Thứ Sáu, tháng 4 20, 2012

Một người tốt đã ra đi

Theo sự chỉ dẫn của Bác PH, bê bài này từ blog Nguyễn Thông.


Hôm thứ bảy 7.4, vừa vào đến cơ quan, cầm tờ báo nhà lên đọc lướt, tôi giật mình trước khung đen nhỏ chia buồn. Người nằm yên lành trong khung giấy giản dị ấy là bác Ngoạn, đại tá Lê Quang Ngoạn. Tôi vội nhắn tin hỏi người đồng nghiệp đồng thời là con rể của bác, anh Trần Xuân Hòa- trưởng văn phòng Nha Trang, anh Hòa bùi ngùi xác nhận bác Ngoạn đã ra đi. Mấy bữa rồi tôi về quê Nam bộ, máy móc không, lại bận bịu nên nay mới có mấy nhời tưởng nhớ bác.

Bác Ngoạn đi sau 93 năm tại thế, kể như vậy cũng thọ lắm. Bác nguyên là Cục trưởng Cục cảnh sát bảo vệ, nhưng với tôi và gia đình tôi, bác là người thân thiết. Cũng có nhiều mối gắn bó. Chị dâu tôi là cháu bác. Anh Hòa đồng nghiệp của tôi là con rể bác. Đám hỏi và đám cưới anh Uy tôi ở Hải Phòng, bác đều thay mặt gia đình, đánh xe về dự. Những năm 80 khốn khó, mỗi lần ra bắc vào nam, tôi đều ăn dầm nằm dề nhà bác; được bác coi như con cháu trong nhà. Vào nam công tác, bác mấy lần đến thăm vợ chồng tôi và cho quà. Kỷ niệm về bác không nhiều nhưng sâu nặng, tôi chẳng thể nào quên.

Bác Ngoạn làm chức to nhưng thật giản dị, nhân hậu. Thày tôi sinh thời rất quý bác, hễ chúng tôi ở miền Nam về thăm quê thì y rằng hôm trước hôm sau thày nhắc các con nhớ lên sớm Hà Nội thăm bác Ngoạn. Bác ít tuổi hơn thày nhưng thày thường gọi một cách kính trọng là cụ Ngoạn hoặc ông Ngoạn. Hai cụ trò chuyện hợp nhau lắm, dù thày tôi chỉ là nông dân còn bác sĩ quan cao cấp. Bác nói nhỏ nhẹ, ân tình, dạy bảo con cháu bằng những điều rất giản dị. Ba người con trai của bác, anh Cương, anh Bình, anh Ý đều theo ngành công an, rất giỏi giang, giữ chức vụ cao nhưng anh nào cũng hiền lành, nhân hậu như bố. Một điều hiếm thấy.

Năm 1982, trên đường vào lại Sài Gòn, vé xe lửa quá khó khăn, mặc dù anh Bình anh Ý đã hết cách giúp đỡ, tôi vẫn phải tá túc nhà bác để chờ tàu. Dù làm cấp cao nhưng bác cũng chỉ được ở tầng trên của một căn biệt thự gần hồ bơi Tăng Bạt Hổ, mấy phòng cộng lại cũng chỉ vài chục mét vuông. Thậm chí hai anh con trai thứ còn độc thân phải ở trên cái gác lửng bé xíu chỉ để ngủ chứ không thể xoay qua trở lại. Hai bác tận dụng diện tích đất nho nhỏ dưới vườn làm cái chuồng nuôi vài con lợn nên bác gái bận bịu suốt ngày. Bác trai có tiêu chuẩn đưa rước bằng ô tô nhưng nhất quyết đi bộ, chỉ khi nào cần lắm mới sử dụng xe. Bác bảo cuộc sống còn khó khăn, còn nghèo, bớt được chút nào để lo cho dân tốt chút ấy. Thấy tôi khổ sở vì không mua được vé tàu, bác dặn Bình, Ý ráng lo sơm sớm để tôi yên tâm, nhìn tôi gầy vêu vao bác bảo chị Loan con dâu bác mua thêm thức ăn ngon hơn về “đãi khách”. Tôi không ngờ gia đình một sĩ quan cao cấp (lúc ấy bác đương chức cục phó Cục cảnh vệ) mà sống giản dị, thậm chí nghèo khó đến thế. Vậy nhưng bác rất vui, luôn động viên mọi người, nhường nhịn cho mọi người.
Lại nhớ năm đó, hai bác cháu đọc báo Nhân Dân thấy có cái tin công đoàn Đoàn Kết bên Ba Lan đấu tranh đòi quyền dân chủ, bị đàn áp cấm hoạt động, công nhân bị bắn chết, bác Ngoạn cầm tờ báo trầm ngâm mãi. Bác bảo dù công đoàn Đoàn Kết có sai gì chăng nữa thì việc bắn chết công nhân đòi quyền dân sinh dân chủ cũng rất không nên. Tình hình Ba Lan như vậy sẽ ngày càng nguy ngập. Tôi trẻ người non dạ chả hiểu bao nhiêu nhưng về sau nghiệm thấy điều bác Ngoạn nói đúng cả.

Năm 83 bác đi công tác trong Nam. Vào Sài Gòn bác tới ký túc xá vợ chồng tôi ở, leo tận tầng 5, lại còn xách theo túi xoài to. Bác bảo khi làm việc ở Cam Ranh, thấy xoài ngon nhớ ngay đến cháu, mua vào làm quà cho cháu. Vợ chồng tôi cảm động ứa nước mắt. Biết chúng tôi giáo viên nghèo đang ăn độn bo bo, tiền nong eo hẹp, thức ăn chả có gì, bác nhất quyết từ chối không ở lại ăn cơm vì không muốn các cháu phải chạy vạy, lại còn lệnh bằng được buổi tối chúng tôi phải đến dùng cơm nhà khách với bác. Quả thật chỉ những con người tràn đầy tình yêu thương mới hiểu sâu sắc và thông cảm đến thế.

Tôi có nghe anh chị tôi kể rằng các con bác dù theo nghiệp bố nhưng đều phải tự lực, tuyệt đối không được ỷ lại cậy nhờ chức vụ của bố mình. Bác bảo để các anh tự đi bằng hai chân, có thế mới nên người. Cái câu “một người làm quan, cả họ được nhờ” có thể đúng chỗ này chỗ khác nhưng với gia đình bác Ngoạn nó chẳng có giá trị gì. Càng về sau này, khi hình ảnh cao đẹp của người công an cứ mờ dần đi thì tôi lại nhớ đến bác Lê Quang Ngoạn và những người con của bác. Nếu không có những con người đậm chất người như thế, sẽ buồn biết chừng nào.

7.4.2012
Nguyễn Thông

8 nhận xét:

thuybeuK4 nói...

@Nguyễn Thông: tôi không biết Hòa và Thông thân nhau cỡ nào,nhưng L.Đ.Cương với tôi là bạn từ thưở thiếu thời,nhớ ngày xưa ,Cương rất nghịch,nên " Ông Già"cho lên trại Chó của B.P(hình như khi đó ở Sơn Tây?)để "rèn luyện"-Khi đó Cụ Ngoạn là Trung tá,Cục phó Cục tác chiến-CANDVT,nay gọi BĐBP!Ngoài 3 người con trai ra,Chị Cả là chị Song cũng là đồng nghiệp với tôi,nhưng phụ trách Đoàn An dưỡng Bộ Công an,ở "Lầu Ông Tư-Nha Trang...có lẽ dành cho bạn "kể chuyện Bố bạn mình thì hay hơn.../TBK4

tranbachai nói...

Hôm nay mới biết thân sinh anh Lê Đại Cương ra đi. Cầu chúc cho cụ siêu thoát.

Nặc danh nói...

Ông Thủy bều phê phán ai thế!
DS

Nặc danh nói...

@DS: Tớ có " phê phán" ai đâu,nói chuyện ngày xưa ấy mà,đừng có chụp mũ nhau nhé!Hẹn ngày gặp ở QN nhé!/TBK4

Thắng k5 nói...

Mấy anh này (Ds, Tbk4) hài hước thật:
Toàn dân ngụ cư trong HCM với Bình Định, mà lại hẹn nhau ở tận Quảng Ninh để đàm đạo.

thuybeuK4 nói...

@ThắngK5: chẳng nhẽ phải viết rõ ra là QN=Quy Nhơn à,nếu ông hiểu QN=Quảng Ninh ,thì có đứa lại ngộ ra QN=Quảng Nam...Thôi nhé ,đùa chút cho vui,hôm nào ra Hà Lội sẽ đến thăm "nơi câu cá thư giãn "của hai ông đấy,gửi lời thăm Chiến Dế nhe!

HữuThành.Nguyễn nói...

Biết ngay là ông Tbk4 nhầm Tk5 là Văn Thắng em Chiến dế. Không phải đâu. Hai anh em ấy hình như không đi "giang hồ mạng".

Thắng k5 nói...

Mới có mấy cái bản mặt trong giới giang hồ mạng mà đã nhầm lẫn thế này, thể nào một nhân vì chinh chiến đã ra đi không hẹn ngày về(TBH k5)