Thứ Ba, tháng 6 12, 2007

CHUYỆN CHƯA BIẾT VỀ CHA MẸ CHÚNG TA


Chuyện về hai NSƯT của Xưởng phim quân đội
Kiến Quốc

1. Lần vừa rồi ra Đà Nẵng có đến chơi nhà Phan Hoài Lưu. Trước đó anh trai Lưu có dặn đến thăm bà già sẽ có nhiều tư liệu hay. Bà dạo này yếu nên vợ chồng Lưu xếp cho bà ngủ ngay tầng trệt, đỡ phải đi lại. Biết bạn con là lính Trỗi đến chơi, bà mang album ảnh cũ ra khoe. Bà giữ được nhiều ảnh, cả thời kì chống Pháp. Ba Lưu là Đạo diễn điện ảnh quân đội Phan Quang Định, dân gốc Hòa Khánh, ngọai ô Đà Nẵng. Trước cách mạng ông kết thân với nhiều văn nghệ sĩ trẻ miền Trung như Phan Hùynh Điểu, Lưu Quang Thuận, Lưu Trùng Dương… Khi lời ca “Đoàn giái phóng quân một lần ra đi…” vang khắp Thành Đà Nẵng, lớp người ấy đã theo Bác lên chiến khu tham gia kháng chiến. Gia đình ông Định và ông Thuận có tình bạn thâm căn, khi chia tay đã hẹn: để nhớ đến nhau, nếu sinh con thì được phép lấy tên của bạn đặt cho con mình. Trong kháng chiến, ông bà Định sinh con trai cả đã lấy tên Thuận đặt cho con – Phan Hoài Thuận, đứa sau lấy họ của ông Thuận đặt là Phan Hoài Lưu.
Năm 1954 kết thúc chiến tranh, 2 gia đình cùng tập kết ra Bắc. Khi gặp nhau, ông bà Định và vợ chồng bạn cùng xem lại đã có mấy con và đã thực hiện lời ước hẹn ra sao? Như vậy ông bà Định sinh 2 con trai rồi lấy cả họ và tên bạn đặt cho con. Còn ông bà Thuận sinh 3 mặt con nhưng chưa có đứa nào được đặt tên bạn (chúng là Lưu Quang Vũ, Lưu Quang Điền, Lưu Quỳnh Thơ). (Có thể vì một lí do tế nhị nào đó không tiện nói ra). Đến khi sinh đứa út, ông bà Thuận đã lấy cả đệm và tên bạn đặt cho con – Lưu Quang Định. Nay anh là một tay bút sắc sảo của Báo Lao động.
Biết tôi hay qua lại nhà NSƯT Dương Minh Đẩu, bố mẹ Dương Minh Đức, má Lưu đã gửi lời hỏi thăm vì 2 ông công tác với nhau khá lâu. Về tới Sài Gòn, tôi chuyển lời hỏi thăm của má Lưu tới cô Dung chú Đẩu. Chú Đẩu kể lại: “Cùng chiến đấu ở Liên khu 5 nhưng chúng mình chỉ biết nhau khi ra Hà Nội. Trước đó, ông Phan Quang Định là Trưởng đoàn Văn công quân khu Tây Bắc nhưng vì ham mê điện ảnh nên năm 1963 đã xin về Xưởng phim rồi làm đạo diễn. Còn mình làm Giám đốc tại đây đến 20 năm. Ông Định là con người tài hoa - thơ hay, vẽ giỏi, sáng tác cả ca khúc. Nói chung là “cầm, kì, thi, họa”. Ông cũng được tặng danh hiệu NSƯT. Sau khi về nghỉ hưu ở Đà Nẵng, ông vẫn tham gia làm phim tư liệu lịch sử cho các đơn vị.
Và đúng là “sinh nghề tử nghiệp”, ông đã mất trong lần đi làm phim ở xa Đà Nẵng”.

2. Chuyện của NSƯT Dương Minh Đẩu hay cũng không kém!
Tháng Tám 1945, anh cán bộ thanh niên Tiền phong Công đoàn Nam Bộ được cử đi học khoá 1 Quân chính Vĩnh Cửu do tỉnh Biên Hoà tổ chức. Kết thúc khoá học cũng là lúc mặt trận Sài Gòn bị vỡ, anh cùng đồng đội rút về Xuân Lộc, sau đó về Phan Thiết - nơi tập trung chuyển quân Nam tiến từ miền Bắc vào và tập kết các lực lượng bộ đội từ miền Đông ra.
Dương Minh Đẩu được giao nhiệm vụ Chính trị viên đại đội Phan Đình Phùng và bắt đầu những tháng ngày chiến đấu vất vả của mặt trận Khu 6. Cuối 1947, trung đoàn 82 đóng quân ở Ô Rô. Thời tiết giá lạnh, quây quần quanh lửa trại, nhớ lại 2 năm gian khổ, Dương Minh Đẩu đã cảm hứng sáng tác bài “Trung đoàn 82 quân hành khúc”: “Giờ từng đoàn chiến sĩ đang hùng dũng tiến, đem máu tự do xây đời ấm no. Trong mưa sương, trong gió rét...”. Ông nhớ lại: “…Ngày đó bộ đội Khu 6 khó khăn quá, chiến đấu gian khổ, mới 19 tuổi, mình đã mạnh dạn sáng tác bài hát để động viên anh em. Quyền Chính uỷ trung đoàn Vương Gia Khương (tham gia cách mạng từ 1939, từng ngồi tù Sơn La, Côn Đảo) giúp sửa lại lời và nhạc. Kể từ đây, bài hành khúc đã theo bước chân trung đoàn 82 trên khắp nẻo đường…”. Đầu 1949, Liên khu 5 được thành lập, 2 trung đoàn 81 Ninh Thuận và 82 Bình Thuận sáp nhập thành Liên trung đoàn 812. Hành khúc này trở thành bài hát chính thức của Liên trung đoàn với cái tên mới “Trung đoàn 812 quân hành khúc”. Từ tháng 9-1949 tới cuối 1952, Dương Minh Đẩu được giao làm Trưởng ban Chính trị trung đoàn 812, sau đó Khu ủy điều ông về làm Trưởng ban Tuyên truyền văn nghệ - Phòng Chính trị Liên khu 5.
Vậy NSUT Dương Minh Đẩu không chỉ sinh ra cho đời NSUT Dương Minh Đức mà còn là 1 trong những nhạc sĩ sáng tác 1 bài nhưng bài hát ấy đã sống suốt 60 năm qua!

Quanh ta có bao nhiêu chuyện hay như thế mà ta lại chưa biết!
(Ảnh tư liệu: Ban chỉ huy E812 tại Phan Thiết 1949. Đ/c Dương Minh Đẩu đứng ở bìa trái).

2 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Có nhiều chuyện chưa biết khi mà nhiều chuyện khác không thể biết được nữa. Thế mới thấy trình độ văn minh "kí ức" của dân mình còn thấp.
Nói vậy thôi, chứ mấy khi có ai suốt ngày ghi nhật kí hoặc viết blog cho lớp trẻ sau này xem.

Nặc danh nói...

Nếu nói về Xưởng phim quân đội thì K4 trường Trỗi còn có 3 người nữa có bố từng làm việc ở đấy. Ông già tôi, ông già Mạnh Quang và ông già Quốc Bình. Đợt vào Đà Nẵng hồi tháng 11 năm ngoái thì Hoài Thuận có dẫn tôi có ghé qua nhà Hoài Lưu thăm bác gái. Tuy già nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn.

Tôi vẫn còn nhớ là ông già của Minh Đức có tủ sách toàn tiểu thuyết dịch văn học nước ngoài. Hồi ấy mỗi lần đến nhà chơi là dứt khoát tôi phải mượn một vài quyển về xem. Có lẽ quí lắm nên bác Đẩu mới cho tôi mượn vì bác giữ cẩn thận lắm. Quyển nào cũng được bác cho đóng bìa cứng in chữ mạ vàng.

Phú Hòa

Phú Hòa