cháu đã nghỉ hưu tại quê ở Kim Động, Hưng Yên…”. Hưng Yên là vùng đặc trưng nhất cho kiểu nói ngọng của đồng bằng Bắc bộ, cứ “N” nói thành “L” và ngược lại. Đến nay vẫn vậy và nặng nề đến mức ngay cả cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh cũng không sửa được. Trong các cuộc họp – ở bất cứ đâu, các cán bộ của Hưng Yên vẫn nói ngọng rất vô tư làm cho bài phát biểu rất “phản cảm”. Vậy mà thằng bạn mình, ngay khi còn niên thiếu đã hiểu ra và sửa được. Chuyện tưởng nhỏ nhưng thể hiện rất rõ nhận thức cao và nghị lực mạnh mẽ của người bạn chúng mình.

Trương ơi, nói gì cũng không đủ. Một người tốt và giàu nghị lực như bạn luôn sống mãi trong tâm tưởng chúng tôi. Bạn có quyền tự hào và thanh thản về những năm tháng trong cuộc đời mình.

Chào Trương nhé!
Dương Minh

Phạm Hồ Trương một người bạn

Mới đầu tháng đây thôi, một hôm Luân "cáo" nói với tôi: "Ngày mai, tao ra Bắc". Thầm nghĩ, thằng cha này nặng chuyện vợ con lắm, chẳng bao giờ bỏ đi đâu xa quá nửa ngày, nay lại nói ra Bắc, chắc hẳn có chuyện? Tôi bèn hỏi "Đi khi nào về?". "Tao đi về trong ngày, sáng bay 7 giờ, tối về 9 giờ". "Có chuyện gì? Sao đi gấp thế?". "Thăm Hồ Truơng, giờ bệnh nặng lắm, đang nằm Bạch Mai". "Thôi mày đi, thăm luôn hộ tao. Tình hình ra sao, vào tính tiếp".

Ai chứ Hồ Trương với tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Số là năm cuối lớp 10, chẳng hiểu vì sao (chắc do quậy phá!) tôi được điều về trung đội của Hồ Trương để học tập, rèn luyện, tu dưỡng. Sắp tốt nghiệp rồi. Trước ngày lên đường nhập ngũ, ngày 21-6-1969, tôi đuợc kết nạp vào Đòan (đợt vét). Ngày đó đuợc kết nạp vào Đòan là vinh dự và thiêng liêng lắm. Lý lịch quân nhân bao giờ cũng có "ngày vào Đòan" và "người giới thiệu". Phần thứ 2 ghi tên 2 ông bạn họ Phạm: Phạm Hồ Trương và Phạm Minh (Minh "lịt"). Kỷ niệm với Hồ Trương thời Trường Trỗi như thế thì sao mà quên được!

Sau bao năm lăn lộn, việc chung, việc gia đình, mỗi đứa một ngả nhưng mỗi lần gặp nhau chúng tôi đều nhắc lại kỷ niệm xưa. Trong những năm gần đây, mỗi lần có dịp ra Bắc, khi có điều kiện tôi lại ghé thăm Trương. Mỗi lần Trương vào Nam công tác lại ghé thăm tôi và Luân.
Vậy mà mới ngày đầu năm nghe tin bạn bị bệnh, giờ đã đi xa, mãi xa. Sao lại nhanh quá vậy? Tôi nói với Luân: "Hôm trứoc may mà ông ra kịp lúc nó còn tỉnh táo, nói chuyện được (tuy đã có lúc tỉnh lúc mê). Âu cũng đỡ ân hận!". Hai đứa ngồi bên ấm trà, thở dài chép miệng: "Đời người là thế, biết làm sao đuợc. Thôi, còn sống là quý, sống làm sao cho phải phép, cho tốt, cho tình nghĩa là được!".

"Hồ Trương ơi, ngừơi bạn hiền!". Tôi khẽ gọi tên anh cho đỡ nhớ. Xin thắp nén nhang lòng. Xin vĩnh biệt, cầu chúc anh an giấc ngàn thu!

Người đòan viên Trương giới thiệu năm xưa - Lê Trí Hưng


(Xin phép được chép lại, có chút biên tập và post lên trang nhất như một nén nhang nhớ bạn!

Ảnh tư liệu: Đại diện k4 và Ban Liên lạc đến thăm Võ Đại tướng sau ngày Hội trường 10/2005.
Đến lúc này, Hồ Trương cũng vẫn hiền lành, khiêm tốn, đứng vào góc cuối (bên trái), nhường cho bạn mình được đứng gần bác Văn hơn. Đó chính là Hồ Trương! Kiến Quốc)

Thứ Hai, tháng 1 21, 2008

Hồ Trương, những kỉ niệm cuối cùng

Tôi xin lỗi, đặc biệt với gia đình Hồ Trương, nếu câu chuyện này nêu ra các sự kiện còn nóng hổi theo cách nhìn rất riêng tư có thể lệch lạc và không chính xác. Nhưng với Bạn Trỗi, tôi muốn được nói vào lúc này, bởi qua chuyện Hồ Trương tôi muốn nói ít điều về chính chúng tôi. Xin hãy coi đây như đóng góp cuối cùng của Hồ Trương, nếu có thể coi như thế, cho Bạn Trỗi. Hữu Thành


Bạn Trỗi, xét cho cùng, không phải thân nhau vì vào sinh ra tử; không phải vì cầu lợi cầu tài; cũng chẳng phải vì đẳng kia cấp nọ. Mà có lẽ chúng thân nhau vì thấy lại bóng dáng của chính mình, tin nhau như tin mình ở vào cái tuổi hoài cổ. Cái hoài niệm đã làm nên tình bạn, thì tình bạn ấy sau nhiều năm nó thân như thủa thiếu thời đấy mà cũng có thể sơ như quan hệ thời hiện đại.

***

Hồ Trương là một trong số bạn mà tôi nhớ rõ ngày vào Trỗi, 23/9/1965. Đơn giản vì tôi là lính cũ 10 ngày so với cậu, 13/9/1965. Khi mà mình đang cố phải "hội nhập" từ gia đình sang tập thể, từ trẻ con sang "người lớn", từ đường phố sang bờ ruộng, từ nhà xây sang nhà tranh vách đất, từ đèn điện sang đèn dầu, từ nước máy sang nước giếng thậm chí nước ruộng, ... thì có một vài thằng (cả Ngô Mạnh Hùng) thế vào chỗ lũ lính mới tò te. Với mình thế là lên một cấp, đã tự cảm thấy là oai. Mới đây khi lái xe đưa cô Phượng em gái liền sau Hồ Trương đi xem thầy, nghe kể mới biết thì ra cậu đã là một tay lội ruộng từ nhỏ. Suốt ngày bắt cua, tát cá, vớt tép, trồng muống, ... để giúp mẹ cải thiện bữa ăn gia đình. Khi lên Trỗi Hồ Trương bàn giao lại cho em Phượng khi đó mới mươi tuổi hết cả đám đồ nghề nào vợt, nào chĩa, hũm ruộng nọ, góc bờ kia.

***

Suốt cả mấy chục năm, chưa bao giờ tôi là bạn thân của Hồ Trương, dù sau 4 năm ở Trỗi tôi còn 14 năm cùng học Tổng hợp và cùng làm Viện KTQS với Hồ Trương. Có thể vì cá tính mỗi thằng một khác, dù có ngủ cạnh nhau chưa chắc đã thành bạn thân; với tôi Hồ Trương là một người mà bây giờ mình gọi là "mô phạm". Cũng có lẽ vì tôi và Hồ Trương không mấy khi cùng trong một nhóm nhỏ. Ở Trỗi thì cậu ở B khác, sau này là "B chuyên lớp chọn" còn tôi ở B2 toàn những thằng trung bình về sức vóc và học lực; ở đại học thì cậu là Sinh còn tôi là Lý, dù cùng một đoàn bộ đội đi học; ở Viện KTQS thì cậu là Hoá còn tôi là Điện tử; sau này khi tôi ra ngoài tham gia buôn bán, làm các trò "dù không nói ra mà ai cũng biết" thì cậu vẫn là sĩ quan quân đội say sưa với đề tài; khi tôi chạy không kịp với nhịp thời đại nhẩy sang một bên, cạo đầu (còn đang định kiếm cái mũ ni che tai, có VTM biết) thì cậu vẫn còn dậy dỗ học trò và ấp ủ đề tài ứng dụng trong cuộc sống.

***

Tóm lại tôi và Hồ Trương có liên hệ gì với nhau chăng thì, như có lần tôi đã viết đâu đó trên blog này, đó chỉ là sợi chỉ Trỗi mong manh luồn qua mỗi chúng ta. Bao năm tháng mỗi người vẫn giữ mối liên hệ ấy, thì nó phải là thân lắm; nhưng không giữ gìn, để nó đứt thì cũng thành sơ đấy. Bởi thế hãy cố mà giữ gìn. Quan hệ của HBĐ với NMT cùng k8, tôi không can dự nhưng trên blog này các cậu đành lòng dứt nó, thấy buồn.

***

Mấy năm gần đây tôi làm "chưởng môn" bạn xấu. Cũng có mấy đại tá tham gia môn phái; đại tá "béo" (TL) vợ đi chuyên gia y tế Angola và đại tá "lười" (VT) vợ đi thương vụ Ăng-lê. Nhưng rốt cục bọn chúng cũng chỉ là "bạn xấu thời vụ". Vợ về đâu lại hoàn đấy. Hồ Trương thuộc diện "đối tượng phát triển bạn xấu" của tôi. Đáng tiếc là cậu vẫn "mô phạm", chả có lần nào rủ mà đi. Cũng phải thôi, cậu không có hoàn cảnh đặc biệt như mấy tay đại tá nọ, càng không có "cơ duyên" như "chưởng môn" đây. Duy nhất có một lần vì ăn trưa tiễn VC.Phước lên sân bay vào lại SG mà cậu đi nốt buổi với tôi lên vườn, góp ý "trồng cây gì, nuôi con gì". Cây tre hàng rào mà cậu gợi ý nên giữ thì bây giờ tôi đã chặt trụi, còn bọn lợn mà cậu khuyến khích phát triển thì bây giờ may lắm tôi lãi có ... phân. Xem ra đến giờ tôi với cậu vẫn không có duyên.

***

Hình như trong lần đi vườn duy nhất ấy tôi có nói chuyện với Hồ Trương về Bình tớn. Rằng nó sống lặng lẽ như chuột ở "ngoại ô" của thị xã Sơn Tây, bây giờ đã về hưu, chăn đàn gà chọi vừa vui vừa kiếm đồng vào. Có điều nhà nó bắt đầu thấm dột mà chưa tích đủ sắt để lợp mái tôn, mấy thằng Trỗi đã ứng ra giúp cậu, khi nào có sẽ trả. Hồ Trương trách tôi không thông báo để cậu tham gia đóng góp ít nhiều. Chuyện này bây giờ tôi mới nói với Bình tớn, thôi thì cũng là đưa tấm lòng của Bạn đến với bạn.

***

Cũng trong dịp nói chuyện lâu lâu ấy, tôi lân la hỏi công việc của Hồ Trương. Cậu bảo, mà tôi hiểu theo ngôn ngữ giang hồ Kim Dung, chuyên về "dụng độc". Cậu đi "hành tẩu giang hồ", thả men vào rỉ đường, bã mía để thành phân vi sinh; thả men vào nước cống để thành nước thải sạch; ... tóm lại thành danh nhờ mấy con men. Tôi hỏi chơi, vậy chứ thức ăn trong ruột ông có con men biến chúng thành c... không? Cậu trả lời "chuyện nhỏ, lắc-tô-ba-ci-lus". Rồi, để tôi làm cò thuốc. Gọi ngay cho Quốc Dũng "mày ơi, Hồ Trương nó làm được men tiêu hoá đấy". Hai thằng gặp nhau. Quốc Dũng mấy chục năm làm thuốc, chắc chưa bao giờ làm men, bây giờ toàn nhầm nói "mũ mười" (con vi trùng) thành "mũ trừ mười" (độ sạch của nguyên liệu?). Hồ Trương nghe biết nó chỉ nói nhầm thôi nên không chấp, nhưng thấy cái bản mặt cò không hiểu của tôi nên phải nhắc bạn "mũ mười". Sản phẩm của Quốc Dũng đã ra thị trường. Nó bảo cũng dòng men này mới có hai sản phẩm thôi, còn vài thứ nữa sẽ do mấy nhà phân phối khác độc quyền. Chết thật, Hồ Trương thì đã có dịp ăn men của mình qua tài chế biến của Quốc Dũng, mà cò con này chưa được con tép nào!

***

Mấy cuộc đi chơi của bạn xấu, mấy lần hội ngộ lớn bạn Trỗi, Hồ Trương đều không dự. Vì khi thì bận việc nhà, khi thì cảm vì tắm muộn, khi thì sợ nhậu vì tiêu hoá có vấn đề (cái vấn đề mà bây giờ đã biết). Có lẽ lần gặp bạn Trỗi ở Vườn Treo Pacific 281 Đội Cấn dịp Phú Hoà về(?) là lần cậu gặp cùng lúc nhiều bạn lần cuối, không kể lần vĩnh viễn sẽ gặp vào Thứ Năm tới đây. Tuy thế, dù vắng mặt, trong cuộc họp khoá nhân ngày truyền thống (15/10) tổ chức muộn vào 21/10 để thêm các bạn trong Nam ra đi Quế Lâm, mọi người vẫn bầu Hồ Trương vào Ban LL k4 mới. Dụng ý của mọi người trong Ban LL là Hồ Trương sẽ làm Trưởng, bởi ngoài sự "mô phạm" và tình thân trong bạn Trỗi thì Hồ Trương còn là Đại tá đương nhiệm khi cần thay mặt anh em vào những việc long trọng thì "chính danh". Khi Hồ Trương bệnh nặng, có chuyện đi xem thầy. Một người bạn tôi, MH (cũng là bạn lâu năm của TM), xem ngày giờ và nói "có sao Sát Kình Dương, lộc đến thì hoạ đến, lộc lui thì hoạ lui, lộc cao hạn nặng". Giật mình. Không phải vì cái chức Trưởng Ban LL k4, mà vì Hồ Trương đã có quyết định làm Chính uỷ, nhưng chưa kịp giao vì vào Viện gấp. Còn giật mình vì việc làm sản phẩm với Q.Dũng đã có kết quả bước đầu, cũng gọi là có chút lộc. Nếu vì chức Trưởng Ban LL Trỗi thì cũng chỉ là vu vơ như thể Thế Nam giật mình sau khi tôi cùng nó đến thăm, rời khỏi nhà được 30 phút thì Hồ Trương bị cấp cứu vào Bạch Mai. Liệu mình tới thăm có làm nó quỵ? Chuyến cấp cứu mà em út của Hồ Trương, cô Thi, đã nói từ trước với Vân Anh "chị ơi, anh ấy đi chuyến này là không về nữa ...". Khi Vân Anh nói chuyện này với tôi, thực lòng tôi đã trấn an "em đừng tin nó, bọn Tây Y chúng nó thua ngay từ đầu rồi, anh em mình vẫn chiến đấu". Bây giờ mới biết khoa học có tiếng nói của nó, nhưng "thất học" cũng mang lại niềm an ủi, không chỉ cho người khoẻ mà cả cho người bệnh.

***

VCP tổ chức cưới con (gái?), để tỏ ra trọng thị bèn gửi thiếp giấy đích danh (không kèm vé máy bay) cho HP, nhưng mà lại giao cho Hồ Trương. Hồ Trương không biết làm sao đưa cho HP (năng lực của dân bao cấp có hạn, không ranh ma chạy chọt như ở ngoải) lại gọi tôi nhờ làm "anh quân bưu". Thấy "đại tiện", đến lượt mình tổ chức cưới cho con gái, HP lại gọi "anh quân bưu" đến, giao đưa thiếp mời Hồ Trương. Chính ngày gọi điện cho Hồ Trương để hẹn đưa thiếp mời thì cậu nói đang đi khám bệnh ở 108. Có lẽ là đại tràng, đau bụng gì đó, nhưng họ cho khám tổng thể. Đấy là ngày 27/11. Buổi chiều tôi đến nhà, gặp Hồ Trương. Hai thằng nói chuyện, bệnh tật bây giờ vất vả quá, cả ngày mới làm được có hai thứ. Hôm sau Hồ Trương đi khám nốt các xét nghiệm còn lại. Trưa 29/11, TĐ gọi điện báo Hồ Trương nhập viện vì K. Hỏi NH, nó xác nhận và khuyên không thông báo để tránh lũ lượt vào thăm có thể gây sốc tinh thần. Chiều hôm đó, sau khi đã nói bóng nói gió trên blog (Lan man chuyện bạn) vẫn còn bức xúc phải ra "gốc ổi" (hay là Vườn treo?) uống bia với VTM, vinhnq, TL, ...

***

Sau một thời gian nghe ngóng thấy người ta ở khắp nơi đều đã biết, chắc Hồ Trương đã bị "khủng bố" nhiều rồi, tôi và TL mò vào thăm. Thấy tinh thần của cậu tốt. Vậy thì có thể công khai nêu khẩu hiệu "đông tây y kết hợp cúng". Chả mấy ngày là nhận ra Tây y đã "hàng" đầu nước, kể cả các bạn Thuỷ bều, Phước móp vốn nặng tình nhưng không "thất học". Mấy thứ đông y của anh em ta chưa có dịp thi thố, ngoài các sản phẩm mật ong và liệu pháp khí công của Thao láo. Mỗi chuyện cúng, cũng chả dễ. Mấy việc định làm cho Hồ Trương đều như không có duyên, lỡ dịp.

***

Cho đến khi tất cả mọi người thất vọng rồi, thì bài cúng cuối cùng được đưa ra. Đó là buổi chiều Chủ Nhật, tôi cùng VTM vào xem tình hình thế nào vì đã mấy hôm liền khoa cấp cứu dự báo Hồ Trương "đi", nhưng cậu vẫn dai dẳng cầm cự. Những cơn đau đã buộc gia đình phải cho tiêm thuốc giảm đau dù chống chỉ định. Bất chấp cả bệnh tật và ảnh hưởng xấu của thuốc cậu vẫn tồn tại. Cô em út Thi gặp tôi, nói "Sao lạ thế! Tây y chúng em không giải thích được tại sao anh ấy chưa đi". Sức sống dai dẳng trong con người Hồ Trương và nỗi đau mà cậu phải chịu đã làm cho những người thân yêu nhất của cậu cũng phải mong cho cậu chóng được giải thoát. VTM nhắc lời thầy, nếu không giải tâm linh thì cậu còn kéo dài và còn bị đau đớn. Dù cho các chỉ số sinh học trên máy theo dõi cho thấy đã giảm nhưng không ai muốn cậu phải chịu đựng thêm, khi điều kì diệu đã chắc chắn không đến. Bài cúng thực sự tiến hành được cho Hồ Trương, buồn thay, lại là bài cúng để cho sự ra đi của Hồ Trương được nhẹ nhàng.

***

Từ chùa Trúc Thánh, nơi cầu cho Hồ Trương ra đi nhẹ nhàng, trở về ngồi trước blog thì tôi nhận được tin nhắn của cháu Vân Chi "cô chú đi lễ chùa cùng cô Phượng nhà cháu có được không ạ". Biết thế nào là được? Chú chỉ biết chúng ta đã làm mọi việc có thể. "Chẳng lẽ đã thật sự hết cách cứu bố cháu rồi sao?" Vội gọi điện lại cho cháu "thật sự hết hi vọng rồi cháu ạ. Có những sự thật mình phải đối diện và nhận thức là nó có thật. Như những tai nạn trong đời. Phật học tinh diệu ở triết lí "không có đầu không có cuối". Bố cháu chỉ dứt mệnh này để đi sang một mệnh khác. Hãy đừng bi luỵ quá, hãy đừng níu kéo để bố cháu không nỡ ra đi. Hãy chấp nhận và như thế mọi việc sẽ tốt hơn...". Ngay lúc đó, quãng gần 21 giờ, cháu Vân Chi báo có triệu tập gia đình vào bệnh viện.

***

Tôi vào đến nơi, thấy hai bên nội ngoại đều có người. Anh Cần, chồng cô Hà, nói nhịp thở đã giảm nhiều, sẽ không kéo dài lâu. Cô Thi cho hay từ chiều, sau khi làm lễ, Hồ Trương đã không còn bị đau đớn nữa. Không chắc đã do làm lễ, nhưng ít ra những điều trùng hợp đó cũng làm yên lòng mọi người. Rất lâu, rất lâu, sang ngày hôm sau được ít phút, tôi ra về như là một cách để thoát khỏi cảm giác ích kỉ mong cho cậu ra đi sớm, cùng với hi vọng mơ hồ rằng Hồ Trương sẽ còn kéo dài cho tới sớm hôm sau và tôi sẽ lại có mặt vào lúc cậu ngừng thở. Nhưng Hồ Trương không chờ được đến lúc tôi quay trở lại. Cuộc gọi từ lúc trời còn tối đen cho hay cậu đã ra đi nhẹ nhàng lúc 4h và tôi đã không có cơ hội làm việc mà một người bạn thân khi đó có thể làm là ở bên bạn lúc lâm chung.

***

Có những lúc tôi tự hỏi liệu có thể đối xử với bạn Trỗi khác như đã làm với Hồ Trương, dù có nhiều chăng chỉ là thời gian. Dường như câu trả lời là "không"! Cũng không có lí do nào để giải thích rõ ràng. Mà đơn giản chỉ bởi vì tôi đã không bắt mình phải làm như vậy, vì thế cũng không tin rằng mình sẽ lại làm như vậy. Tuỳ duyên. Cái đó liệu có phải thứ "phẩm chất" mà cháu Vân Chi, sau khi biết tôi đến cùng vẫn không tin Hồ Trương bị K chỉ vì "chưa sinh thiết", đã kết luận đến tai tôi "các bạn của bố giống bố, gàn lắm". Cũng có thể gàn là một trong những thứ gắn bó bọn Trỗi chúng ta một cách hơi bị "lập dị" sau gần nửa thế kỉ? Bây giờ mà cứ tưởng mình còn ở Đại Từ thời 1965./.

Thành lập hội Bảo Thọ?

Vấn đề mà Dũng Sô nêu ra dưới đây xứng đáng được đăng ở một bài riêng. Nhất là sau những tổn thất năm qua của riêng k4 và của Trường. Mỗi một trường hợp mất mát đều có một chữ "nếu". Có lẽ anh em nên tự giác vào Hội Bảo Thọ để còn gặp nhau dài dài.

Chiều thứ 7 đang liêu khiêu ở phòng kĩ thuật của CT thì chuông điện thoại réo, giật bắn cả mình,Alô anh Sô phải không? anh đến Bệnh viện Chợ Ray ngay,anh X.Minh bị tai nạn, em và anh Đinh đang ở hiện trường ( Nguyễn Đình Chiểu_ Trần Quốc Thảo).Tá hỏa chạy vội đến BV ,Alo cho Trình ,hắn đang lo chụp citi cho X Minh. Chờ, một lúc sau thấy Trình Cùng vợ chồng Đại Định đẩy xe đưa XM ra.Hỏi Trình tình hình ra sao, chắc ổn thôi không có tổn thương sọ não, mừng. Nhìn ông bạn li bì lơ mơ thấy mà thảm, đầu ( trán) sưng một cục to tướng.Thật tình có một thằng đầu vào ở CR cũng có lí. XM còn may chán, chuyện thế này : xM cùng thằng em họ đến nhà ông anh nhậu, biết ông anh uống sẽ liêu khiêu nên thằng em không uống. Nhậu xong ra về , thằng em kè theo, song đường đông, kẹt xe, ông anh mất hút. Mấy mươi phút sau thì nhận được alo của Y Trình tá hỏa chạy ngay vào viện.Nhờ thằng em liện lac Gia đình XM mới biết.XM may là nhờ gặp người tử tế, khi tai nan xảy ra,xe gây nan bỏ chạy, một người đi đường nhặt điện thoại của nó gọi bừa, thế nào lại trúng anh Chí. Anh Chí liền chỉ thị cho ĐC yến Trình vào giải quyết ngay . Vợ chồng Đ Định cũng nhận được ĐT cấp tốc chạy ra hiện trường chờ lập xong biên bản mới vào viện.Ơn Giời Cái CNTT kia nó giải quyết nhanh chóng mọi lúc moị nơi. Hôm qua gọi ,hôm nay gọi điện cho XM giọng đã rõ ràng , không còn thều thào nữa,mừng hắn đang ổn.Với thành tích chăm sóc sức khỏe của AE và mọi người một cách tận tâm và nhiệt thành, Nay
Thay mặt AE quyết định tặng thưởng Đ/C Bùi Yên Trình huân chương DANH DỰ BANTROI cao quí.
Lưu ý Anh em nên đang kí số điện thoại can thiết để khi có việc khẩn cấp dễ bề liên lac ( nhà,vợ hoặc con chẳng hạn).
DS

Tin buồn: Phạm Hồ Trương k4 mất

Thay mặt BLL k4 xin báo để các bạn biết:
Anh Phạm Hồ Trương học sinh k4, sinh 1951, vì bệnh nặng, đã mất lúc 4 giờ sáng ngày 21/1/2008.

Chương trình tang lễ:

Địa điểm: Tang lễ tổ chức tại Nhà Tang lễ Quân đội
Thời gian: Ngày Thứ Năm 24/1/2008.
Lễ viếng: từ 8 giờ đến 10 giờ
Lễ truy điệu: 10 giờ
Đưa tang: mai táng tại Nghĩa trang Thanh Tước, hạ huyệt vào 13 giờ

K4 dự kiến có mặt 9h để vào viếng. Anh em nào có điều kiện thì đưa Bạn về nơi an nghỉ cuối cùng.

(Nguồn ảnh: KQ)

Chuyến bay ngược

Chỉ riêng năm qua số lượt bay ra Hà Nội nếu đếm đầu ngón tay cũng đã quá 2 bàn tay, nhưng chuyến bay này tôi gọi là "chuyến bay ngược". Lúc này là 6g45 sáng thứ sáu, 4/1/2008, chiếc Boeing 767 của PA cất cánh từ Tân Sơn Nhất vừa đạt độ cao...

Đặt báo thức lúc 4g45 nhưng 4g30 đã thức giấc. Có lẽ trong cuộc đời đây cũng là “chuyến đi dài”? Ở nhà ga, 5g30, nhận được tin nhắn mẹ vợ Dương Minh mất. Tiếc là không thể đến thắp hương cho cụ. Lần này cả nhà chuyển ra Hà Nội mà tôi là người đi trước. Ngồi trên tầu nhìn xuống sân ga bỗng trào dâng 1 nỗi buồn man mác. Sau 15 năm lại có chuyến đi xa, lại 1 cuộc di chuyển lớn!

15 năm trước, từ Ba lan trở về, tôi vào sống ở TpHCM. 15 năm ấy với bao kỷ niệm cùng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... 4 năm đầu cùng anh em xây dựng Cty Tiến Long. Nhưng vì khác tiêu chí mà tôi mạnh dạn ra đi. Sau đó cùng cô em dâu (Vượng - vợ Trần Thành Công k6), bắt tay liên doanh với Cty MSA (Hàn quốc). Liên doanh chỉ kéo dài 4 năm, không chịu phụ thuộc nên chúng tôi dũng cảm tách, gây dựng Cty của chính người Việt. Đó là những năm đầy thử thách (nợ ngân hàng như chúa Chổm!) nhưng nhờ Trời và với những cố gắng của từng thành viên mà chúng tôi vượt qua rồi đứng vững trên đôi chân của mình. Cho đến ngày hôm nay, chúng tôi có 2 cơ sở không nhỏ tại TpHCM và Quảng Nam, với hơn 2000 công nhân (nếu đủ là 2800) cùng hệ thống nhà xuởng khá hiện đại. Có thể tự hào mà nói rằng: thương hiệu “Việt Vương” hiện đã có mặt trên trường quốc tế.

Cách đây 2 hôm, buổi chiều, khi phát biểu chia tay trước 1200 công nhân tại TpHCM, từng là người lính nhưng tôi không kìm được sự xúc động của mình. Chia li với “những người sống thực sự vì nhau” quả không dễ!

Tối hôm đó, Cty tổ chức “Thanks party” tại nhà hàng Jodee. Cán bộ chủ chốt đều có mặt. Trong số đó có những người đã gắn bó với chúng tôi suốt chục năm qua, có bạn trẻ vừa ra trường đã đặt niềm tin vào chúng tôi, có không ít bạn dám bỏ nghiệp mình ở Sông Bé lên thành phố cùng dựng liên doanh. Cho tới khi không thể kéo dài liên doanh thì các bạn lại theo chúng tôi dựng cơ đồ Việt Vương. Chúng tôi đã tạo cho các bạn trẻ 1 môi trường làm việc tốt, phát huy được tính sáng tạo của mình và chính các bạn đã xây dựng 1 tập thể sống rất tình người.

Trong không khí của đêm đầu năm, trong hương vị đậm đà của bia tươi Tiệp cùng những tâm sự và lời ca (mà lạ là anh em Việt Vương rất thích hát những ca khúc cách mạng!) thì nỗi buồn của sự chia ly được thay bằng sự hân hoan đón chào 1 năm mới, 1 hạnh phúc mới. Tôi lên hát “Điều giản dị” bài mà Dương Minh Đức bạn tôi hay hát: “Hội ngộ và chi ly - cuộc đời vẫn thế, dẫu là mặt trời nồng nàn khát khao hay đêm mịt mùng lấp lánh ngàn sao…Và ta biết một điều thật giản dị, càng xa em ta càng thấy yêu em”. Anh em hòa giọng hát theo cùng rừng tay hưởng ứng… Vâng, phải xa nhau nhưng chúng ta mãi không xa!

… 8g20, máy bay hạ cánh xuống Nội Bài. Nắng sớm đẹp. Nhiệt độ ngoài trời 10 độ C. Không khí lạnh nhưng rất sạch, báo hiệu 1 năm mới đầy tốt đẹp!

Leipzig, Cuộc hội ngộ đầy thú vị...











... Cuộc vui đã kéo dài suốt từ 17.00 giờ chiều thứ 7 đến hơn 2 giờ sáng ngày chủ nhật mới giải tán. Sáng nay ngủ dậy, cảm thấy cổ họng rát bỏng và tiếng nói khàn khàn như vịt đực, chợt nhớ lại : tối qua thằng nào cũng tranh nhau "gào", mà "gào" hơn 9 tiếng đồng hồ thì đến cả cái cổ họng bằng thép của nghệ sĩ yêu tí DMĐ cũng xin "chào thua" (?). Vui như một cái chợ vỡ. Ra ban công hít thở không khí trong lành của buổi sáng mùa đông thì mấy thằng bạn hàng xóm người Đức hỏi : Tối qua nhà mày có hội hè gì mà ồn ào dữ vậy? Chỉ biết nhún vai không trả lời. Bởi vì có giải thích thế nào đi chăng nữa, chúng nó cũng không thể hiểu được tình cảm của những thằng lính Trỗi gặp lại nhau sau gần nửa thế kỉ xa cách. Quang xèng.

HẬU DUỆ CỦA HỒ QUÝ LY




Bản thân Lịch sử dường như không mấy tin tưởng vào các sử gia. Và trong Lịch sử nhân loại, phải thừa nhận rằng có không ít các sử gia đã uốn cong ngòi bút vì lý do này hay lý do khác. Vì thế tôi cảm thấy lịch sử có những cách „đánh dấu“ rất riêng của mình vào trí nhớ, vào sự suy nghĩ của các cá thể của loài người.Cách“ đánh dấu“ ấy rât đa dạng ,và nó xảy ra ở các cá thể hoàn toàn khác nhau, không cá thể nào giống cá thể nào. Nhờ thế mà Lịch sử trở nên thiêng liêng và hấp dẫn.
Nếu tính thật chính xác thì tôi và Hồ Quý Kỳ xa nhau đã 39 năm( từ năm 1969), trong trí nhớ tôi thì nó là thằng „cá gỗ“. Nay gặp lại mới biết nó vốn là học sinh miền Nam Hà đông, trước khi vào trường Trỗi. Chỉ khi đã lớn ,HQK mới biết rằng gốc gác của nó đúng là dân „cá gỗ“ thứ thiệt và nó là con cháu của Hồ Quý Ly. Vậy là trí nhớ của tôi có lý!
Sau 39 năm thì có rất nhiều chuyện để nói. HQK kể cho hội ở Đức nghe tỷ mỷ chuyện bán cháo và suy nghĩ khi đi đến quyết định bán cháo. Trong hoàn cảnh như thế mà có quyết định đi bán cháo thì thực ra đó chính là cách suy nghĩ của các bậc vương giả.
Trước khi đến nhà Quang xèng để nhậu một trận tưng bừng với cả Chí Hòa, Võ Hùng, Thắng (K9) tôi đưa Kỳ, Vân, Hòa gù đi dạo Leipig. Chúng tôi không ngờ rằng lại được gặp nhau ở đây, sau chừng ấy năm. Vân của Kỳ sinh năm 1969, chị em ở Đức bảo „Vân đẹp như tiên“. Tôi không phải là một người quá khắt khe, nhưng công bằng mà nói so với tiên, Vân còn thua đôi cánh!
Hòa gù ,Kỳ ,Vân rất chu đáo, chúng nó mang cả bia, rươụ vang của Tiệp, chè VN sang đây. Bây giờ chúng nó đã về đến nơi, Hòa gù đã gọi điện về. Vợ chồng tôi tự nhiên thấy buồn quá.
Kỳ Vân mang sang đây mấy quyển sách tiếng Việt. Nó không bảo tặng, cũng chẳng bảo cho mà lại nói là „san sẻ“.Ngẫm ra nó có lý. Sau từng ấy năm mới gặp nhau thì tất cả những cái gì mang đến cho nhau ta đều có thể gọi là „san sẻ“ được.
Lần này tôi lại hiểu ra một cách „đánh dấu“ nữa của lịch sử.

Thứ Bảy, tháng 1 19, 2008

Ai cũng bảo là em trẻ giai

Duy Đảo

Chào các Bác! Em cũng định bụng là sẽ gửi tiếp cho các Bác phần cuối cuả câu chuyện tuần trước-KỶ NIỆM, nhưng rồi lại thôi. Để vào một dịp khác vậy, “Ra giêng ngày rộng tháng dài” em sẽ Post lên, để tiếp tục “tra tấn” các Bác.
Em biết, và được nghe nhiều chuyện và giai thoại “bí mật” của cánh Trỗi nhà ta. Riêng ở mảng “tâm lý, tình cảm bí mật” này, em đã viết được một chuyện. Chuyện đó em đặt tên là: CHUYỆN CHỊ HẠNH. Em nghĩ, câu chuyện này thế nào rồi em cũng phải “bật mí”, để các Bác truy tìm xem nhân vật ấy là ai, trong các Bác khóa trên của trường ta. Riêng em, em biết chính xác 100% nhân vật ấy, nhưng em thề là sẽ không bao giờ khai, dù có “tù tội, tra tấn” thế nào đi chăng nữa.
Trong vô vàn những chuyện thật, chuyện đùa, chuyện vui … mà em đã kể, hoặc sẽ kể sau này, nếu có. Em mong các Bác đừng nghĩ đó là chuyện của riêng em, hoặc cụ thể một ai đó trong chúng ta. Có thể có Bác nào, tìm thấy đâu đó có cái gì nó giông giống, từa tựa … thì đó cũng chỉ là do em gán ghép linh tinh, lang tang mà vô tình nó “trúng” mà thôi. Em cũng mong các Bác đừng cho những điều em viết ra là “văn”, mà em có ý định chơi ngông, múa rìu qua mắt thợ. Những điều em viết chỉ là những “mảnh vụn” trong cuộc sống mà em lượm lặt được mà kể lể ra. Mục đích của em là kể cho các Bác nghe, góp vui, xẻ chia trên Blog của của cánh Trỗi ta vậy thôi. Cảm ơn các Bác.
Ai cũng bảo là em trẻ “dai”. Chẳng phải một người nói mà các Bác bảo là em ngộ nhận. Em ví dụ cụ thể cho các Bác như thế này, để các Bác tin là em cấm có biết nói dối.
Một lần đi uống bia “vui vẻ”, lúc chia tay bịn rịn thế quái nào, lại sẵn có tiền lương vừa nhận được ở cơ quan lúc chiều trong túi quần, mà em chưa kịp về nộp “kho bạc”. Thế là em bị lẫn.
Lần này em bị lẫn về số lượng, chứ không lẫn về mệnh giá như có lần em đã kể cho các Bác nghe. Thật là ở đời chẳng cái dại nào, giống cái dại nào. Các Bác cứ nghiệm mà xem, các cụ ngày xưa nói cấm có sai.
Em thò tay vào túi quần, mặc dù đã có hơi men nhưng em vẫn cố tỉnh táo để tránh tình trạng “phá giá” mà anh em đã nhiều lần chửi em.
Sau một hồi lần mò trong túi, em lôi ra được hai tờ 50.000 đồng. Em biết thừa hai tờ là vừa đúng 100.000 đồng. Vì buổi chiều em đã để riêng xấp 50.000 đồng ở túi bên Phải, để về nộp vào “kho bạc”. Còn túi bên Trái là số tiền linh tinh, em trích ra để trang trải xăng xe, cà phê cà pháo và các việc lặt vặt trong tháng.
Loại tiền Polime mới này, nó bền, nó đẹp, nó tốt thật nhưng nó cũng có nhiều cái phiền toái.
Em đờ đẫn hết cả người khi nghe tiếng cô tiếp viên thủ thỉ như đổ mật vào tai:
- Sao cưng “bo”cho em nhiều thế, những ba tờ cơ à.
- Thôi bỏ mẹ em rồi! Em giật thót người, như khi còn bé, leo cây bị kiến Vống nó cắn vào chỗ hiểm.
- Thế là em lại bị “kẹp díp” mất rồi!
(Hay thật! Em nghĩ mãi mới ra cái từ này, “kẹp díp”. Quá hay! Em thử hỏi các Bác, nếu không có cái anh Tây mắt xanh, mũi lõ, khai phá văn minh xứ Đông Dương thuộc địa ta, thì làm đếch gì có cái từ “kẹp díp” mà hôm nay em hầu các Bác đây.)
Em chỉ kịp loáng thoáng nghĩ trong đầu như vậy.
Chậc! Nhưng thôi, lao động quần quật như thế, dễ đến bốn tiếng đồng hồ, kể ra là quá sức đối với một người lao động chân tay bình thường, chứ chưa muốn nói là lao động đặc biệt, nặng nhọc, trong môi trường độc hại.
Em thấy cũng xứng, hơn nữa em sợ nhất là vi phạm luật pháp. Thời buổi kinh tế thị trường, mọi người đều phải sống và làm việc theo pháp luật. Công dân lao động có trách nhiệm, có năng suất, có nhiệt tình, thì mức thù lao như thế kể cũng đáng đồng tiền bát gạo, là phù hợp với bộ luật lao động hiện hành, chứ cũng chẳng đắt rẻ gì.
Bù lại, các Bác có biết em sướng nhất điều gì không? Nó là thế này.
Sau khi hôn chùn chụt vào má trái lẫn cả má phải của em, dù đã ngà ngà say nhưng em vẫn nhận ra cái ươn ướt và cái nóng hôi hổi của cặp môi dày tham lam. Đã là cái khoản tình cảm nó phải nhẹ nhàng, phải e ấp, rụt rè. Đằng này cứ như lợn đẻ, nuôi con, ba ngày không được bữa cám. Khiếp thật! Hôn mà cứ như đánh vật, như ăn tươi nuốt sống người ta không bằng. Em cứ hãi mãi.
Giọng cô gái khào khào, nhừa nhựa vì cũng đã quá chén.
Cưng dễ thương quá! Cưng nói thế nào chứ, em ứ có tin là Cưng bằng tuổi Ba em. Em chỉ đoán Cưng ngoài “băm” là cùng.
Lạ thế! giọng miền Tây Nam Bộ của cô gái pha lẫn một vài “thuật từ” mà chỉ có những sĩ phu “Bắc kì” mới có thể nghĩ ra. Em đoán, chắc là mấy Bác HN nhà ta, đi làm ăn xa hoặc sau giải phóng vào định cư ở thành phố phương Nam, hay la cà, lần mò tơí đây nên cô gái bị đồng hóa chăng? Đúng là “gần mực thì Bia, gần …
Như thế là trẻ chứ còn gì nữa có đúng không? Các bác bảo em già với ai cơ chứ. Các Bác đã tin em chưa.
Có một Bác sau khi đọc “Ngày đầu mới về hưu”của em. Bác ấy có an ủi, là em vẫn còn may. Thôi! Em xấu hổ lắm, em mà kể hết ra các bác lại bảo là vạch áo cho nguời xem lưng, người đời độc miệng, người ta lại cười cho.
Kể từ lần đó trở đi, các Bác và các bạn có biết không? Đi đâu, mua bán cái gì, em cũng cẩn thận “miết “ thật kỹ, “miết” từng tờ một.
Lúc đầu em còn nhấp nước bọt để “miết” cho nó tăng ma sát, tăng độ dính. Nhưng rồi em nghe ai nói, hay là em xem trên Tivi, hay do em đọc báo, đọc sách, cũng có thể một lần nào đó em lọ mọ cập nhật trên Internet, em cũng không nhớ nữa.
Lắm lúc em cứ như người ngộ chữ, chẳng biết là mình nghe, mình xem, hay mình đọc ở đâu : “Nhấp nước bọt khi đếm tiền rất dễ bị lây nhiễm SIDA”. Nên em hãi.
Từ đó em cạch, em không bao giờ dám nhấp nước bọt khi đếm tiền.
Có lẽ vì thế bây giờ da ở hai đầu ngón tay – Ngón trỏ và ngón cái của em nó cứ cứng lên, nó dầy ra. Người thì nói là em bị chai tay, người thì lại bảo là tay em bị nấm nó ăn, chẳng biết tin ai. Có người lại tưởng là em giàu, thương em, cứ giục em sang Singapo kiểm tra sớm, nhờ y học hiện đại nó xem, cho chắc ăn.
Em nghiệm thấy em trẻ “dai” được như ngày hôm nay như người đời vẫn khen, cũng có thể là vì một phần nhờ vào cách sống của gia đình và cũng có thể là vì do em thường xuyên giao du với lũ bạn thân, học với nhau từ hồi trường Trỗi, có máu hài hước và tiếu lâm.
Tính em hay ki cóp, thấy cái gì vui, cái gì lạ là hay nhớ dai. Nhiều lúc em cứ nghĩ giá mà đường học hành của em cũng “nhẹ nhàng” cũng nhớ dai, nhớ lâu như những điều em vừa kể trên thì chẳng phải nói. Gì thì gì chứ cái chức phó giáo sư phong vét đợt vừa rồi thế đếch nào cũng có tên em.
Em nói sợ các bác lại nghĩ khác đi, cho là em ba hoa, lên gân, dựa hơi, cậy có “ông anh” cùng trường là P.T.T lại là nhân vật quan trọng trong hội đồng “thẩm định phong tước hiệu” đợt vừa rồi mà nói vống lên, lấy le với thiên hạ.
Hôm nay Em sẽ hầu các Bác một câu chuyện, mà trong bước đường đời “trôi dạt” nay đây, mai đó của em, em lượm lặt và nhớ được.
Em kể lại “copy” đúng như nguyên tác, còn nguyên tác hư thực ra sao thì em không chịu trách nhiệm. Nếu các Bác đồng ý thì em mới dám.
Thây kệ! Các Bác không đồng ý thì em cũng quyết chép nó ra đây vì em đang “mót” kìm không được nữa, còn các bác có “tiêu hoá” được hay không lại là chuyện khác.
Nhưng dù sao các Bác cũng phải cho em một vài lời góp sau khi đọc xong đấy nhé.

GIỖ ÔNG, GIỖ BÀ
Vào đầu những năm 1980, lúc đó em đã ngoi lên được tới cấp Thượng úy, là cán bộ đại đội của một tiểu đoàn tên lửa nằm trong đội hình bảo vệ một hải cảng quan trọng ở vùng biển cực Nam Trung bộ.
Đơn vị của chúng em vừa nhận khí tài, vừa tiến hành huấn luyện chuyển loại do chuyên gia Liên Xô trực tiếp đứng lớp.
Khí tài của chúng em rất nhiều và là thế hệ “mới”. Do đó việc bảo vệ và đảm bảo an toàn cho khí tài là công tác vô cùng quan trọng.
Trong khu vực đóng quân, chúng em chia làm nhiều vọng gác, và thường trực canh phòng 24/24. Cán bộ đại đội chúng em hàng đêm phải thay phiên nhau làm nhiệm vụ đốc gác, có nghĩa là đi kiểm tra các vọng gác xem việc chấp hành kỷ luật có nghiêm không.
Đêm hôm đó tới phiên trực của em. Sau khi đi kiểm tra trở về chòi canh. Nằm miên man không ngủ được, qua ô cửa, ánh trăng đã quá rằm không còn sáng nữa, nó nhờ nhờ, đùng đục cộng với tiếng sóng biển ầm ào, lúc nhỏ, lúc to vọng qua cánh rừng dương càng làm không gian thêm huyền ảo.
Bỗng em nghe thấy tiếng hai người lính, chắc là sau một vòng tuần tra, đang ôm súng, ngồi thì thầm kể chuyện cho nhau nghe ngay sát chòi canh, chỗ em nằm.
Em nhoai người cho gần ô cửa nhìn ra xem ai? Thì hoá ra là Phi và Duân, lính của đại đội em.
Đối với Phi người lính đeo lon binh nhì này thì em không bao giờ quên. Khi em về Hà Nam Ninh tuyển quân, thế quái nào em lại về đúng cái làng của ông Chí Phèo mà Nam Cao chọn làm nhân vật chính, sau này trở lên nổi tiếng trong tác phẩm cùng tên, để tuyển.
Ông xã đội trưởng vui tính có hàm răng hô, xỉn màu nước dưa, sau khi giao quân xong, trước khi tiễn em lên xe còn vỗ vai em thân mật:
- Đồng chí sỹ quan, nhờ đồng chí quan tâm tới cậu Phi hộ em, nó là chỗ bà con, hơn nữa nó còn là cháu họ hàng xa với ông Chí Phèo mà Nam Cao đã viết truyện, thành phần cốt cán, “tốt nắm” nếu hết nghĩa vụ có đợt tuyển sỹ quan, đồng chí ưu tiên thành phần, xét cho em nó đi.
Cho nên em nhớ lắm. Em cũng định bụng nếu có cơ hội nhất định em sẽ giúp người lính này toại nguyện ước mơ.
Còn Duân, cái tên này em nhớ được là do cái lưỡi. Cái lưỡi của em vặn vẹo, đau rát lên mỗi khi điểm danh đơn vị đọc tới tên Duân. Nếu không tin các Bác cứ đóng cửa lại, đuổi hết vợ con ra ngoài, ngồi một mình trong phòng kín rồi đọc thử. “Duân! Binh nhì Lã văn Duân!” mà là phải đọc to, đọc thật to cơ, xem lời em nói có đúng không? Không lại bảo là em hay nói ...
( Đấy may quá! Em kiềm chế được, chứ không em lại nói tục. Em đã hứa với thằng bạn cùng K.6 với em. Nó tên là Sơn – Sơn lé, có lần nó đã tuyên bố “Anh em mình đều U.50 cả rồi, ngồi chuyện trò với nhau, câu cú, từ ngữ cho nó có văn hóa “đ...” được thằng nào nói bậy đâu đấy nhé” )
Chính vì thế mà sau này cứ đến “tiết mục” điểm danh đơn vị hàng tuần là em đùn cho thằng “phó” của em, cho nó chịu trận.
Tiếng của Phi kể cho Duân nghe đều đều, tiếng được, tiếng mất, em phải cố gắng lắng nghe mới rõ:
Tớ có người anh họ, cùng chi với ông Chí Phèo. (Thực ra tên Chí Phèo là do ông Nam Cao ông ấy nghĩ ra chứ tên tục của cụ tớ là Nghẽo cơ) - Phi giải thích cho rõ thêm.
Nhà anh tớ nghèo, lại chỉ có hai mẹ con, hai người chui rúc trong mái nhà tranh, một gian hai chái. Tuy nghèo nhưng tất cả các ngày giỗ kị của gia đình trong năm hai mẹ con lúc nào cũng nhớ và chăm lo tươm tất. Mẹ của anh tớ, bà ấy thường nói “cái tình cái hiếu nó là lẽ ở đời mà ai cũng phải biết giữ, chứ chẳng có ai “giàu ba họ, khó ba đời” mãi”.
Vì nhà nghèo nên đã ngoài 30 mà anh tớ không lấy được vợ - Phi kể tiếp.
Thế rồi do mai mối anh tớ quen được một chị ở làng bên. Chị này hiền lành khỏe mạnh, và đạo đức lắm, nhưng ngặt nỗi bị cái tật nói nhịu, nói ngọng, nên chuyện tình duyên cũng lận đận.
Rồi cái gì đến cũng phải đến. Sau “đám cưới” cô gái về làm dâu. Nhà có mỗi cái chõng tre, bà mẹ “tặng” cho đôi vợ chồng. Gian nhà được ngăn làm đôi bằng một tấm liếp. Phía trong là “giường ngủ” của hai vợ chồng. Phía ngoài bà mẹ mượn tạm mấy tấm ván nhà hàng xóm về kê lại lấy chỗ ngả lưng.
Đêm tân hôn, trời đã khuya lắm, mừng vì con cưới được vợ, cộng với tuổi già khó ngủ bà mẹ cứ thao thức.
Đang trằn trọc bà bỗng nghe thấy tiếng của người con dâu thổn thức vẳng qua khe liếp:
Giỗ Dồn, ....G i..i ...ô .ô ô ỗ Dồn ...
Bà mẹ trộm nghĩ, làng nước người ta đồn cấm có sai, đêm tân hôn là đêm của nhiều việc, là đêm của những việc khác, “nó lớn, nó hệ trọng” ... Thế mà con bé nó vẫn không quên ngày giỗ kị nhà chồng, thật phúc lớn.
Nhưng càng nghe càng cảm phục người con dâu bao nhiêu thì bà mẹ càng tức bấy nhiêu thằng con mình.
Bà đưa đôi bàn tay nhăn nheo, gầy guộc, huơ huơ trong đêm, bấm từng đốt ngón tay.
Tháng Ba, bà nhớ như in cái tháng ba khủng khiếp năm 1945, nó cứ ám ảnh suốt cuộc đới cay cực của bà.
Bố bà chết thảm khi cố nuốt hết bát cám mà bà đem về sau một ngày cật lực làm thuê cho nhà Lý Được, người duy nhất trong làng còn có hột gạo, hũ mắm.
Rồi “phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí” cũng cuối cái năm Ât Dậu ấy, mẹ bà cũng bỏ bà ra đi vào đúng cái ngày nước rươi.
Không biết tại sao mà năm ấy rươi nhiều đến thế, mới tháng Tám mà rươi nổi đầy sông, đầy ngòi. “Tháng Chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” là hai ngày rươi nổi nhiều nhất trong năm mà dân gian đã tổng kết. Người làng đồn rằng do nhiều người chết quá nên đang nằm sâu trong lòng đất, đói ăn, nên rươi ngoi lên sớm kiếm cái ăn.
Nghe nói loài nhuyễn thể này, nguyên liệu của một món ăn đặc sản nổi tiếng xứ Bắc sắp tuyệt chủng, vài năm nữa thôi chắc món ngon này chỉ còn trong sách “Đỏ”, trong hoài niệm của đám thực khách sành ăn mà thôi.
Cho nên hai cái ngày đại tang đối với bà, không bao giờ bà có thể quên được.
Bực mình vì cái điệp khúc “giỗ dồn” cứ thốc vào tai, bà không còn chịu được nữa, người già thường hay chịu đựng, và nhẫn nhục, chỉ khi nào quá lắm, quá thể lắm người ta mới có chính kiến của mình.
- Mẹ tiên sư nó, đồ bất hiếu, mới có tí vợ vào mà đã mụ mị hết cả đầu óc, không còn nhớ được ngày giỗ của ông, của bà mình là gì nữa.
Hai ngày giỗ: Giỗ Ông – Tháng Ba, Giỗ Bà – Tháng Tám, cách nhau xa như thế, những năm tháng, thế mà nó nói với vợ thế nào, để vợ nó bảo là “ Giỗ dồn”, thế này thì hoạ to rồi”.
Bà nghĩ thế, chỉ nghĩ trong bụng thế thôi, chứ cả đời, bà có bao giờ biết nặng “nhời” với con, bà vẫn tin ở thằng con trai của mình, mà cố “chịu đựng”.
Nhưng cái gì nó cũng phải có giới hạn của nó, ví như con giun “xéo lắm thì nó cũng phải oằn”. Nghe mãi bực mình, không thể chịu được nữa, Bà mới hắng giọng, nói vọng vào trong.
Giỗ Ông tháng Ba, giỗ Bà tháng Tám. Dồn đâu mà dồn.
Tự nhiên tiếng cô con dâu câm bặt phía đằng sau tấm liếp thưa.
Và cũng từ đó trở di, trong không gian yên lặng của làng quê, người ta chỉ còn nghe thấy tiếng ếch, nhái kêu uênh oang, tiếng dế gáy rả rích, tiếng hạt sương lộp độp rơi trên mái gianh, nhưng cũng không làm sao át đi được tiếng chõng tre, nó cứ kẽo kẹt, kẽo kẹt ,lúc thưa, lúc dồn dập, mải miết cho tới tận sáng.
Câu chuyện của hai người lính kể cho nhau, mà tôi nghe lỏm được chỉ có thế thôi các Bác ạ.
Tới sau này có mấy bà cùng làng nhưng “thoát ly, buôn dưa lê” mãi trên chợ huyện kể lại rằng:
Có gì đâu. Do cô dâu có tật nói nhịu, trong đêm tân hôn, hai vợ chồng “đùa nghịch”, anh chồng chỉ vào chỗ “ấy” của vợ hỏi: lỗ gì? Và người vợ trả lời. Như thế nào thì các Bác đã biết rồi đấy.
Thưa các Bác! Thế nào khi đọc xong chuyện này cũng có Bác chửi em: Có mấy chữ bọ mà cà, kê, dê, ngỗng “nàm” mất hết cả thời gian vàng bạc của anh em.
Thôi em “phắn” đây, nghe chửi còn đỡ, lỡ có Bác nào nóng tiết, không kiềm chế được, cho em một “trưởng” thì em chết. Nói dại, lỡ em có mệnh hệ gì “vợ trẻ, con dại” để lại em biết tin tưởng vào ai.
Tạm biệt! chúc các Bác và các bạn một ngày nghỉ cuối tuần tốt lành.

TP HCM - 15/01/08
Anh cu Duy Đảo không biết thế nào lại bị mất quyền đăng bài. Vì thế tôi phải đăng hộ. HT

Trong mọi cuộc chơi phải có người biết hy sinh

Sáng qua, ngồi ở quán Café ngay chân Cột Cờ. Chuông reo, màn hình hiện lên "HONG LOI T6". Vội trả lời:
- Hùynh Hồng à? Q đây!
- Ông ra Hà Nội cả nhà à? Sao không để vợ con lại trong này rồi đi đi về về, để anh em còn gặp nhau?
- Công việc mà! (Cuối năm có làm 1 party nhỏ với anh em ở Jodee Beer chia tay năm cũ, nhưng không dám lộ là sẽ đi lâu. Rồi anh em biết cả)... Này, hôm qua đến thăm nhà liệt sĩ Trần Hữu Dân k7 ở 45A Quang Trung, được thăm lại căn hộ của cụ Mười Trí. Anh em nhìn lại cái cửa sổ trên gác mà Hồng và Cúc "lồi" bị phụ huynh khóa cửa nhưng vẫn trèo ra, trốn đi chơi đấy.
- Vậy à? - Hồng cười ha hả.
- Sao mãi chưa có bài trên blog?
- Mai tôi đi thăm Quốc Bình, ông ạ! Nó nằm ở trại xa thành phố đến 200km, giờ yếu lắm. Đơn độc, chẳng ai chăm sóc. Sợ rằng... Khi về sẽ viết.
- ...
Thật cảm động! Không chỉ Hùynh Hồng mà lính ta ở khóa nào cũng có những người "vác tù và", biết hy sinh cho bạn như thế. Xin cảm ơn các bạn!
Còn sáng nay, Phú Hòa và vợ chồng Hồ Quý Kỳ bắt đầu rời Praha sang Leipzig thăm anh em Trỗi. Tuyết chắc dày lắm? Trắng xóa. Trời lạnh bao nhiêu độ dưới 0? Chúc các bạn hội ngộ vui vẻ và được sưởi ấm bằng tình bạn chân thành của những thằng Trỗi con!

Thứ Sáu, tháng 1 18, 2008

Số phận bức ảnh sau gần bốn chục năm thất lạc

“Chuyện xuất xứ bức ảnh trên bìa 1 của SRTKL tập 2 đã được Đỗ Nghĩa k7 đăng lên ÚT TRỖI có bạn tư vấn nên trả lại cho Bảo tàng Quân đội. Nhân dịp ra Hà Nội, Nghĩa muốn làm việc đó. Sáng nay, 18/1/2008, chúng tôi (Đỗ Nghĩa, Khắc Việt và Kiến Quốc) cùng thầy Chi Phan đã đến Bảo tàng Lịch sử quân sự. Vừa vào cổng, thầy Phan báo trực ban cho gặp Thiếu tướng Giám đốc Lê Mã Lương. Chúng tôi được mời vào phòng khách. Vừa nghe qua câu chuyện, anh Lương mời ngay các trợ lí vào làm việc…” hồi kết câu chuyện về “Số phận bức ảnh sau gần bốn chục năm thất lạc”. Để biết được xuất xứ của bức ảnh bị thất lạc, xem tại đây


Thứ Năm, tháng 1 17, 2008

Ngày đầu tiên đi học

Sáng thứ ba tuần rồi, trời lạnh cắt da. Trường tiểu học Bình Minh ở ngay phố Bông Nhuộm, tuy không xa nhưng vẫn phải dùng xe chở hai mẹ con để tránh lạnh, hơn nữa đây là buổi học đầu tiên. Cũng may là quen cô Hiệu trưởng nên mọi thủ tục nhập học đơn giản vô cùng. Mẹ cháu đưa cháu vào trường.

Sau này nghe kể lại cô Hiệu trưởng dắt tay Mý vào lớp rồi giới thiệu:

- Từ học kỳ II, lớp các con sẽ có thêm một bạn mới từ TpHCM ra học. Các con phải đòan kết thương yêu bạn!

Cháu Mý nhà tôi lễ phép đứng khoanh tay trước ngực, (trẻ con trong Nam có thói quen này!), cúi đầu xuống chào cả lớp. Lập tức các bạn vỗ tay hoan hô.

Chiều, đến đón. Cháu cùng Lúm, em họ, chạy ra suýt xoa: "Con lạnh chân quá!". "Ba mua cho con quần dệt kim Đông xuân rồi. Mặc vào cho ấm. Ốm từ chân lên đấy!". "Khi bắt con đội mũ, ba lại bảo ốm từ đầu xuống? Nay lại từ chân?". (Nghĩ bụng cô này nại "ní nuận"!). "Thế hôm nay học ra sao? Các bạn nghe con nói tiếng miền Nam có trêu chọc không?". "Không, ba ạ. Các bạn lúc thì gọi là Anh Thư, Anh Huy, lúc thì gọi là Anh Thy. Vui lắm!".

… Mấy hôm nay nghe tin nhiều bạn lên ông nội, ông ngọai. Xây dựng gia đình muộn nên con tôi chậm sau con các bạn một thế hệ. Nhưng dù thế nào thì vui với niềm vui của con trẻ vẫn là hạnh phúc không thể thiếu!