Thứ Bảy, tháng 6 09, 2007

ĐÀ NẴNG SAU 32 NĂM QUAY LẠI


THĂM THÚ HỘI AN
Kiến Quốc

Cách đây 32 năm tôi, Lê Chí Hòa k5 (nay ở Cục Tác chiến điện tử BQP) cùng một số anh em Trỗi (Hà Trọng Tuyên k1, Trung Việt, Hoàng Sơn k3...) là những người được vinh dự tham gia tiếp quản hệ thống thông tin liên lạc đối lưu trong hệ thống liên lạc toàn cầu ICS của quân đội Mỹ. Đà Nẵng có nhiều kỷ niệm trong chúng tôi.
Tối 31/5 hạ cánh ở sân bay Đà Nẵng. Cách đây đúng 32 năm, trưa ngày 30/4/1975, cánh Đại học quân sự vừa tới cổng sân bay Đà Nẵng thì nghe tin Sài Gòn được giải phóng. Sáng 1/6, xe Cty ở ngoài này đón đi Hội An. Chú lái xe chiều khách đánh xe vòng ra con đường mới mở dọc bờ biển dẫn tới Hội An. Sát bờ biển là những khu nghỉ mới đang hình thành. Gần thành phố là Furama Resort rồi đến sân bay Non Nước nằm bên phải đường, ở đó còn sót lại chứng tích chiến tranh - dãy nhà vòm giấu máy bay. Trước khi thăm phố cổ, chúng tôi tạt qua nhà máy của Cty Việt Vương 2 ở Khu công nghiệp Điện Ngọc. Hệ thống nhà máy hiện đại, khang trang với hơn 800 công nhân. Mới khai trương 3 tháng mà chất lượng đã được khách hàng De'Cathlon chấp nhận.
Vào đến phố cổ thấy ngay không khí “toàn dân làm du lịch”. Hầu như nhà nào cũng biến thành quán fast food, cafeteria, shop thời trang, shop souverni... "Tây ba-lô" đầy Hội An - ông thuê xe máy, bà thuê xe đạp, cánh cưỡi xích lô, kẻ cởi trần đội nắng đi khắp các chùa chiền. Xe vừa thả khách ở trung tâm liền có xích lô lao đến, họ mời chào tour "xích lô 70 ngàn". (Giá thống nhất toàn Hội An, không phải mặc cả!). Lên xe được chở tới Trung tâm điều hành du lịch mua vé 30 ngàn thăm 5 điểm: Nhà cổ thờ họ Trần, Hội quán Phúc Kiến, Công xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, Chùa Cầu Nhật bản, Bảo tàng Lịch sử.
Xích lô túc tắc đưa tới điểm đầu tiên. Đây là ngôi nhà cổ cách đây 200 năm do cụ Trần Tứ, quan lại trong Triều, trước khi đi sứ bên Tàu đã cho xây làm nhà thờ tổ họ Trần. Ngôi nhà nằm trong một khu vườn nhỏ, xinh xắn với cách xây pha trộn lối kiến trúc Hoa, Nhật, Việt: nhà làm 3 gian 2 trái kiểu truyền thống Việt, mặt tiền che mái vòm kiểu Nhật bản. Con cháu không được phép bước qua cửa chính vì bàn thờ đặt ngay gian giữa. Khung cửa ra vào phía dưới có gắn thêm thanh gỗ buộc người đi qua phải cúi đầu nhìn xuống, như vậy tỏ ra tôn nghiêm, phải cúi đầu chào bàn thờ bên trong(!). Gia đình còn giữ được nhiều tranh cổ, đồ cổ. Cô hướng dẫn viên thuyết minh cho khách kiêm bán hàng lưu niệm. Xem xong chúng tôi được cánh xích lô mách vào quán White Rose ăn bánh bông hồng, loại bánh tráng mỏng dính có kẹp tôm ăn với rau sống. Quán chuyên cung cấp đặc sản cho các cao lâu ở Hội An. Vừa là quán nhưng cũng dùng làm nơi sinh sống của gia đình. Đây cũng là một nét đặc trưng của Hội An. Tài xích lô ở đây thường tranh thủ thời gian chờ khách nện mấy ván cờ cho vui (chả hiều có ăn tiền hay không?). Chếch tay phải là nhà thờ tộc Phan. (Chắc ông bạn Phan Nam cũng có phần?).
Càng về trưa càng nắng, vậy mà mấy bác tài vẫn nhẫn nại đạp xe vẹo cả lưng, luôn tay lau mồ hôi, nhưng không một lời ca thán (cuộc sống mà!). Hội quán Phúc Kiến với lối kiến trúc chuẩn Trung Hoa, có tới 2 lượt cổng. Giữa là vườn hoa rộng rồi mới vào đến sân chính. Trong gian thờ treo nhiều hương vòng dài cả mét (200 ngàn/vòng) ghi lại tên tuổi, địa chỉ và ước nguyện của khách cầu lộc, cầu phúc. Nghe kể lại chưa vụ lụt nào Hội quán này bị ngập vì nền được tôn cao. Hội quán từng được đón Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đến thăm.
Đi thêm vài trăm mét qua chợ thì tới Công xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ, nằm trong một nhà gỗ cổ 1 trệt 1 lầu kiểu Tàu, ở giữa có mở “cửa sổ” nhìn xuống nhà dưới. Tranh tượng, quần áo, đồ gỗ… kín cả trong lẫn ngoài. Thợ mặc quần áo nâu sồng nhưng còn thơm mùi vải. Ngoài sân còn cái giếng cổ nước trong vắt. Con gái tôi rất mê trò nặn tượng đất. (Có lẽ chủ nhà đã lobby nên được vào danh sách tour vì ởa Hội An "hơi bị nhiều" những mô hình như thế).
Dọc phố ra sông Thu Bồn là đến Chùa Cầu với lối kiến trúc Nhật bản. Cầu lát bằng gỗ, có mái che, chặn 2 đầu không cho xe có động cơ qua nhưng xe đạp có thể “vượt rào” vì quá nhẹ. Ngoài trời nóng nhưng khi chui vào cầu thì mát lạnh. Giữa cầu bên hướng tây có 1 gian lớn làm nơi thờ cúng.
Bảo tàng Lịch sử phố cổ là điểm dừng chân cuối cùng. Tại đây lưu lại nhiều kỷ vật, vũ khi suốt từ ngày khởi nghĩa 8/1945 cho tới 30/4/1975. Chếch tay phải là Hội quán Quảng Đông được xây dựng cầu kì như Hội quán Phúc Kiến. Đã 12g, nắng khủng khiếp, 40 độ. Không thể ở lâu với cái nắng này, chúng tôi kêu xích lô chở thẳng ra bến xe để chuồn về Đà Nẵng. Lại được vãn cảnh phố.
Đi xe buýt cực rẻ, có 8.000 đồng/vé! Vào thành phố thì xe chạy sang bán đảo Sơn Trà nên khi ngang qua cầu Trịnh Minh Thế, chúng tôi đã xuống gọi xe ôm chở qua sông. Lần đầu tiên được chạy qua cầu Trịnh Minh Thế sau 32 năm. Thật sướng!






Vài hình ảnh về Hội An phố cổ.

















3 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

K4 có Hữu Dũng và Phạm Minh, Kiến Quốc có gặp không. Quên mất không nhắc, nhưng chắc rồi sẽ có ảnh chứ. Có lần Hữu Dũng gửi cho tôi ảnh anh em Trỗi ở Đà Nẵng nhưng hôm đó thiếu Phạm Minh. Vì thế sưu tập chân dung k4 vẫn chưa có ảnh Phạm Minh. Mấy chục năm không gặp, chỉ nhớ hình ảnh về một tay lì lì.

Nặc danh nói...

Phạm Minh (tự MinhĐen), là một trong 3 đ/c lớp 7 (K4) hồi Trại cau (An mỹ) cùng đi khai thác gỗ làm lán trại: Minh, CườngChóp, LâmDuy (chiến sỹ - liệt sỹ thiếu sinh quân). 3 tên này là một toán hạ cây rừng và do thiếu kinh nghiệm nên bị cành cây phang xuống (xem "Những bài học đầu tiên" - SRTKL tập 1). Do Lâm Duy đứng ở vị trí cao nhất (hoặc có thể y có chiều hơn 2 tên kia) nên khi cành cây quật xuống (bay ngang) thì y lãnh đủ. 2 đ/c còn lại được đỡ đòn nên chỉ bị sơ sơ thôi. Tin do CườngChóp, cách đây vài năm, kể lại với tôi.
HCQuang

Nặc danh nói...

Ông Chủ bút HThành ơi,
Mọi khi vào ảnh cho bài oách lắm, vậy mà lần này trục trặc hoài. Chả lẽ "kỹ thuật còn non"?
Trang trí hơi yếu. Nếu cần thì ông sửa giùm và bày kinh nghiệm. Thanh xờ kiu!!!
KQuốc