Thứ Sáu, tháng 3 28, 2008

Sĩ quan ta ăn uống

Bếp ăn lính Trỗi

Đầu những năm 1980, số lính Trỗi về Đại học KTQS công tác không ít. Khóa 1 có các anh Lê Anh Dũng, Hà Trọng Tuyên, Dương Thịnh Lợi, Nguyễn Anh Tuấn, Luyện Quang Minh…; khóa 2 có các anh Hồng Thanh, Sơn Tùng, Tú “kẽm”, Nhật Minh, Chu Hữu Nghĩa…; khóa 3 có Nguyễn Bình, Tạ Quang Vinh; khóa 5 có Lê Chí Hòa và tôi, khóa 8 có Nguyễn Quang Tuệ... Ở đâu cũng vậy, lính Trỗi gặp nhau là lập tức có liên kết.

Là sĩ quan sống trong doanh trại nên cơm 2 bữa ăn ở bếp tập thể. Hàng tháng mỗi người phải nộp 15 kí rau. Đã tăng gia thì lấy đâu thời gian chơi thể thao và thực ra có làm nghề nông bao giờ, vậy là có anh nghĩ mẹo ra chợ mua rau nộp nhà bếp. Nhưng khi nộp cân vẫn thiếu(?). Anh em lại lí luận nếu ra quán ăn thì không phải nộp rau? Hết lí, nhà trường đành chấp nhận cho anh em giáo viên tùy chọn cách sinh họat, có thể cắt cơm, mang gạo và thực phẩm về nhà tự nấu. (Thực ra đó là mầm mống “thực hành dân chủ” trong sinh họat ở Đại học quân sự với các sĩ quan).

“Nhà bếp” được đặt ở buồng tôi và Vũ Thanh Hải. Tạ Vinh k3 đăng cai một chân. Thằng em Tuệ trên Khoa Công trình cũng lấy phòng tôi làm nơi sinh họat chính. Nấu ăn bằng bếp điện, (không nấu thì tống vào gầm giuờng), năng lượng là điện “chùa”, chỉ cần đặt nồi cơm, nồi canh còn thức ăn mặn đã có thịt, cá kho sẵn. Đúng là cơm ngon, canh ngọt, nóng sốt hơn rất nhiều. Mỗi lần đi tranh thủ khuân lên theo xe tuyến nào lọ “thịt Việt Minh” hay bịch ruốc cá, nào vài lạng mì chính Tàu. Thanh Hải không quên mua thêm chai tương ớt ở lò cung cấp trên phố Nguyễn Trường Tộ.

Chợ búa mua rau dưa, thịt cá thì quá dễ vì ngay cổng Bảo Sơn hình thành chợ cóc do chị Thiện cầm đầu. Cứ mỗi lần đi dạy về, tạt qua là chị lởi xời mời: “Vào đây chú, hôm nay mông chị ngon lắm. Chị bán rẻ cho... Sao, thiếu tiền à? Ghi sổ, cuối tháng có lương thì trả. Chị em mà!”.

Ăn uống như thế thoải mái như ở nhà, có thể đánh trần ra mà ăn và tiêu chuẩn lại không bị bớt xén. Bữa cơm chiều vui như hội, anh em mang cơm canh ở bếp về “đụng”, nhất là vì chúng tôi hay có món lạ: khi thì chả cóc, chả nhái, lúc canh rau rền cơm, rau má, có lần ăn cả thịt “tiểu hổ”, thịt rắn. Rau rền cơm, rau má hái ngay sát hố đái. Sau kì lương, anh em còn góp “hụi” mua gà, cá, rau sống về ăn tươi. Cá nấu dấm ăn với rau sống thì “hết ý con bà Tý”! Có chút men cười nói ầm ĩ. Bếp ngày ấy là nơi tụ bạ. Anh Trần Đình Ngân, Nguyễn Ngọc Giang ở Khoa Cơ điện cũng hay sang “ăn chạc”. Vui!

Học làm thịt cóc

Môn “chế biến thịt cóc” được học từ ngày đi sơ tán cùng anh Đoàn Mạnh Hưng về xã Tiền Châu, ven đê sông Hồng, nhìn sang thị xã Sơn Tây, năm 1972. Tối tối, tôi, Chí Quang, Chí Hòa và Huy Dũng thường theo mấy anh Kỉnh, Phôi (lính miền Nam tập kết) xách bao tải ra bờ sông. Cóc nhiều vô kể, nhất là ở những thửa ruộng ngô mới cày vỡ. Lúc đầu sợ không dám sờ vào con cóc, cứ giả vờ vồ hụt. Sau cầm cóc trên tay mà không thấy dơ bẩn, vậy là tới. (Sau này mới biết cóc chỉ tiết nhựa khi bị làm đau). Nhặt cóc như nhặt sỏi. Ra về trên vai nặng một bao tải cóc. Về đến nhà đổ cóc vào hầm tăng-xê. Cả đêm nghe tiếng lóc cóc ngòai vườn.

Công đọan làm thịt cóc thực hiện ngay tại vườn. Một anh được phân công xử lí đầu. (Với lí luận: đầu được coi là trung ương thần kinh chỉ huy tiết ra chất độc nên phải chặt trước). Kê đầu cóc lên cục kê, hạ dao đến “phập” rồi vứt sang một bên. Anh nào lột da chỉ cần rạch một đường dao lam dưới cẳng chân là dễ dàng lột trọn bộ da xù xì. Sau đó cầm cuống lôi toàn bộ đồ lòng vứt đi. Nghe nói lòng gan, trứng cóc độc, vậy mà gà tranh nhau xơi và sống nhăn răng(?). Riêng mấy chấm đầu ngón chân đen xì trông ghê ghê nên hạ dao cho sạch luôn. Để đề phòng nhựa cóc dính vào thịt, chúng tôi “áp dụng” định luật Ác-si-met: thả cóc sạch vào bát nước muối, nhựa cóc bị nước muối pha đặc đẩy nổi lên mặt nước. Lúc này trông thấy không ai nghĩ đó là thịt con cóc xù xì xấu xí. Cóc có 2 chùm mỡ ở bụng trông như 2 chùm hoa lan. Chúng tôi khẽ bóc ra cho vào bát nước muối. (Vì ngày đó làm gì có mỡ để xào nấu nên phải tận dụng triệt để).

Làm thịt cóc xong, ra giếng rửa tay mà không hề ngửi thấy mùi tanh. (Đây là điểm đặc biệt của thịt cóc). Nhiều bác lính già - như ông Hay, ông Bích - thịt cóc từ A đến Z mà chỉ bẩn đúng 4 đầu ngón tay. Thịt cóc được chế biến thành nhiều món: chả cóc cuốn lá lốt, thịt cóc băm viên, đùi cóc tẩm bột rán hay nấu chua ngọt... Canh cải nấu thịt cóc ngọt vô cùng. (Bà chủ nhà và các con được mời ăn thịt cóc thấy ngon, sau xơi đều đều, riêng ông chủ thì sợ. Một lần mời ông ăn thử bát canh cải. Canh ngọt lịm, không tanh, ông bảo: Các chú cho mì chính! nhưng nào có gì trừ thịt cóc). Xương cóc rang lên, giã ra làm bột cam cho trẻ còi xương. (Con Chí Hòa được bố chăm nên nay trông to như su-mô Nhật bản).

Chỉ mấy tháng sau khi bộ đội về làng thì tía tô, lá lốt ngoài bờ rào sạch trơn. Bà con cũng học các chú làm thịt cóc. Vậy là có thêm nguồn thực phẩm bổ dưỡng không phải mất tiền. Thật là vui! (Lưu ý: Ai chưa thực thi bao giờ chớ có làm theo, nhỡ “sao” thì…!).

7 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hồi đó còn là những cán bộ "sơ cấp" nên phải ăn "đại táo" - 4 chú một mâm. Khi vào bàn thì một "chị" đi kiểm tra vé ăn. Cái đoạn này cũng hơi phức tạp vì anh thì để vé vào túi ngực, anh thì để túi sau quần, anh thì chả nhớ để vào đâu nên tìm kiếm khắp nơi mới mò thấy, có anh lại đùa chị nuôi giữ chắt vé không đưa. Vậy mới có thơ rằng:
Một cô đến
Bốn anh "sờ"
Anh thì "sờ" ngực
Anh thì "sờ" mông
Một anh "sờ mó" lung tung.
Một anh túm mãi dùng dằng chảng tha.
Lại còn chuyện này nữa. Nhà ăn Trung táo bao giờ cũng mở trước, sau đó mới đến nhà ăn Đại táo. Anh em Đại táo chờ mãi nên ca cẩm:
Nhà ăn cửa họ, cửa mình
Cửa họ thì mở, cửa "mình" thì chưa!!!
Về chiến thuật "đầy-vơi-đầy" thì ai cũng biết. Nhưng sợ nhất là không có "cạ" (Như bây giờ đi tiệc cưới mà gặp toàn ông lạ hoắc vậy) cùng bàn mà gặp phải ông "nhìn rau gắp thịt" hoặc những ông "fast food" gắp nhanh như máy thì "thôi rồi noọng ơi". Vui lắm.
GM.

LêThanh nói...

Bác GM ơi! Đi ăn như thế thì là sao mà vui được, đói run tay ,ko chịu được. Hy vọng bác không ứng dụng khoa học công nghệ " fastfood" hay j đó ở " vườn treo Pacific" trong buổi họp giao ban nhé. Nếu áp dụng thì bác " bí truyền' cho e với, e với bác cùng cạ mà.

Nặc danh nói...

Hồi xưa vất vả thật đấy, ăn miếng cơm cũng ... vất vả.
Trên cho giáo viên ĐHKTQS được tự chọn, hoặc như cũ (ăn bếp tập thể) hoặc tự nấu lấy), hồi đó quả là 1 cuộc cách mạng - bởi, tập thể là sức mạnh, phân tán làm suy yếu lực lượng CM.
Mặt khác, bếp riêng, ăn riêng thì dẫn tới "phân hóa giai cấp", có kẻ giàu (có thịt cóc, ví dụ thế) người nghèo (không có cái đó), rứa mới phiền cho CM.
À mà anh em giáo viên tự nấu lấy mà ăn thì mấy chị nuôi chuyển đi mô?
HCQuang

TranKienQuoc nói...

Chuyển đi đâu thì kệ nó, nhưng riêng phát hiện ra sự khộng ngon và mất cắp tiêu chuẩn gạo, thịt của bếp ăn tập thể đã được coi là phát minh lớn nhất.

Nặc danh nói...

Các bác giáo viên hồi đó sướng thật, tối tối lại còn bồi dưỡng bằng "trứng luộc" của nhà bác GM.

Nặc danh nói...

Chào KQ, GM, LêThanh, các anh.
Cuối 1975, tôi là thiếu úy phụ trách đài viễn liên ICS Núi lớn VTU. Sau nhà có mấy hố bom cũ to tướng, cóc loạn xạ. Một tối, tôi mở cuộc "họp dân chủ", phiếu tán đồng 99%. Thế là, Đạo ra Vô tích, đạo vào Lâm truy: 1 nhóm săn cóc, 4 tổ mần thịt theo dây chuyền, cử 2 đ/c xuống núi mua rượu. Làm được 3 dĩa (loại dĩa 2 ngăn quân dụng) đầy có ngọn, có lẽ đã sát hại 1 lúc không dưới 1.000 sinh linh. Nhậu tưng bừng khói lửa.
Sáng sau báo thức, chẳng thấy thằng nào chết, bị thương. Thế là, thay vì tập thể dục sáng, tôi hô anh em chạy xuống núi chừng 2Km rồi chạy ngược về, tôi chạy thục mạng dẫn đầu. Về tới nơi cấm thấy anh nào xanh mét như mọi khi.
Thịt cóc tốt thật.
Sau thành thông lệ, mỗi khi các hố bom "hồi sức", quân ta lại truy quét và lại chạy xuống-lên núi 4Km. Cái ngữ đã nạp năng lượng rồi là phải bắt chạy, để tồn đọng y như rằng phát sinh tư tưởng.
Mấy tháng sau có tay Chính trị viên về nhận việc, tôi trả quách cái tư tưởng của anh em cho giã. Kể từ đó anh em thoát cái nạn chạy 4Km.
Mô phật.
HCQuang

TranKienQuoc nói...

Khi tiếp quản ICS Sơn Trà, ngoài việc bắn giọoc (chắc là vọoc) thì cóc trên núi cũng là nguồn thực phẩm vô biên. Cóc nhiều lắm lắm. Tôi và Chí Hòa có dịp biểu diễn tài nghệ làm thịt cóc cho thày Ngô Hai, Lê Khôi, các anh giáo viên trẻ Liên, Hùng... Cánh lính ngụy kĩ thuật ăn thịt cóc thấy ngon nhưng khiếp vía sĩ quan cộng sản!