Đọc lời góp của gã 12ly7 trong bài “Lại phở”* của ĐN tuy “chảnh” nhưng rất 'tinh vi”, may mà có chú Hà mèo cào nhẹ cho hắn một nhát bằng bài “Phở Nam và phở Bắc”- phần “phi vật thể” bắt đầu phát lộ.
Chẳng biết có đúng không, tôi cảm thấy gã 12ly7 này âm mưu muốn từ chuyện ẩm thực, biến thành “tập quán ẩm thực” rồi lái dần sang “ lịch sử văn hóa ẩm thực”? Muốn tỏ chuyện này , chạy trời không khỏi nắng , cuối cùng lại phải lụy đến “lịch sử VN”. Thôi thì toàn đề tài cấp quốc gia cả , cứ để cho gã mơ màng và nghiên cứu. Còn tôi, chỉ cần mỗi một tiêu chí - “măm” thấy ngon là được.
Nói vậy thôi, ăn ngon thì vẫn thấy ngon nhưng tức thì vẫn cứ tức! Có mỗi chuyện tô phở
Đêm qua cáu tiết về thắp đèn dầu lạc, đọc hết ba bồ sách mới vỡ ra được đôi điều.
Nào là để ăn phở ngon ngoài chuyện chất lượng phở , tay nghề thằng nấu ra lại còn phải biết canh giờ ăn.
Ăn buổi sáng sớm: bụng còn đói ,thịt còn tươi, rau mơn mởn, nước dùng ninh xương kỹ cả đêm, chén rất ngon.
Buổi trưa: Nước dùng đã gần hết, chủ quán đổ thêm nước lã vào thùng nước lèo, nêm tí muối mắm “ phục vụ ND”; thịt miếng ngon, rau tươi, thằng đến sớm nó sơi cả rồi, hóa ra mình tận dụng phế liệu? Đây là lúc phở dở nhất.
Buổi chiều thì càng tệ, thực khách toàn thằng dở hơi.
Buổi tối, người sành điệu phải đi ăn mì hoành thánh, sủi cảo mới đúng điệu...
Chọn giờ ăn chưa đủ, lại cần lưu ý cả lượng phở trong tô. Nguyên tắc của tiệm phở ngon là lượng phở trong tô chỉ vừa đủ hoặc in ít một tí. Nó phải gợi nên sự thèm thuồng của người ăn, ăn không thỏa mãn( về lượng) để khách hàng phải tìm đến tiếp lần sau. Đây là vấn đề chiến thuật, nhiều tiệm “ấu trĩ” cứ cạnh tranh bằng việc tô to, phở nhiều đâm tốn mà không biết rằng khách ăn một lẩn quá đã , thậm chí đến phát ngán thì họ sẽ rất sợ, mau quên- mau quên vì lâu thấy thèm, lâu thèm thì ít quay trở lại. Tại hại!
Chỗ tôi có tay lái xe, tay này nói phét cũng như Trỗi mình, nhưng “nổ” rất có duyên, hắn kể - “ có lần tôi rủ vợ chồng người bạn đi ăn phở , vợ chồng nó cậy là dân HN cứ đòi chủ quán cho thêm thật nhiều thịt gà vào, chén xong tô phở , no chết vật, còn dư đến cả nửa tô nước...Ra lấy xe đi được một đoạn, thấy tôi cứ tủm tìm cười, vợ chồng nó sinh nghi, làm mình đành phải khai: Các bạn thích ăn thịt gà thế thì mua bố nó con gà về về luộc cho sướng. Phở ngon nhất là ở cái nước dùng, ai lại đi đem bỏ nó ?”. Vẫn theo lời hắn, hai vợ chồng kia xót quá, sau khi hội ý quyết định quay xe lại tiệm ...húp nốt tô nước phở còn lại?!
Xin được tiếp tục. Trong “bồ sách”, tôi đọc được một đoạn của giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê. Nghe đâu ông này người miệt Tiền Giang, lưu lạc sang Tây từ bé, được học hành, rồi sau làm chức gì to lắm về âm nhạc ở Liên Hiệp Quốc. Đọc xong tôi nể quá , trời
Ông TVK nói: “Người VN khác người Tây. Người Vn thưởng thức món ăn bằng ngũ quan”.
Tức là khi ăn bằng thính giác phải nghe đực tiếng sần sật của sụn gàu , tiếng sì sụp của tô phở nóng, tiếng suýt xoa của miếng ớt cay; bằng vị giác phải từ từ cảm nhận được cái ngọt , cái bùi đọng nơi đầu lưỡi, chút chua , chút cay như một liều kích thích con vị ,con tỳ; với khứu giác thì cực kỳ quan trọng , nó là cơ quan đầu tiên để đánh giá một món ngon. Bởi vậy tô phở mới cần có màu xanh của rau với hương vị đặc trưng hấp dẫn- “mùi phở”. Thị giác? Tất nhiên phải là miếng thịt gà vàng ươm,rau thơm xanh ngắt, ớt đỏ tươi…màu nước dùng trong veo thuần khiết…Cuối cùng vụ xúc giác thì quả là bí hiểm, chẳng lẽ thực khách lại thò tay sờ miếng thịt bò ?
Ông TVK này cả đời nghiên cứu âm nhạc , nhất là nhạc dân tộc. Ông rất tự hào là con đất Việt, lòng yêu nước tràn trề . Ông mà nói về âm nhạc và ẩm thực thì “bá cháy”. Nghe ông nói về cách ăn của dân ta , thính giả nước dãi cứ nhỏ tong tong.
Lại còn một ông nữa là ông Sơn
Cuối cùng đến Ông thứ ba . Cái ông này nghe nói hồi bé có học ở Đại Từ , sau sang Trung Quốc rồi về nước đi lính… Trình độ bốc phét của ông vào loại kha khá , cỡ bậc 6/7 gì đó . Hôm rồi Hội đồng lương họp xét để nâng bậc (nói phét) cho ông nhưng ông xin rút vì thấy mấy anh làm to, nói phét rất ác, giỏỉ hơn mình nhiều mà chỉ khiêm nhường nhận bậc 4, bậc 5.
“ Ông thứ ba” này sau khi lắng nghe ý kiến của hai ông kia , kết hợp với tài liệu sở tại, lại đưa ra luận thuyết ít nhiều liên quan đến vụ “phở rau
…Tự thưở hồng hoang của Đất phương
Ngày ấy chưa có “sổ hồng”, “sổ đỏ” như bây giờ, toàn đất chùa nên mọi người đua nhau khai phá …
Để có hạt gạo ăn thật là gian khổ, họ phải vỡ đất làm chỗ gieo trồng . Trong thời gian chờ đến vụ thu hoạch, không có gì ăn. Để tồn tại, con người buộc phải đưa tất cả các loại cây cỏ , rau dại ăn được chung quanh vào thực đơn của mình. Điều quan trọng nhất là họ“ăn riết rồi quen”. Tập quán ăn các loại rau qua nhiều đời đã được hình thành, thấm vào máu – họ sẽ không thể ăn thấy ngon nếu thiếu rau trong bữa. Có cần dẫn chứng ?
Chiều chiều, làm đồng về , bác nông dân tay xách con lóc, con rắn, chú rùa bắt được khi phát cỏ, vơ vội nắm rau sau nhà …hú một tiếng , mấy ông hàng xóm kéo qua tay cần cái chai và xấp banh tráng . Thời nay ta gọi nôm na: “các bố chén toàn đặc sản”!
Nhà nghèo ăn mắm cũng phải thôi. Nhưng mà mắm phải ăn với gì nếu không phải là rau, rất nhiều rau các loại…Có tay miền Bắc vào , lần đầu ăn lẩu mắm, hắn khiếp quá la hoảng “ Này, tớ là người chứ không phải là trâu đâu nhé !”.
Vậy đấy các bạn ạ, “chất rau” hình thành như một phần tất yếu trong tập quán ăn uống của dân Nam.Nó gắn liền với “lịch sử văn hóa ẩm thực”. Nếu đúng vậy tô phở
Gác bút thôi, loạng quạng gã 12ly7 lại nã cho phát nữa bây giờ.
Thanh Minh
* “Lại phở’ và lời bình xem bên Út Trỗi.
16 nhận xét:
Qúa chính xác!ở trong hoàn cảnh nào, ta "ăn" hoàn cảnh đó!!!
Pác 12ly7 đâu,kẹt đạn à!
Bài viết rất hay, một giọng điệu khác, cảm ơn bác TM. Trước kia vốn lính tráng lại đói kém thường trực nên phàm, ăn cái gì cũng nhanh chỉ sợ thằng khác nó giật mất, nên miếng ngon cũng chả mấy ngon vì có thưởng thức đâu mà biết. Từ ngày có tuổi và nhất là có chút ít kiến thức về ẩm thực tôi mới kiểm lại các bác viết quá trúng. Cách ăn cũng quan trọng, Tôi lại có cách ăn phở của mình thế này, có thể là một kinh ngiệm các bác thử áp dụng một lần xem sao. Bát phở đặt trước mặt khói hương nghi ngút, hít hà cái đã, để thưởng thức hương, qua đó cảm nhận được độ nặn nhạt, Dùng đuã nhẹ nhàng ấn lớp thịt lẫn hành ngò sâu xuống dưới lớp nước dùng (cấm ngoắi lộn tùng phèo lên là hỏng bát phở đấy) dùng thìa đưa từng muỗng nước dùng nóng hổi lên thưởng thức, tuyệt nhiên trong 1/2 tô phở ban đầu tôi ăn nguyên thủy không cho bất cứ một nguyên liệu nào, 1/2 tô còn lại có thể gia vị tùy vì có gia vị thì nó sẽ mất cái hương nguyên thủy của nước dùng đi. và chén cho tới "the end", tuyệt đối đừng để lại nước dùng, phải húp hết.
Bác Thanh Minh việc j phải cay cú vì 12ly7 chê phở Nam thế? Dân gian đã có câu " Ăn Bắc , mặc Nam ". Cách ăn cũng quan trọng nhất nhưng trên hết cả là không khí lúc ăn. Ta đi ăn cùng bạn bè , người thương thì dấu ấn của phở còn ngon mãi.
Đi ăn phở mà có ông khách nào bên cạnh ngồi ăn như ngồi "nhà cầu", nhai thì như "heo ăn", ăn xong lại hỉ mũi đánh xoạt một cái rõ to!!! thì thôi rồi phở ơi là phở, mặc dù tôi cũng là đệ tử của "phở". Thỉnh thoảng bị một vố như vậy, kể như gặp hạn nặng. Không biết ở "trỏng" có thế ko ?
Vnq
Tránh cho Vinhnq không bị "hạn" người ta mới làm ra phở thương hiệu nhượng quyền (Phở 24, Phở Vuông, ...). Vào đấy chỉ có sạch trở lên, trước hết là ... người vào ăn. Thế là phở chọn người trước rồi mới đến người chọn phở?
Cái gì cũng tùy hòan cảnh trước rồi mới đến khẩu vị (không thế thì Thị Nở ế à!). Phở Bắc Hải của Hương râu, nhiều người khen, ở tận đâu cũng mò đến xơi (như anh chàng DĐ chẳng hạn). Thế mà tôi ở ngay cạnh lại dửng dưng. Không biết vì quen ăn phở Nam phải có rau, hay tại thói quen ... kiêng PHỞ hàng xóm? JM
Các bố chê phở Nam , song nó vẫn là phở "di thực"từ Bắc vào. Chỉ có điều nó Nam hoá cho nó hợp với khẩu vị người trong này.Ta hãy tạm bỏ cái mớ rau bị chê ỏng chê eo kia đi thì một tô phở Nam vị của nó khác với phở gốc. Người Nam thích ăn béo,ngọt cho nên hầu như món nào mà có nước dùng đều có vị này.Phở Nam cũng không ngoại lệ và đó cũng chính là điểm để phân biệt phở Bắc, phở Nam.Bây giờ nói đến món rau ăn kèm cho các thức ăn có nước dùng, phải nói mỗi món là có một số rau chủ đạo, lấy cái gần nhất với phở là HỦ TÍU,rau kèm chỉ có giá và xà lách ,rau gia vị là hẹ( không phải hành). Còn rau cho phở gồm: húng quế,húng trắng,mùi tàu,ngò ôm( ngổ),giá đỗ.Còn một thứ nữa là tương ớt,tương đen. Tưong ớt thì chán thật vì nó ngọt, ai không biết cho nhiều thì sẽ thấy khó chịu ngay vì tô phở ngọt quà đáng...Cho đến nay thì phở trong Nam dứt khoát phải có món rau ăn kèm kia. Các bố cứ tưỏng tượng xem một thằng ngươiNam mà cho nó tô phở không có rau thì nó phản ứng như thế nào.Cho nên dù phở Bắc "chuẩn"trong này mà không có rau giá thì chỉ có ế dài.Sống lâu ở đau thì cũng sẽ nhiễm ít nhiều khẩu vị ở đó, không biết có phải vì "phong thổ" hay không?. cũng giống như uống bia , khi mới vo tôi rất ngac nhiên khi dân trong này lại cho vào vại bia một cục đá tướng, thế mà bây giờ uống bia không đá quả là khó khăn.Ăn phở cũng vậy dù là phở Nam hay Bắc phải có món rau giá, nghiện mất rồi. Với tôi cả hai thứ tôi xơi đều tốt,với phở Nam thì phải chọn quán nào có tương ớt bắc mới vô.
Một vấn đề đươc nêu lên là PHỞ BẮC trong này ăn theo kiểu Nam(rau giá) thì ta phải gọi là phở gì bây giờ( tuy các tiệm vẫn chưng biển Phở Hà Nội,Nam Hà, Bắc Hải...)?
DS
Đọc bài phở suốt từ sáng đến trưa, lại trúng ngày ăn cơm nếp buổi sáng đến quãng 11h là hạ đường huyết đói run (lạ thế), tức mình chạy đi làm bát "phở ngoài kế hoạch".
Ra "phở xe lộn", thấy hàng quán vắng tanh, cô chủ đứng quầy. Hỏi một câu "đích thân cô chủ bán hàng à, có còn không?" - Dạ còn. Hôm nay em sẽ phục vụ anh! Cảm động quá. Nhìn vào nồi nước thấy đã trơ xương lổn nhổn, thịt chín thịt tái vẫn còn.
Đích thân cô chủ thái thịt sống, bốc thịt chín, soạn sửa bát phở bưng ra tận nơi, khói bốc nghi ngút. Ăn ngon đến thìa nước cuối cùng.
Buổi trưa ăn phở vẫn được, không như giáo sư (phở) TM nâng quan điểm.
Chào bác DM. E đã có một lời góp phía trên rồi, nhưng "tức" phải viết tiếp để các bố không may đến phở Bắc gần nhà bác JM dè chừng. Chả có gì thật ngiêm trọng, em nói là dè chừng cái con mẹ vợ tay chủ quán. Cứ nhìn thấy mẹ ấy là hỏng cả buổi sáng. em tả thực cho các bác hình dung. Một mẹ cỡ ngoài bốn sọi, mắt lờ đờ ngái ngủ, mặt vô hồn, mớ tóc thì cẩu thả, hôm nào cũng váy dài sát đất chả ủi chả là, mà nhìn nó bẩn bẩn thế nào ý, chân loẹt quẹt đôi hài kiểu đi trong nhà. Ngang lưng trói lấy cái eo chỉ còn "cốt"là cái"dạ dày nhím" căng phồng tiền. một tay ôm tập tiền khách ăn trả một tay, nhấp nhấp nước bọn lựa tiền lẻ thối lại cho khách, Cả ba vòng đều phản cảm, giọng thì khào khào như anh vịt đưc, mặt rất lạnh kiểu trọc phú khinh bần tô phở ngon mấy ngon nếu vô phúc nhìn thấy mẹ ấy trươc khi ăn coi như vứt. khuyến cáo để anh em đề phòng. Ngay cả bác JM nữa dù có không ăn nhưng vô phúc một sáng nào đó ra ban công nhà hít thở khí trời, vô tình nhìn qua bên tiệm phở chẳng may nhìn thấy bà ta là hôm ấy công việc hỏng đấy, lưu ý hộ em.
Đọc báo thấy 1 chi tiết khá hay: Phở Bắc Mặn và Cay, Phở Nam nhìu rau , giá...để fù hợp với khí hậu từng vùng, miền...có lẽ TRÀ ĐÁ miền nam cũng vì thế mà sống sót: Trà chẳng ra Trà, nhưng thiên hạ cứ uống
Từ ngày bác TM quảng cáo phở "xe lộn" , sáng nào đi làm qua cũng fải tạt vào làm 1 tô cho ấm bụng và tránh bị gặp hạn. chứ vào phở 24, phở vuông... thì em không đủ sức.
Bài và luận của các bác đều hay, nhờ đó hiểu thêm một tý. Nói chung là do thói quen ăn uống cả.Bà xã nhà em mười mấy năm nay vẫn kiên quyết phở "rau".Hôm nào các bác mạn về "rau" đi,nhất là rau của cái anh lẩu mắm.Cám ơn các bác.
Năm 1975, cứ sáng CN là bọn tôi từ Sân bay kéo nhau lên Pasteur ăn phở Hòa. Một lần vô tình tôi quan sát động thái của vị khách trẻ. Cậu ta chậm rãi lựa rau, ngắt nhỏ, phủ rau thành một lớp; nêm tương đỏ, tương đen, dấm ngâm tỏi, ớt tươi, vắt chanh, bỏ thêm giá trần... trộn đều rồi bắt đầu xơi. Lúc đó thấy thật tức cười. Hơn 30 năm sau, bây giờ khi thư thả tôi cũng ăn phở theo cách như vậy. Lúc nhai, gặp vị húng, vị ngò gai, vị ngổ ... thấy khóai! Vì thế không thích phở Bắc Hải.
Còn A trưởng của tôi thì điệp khúc "Ít bánh thôi, cho chị nước thật nóng nhé!". Nó làm đếch gì có nồi nước riêng mà đòi thật nóng. Nhắc mấy lần vẫn thế, thôi kệ!
Nhân vật mà DĐ mô tả, cái "dạ dày nhím" của nó đang là nguy cơ xấu cho gia đình tôi. Cứ lâu lâu nó lại nhắc "Bao giờ anh chị chuyển đi, thì nhớ bán nhà cho em đấy!". Nó hỏi mà cứ như cảnh cáo mình "Tôi đếch cần ông ăn nhé, thiếu cha gì thằng nghiền phở Bắc ở cái xứ Nam này!". JM
Nắng nôi thế, quanh năm suốt tháng mà chả hiểu sao các em mạn miền "tây" cứ trắng phởn ra, khiến nhiều khi không còn tập trung được vào chuyên môn ( mải nhìn quên uống )Bị bạn bè chửi vì cái tội mơ mơ, màng màng ấy biết bao nhiêu lần mà không sao chừa được. Về sau mới nghiệm ra, miền tây sông nước mênh mông cây trái rau cỏ nhiều chính những cái đó đã cho các cô các bà, các em chúng ta nước da nõn nà và mịn màng đến vậy. Có tay hơi quá chén đã phát ngôn thế này: Không có các em "dưởi" thì bọn anh trên này chắc chết, buồn "nắm". không gian và hoàn cảnh sống cho con người ta tính phóng khoáng, đơn giản và vui vẻ ...có lẽ nhờ nhiều rau cỏ cây trái chăng hở các bác.
Lại phở mà là phở gà của tay Nam định ở đường Mạc đĩnh Chi. có một bà nói giọng Bắc sau khi yên vị kêu chú phục vụ "cho chị tô cánh nhé", một lúc cậu phục vụ bê ra "Sao lại cánh thế này từ nách đến cùi chỏ cơ mà" đổi cho chị đi" thằng bé ngơ ngác bê vào, một lúc sau lại một tô được bê ra, tôi để ý vẫn tô ấy, lần này nổi nóng chị ta quát "buôn với chả bán tô phở làm cũng không xong", Bực mình chị ta cầm luôn tô lao ra phía quầy, loáng cái tô phở ưng ý trên tay, chị ta quay lại bàn miệng toe toét.d.đ-k6.
Theo truyền thống và xét theo quá bán, thì MBắc ăn theo kiểu tinh khiết, MNam ăn theo kiểu tối đa độ ngon.
MBắc, gà luộc, chặt miếng, con gà nào ngon dở biết liền.
MNam xé thịt gà trộn vô đủ thứ, vớ phải con gà không ngon cũng ngon.
MBắc ăn cơm tám giò chả chấm nước mắm tiêu. Miếng giò ngon do thịt tốt, tay giã khéo, gạo ngon hay không, là biết liền.
MNam cơm nguội ăn với mắm, thịt 3 chỉ và vô thiên lủng các loại rau. Thịt dở 1 chút, gạo dở 1 chút vẫn ngon.
Ăn cỗ MBắc (nếu là cỗ chuẩn) sẽ có 4 tô 4 dĩa hay 5 tô 5 dĩa, với các món mà xã hội đã "mặc định". Bạn ăn cỗ ở nhà nào cũng chừng đấy món, vì vậy, bạn dễ dàng so sánh đầu bếp nào nấu ngon hơn đầu bếp nào.
Cỗ MNam có từ 1 tới n món không theo chuẩn mực nào, vì vậy, bạn đi vài nhà sẽ được hưởng số lượng món ăn phong phú.
MBắc có xu hướng truyền thống, MNam có xu hướng biến động. Miền nào cũng có cái ưu việt của nó. Riêng tôi, tôi "biểu quyết" rằng, tuần này chỉ xơi các món MNam, thì tuần sau xơi món MBắc. "Nếu cần", tuần kế tiếp sẽ xơi món Pháp, Nhật, TQ, ... kể cả Mỹ, cứ thế, "từ 1 đến hết".
Tất nhiên không loại trừ yếu tố nơi ăn, môi trường ăn, khách ăn...
Chúc ăn ngon.
HCQuang
Đăng nhận xét