Dân gian đồn rằng, sứ bộ Phan Thanh Giản sau khi đi công du Pháp về, đã tâu với vua rằng, bên Pháp có ngọn đèn treo ngược vẫn cháy, có xe 2 bánh để không thì đổ, leo lên thì chạy, và ông suýt bị vua chém vì tội khi quân. Vậy sự thật ra sao? Tôi xin trích “Tây hành nhật kí” của cụ Phạm Phú Thứ - thuộc sứ đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp vào năm Tự Đức thứ 16 (năm 1863) - để các bạn tham khảo.
… đường sá thì rất bằng phẳng rộng rãi. Đường trường bề mặt rộng tới 6, 7 trượng, hẹp nhất cũng 2, 3 trượng, mặt đường đều lót đá. Chỗ nào hư hỏng một chút lập tức sửa ngay, hàng ngày lại còn có phu quét sạch tinh, cả ngày mưa gió cũng thế. Trên đường xe ngựa đi như mắc cửi. Đường xe lửa đặt từ nội thành thông ra bốn phía, chỗ nào gặp đường sá thì đào đường hầm … Đường ngang, ngõ hẻm, đèn chong suốt đêm. Hơi than và hơi nước đều dùng ống sắt chôn ngầm dưới đất để dẫn đi các nơi. Trên nóc các dinh thự cao đều có đặt kim ty lôi, để cho thiên lôi theo đó chạy thẳng xuống giếng và không thể nổ thành tiếng sét …
A Ba Ly (một quan chức người Pháp) đến đón thần đẳng (tác giả) đi coi Sở lọc hơi đèn. Bước vào đã thấy đặt 3, 4 hàng lò sắt, mỗi hàng đến 20 cái lò. Người ta đốt than trong những lò ấy để lấy hơi … Nơi trữ hơi có đặt ống ngầm, rồi sau phân phát đi khắp thành thị, trong nhà ngoài lộ. Muốn dẫn hơi đến đâu thì lấy ống nhỏ tiếp vào ống chính, hơi chuyền đến ngọn, người ta chỉ việc châm lửa vào là nó bắt cháy, ngọn đèn sáng chói lạ thường. Ngay chỗ gần ngọn cũng có máy hãm. Khi thắp, người ta chỉ việc vặn một cái tức thì hơi đèn chuyển ra và cháy. Khi tắt người ta hãm lại một vòng, hơi sẽ thu về và đèn tắt ngay. Người nào muốn dùng bao nhiêu ngọn thì tính theo thời khắc để làm tiêu chuẩn, giá còn rẻ hơn đèn dầu và nến …
“Hàng không” Pháp: (phần này không liên quan tới đèn treo ngược)
... Hôm nay thần đẳng cùng với A Ba Ly đến thăm sứ quán Tu Du Ky (Turquie), buổi chiều đi xem thả phong câu ỡ bãi San Đơ Mậc. Khinh khí cầu hình tròn, đường kính hơn 70 thước, chu vi hơn 200 thước, cốt làm bằng lụa sơn keo, ngoài vỏ chằng dây gai, trong chứa hơi, hơi đầy thì nó phồng lên. Phía dưới có treo một cái kiệu đan bằng mây, trong có thể chứa được 12 người ngồi: phi hành gia, hai người phụ việc, một người tùy phái, còn mấy chỗ kia để phần du khách. Du khách muốn đáp phải trả một ngàn quan một chỗ. Nói về trọng tải, quả cầu này có thể chở được 125 thạch (mỗi thạch là một tạ ta). Trong khoang có đặt phong vũ chám, hàn thử xích, cùng súng đạn, gươm đao, địa bàn, thiết đĩnh, bao cát, thức ăn. Phía dưới quả cầu dùng nhiều thừng chão rất lớn cột vào các trụ, đợi khi thử lại máy móc đâu đấy rồi mới tháo dây cho quả cầu bay lên, khi lên thì những người ngồi trong cất mũ chào, người đứng xem vỗ tay tán thưởng. Lúc đầu quả cầu bay lượn quanh, xong lượn ra xa độ mấy dặm, rồi bay vút lên cao. Vào quãng nửa đêm thời nó mới hạ xuống. Lúc xuống đụng phải cây nên trong khoang có mấy người bị thương nhẹ, chỉ riêng có một người đàn bà được vô sự …
2 nhận xét:
Châu Âu cuối TK19 chưa sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông. Lúc đó xe đạp mới chỉ là trò chơi cảm giác mạnh.
Hồi Nguyễn Huệ còn sống, tụi tây có mang khinh khí cầu sang Việt nam biểu diễn.
Đăng nhận xét