Thứ Hai, tháng 6 11, 2007

NGÀY CHỦ NHẬT Ý NGHĨA

CHÚNG TÔI CÙNG
THẦY PHẠM LỰC VẼ TRANH
Kiến Quốc

Một tháng đã trôi qua, triển lãm tranh của thầy Phạm Lực tại TpHCM sắp đóng cửa. Theo kế họach, chiều chủ nhật 10/6, thầy sẽ đến nhà Bác sĩ Nguyễn Trung Liêm k4 cùng anh em Trỗi vẽ bức tranh dài 5m, cao 1,2m. Sáng qua, tôi và Trần Chí Thọ k3 vẫn lo không thể vẽ xong bức tranh lớn như thế chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ - việc của họa sĩ chuyên nghiệp phải vẽ cả tháng, thậm chí cả năm trời.

Minh Long, Đức Hải k8 cùng tôi có mặt ở nhà Trung Liêm từ sớm. Đến 3g30, thầy cùng biên tập viên trẻ Thu Ba và anh em bên chương trình văn hoá của VTV mới đến. Thầy trò bắt tay nhau, trò chuyện rồi vào việc ngay. Thầy rút túi ngực ra bản phác thảo trải xuống đất, mở sơn, rửa chục cái cọ rồi dùng mầu tím sen vẽ những nét đầu tiên của chú ngựa thần và cậu bé Thánh Gióng. Một lóang đã bố cục xong cả bức tranh dài. Vừa vẽ thầy vừa giảng giải: “Đây là những nét vẽ của trẻ thơ. Thầy muốn thầy trò ta trở về đúng thời gian cách đây 40 năm. Hồn nhiên, ngây thơ… Rồi, các em bắt đầu tô đi!”. Những “bôi sĩ” chấm sơn vào cọ rồi tô lên từng phần của bức tranh. Trung Liêm, Minh Long là chủ lực quân. Tôi cũng mạnh dạn cầm cọ nguệch ngọac theo thầy. Cạnh hình ảnh anh Trỗi thấy phải ghi lại cái gì của trường ta, tôi nhớ ngay đến thầy Hồng Tuyến và chép lại lời bài hát “Sinh ra…”. (Sau này anh em phát hiện giá mà ghi là Nguyễn Văn Trôi thì đúng với lời bài hát hơn. Quả là đúng nhưng vẽ mất rồi!). Chí Quang k4 không vẽ nhưng phát hiện ngay ra vấn đề mang tính chất ní nuận “Đúng là ra khơi nhờ tay lái vững! Có thầy chỉ cần dẫn là trò đi theo đúng hướng ngay”. Ống kính máy quay truyền hình bám sát những hình ảnh sống động này. Hầu như tất cả anh em Trỗi có mặt đều tham gia ít nhất là "quệt" vài nét vào bức tranh, cả những ông không cầm bút bao giờ như Quách Hòan Kiếm k8, Phan Nam k5, Bùi Dũng Sô k4. Trần Chí Thọ đến hơi muộn cũng ra thực hiện nghĩa vụ của mình: "Em chỉ xin thầy vài nét".… Chưa đầy một tiếng đồng hồ bức tranh đã được phủ kín mầu. Thầy chấm cọ vào sơn đen sửa lại những nét chính. Có ai đó phát hiện: “Nếu báo sớm cho VTV thì có thể đăng kí kỷ lục Việt Nam đấy”. Còn thầy thì nói: “Vậy trường ta cũng nhiều họa sĩ đấy chứ!”.
Kết thúc, thay mặt Ban Liên lạc tôi tặng thầy cuốn “Sinh ra trong khói lửa” tập 2 và Trần Chí Thọ trao tặng thầy bài viết “Nét vẽ” ghi lại cảm xúc khi dự lễ khai trương triển lãm của thầy. Trung Liêm với nét mặt sung sướng, ra cái điều rất thỏa mãn về việc vừa hòan thành tài sản chung hiếm có của Trường Trỗi tại ngay nhà mình, chợt hô lên:
- À quên, xin phép thầy cho em tặng thầy một bức tranh.
- Vâng, mời em!
(Ai cũng lo Liêm chiếm 30 phút là lỡ hết việc). Còn Liêm vừa dứt lời là chấm cọ vào sơn đen phác vài nét lên khung vải. Anh ta đã chọn ra những gì rất Phạm Lực: cặp lông mày rậm, râu trên miệng rậm và đen, tóc cũng đen. Trên bức tranh kí họa không hề vẽ mắt nhưng nhìn ra đúng là thầy Phạm Lực!
Sau đó, chúng tôi mời thầy ra JODEE Beer, địa chỉ hội ngộ của các khóa trường ta tại TPHCM. Ngoài đó thầy bạn đang chờ.
(Đã kẹp video clip nhưng máy không chấp nhận nên mời các bạn xem tạm hình ảnh vậy!).

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Sau khi vẽ xong bức tranh dài 5m, áo thầy ướt đẫm mồ hôi. Hôm rồi dự thi tốt nghiệp khóa cao đẳng thanh nhạc của các trò của thầy Minh Đức thấy các cháu phải hát vo 6 bài liền (nào là dân ca, aria...). Thế mới biết lao động nghệ thuật vất vả vô cùng!
KQuốc

VNQ nói...

Vừa được xem chương trình giao lưu với nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn trên VTV3 cũng được nhạc sĩ tâm sự : Đối với lao động nghệ thuật ngoài sự say mê ra còn fải chịu được khổ, mỗi ngày l/v 28.../24 giờ chứ không chịu được "nhiệt" thì ko thể làm được. Còn đối với thầy Lực sức lao động fi thường rồi (đệ đã được làm thợ fụ và xem "sư thầy" vẽ hồi năm 1983 khi thầy còn công tác ở bảo tàng quân đội), thầy Minh Đức còn fi thường hơn hát "xuyên lục địa" khi nhạc "Chế" ngày xưa AE ta gọi là hát "xuyên tạc", chứ trò của thày Đức hát vo 6 bài nhằm nhò gì! = (nhỏ hơn con thỏ) ! nên mấy trò đó fải cố gắng nhiều.....