Thứ Hai, tháng 6 25, 2007

CHUYỆN VỀ MẸ TÔI

Dương Minh
(Đi nghỉ ở Mũi Né đúng hai ngày mưa, chẳng biết làm gì, lại nhớ đến blog. Viết một câu chuyện phiếm, nhưng vẫn là 1.000% sự thật.)


Đã có đôi bài viết về phụ huynh, nhưng là chuyện ngày xưa. Tôi xin viết đôi dòng kể về mẹ tôi bây giờ, nhưng hơi ngược một chút vì lại nói về cái sự “chậm tiến” của bà. Tuy nhiên cũng phải điểm qua từ quá khứ để anh em mới hiểu tại sao tôi nói bà “chậm tiến”.
Sinh ra ở một vùng quê Thanh Hóa, hòa trong khí thế Tổng khởi nghĩa sục sôi của cả nước nên mới có 15 tuổi mẹ tôi đã tham gia du kích. Đến khi tròn 18 bà đã là Trung đội trưởng Đội nữ du kích huyện và được kết nạp. Cũng thuộc diện “có chữ” dù không bao nhiêu (con gái nhà quê mà) nên bà còn kiêm luôn Chủ tịch Hội phụ nữ xã. Bà lấy cha tôi – khi đó là Tiểu đòan trưởng, vào năm 21 tuổi. Những ai ở quê ngọai tôi biết đám cưới của bà đến giờ này vẫn còn tấm tắc “Bố mẹ mày lúc ấy hòanh tráng lắm, cả hai tài sắc nhất vùng này, đến nay chưa có cặp nào được như vậy”.
Nghỉ hưu, từ Hà Nội bà vào Sài Gòn sống với vợ chồng tôi và các cháu. Bà làm thủ tục chuyển sinh họat và từ đó tham gia sinh họat rất đầy đủ. Bất kể nội dung gì, cứ được mời họp là bà đi dự không bỏ buổi nào. Do còn khỏe và vẫn minh mẫn nên bà còn được tụi tôi “tín nhiệm” cử tham gia luôn các cuộc họp đại diện các gia đình bàn về những chuyện chung đụng lằng nhằng dễ cãi nhau như bàn việc sửa ngõ, sửa cống, cấm thả rông chó má .v.v. và .v.v.
Sáng đó thấy bà đi ra cổng với vẻ mặt vui vui tôi liền hỏi “Bữa nay mẹ đi họp gì vậy?”. “Đi thảo luận xây dựng Luật …”. Chiều tối đi làm về tôi thấy bà ngồi ở phòng khách rất trầm tư. Tôi hơi hỏang vì nghĩ rằng “Chết rồi, chắc con cháu lại có chuyện gì sai quấy đây!”. Tôi giả lả “Sáng nay đi họp vui không mẹ?”. Bà đốp luôn “Vui cái gì mà vui, tham gia họat động bấy nhiêu năm, bằng này tuổi đầu rồi mà còn làm cái bung xung”. Không phải lo là chuyện nội bộ gia đình nữa nhưng thấy bà gay gắt quá tôi cũng cố gắng tìm cách chia sẻ “Dân chủ như thế, tạo điều kiện cho mọi người thảo luận, sao mẹ lại nói là làm bung xung?”. “Ừ, ai cũng nghĩ thế, thảo luận suốt mấy tiếng đồng hồ sôi nổi lắm”. Bà kể trong tâm trạng bức xúc. “Đến cuối buổi có tay cán bộ trẻ lại nói: các ông, các bà, các bác cao tuổi rồi, nghỉ hưu ngồi nhà mà còn hiểu biết đủ chuyện. Người ta còn đang làm việc, đầy đủ thông tin, đương nhiên cũng biết mà còn biết nhiều hơn, rõ hơn. Cái chính là người ta có muốn làm không. Muốn làm thì khỏi cần ý kiến ở đây. Tay phải làm thế này, tay trái làm ngược lại, đề nghị tay phải tự chặt tay trái đi ai mà dám làm! Ngẫm ra nó nói đúng. Hết cả hứng, giải tán luôn. Con xem không phải là bung xung thì là cái gì?”. Tôi trấn an bà “Cậu ấy nói bậy, đây là sự nghiệp của quần chúng, mẹ bây giờ vẫn là quần chúng mà, phải kiên trì tiếp tục sự nghiệp của mình chứ!”. Từ hôm đó bà bỏ họp, không tham gia gì nữa. Chán thật! Cả cuộc đời phấn đấu, cái gì bà cũng cố làm cho tốt, bây giờ bà lại thành người “thiếu gương mẫu”!
Hàng năm tụi tôi vẫn cố gắng thu xếp để bà ra Bắc. Năm nay bà đi gần 3 tháng mới về lại Sài Gòn. Hôm bà về thấy bà vui, khỏe tôi mừng lắm “Lần này mẹ đi những đâu, con thấy mẹ dịp này khỏe hơn mà lại vui nữa!”. “Tất nhiên thăm bên nội (Hưng Yên – quê bố tôi), bên ngọai (Thanh Hóa – quê bà), thăm họ hàng xong rồi vào thăm bố mày (Nghĩa trang liệt sĩ Quảng Bình) còn lại thời gian mẹ đi chùa và buôn dưa lê”. “Bà đi chùa tham quan và vãn cảnh chùa à?” Tôi hỏi. “Thăm mới vãn cái gì. Đi cúng, đi xin. Chỗ nào thiêng là mẹ cố gắng đến, cầu xin được cái gì, còn khỏe mẹ cố đóng góp cho mọi người”. Tôi hiểu bà xin cái gì rồi. Lại chán nữa! Gần 60 năm theo đuổi, bây giờ bà lại “mất niềm tin”, đi tin vào cách làm khác! Sinh họat thì không tham gia lại tích cực đi “buôn dưa lê”, đúng là rất “coi thường nguyên tắc”!
Cách đây 10 năm khi nhận cái 50 bà vui và hãnh diện lắm. Tụ tập con cháu về, bỏ tiền lương hưu ra để chiêu đãi mọi người. Nếu “trời cho” và mọi chuyện suông sẻ cũng sắp đến thời điểm bà nhận cái 60. Nịnh mẹ để lấy điểm tôi bàn “Lần này khi mẹ nhận cái 60, bọn con đứng ra lo, làm hòanh tráng luôn!”. Nào ngờ bà mắng “Làm làm gì cho tốn. Làm không phải chỉ để mẹ vui mà con cháu cũng vui. Mấy đứa cháu bây giờ nó có mừng có vui đâu. Nó cười đấy nhưng mẹ biết tỏng nó cười cái gì rồi. Lần trước thằng Tí nó đã nói rồi còn gì, có mài ra để nuôi bà, chăm bà, cho bà đi thăm ông được đâu, cũng phải là con cháu cầy cuốc mà thôi! Ối người đâu cần như bà, đâu có được như bà mà người ta đang hưởng những cái đáng hưởng gấp ngàn lần”. Quá chán! Sao bà lại “dễ bị lung lạc bởi suy nghĩ non dại” như vậy nhỉ?
Đường Trường Sơn từ Nhà ga hàng không ra đến Công viên Hòang Văn Thụ có đến mấy cái “bẫy giao thông”. Đã là bẫy nên rất tinh vi, có đề phòng đến đâu cũng có lúc sa bẫy. Là cư dân khu vực này đã hơn 30 năm nên già trẻ, lớn bé nhà tôi ai cũng có lần sập. Mỗi người tự giải quyết theo cách của mình. Tôi là đàn ông, lại già dặn, trải qua quân ngũ nên lần nào cũng thóat bằng cách cãi lý. Vợ tôi cũng già dăn rồi nhưng phận “đàn bà con gái” làm sao đấu được với đấng mày râu lại đang thực thi công vụ, nên cứ phải “hi-ta- chi” theo qui định. Mấy đứa trẻ con thì “xọet” 5 giây là xong bằng cách bớt đi một chầu ăn sáng. Mẹ tôi biết hết nên bà ức lắm “Sao không ai dọn dẹp mấy cái bẫy này đi, cứ để nó hành dân mãi?”. Một hôm tôi lại sập bẫy, không cãi được. Về nhà bà bất ngờ khuyên tôi “Thôi con ạ, mày cũng lớn tuổi rồi, mẹ thấy dạo này tóc con bạc nhanh lắm, mỗi lần thế này tóc lại bạc thêm mấy sợi đấy. Cứ làm theo cách của con Ti, thằng Tí cho nó nhẹ nợ! Nhịn một vài bữa sáng cũng chưa chết đâu con ạ!” Thế này thì chán đến … đỉnh rồi. Sao bà lại khuyên tôi “chấp nhận tiêu cực” nhỉ?
Còn nhiều chuyện lắm, nhưng với quá khứ hòanh tráng như vậy mà mẹ tôi bây giờ “thiếu gương mẫu”, “mất niềm tin”, “coi thường nguyên tắc”, “dễ bị lung lạc bởi suy nghĩ non dại” và “chấp nhận tiêu cực” đã quá đủ để kết luận: bà thật là “chậm tiến”!
Anh em có cách gì giúp tôi không? Thấy mẹ mình như bây giờ tôi buồn lắm lắm! Không hiểu đây có phải là tại con cháu không, có phải là trách nhiệm của mình không? Rất may là bà vẫn vui khỏe, sáng nào cũng đi bộ 1 tiếng (vẫn gương mẫu rèn luyện đấy chứ), thấy cháu học giỏi vẫn động viên cháu phải nuôi dưỡng ý chí (cũng còn nhớ đến trách nhiệm của bậc tiền bối) .v.v. và .v.v.

10 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Bà này "chậm tiến" thì có bà khác "chậm lùi", khuyên con "Ừ bây giờ nó đen thì mày ra. Khi nào nó trắng thì lại vào con nhé".

Nặc danh nói...

C� đ�ng l� HTh�nh "chế" c�u n�i của b� gi� t�i khi bọn t�i tự r�t kh�ng sinh hoạt C�ng đo�n v� thấy anh em biến chất nhiều qu� � n�i: Khi n�o tổ chức ấy tốt th� c�c con v�o sinh hoạt lại!
KQuốc

Nặc danh nói...

Đúng thế K.Quốc à! H.Thành

Nặc danh nói...

Lâu rồi mới gặp môt đ/c Trỗi "nói giọng bí thư" quen thuộc. Là đồng nghiệp, tôi kinh qua cái "nghề" này cả chục năm rồi. Xin được xẻ chia cùng đ/c với niềm cảm thông sâu sắc .
Biết nói thế nào cho dễ hiểu nhỉ? Những dấu "?" to tướng của đ/c cũng là nỗi bức xúc của tôi . Dân trong nghề gọi là " diễn biến tư tưởng" thuộc dạng tâm tư... Những vấn đề đ/c nêu ra nó thuộc về " nỗi đau nhân thế" mất rồi, chả phải của riêng ai! Văn vẻ đ/c dùng thế quái nào mà cứ như lấy dao cật nứa cứa vào lòng nhau thế !
Bây giờ có những cụm từ là lạ " bị đánh cắp niềm tin", nhưng ai bị đánh cắp và ai là kẻ cắp. Cái mất mát về tinh thần lớn đến đâu, nó chi phối , tác động về mọi mặt đến những người đang sống như chúng ta đây thế nào? Mà tại sao lại có chuyện " đánh cắp " này nhỉ ? Sự xung đột bắt đầu từ đâu? Động cơ của kẻ cắp là gì ?
Hồi CMVH có khẩu hiệu kêu gọi nhân dân cảnh giác đấu tranh với bọn " phất cờ hồng chống lại cờ hồng", tôi cứ tưởng "Bạn mình" chơi chữ, hóa ra tầm nhìn của Bạn thâm sâu hơn nhiều, lại có vẻ đung đúng nữa chứ ...
Thực ra mọi chuyện cũng chẳng khó hiểu đến mức không thể giải thích được...Chỉ có điều khi ta vừa giải thích xong thì nó lại biến thành ...THÁCH THỨC.
Bài của đ/c thuộc loại " đề bài mở", chẳng mong nói ít hiểu nhiều. Đc dùng chiêu nhét viên thuốc đắng ( chính trị) vào quả chuối ( văn học) ngọt ngào, mời anh em sơi, theo kiểu người lớn cho trẻ uống thuốc!?
Người ta khuyên : khi bạn gặp một câu hỏi khó, tốt nhất đáp lại bằng một câu hỏi khác... Thôi thì xin được trả lời đ/c bằng một câu hỏi " văn nghệ" đại ý :
Tại sao ngày xưa các Cụ nhà mình vào tù ra khám như cơm bữa , xông pha mũi tên hòn đạn, cận kề cái chết mà vẫn làm thơ,mà lại thơ hay,lãn mạn đầy hào khí CM? Nay,cũng vẫn những con người ấy (như nhà thơ T.Hữu), tràn đấy thi hứng trong gian lao...nhưng sao hòa bình lại chẳng có bài thơ nào xuất hiện nhỉ???

TM

HữuThành.Nguyễn nói...

Viên thuốc đắng to hơn quả chuối!

HữuThành.Nguyễn nói...

TM "rất rốt" (giọng Thái Bình) nên cóc hiểu những dấu "?" của K.Quốc không phải là "dấu hỏi thật" mà là bệnh "yếu tin học" thôi.
Mà TM "rốt thật" nên mới trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi khác.
Choa đây không như thế, "rất rỏi"!

Nặc danh nói...

chắc có sự nhầm lẫn. Tôi "lời góp " cho bài của Dương minh đấy chứ!?
lời góp của KQ tôi k "dịch" được. Có thể KQ chơi trò đố chữ....

TM

HữuThành.Nguyễn nói...

Lời góp của K.Quốc:
Có đúng là HThành "chế" câu nói của bà già tôi khi bọn tôi tự rút không sinh hoạt Công đoàn vì thấy anh em biến chất nhiều quá & nói: Khi nào tổ chức ấy tốt thì các con vào sinh hoạt lại!

Nặc danh nói...

Nghe cách ví "nhét viên thuốc đắng vào quả chuối" tôi thấy rất khóai. Ấy nhưng không phải là "chính trị, chính em" đâu mà mở ngoặc đơn như vậy. Chuyện phiếm mà (nhưng sự thật 1.000%)! Một lần TM đã viết: anh em viết càng đời thường càng tốt để biết và hiểu nhau bây giờ. Chuyện mẹ tôi là chuyện đời thường ở nhà tôi đấy! Nhân đây kể thêm "tội" của bà:
Trước đây ngày nào, tuần nào nhà tôi cũng có 3 tờ báo: SGGP, Lao động và An ninh thế giới, để mẹ tôi đọc. Đến một hôm bà bảo tôi "Thôi đừng mua báo nữa con ạ, đã tốn tiền mà chẳng có ích gì thậm chí còn có hại. Tòan chuyện đâm chém, hãm hiếp, buôn người, tham nhũng, bao che, nói dóc ... mà chỗ nào cũng có. Đọc mà không nghĩ thì đọc làm gì, nhưng nghĩ thì tăng sông chỉ khổ mình, khổ con cháu. Xem Tivi được rồi mà còn tự lựa chọn cái mình thích để xem!". Các ông thấy không bà chậm tiến quá, ai lại "bài bác" mấy tờ báo như thế!
Cậu Phó GĐ của tôi dân Trường Bé. Ông già nó đi B cùng chuyến tầu ngầm với đ/c Hồ Văn Huê vào làm Trưởng Ban Phát thanh, Báo chí. Mắt kém không đọc được, suốt ngày ôm cái Radio. Cả nhà nín thở nghe theo, cứ nghe thấy tin - đại lọai như tin xử MVD chẳng hạn, là cả nhà lại thót tim vì lúc đó người ông lại giựt giựt, lúc hồng lúc tái ... Nó nói "Nan giải lắm, khuyên ông đừng nghe nữa không được". Ông bảo "Tao đã bỏ cả cuộc đời tao rồi, bây giờ để tao nghe xem ... nó thế nào!". Chắc phải bảo nó vào blog của anh em mình đọc cho ông nghe, có khi ông lại bỏ được nghe Radio đấy mà lại khỏe ra chứ, nếu có "giựt giựt" là vì ông cười sướng quá!

Nặc danh nói...

Nhà ông "bi kịch" cỡ đó ăn thua gì. Con cháu và các cụ vẫn còn tranh luận, trao đổi được.Quá sướng!
Mười mấy năm nay , tôi biết một số gia đình đc mình đã nằm trong "tình trạng khẩn cấp". Mức báo động đã chuyển từ "da cam " sang "đỏ".
"Nội quy" ban bố rất ác:" Trong bữa cơm chung, mọi người chỉ được nói chuyện gia đình , tình cảm...".Con cháu lắm lúc sơ ý phát biểu chuyện cơ quan, chuyện xã hội...là các cụ "nghẹn" ngay, cóc nuốt đựợc nữa. Chán,có cụ đập bàn đánh rầm một phát...chỉ thằng Kyky, con milu ngồi dưới gầm bàn nó mừng.
Tôi nói " nỗi đau nhân thế" là vậy.Nó tác động đến từng gia đình, con người chứ nào phải chỉ ở tầm quốc gia , thế giới?!
TM