Thứ Bảy, tháng 5 03, 2008

30/4-2/5, Thác Bản Giốc, chuyến đi ngẫu hứng

Những khi có dịp nghỉ dài dài một chút mà không có chương trình của gia đình, bọn bạn xấu chúng tôi hay đi đâu đó để, nói "mở rộng tầm mắt" chỉ đúng một phần quan trọng nhưng chưa đủ mà còn là dịp, nói chuyện với nhau nhiều nhiều hơn bình thường một chút.

Chương trình năm nay ban đầu dự kiến hoành tráng hơn, bẩy tám người với hai xe ô tô đi vào miền Trung. Nhưng cuối cùng người hô to thì ... không đi được, còn người đi thì lại không chủ động về xe. Sát ngày nghỉ, chốt lại, chỉ đi được có một xe đầy tải 5 người như đã thông báo: lão Hợp, GM, Đ.Cương, H.Hải và tôi, chạy lên Thác Bản Giốc, Cao Bằng..

Tuyến đường được lựa chọn ngay từ đầu sẽ theo hình vòng kín: Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng - Thác Bản Giốc - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội. Trong đó ngày thứ hai của chuyến đi sẽ dành cho tham quan Thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao ở gần đó.

Tập họp đủ người ở nhà Đ.Cương, chúng tôi xuất phát 7h30. Chạy được gần 200m thì dừng để ăn phở, cạnh nhà Khánh Tần. Không hiểu sao mọi người trong các chuyến đi bao giờ cũng có màn đầu tiên là ăn sáng. Đám bạn xấu truyền thống bọn tôi thường phó mặc chuyện ăn sáng cho từng người, lên xe là chỉ có chạy. Thỉnh thoảng T.Lai hay V.Thắng có vội thì mua xôi lên xe mà chén. Chứ một chuyến đi xa mở đầu bằng ăn sáng tập thể thì hơi ... chán. Kết quả riêng vụ này cũng mất hơn nửa giờ, vì đã ăn thì còn phải lo uống đàng hoàng, nước trà hay cà phê, ...

Tiếp tục lên đường, giao tay lái cho Đ.Cương. Đi xuôi Tăng Bạt Hổ đến Nguyễn Công Trứ tưởng cậu rẽ trái để sang Trần Thánh Tông, thì lại thấy chạy thẳng. Rồi cậu rẽ xe sang Lê Quý Đôn, tưởng chuyến này chạy xuống cầu mới Vĩnh Tuy để sang đường 1 mới cho thoáng thì đến dốc Lương Yên cậu lại cua tay áo về cầu Chương Dương, đi theo đường vừa dài vừa khó. Cái này hình như có ảnh hưởng của nghề nghiệp, trinh sát đi theo con đường bất ngờ thì mới không bị lộ. Đường bắt đầu đông từ đầu cầu Chương Dương. Sáng đầu tiên của mấy ngày nghỉ lễ, xe máy, ô tô ùn ùn ra khỏi thành phố. Mất gần tiếng đồng hồ mới thoát ra tới trạm thu phí QL1. Từ đây Đ.Cương chạy mát ga, anh em chỉ lo cậu quen đi nhanh lỡ bị CSGT tóm thì phiền hà, nên thỉnh thoảng lại ngó xem chừng. Gần đến Lạng Sơn, Đ.Cương dừng ở quán nhỏ "đặc tình nghiệp vụ", cho anh em nghỉ "xả e", uống nước, ăn chuối còn cậu gọi điện cho Minh Cường hẹn trưa nếu gặp được thì vui.

Lên đến Lạng Sơn, GM vào ngay chợ Đông Kinh, cũng để chờ M.Cường luôn thể. Chuyến trước mới cách mấy tuần GM lên đây mua được con chuột máy tính không dây, về đến nhà cắm vào máy mình thì ra chuột liệt. Lần này cẩn thận mang cả laptop vào chợ thử chuột, đổi con chạy được thì thôi. Cái giống đồ Tầu, cái nào ngon thì ngon như hàng thật; chịu khó kĩ tính một chút thì được dùng đồ rẻ, GM bảo thế.

M.Cường đến, anh em kéo nhau ra quán. Ngày nghỉ nhưng làm công trường nên M.Cường không được nghỉ, bao nhiêu xe máy nhân công. Chả phải cứ muốn là đi ngay được, thế mà cậu cũng thu xếp ra, có lẽ trúng giờ công trường nghỉ ăn trưa. ĐC và GM là hai chủ lực uống rượu với chủ nhà. MC vui vì các bạn đi qua ghé thăm, lâu lâu mới có dịp gặp. Cậu không quên nhắc buổi gặp tháng 10 dự kiến đi Đại Từ. Bà xã MC cũng đến, vừa để MC giới thiệu với anh em, vừa là chủ chi thay mặt chủ nhà. MC và HH sau gần 40 năm gặp lại, không đến nỗi "mất nhớ"; hai cậu này quả tình vẫn giữ được những nét ngày xưa.

13h30 tiếp tục đi theo đường 4A qua Thất Khê, Đông Khê lên Cao Bằng. Chạy chừng hai giờ thì đến đèo Bông Lau, ở hai đầu đèo có hai đài kỉ niệm, chúng tôi dừng ở đài phía Lạng Sơn. Bia ghi "Di tích chiến thắng Khuổi Slao Bông Lau. Nơi đây ngày 30-10-1947, tiểu đoàn 249 thuộc trung đoàn 28 bộ đội chủ lực Lạng Sơn và đại đội bộ đội địa phương huyện Tràng Định đã phục kích chặn đánh đoàn xe vận tải của thực dân Pháp tiếp tế phương tiện chiến tranh cho các cứ điểm trên đường 4. Quân ta phá huỷ 27 xe cơ giới, diệt 94 lính Âu Phi, 55 lính nguỵ, bắt 101 tên thu toàn bộ vũ khí quân trang quân dụng của địch. Đây là một trận đánh hiệp đồng tập trung tiêu diệt sinh lực địch, góp phần đánh bại cuộc tiến công lên Việt Bắc thu đông năm 1947 của thực dân Pháp." Mấy cháu thanh niên chụp ảnh ở đài kỉ niệm nói "khuổi slao" tiếng dân tộc là "suối con gái". Đằng sau đài kỉ niệm dưới xa là suối Con Gái uốn lượn.

Đường 4A quãng hai năm trước, khi tôi đi chuyến Pắc Bó, đang sửa rộng phần Lạng Sơn. Năm nay đã là con đường đẹp. Nhưng sang đến đất Cao Bằng thì không được như vậy. Con đường nhiều chỗ đã được cào rộng ra nhưng lại chưa biết bao giờ hoàn thiện. Không thấy bóng dáng xe máy thi công ở đâu. Mùa mưa đến thì chắc những đoạn đường này sẽ trở thành tai hoạ cho các xe đi trên nó. Tóm lại trong vòng một năm tới nếu có đi Cao Bằng thì không nên chọn đường này.

Sau 4 giờ hành trình, chúng tôi tới Cao Bằng. GM hướng dẫn chạy xe đến Nhà Khách UBND tỉnh Cao Bằng. Lần trước đến đây tôi cũng nghỉ ở nhà khách này. Nói chung trong các chuyến đi bao giờ chúng tôi cũng muốn vào các điểm nghỉ của UBND, Tỉnh uỷ, Công đoàn, ... Ở đó rộng rãi để xe thuận tiện, dịch vụ, phòng nghỉ và tiền phòng đều thích hợp.

Thị xã Cao Bằng sạch sẽ, yên tĩnh, buổi tối hầu như không có dịch vụ gì. Vào nhà hàng Hương Sen gần nhà khách, sát bờ sông sau khi chúng tôi đã lượn một vòng rồi thấy có vẻ như chỉ có thể ăn ở đây, nếu không muốn đi xa ra vùng ven của thị xã mà chưa biết có hàng ăn không. Chuyến trước đến đây tôi không cảm tình với nhà hàng này. Bây giờ nó đã là khách sạn 7 tầng, tầng dưới cùng làm nhà hàng. Toà nhà lớn hơn trước nhiều nhưng phần dành cho nhà hàng vẫn vậy, được cái dễ chịu hơn lần trước một chút. Ăn xong chúng tôi đi tìm xem có quán Net nào, nhưng không thấy. Cao Bằng giống tỉnh lẻ ở chỗ ngủ sớm. Chỉ có ít hàng cà phê đón khách. Thứ cà phê họ dọn bị HH cho là quá khó uống. Lần theo tiếng nhạc tôi và HH đến bên ngoài nhà Văn hoá Tỉnh. Ở đấy đang có khiêu vũ, chủ yếu là các bà giảm béo nhẩy với nhau theo nhạc Tầu phát ra từ thùng loa để trên hè. Khiêu vũ ở đây không theo các điệu quốc tế, dù HH bảo cái này là tăng-go, cái nọ là cha-cha-cha. Tôi nhìn và nghe chỉ thấy động tác thì có đôi nhảy cứng dừng từng động tác, giống múa Hồng Vệ Binh. Một chốc đến nhạc phim Bao Thanh Thiên "lấy dao chém xuống nước, nước càng chẩy mạnh. Nâng chén tiêu sầu lại sầu thêm ..." không biết đây là vũ điệu gì mà từng đôi vẫn múa tít.

Về lại nhà khách, GM và ĐC đang phát buồn vì không xem được ông bạn vàng DM.Đức đang hát trên truyền hình Hà Nội. Đài truyền hình Cao Bằng không tiếp sóng nào khác các đài của VTV.

Sáng 1/5 chúng tôi trả phòng đi thác Bản Giốc. Tính là chuyến về sẽ nghỉ ở Bắc Kạn để đi chơi thêm đâu đó, không trở về Cao Bằng nữa. Ăn sáng món bánh cuốn nóng ở gần chợ. Người Cao Bằng ăn bánh cuốn canh. Một bát đầy nước canh với một cái giò nhỏ, thêm một quả trứng chần, lạ mà không ngon. HH quen ăn xong phải uống cà phê, tìm mãi mà không hàng nào mở, kể cả "Cà phê Phố". Lại thêm tật dậy muộn, Cao Bằng.

ĐC cứ đường ngon chạy, có lúc lên tới 90km/h, hơi sợ có xe đột ngột lao ra không xử lí kịp. Chạy quá lối rẽ Quảng Uyên đi Trùng Khánh mất hơn chục cây số phải lộn lại. Hoá ra bám theo đường 3 đi cửa khẩu Tà Lùng. Đường ấy tốt hơn, chứ đi Trùng Khánh xấu hơn một chút nhưng không đến nỗi tệ. Dù sao Cao Bằng cũng rất quan tâm tới điểm du lịch này.

Thác Bản Giốc mùa này không nhiều nước nhưng cũng đủ cho mấy dòng nhỏ bên trái ảnh, được cho là của VN, chảy. Hỏi qua cậu trông xe thì bảo chưa cắm mốc phân định biên giới ở đây. Lí sự thông thường thì phân đôi dòng chảy chính, là cái thác lớn. Nhưng hình như như thế cũng không đúng, vì trước thác thì cả hai bên sông đều của mình. Mà sự căng thẳng biên giới thì thường xuyên họ gây ra cho mình.

GM cho hay lần trước đến đây chưa có đồn biên phòng, nay mới có ở xa xa. Còn các công trình phục vụ du lịch trên đất của mình xây lên thì họ cho người sang phá. Bởi thế tương phản với nhà xây, đài quan sát trên đất Tầu, phía VN chỉ có các lều quán tạm bợ thế này.

Thôi thì chụp cái ảnh thác Bản Giốc "của ta" vậy. Cái mảnh to kia để yên xem sao. Là của nó thì ông ứ thèm.

Ra khỏi thác chúng tôi rẽ vào động Ngườm Ngao ở ngay gần đấy. So với bên thác, ở đây có tổ chức và xe cộ ở bãi đông hơn làm chúng tôi ngạc nhiên. Có lẽ sự quấy phá của bên Tầu làm cho bên ta không tổ chức khai thác danh lam thắng cảnh khu vực đó một cách bình thường?

Đường vào động Ngườm Ngao phải leo qua một hẻm núi nhỏ, đi qua một lũng trồng ngô mùa này vừa xanh mát mắt. Ảnh chụp đường đi vào từ lối ra của hang. Lối vào hang ở chỗ mấy ngôi nhà lợp tôn đỏ.

Cửa vào hang bé tí, phải chui mới lọt. Vào trong có chỗ còn phải đi ngồi. Được cái biển cảnh báo và đèn đủ sáng nên dễ đi và an toàn. GM và ĐC nhất định phải chụp chung với "cây khoai môn" kèm với cái hoa loa kèn đỏ toe toét mới chịu đi tiếp.

Lối vào nhỏ với dãy đèn soi đường.




Điểm đặc biệt là bên lối đi có một dòng suối vẫn chảy rì rào ở dưới.




Vào sâu có nhiều chỗ thoáng rất to.





Nhũ và các cột đá ở đây chưa bị khai thác cho các đại gia làm tiểu cảnh nên còn cái cho mọi người chụp ảnh.

Các cháu thanh niên thay nhau đứng vào chỗ ưng mắt. Cháu gái này thấy bị "ăn theo" chắc là xấu hổ chạy ra, nhưng rồi sau đó lại đứng vào cho các bạn chụp vì thấy tôi đã quay đi.

Chạy một đoạn trở ra, chúng tôi chọn một chỗ đất phẳng sạch sẽ bên sông Quây Sơn, là sông cấp nước cho Thác, nghỉ ăn trưa. Rất may là trời đầy mây, không nắng, gió mát nên mới nghỉ ở đây được. Bờ đá dựng đứng, nước sông sâu xanh ngắt không thấy đáy, mấy rẻo đá như lưng con thằn lằn nhô lên làm chỗ ngồi. GM nhanh nhẩu rút con dao Mông của tôi ra khỏi vỏ, bị một đường cứa đứt da ngón tay. Người Mông làm bao dao chỉ ghép hai mảnh gỗ mỏng đều hai bên. Khi rút phải nắm bên sống và bản dao mà rút, lưỡi dao có thể thò ra khỏi khe giữa hai nửa vỏ mà cứa vào tay nếu không làm như vậy. Hầu như ai không biết đều bị dính vụ này, mà tôi là một. Ăn hết mấy cái bánh mỳ, uống hết một chai vang, giò, chả, dưa chuột, bụng căng mắt díp, ngả lưng ra bãi cỏ nghỉ thật sướng.

Tiếp tục, chúng tôi quyết định vào hồ Ba Bể nghỉ tối. ĐC sau gần hai ngày rời HN đã có vẻ bồn chồn, nêu phương án về ngay trong đêm, vì "... Bắc Kạn có gì mà chơi". Thì đấy, có hồ Ba Bể.

Lần đầu chạy xe đường 3 đoạn Bắc Kạn - Cao Bằng vào lúc mới nâng cấp xong, thấy thật sướng. Mặt đường sạch, phẳng, vắng xe, không có nhà dân bên đường, núi rừng trập trùng liên tiếp. Chúng tôi mở hết cửa kính cho gió ào ào đầy không khí trong lành. Có những lúc xuống dốc vào cua gắt bánh xe trượt rít trên đường. Những lúc như thế thấy trong gương chiếu hậu GM chống tay lên trần xe để khỏi ngả nghiêng vào ĐC hay lão Hợp ngồi hai bên. Tuy thế suốt chuyến đi GM vẫn kể đủ các loại chuyện buồn cười mỗi khi không có đề tài gì để bàn luận.

Tới Nà Phặc, cách Bắc Kạn 36km chúng tôi rẽ vào đường đi hồ Ba Bể. Đường 279 nhỏ nhưng không xấu, 40km tới hồ Ba Bể. Trên đường vào, chúng tôi gặp một số đoàn đi ngược lại, có cả biển xe Hà Nội. Có lẽ họ đã kết thúc hai ngày ở Hồ và sẽ tiếp tục mấy ngày nghỉ ở Cao Bằng. Hi vọng buổi tối có thể ra VNPT để lên mạng, chúng tôi thuê phòng ngay khu Ban Quản lí Rừng Quốc gia Ba Bể. ĐC và GM lần thứ hai trong chuyến đi gặp phải phòng hỏng máy điều hoà không khí, phải đổi sang phòng khác. Mấy ngôi nhà sinh thái mới xây dựng mà đã xuống cấp. Có nước nóng nhưng vòi sen chảy ra ngoài nhiều hơn vào người, bồn rửa xả nước xuống chân, ... Tuy thế cũng không đến nỗi khó chấp nhận lắm, vì mình chỉ ở một đêm. Ở đây khách nước ngoài đến khá thường xuyên. Ít nhất có một nhóm nói tiếng Pháp ở gần nhà chúng tôi.

Trong lúc anh em còn tắm ĐC đã nhanh nhẹn đi đặt ăn mà theo cậu nói "kiểm soát làm gà sạch sẽ mới hài lòng". Bữa ăn tối đơn giản với một chai vodka Bắc Kạn có tên Bó Nậm nhỏ hơn chai Blue Bird của Hà Nội mà cũng 100 nghìn Đồng, đắt. Nhưng vẫn uống, vấn đề là đặc sản địa phương, và uống được, không tồi, theo GM và ĐC.

Ăn xong ra VNPT thấy mấy máy tính chật người, toàn thanh niên địa phương. Hỏi thì được mấy cô nhân viên tươi cười cho biết biển đề Internet chỉ là hứa hẹn tương lai, chứ bây giờ chưa có ADSL, máy tính chỉ dùng để chơi bài. Một ngày dịch chuyển mệt mỏi, mọi người cũng xem qua mấy chương trình TV rồi đi ngủ. Phát hiện ra một điều phải nằm lộn đầu ra ngoài để khỏi bị máy lạnh xối vào đầu.

Buổi sáng ngủ dậy, trời mưa. Nhớ tới dự báo thời tiết trời nhiều mây có mưa ở khắp miền Bắc, thất vọng quá. Chán vì kế hoạch khéo vỡ, chuyến đi vô ích gì, chứ đi chơi trên hồ thì tôi đã từng. Mây dày lưng chừng núi, mãi đến 6h30 mới ngớt mưa, mây dâng lên một chút. Cả hội bảo nhau có không đi thuyền thăm hồ được thì cũng chạy ra bến ngó một cái, chả lẽ về không.

Nếu các anh đã muốn xem hồ thì thay vì đến bến nhìn hồ, tôi đưa các anh đi đường ven, sang bản Pắc Ngòi. Ở bên ấy là khu du lịch nhân dân. Các nhóm du lịch Tây, ta ba lô thích ở đấy hơn bên Ban QL. Ở ngay trong nhà dân, ngủ sạp đệm cỏ, ăn dân nấu, đi thuyền dân chở. Có lẽ đầy đủ máy lạnh, nước nóng.

Đường sang Pắc Ngòi trải đá, khá hẹp. Nếu có hai xe ô tô gặp nhau sẽ phải lựa chỗ mà tránh. Qua một cầu dây văng bắc qua một trong số các nguồn nước vào hồ là sang Pắc Ngòi. Xem ra phong trào du lịch nhân dân vẫn đang phát triển. Người ta đang làm thêm mấy nhà sàn ở ngay đầu bản. Chúng tôi đi mãi trong vòm lá rừng ra tuốt bến bên kia của bến du lịch. Con đường còn đi mãi ra Chợ Đồn. Khi nói chuyện hồ Ba Bể GM nói đã từng đi qua khi hành quân từ Lào Cai về. Cứ tưởng đi con đường này, hoá ra hắn nhầm hồ Thác Bà thành Ba Bể.

Trời đã tạnh hẳn, có thể đi trên hồ. Nhưng GM và ĐC không khoái lắm, có vẻ muốn về sớm. Tôi và lão Hợp đã từng ngồi thuyền trên hồ rồi nên cũng muốn đi tiếp con đường cho biết. HH thiểu số đành chấp thuận, mà trong lòng lấy làm hậm hực lắm.

Từ Nà Phặc đã qua Chợ Rã đến Ba Bể, lại từ Ba Bể đi tiếp đến Chợ Đồn. Đến Chợ Đồn tính đường thấy về Bắc Kạn không lợi hơn đi Chợ Chu (Định Hoá) nên lại quyết định đi Chợ Chu. Mà đã đến Chợ Chu thì sao lại không ghé khu di tích lịch sử cách mạng ATK Định Hoá. Một loạt các địa danh kháng chiến chống Pháp đã được chúng tôi đi qua.

Đường từ Ba Bể đi các địa danh đã kể cũng tốt, nhưng thỉnh thoảng có chỗ hỏng cục bộ có thể gây rắc rối to. Chúng tôi gặp hai tảng đá quãng gần một khối rơi từ trên núi xuống nằm giữa đường, hoặc một vạt núi sạt xuống lấp đường, hoặc đường lở, cầu trôi, xe phải lội trong lòng suối một đoạn rồi leo lên. Chúng tôi nhìn một chiếc Honda 4 chỗ loại cũ đi trước, mới leo lên bờ với lòng ngưỡng mộ trong khi bên họ đứng chụp ảnh chúng tôi đang lội theo dòng suối. Khả năng thoát của chúng tôi với chướng ngại này là chắc chắn; còn họ, xe bốn chỗ gầm thấp một cầu thì đúng là "thôi đành nhắm mắt đưa chân", chả lẽ quay lui.

Đến ATK Định Hoá, trong khi chờ cơ sở nấu cơm, tôi đưa anh em đi thăm lán Tỉn Keo, nơi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi chưa đọc các lý giải vì sao có trận ĐBP, nên tự suy luận rằng bọn Pháp cò cưa với ta mãi từ từ yếu thế. Vì thế nó lập tập đoàn cứ điểm này để "thách đấu" theo kiểu hiệp sĩ châu Âu. Chứ nếu ta không đến thì nó đóng ở đây cũng chả có ích gì. Quyết định của Bộ CT khi đó chắc giống như nhận lời thách đấu. Mỗi bên đều muốn nhân dịp này đánh cho đối phương gục hẳn, ban đầu do ý đồ của Pháp mà sau ta thấy có thể "ăn cả" nên chấp nhận.

Nhóm đóng thế bạn xấu đang tái hiện cảnh Bộ CT họp quyết định mở chiến dịch ĐBP, phía sau là bức ảnh chụp thật. Lán Tỉn Keo này là nơi làm việc của Cụ Hồ.

Nơi ở của Cụ là lán Khuôn Tát ở phía trên núi đằng sau. Chúng tôi sang đó, qua cái sân mà trong phim Cụ Hồ chơi bóng chuyền với các chiến sĩ cảnh vệ, dưới bóng cây đa.





Vào tới lán Khuôn Tát, rất tiếc không có cái ghế nào để kê bên cửa sổ để bắt HH đóng thế cảnh "trăng vào cửa sổ đòi thơ".

Thăm di tích xong, chúng tôi trở ra ăn cơm ở nhà cơ sở rồi bàn tính có sang Tân Trào, cách có dăm bẩy km để thăm đình Hồng Thái, đình Tân Trào, ...

GM và đặc biệt là ĐC trong suốt chuyến đi gọi và nhận điện thoại liên tục. Thân chưa về mà hồn đã ở nhà, mắt mơ màng nhớ về nơi xa lắm, chỉ muốn "chuột rút" càng nhanh càng tốt. Xem ra hai lão này chưa đủ "thiền" mà vẫn còn vướng bận nhiều tục luỵ lắm.

Chạy về Hà Nội theo lối trở ra đường 3. Càng gần HN càng thấy bức bối vì mật độ giao thông cao, bụi bặm, ...

10 nhận xét:

Nặc danh nói...

Kharasô! Nhất là đọan về ATK. Có thể Hãng phim Truyện VN sẽ chọn các đ/c đóng thế các cụ.
KQ

VNQ nói...

Tiếc là không có bộ fận hóa trang đi theo, chỉ cần hóa trang chút xíu là bác HH "đắt hàng" với các hãng fim. Trông bác GM cũng khá "giống" anh cả của QĐ...

TranKienQuoc nói...

Tối qua có vụ giao lưu: VTMai, Trung Nghĩa, ĐCương, Tương Lai, Hồng Hải, KQuốc tại Bia Tiệp Hoa Viên số 1 Trần Hưng Đạo. Hải và Cương "bá cáo" về chuyến đi "Pản Giôốc". Ngồi HN mà nhớ Jodee SG, nhớ anh em!

Nặc danh nói...

H.Hải vẫn ấm ức vì không được nhúng chân xuống nước hồ Ba Bể.
VTM

Nặc danh nói...

Thế mà tôi tưởng thác Bản dốc bị di dời giải tỏa rồi (chuyển động tương đối trong hệ quy chiếu quán tính), té ra vẫn còn ... một ít.
HCQuang

Nặc danh nói...

Cụ HH sau hơn tháng hồi quốc nay đẹp dzai hẳn ra. Đúng là không có thuốc trường sinh bất lão nào bằng.Sắc khí cực tốt. Mọi người trong này rất quan tâm anh giai HH đã mở quán Phở BẮC MONG chưa? nhất là cô em Suối.
Hôm qua giao banCà phê,K9 Suối đến chào xã giao,có thêm 1 em nữa(Thảo). Một lẵng hoa do Mộng Tuyền(S) tặng.Rất vui,còn được uống cacao do em Suối pha chế cây nhà lá vườn.( MT rất nhiệt tình hạt điều ngay một em giai ,mang cacao đến phục vụ các anh giai Bantroi).Túm lại ngày đầu gặp gỡ nhưng rất vui và chân tình.
Ds

Nặc danh nói...

Bài của bác HT giống như "việt bắc ký sự" hay! Bọn em "ăn chùa" ngồi nhà đọc mà sướng. Bài này phóng viên báo nó muốn viết em nghĩ kinh phí để đi, ăn, ngủ nghỉ để có bài viết như thế chả ít của, ít sức chút nào. Từ hình ảnh tới bài viết . trang Bạn Trỗi ta giống như một tờ báo mạng đích thực, rất nhân văn và cũng rất đời. "thay mặt" bạn đọc cảm ơn người khởi xướng, cảm ơn TQ.
đd

HữuThành.Nguyễn nói...

Viết ra không mong được gọi là văn hay, chỉ muốn chuyển nhiều tư liệu đến anh em thôi.
Cám ơn đ.d có nhời khen "tài liệu hay".

HữuThành.Nguyễn nói...

HH nhận xét về VN đường máu thấp một cách khả nghi(?) Anh em bảo chắc về VN thiếu dinh dưỡng!

Nặc danh nói...

Ngoài việc đóng thế tại lán Tỉn Keo thì HH "gà công nghiệp" còn đóng vai Buratino để bị hai tên "Mèo mù" (GM) và "Cáo thọt" (ĐC) lừa trên suốt đường đi, chắc bây giờ vẫn còn "ấm ức" lắm.
GM.