Thứ Sáu, tháng 9 02, 2011

Chính phủ 1945 của Cụ Hồ bắt đầu từ đâu?

Lê Đỗ Huy/Bee.net

“Trí thức hoá” nội các
Điều hành guồng máy Đảng giành và giữ chính quyền trong thế “đơn thương độc mã” (essentially alone - chữ dùng của học giả David Marr - chưa nhận được ủng hộ từ khối Xô viết) là Ban thường vụ Trung ương bốn người, do Cụ Hồ đứng đầu. Ba uỷ viên Thường vụ còn lại là Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Võ Nguyên Giáp lại chính là nòng cốt của “nhóm Le Travail”, nổi tiếng thời kỳ Mặt trận bình dân 1936 – 1939 vì tờ báo cách mạng tiếng Pháp cùng tên.
Một số thành viên nữa của nhóm Le Travail, như Đặng Thai Mai, Khuất Duy Tiến, Phan Anh… dưới bàn tay dụng nhân của Hồ Chí Minh sẽ xuất hiện trong thành phần nội các ở những thời điểm khác trong năm đầu của nền dân chủ cộng hoà này.
Đêm đầu tiên của ông Ké Tân Trào - Hồ Chí Minh ở Hà Nội 25 tháng 8, một danh sách nội các đã đợi Người trên bàn. Danh sách này đã đăng trên tờ Cứu quốc, ra ngày hôm trước. Nhưng, Cụ Hồ đã không ngại ngần “rút” khỏi đó năm lãnh tụ cộng sản, thay vào đó là các nhân sĩ nổi tiếng. Thế là trong số 15 bộ trưởng, chỉ còn 6 người là đảng viên CSĐD.

Trường Thăng Long... “đào tạo” Bộ trưởng?
Trong ảnh chụp chính phủ ra mắt đầu tiên, dân chúng thấy có ba thầy giáo trường Thăng Long: Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hoè, Hoàng Minh Giám. Đây là những những đại diện nòng cốt của khối giáo viên và học sinh trường Thăng Long mà tuyệt đại đa số đã đi theo cách mạng từ trước đó, thời tiền khởi nghĩa. Người dân sẽ nhận thấy thầy Nguyễn Dương làm Tổng giám đốc Nha Công an Việt Nam (từ tháng 2/1946); thầy Trịnh Văn Bính Thứ trưởng Bộ Tài chính (từ 11/1946), thầy Vũ Bội Liên (con tuần phủ thời) cán bộ Bộ Tư pháp, hy sinh ngay từ đầu kháng chiến chống Pháp…


Ảnh: Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Mái trường Thăng Long từng âm thầm chứng kiến sự ra đời và lớn mạnh của nhóm Le Travail trẻ (JC: Jeunese communiste), Đoàn thanh niên dân chủ, Đoàn thanh niên phản đế, Đoàn thanh niên cứu quốc… trong từng bước đi tới cách mạng tháng Tám. Nay nhiều cựu học sinh Thăng Long sẽ giúp tạo trụ cột của chính quyền mới, vào các ngành Nội vụ, Tư pháp, Cảnh sát, Thuế quan, quân đội… Báo Cứu quốc (15/10/46) báo tin Lý Chính Thắng bị Pháp giết dã man. Một cựu học sinh Thăng Long khác, Lê Trung Toản, chỉ huy Trung đoàn Thủ đô phòng thủ Hà Nội cuối 1946…

Tài đức “dành trợ dân này”

Một nhà đại trí thức gần gũi với nhóm trí thức Thăng Long là Nguyễn Văn Tố, Hội trưởng Hội truyền bá Quốc Ngữ, cũng được mời vào nội các. Đó là vị bộ trưởng đầu tiên, Chủ tịch quốc hội đầu tiên của Việt Nam, hy sinh trong kháng chiến.

Từ đầu năm 1946, chính phủ Cụ Hồ được bổ sung thêm các trí thức Việt Minh Nam Bộ, để Chính phủ có thể điều hành cả một nửa kia của “sơn hà nguy biến”. Những tên tuổi Ca Văn Thỉnh, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Văn Bạch, Trần Văn Giàu… đã lập tức hoà vào guồng máy việc công ở Hà Nội, chống thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

...Một ngày giữa năm 1946, ông Võ Nguyên Giáp ghi vào kế hoạch công tác “(Nhớ) hỏi anh Bửu những người tài”.

Tạ Quang Bửu từng tu nghiệp ở các Đại học Sorbonne, Paris, Bordeaux, Oxford.

“Thanh niên tiền tuyến” thành tướng lĩnh cách mạng

Đồng Tổng Hướng đạo sinh Đông Dương Tạ Quang Bửu và Bộ trưởng Thanh niên của chính phủ Trần Trọng Kim, ông Phan Anh lập ra trường Thanh niên tiền tuyến vào tháng 5/1945. Không hẹn mà nên, cùng lúc với Trường quân chính kháng Nhật huấn luyện cán bộ quân sự cách mạng.

Trưa 21 tháng 8/1945 hai học viên Trường Thanh niên tiền tuyến, trước mắt hàng ngàn dân Kinh đô Huế, đã hạ cờ quẻ ly của triều Nguyễn, treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài tại Ngọ Môn, như hồi chuông đầu “nguyện hồn” nền quân chủ một ngàn năm. Đó là các ông Đặng Văn Việt, ba năm sau sẽ khét tiếng là “Hùm xám trên đường số 4”, Cao Pha – một cán bộ quân báo đầu tiên, một anh hùng Điện Biên Phủ.

Những người lãnh đạo Thanh niên Tiền tuyến từ đầu đã để cho Việt Minh thâm nhập vào tổ chức của họ. Kết quả Cụ Hồ có thêm những chỉ huy quân sự đầu tiên xuất thân từ tầng lớp trên. Người dân đau đớn nghe tin con trai học giả Lê Thước, Lê Thiệu Huy - tham mưu trưởng liên quân Việt Lào đã hy sinh 26/3/46, khi tháp tùng Hoàng thân Souphanouvong. Nếu lực lượng học viên Iunker lập ra Bạch vệ, quyết liệt chống chính quyền xô viết, thì nhiều học sinh sĩ quan Trường “Thanh niên tiền tuyến” lại trở thành những tướng lĩnh cách mạng thông thái mà dày dạn trận mạc, như Cao Văn Khánh, Mai Xuân Tần, Đoàn Huyên, Phan Hạo, Tôn Thất Hoàng…

Một đồng Tổng Hướng đạo sinh nữa là nhà văn hoá Hoàng Đạo Thuý. Ngay sau Lễ tuyên ngôn Độc lập, ông được Hồ Chí Minh triệu tập để thành lập ra binh chủng đầu tiên của Quân đội Việt Nam – Thông tin Liên lạc. Một sĩ quan tham mưu đầu tiên, ông Trần Trọng Trung, nhớ mãi hình ảnh các đội mô tô đeo thẻ bài “Hoả tốc”, phóng xuống các vùng nông thôn xa chuyển phát các công văn mật, khẩn cấp của việc quân. Họ do một trí thức ngoài Đảng, ông Phạm Thành Vinh, lúc đó là Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng, chỉ huy.


Tướng tình báo do phương Tây đào tạo

Năm 1950, giới thiệu Hoàng Đạo Thuý, tư lệnh thông tin, với tướng Trần Canh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho vị cố vấn Trung quốc này “choáng”. “Đồng tử quân (Hướng đạo sinh) phục vụ thông tin cho chiến dịch ư?” Trần Canh hỏi lại, vì Đồng tử quân ở Trung Quốc là lực lượng phản cách mạng. “Nhà chú” (Trung Quốc) không hiểu nổi đâu. Đây là Đồng tử quân Việt Nam mà”, Cụ Hồ đáp.

Lãnh đạo chủ chốt của công an, tình báo, an ninh đầu tiên của Việt Nam là do… tình báo phương Tây đào tạo. Khoảng năm 1944 Lực lượng nhiệm SOE của Anh, có “sáng kiến” đào tạo các tù cộng sản Việt Nam, bị Pháp giam ở hải ngoại, để tung vào hậu phương phát xít Nhật. Một số đảng viên đã tương kế tựu kế, dùng vỏ bọc này để mang vũ khí, khí tài, và nhất là kiến thức tình báo về phục vụ cách mạng.

Đó là các ông Lê Giản, phó giám đốc Sở Liêm phóng (Công an) Bắc Bộ đầu tiên; Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi), trong ảnh Chính phủ liên hiệp kháng chiến 1946 là thứ trưởng Nội vụ; Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Sở Trinh sát Trung Bộ đầu tiên; Trần Hiệu, phó Giám đốc Sở CA Bắc Bộ, Hoàng Đình Rong (Vũ Đức), chỉ huy quân sự hy sinh ở Nam Bộ đầu kháng chiến. Đây là hiện tượng vô song trong lịch sử, vì các tình báo viên do phía đối phương đào tạo thường không thể trở thành lãnh đạo chủ chốt về an ninh, tình báo…

Cách dùng người như thế chỉ thấy ở Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng không lương, nhận phụ cấp “cơm chan nước mắm”

Tri thức, tình yêu nước và biết “ăn cơm nhà vác ngà voi” có lẽ là những điều kiện cần để trí thức trở thành thành viên của chính quyền đầu tiên của nước Việt Nam DCCH. Hồi ký của các bậc lão thành cho biết “bữa ăn cơ quan” năm 1946 chỉ có cơm chan nước mắm, mà cũng không đủ.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Kinh tế đầu tiên, người Công giáo, nhớ lại trong những ngày nước sôi lửa bỏng 1946, Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh và Chủ tịch Quân uỷ hội Võ Nguyên Giáp từng có những lần chạy ào qua nhà ông, xem “còn cơm nguội không”… Nhưng trong kế hoạch làm việc năm 1946 của lãnh đạo ngành Nội vụ và LLVT Võ Nguyên Giáp, đã đôi ba lần xuất hiện câu: “(Lo) phụ cấp cho nhân viên cơ quan”.

2 nhận xét:

VNQ nói...

Thành phần Chính phủ do Cụ Hồ thành lập gồm các trí thức lớn và những người tiên tiến có học nhiều chữ.
Ngược lại "nông dân" Mao mang tư tưởng Đại Hán lại "sủa" rằng: "Trí thức như cục c..."

hadongtran nói...

Hôm qua trên VTV4 có phim tài liệu về Cụ Hồ, tôi xem muộn nên ko biết tên c/t . Nhiều bậc đại trí thức thời đó như Tôn Thất Tùng , Hồ Đắc Di , Trần Đại Nghĩa , Đặng Văn Ngữ ... đều có chung một suy nghĩ : gặp Cụ ngay lần đầu tiên đều thấy cuộc đời mình như rẽ sang chiều hướng mới .
Thế mới biết sức cảm hóa của Bác lớn lao biết nhường nào .