Chủ Nhật, tháng 3 16, 2008

TÔI VÀ CÔ CHÁU GÁI XTALIN

Duy Đảo

Cứ đến thời gian nghỉ hè, quãng tháng năm, tháng sáu sau khi thi xong là tụi học viên nước ngoài kéo nhau về nước sạch. Khách sạn nơi bọn tôi ở vắng teo, chỉ còn lại mấy thằng VN. Theo kế hoạch hè năm nay Học viện sẽ tổ chức cho chúng tôi xuống phương nam nghỉ mát. Lớp tôi có bốn thằng, Học viện cử một tay trung tá người Nga làm trưởng đoàn. Đó là mùa hè năm 1986, mùa hè đầu tiên của tôi trên đất Nga. Đích đến cuối cùng của kỳ nghỉ là Xôchi, thành phố nghỉ mát nằm bên bờ Biển Đen. Chúng tôi đi bằng xe lửa, mấy ngàn cây số, chạy dọc nước Nga từ bắc xuống nam. Xuất phát từ thành phố cổ Kalinin (giờ là thành Tver) nhỏ, xinh xắn nằm ở thượng nguồn Vonga, nơi mà nhà thơ Puskin đã từng sống, từng yêu và cho ra những vần thơ tình tuyệt tác. Qua Klin quê hương của Traicopxki, mà thằng con tôi bảo cái ông này làm khổ nó vì các tác phẩm của ông với kỹ thuật xử lý cực khó nhưng giai điệu và tầm tư tưởng thì không có phiên bản. Tới Matxcova, chuyển tàu, tiếp tục cuộc hành trình. Rời thủ đô băng qua Colonna, Lipexco, Voronhegio, qua thảo nguyên mênh mông vùng sông Đông - thủ phủ là thành phố Rotxtop na Đônnu. Nằm trên tàu nhìn qua cửa sổ những cánh đồng cỏ mênh mông, thỉnh thoảng có những đống cỏ khô vàng óng điểm xuyến trên thảm cỏ nhung, đẹp như một bức tranh; bất giác tôi nhớ tới nhân vật Acxinhia trong "Sông Đông êm đềm". Chắc cũng những đống rơm vàng óng kia một buổi chiều định mệnh, ông già mắc dịch đã hại đời nàng. Từ Rotxtop na Đônnu về hướng đông vài trăm cây số nữa là Vongagrat, thành phố anh hùng, nơi có bức tượng nổi tiếng “Bà mẹ Tổ quốc”, thành trì phía nam của vòng cung Cuôcxk, nơi có nhũng cuộc đấu tăng nổi tiếng giữa Hồng quân Liên Xô và phát xít Đức trong thế chiến thứ hai. Tàu tới Xôchi còn chạy thêm mấy chục cây số nữa tới Andle - ga chúng tôi xuống. Xe của nhà nghỉ Bộ Quốc phòng đã chờ sẵn. Con đường độc đạo nằm lọt thỏm một bên là vực sâu, một bên là vách núi dựng đứng, cứ thế vòng vèo nhiều tiếng đồng hồ, xe mới tới nơi. Tai ù đặc và tê buốt do thay đổi áp suất. Khu nhà nghỉ nằm chênh vênh lưng chừng núi, thuộc vùng Capcazo có không khí mát lạnh, trong lành, thoang thoảng mùi hương của các loài hoa cỏ dại và màu xanh mướt mát của cây lá. Chúng tôi nghỉ ở đây hai ngày làm công tác tổ chức - ghép các đoàn với nhau, tây - ta - đen - trắng đủ như một hợp chủng quốc. Bác sỹ kiểm tra sức khỏe, những ai không đảm bảo sẽ ở lại. Quân số đủ thể lực sẽ nhận đồ leo núi gồm quần áo mũ giày. Kế tiếp là một tuần leo núi. Đoàn theo hướng dẫn viên người vùng Capcazo, đi từ sáng tới trưa thì dừng nghỉ dọc đường ăn trưa. Sau đó đi tiếp tới chiều thì tới một khu trại nằm trong một thung lũng bằng phẳng với những căn nhà nhỏ riêng biệt xinh xắn, mái dựng đứng nằm xen kẽ giữa những cây sồi, cây phong cổ thụ và phía ngoài là vườn mận và táo. Tại đây, chúng tôi tắm giặt ăn uống và tham gia các trò chơi thể thao văn nghệ, xem phim nhảy đầm giữa các nhóm, đốt lửa trại... cho tới khuya mới về vật ra ngủ vì rượu cuốc lủi địa phương của tay hướng dẫn viên du lịch mua giúp. Rượu của dân bản xứ được cất từ tổng hợp nhiều loại hoa quả, vị chua chua, ngòn ngọt, tê tê. Uống đến nửa lít mỗi thằng nên “say khướt cò bợ”. Lúc ấy chẳng còn coi cái mùi gây gây của thằng tây nằm gáy như kéo bễ kế bên là giống gì nữa. Chỉ có tay nào ranh ma còn tỉnh, số hên vớ được em mắt xanh cũng khật khưỡng như mình thì lôi thốc chui rúc vào đâu đó tới tận sáng, khi về tóc tai dựng đứng, phờ phạc, mắt chỉ còn toàn lòng trắng như lòng trắng trứng gà công nghiệp, (được như trứng gà ta lòng đỏ nhiều, lòng trắng ít còn là may!). Nhìn hình hài chẳng khác gì cái thằng nộm rơm mà đồng bào thiểu số làm để dọa thú trên nương. Thế mới biết cánh phụ nữ tây chúng nó khỏe, bao nhiêu sức lực của cánh đàn ông bất chấp màu da, màu tóc, bất chấp cao thấp, dài ngắn chỉ cần “thích” là chúng nó “hút” hết, như gió vào nhà trống! Mấy thằng có kinh nghiệm rỉ tai nhau cứ nhằm mấy em vợ sỹ quan có chồng công tác ở Viễn Đông đột suất bị cấm trại không về kịp, thế là vợ lủi thủi đi nghỉ một mình, hay con gái cháu chắt mấy tay tướng tá có tiêu chuẩn ăn theo, các bố lớn tuổi quản lý con cháu gái không xuể, không kỹ thế là... liều, cứ tỷ tê (dạng tiếng được tiếng mất), ngôn ngữ bất đồng (kiểu mới tập tọe học tiếng) là ăn lắm(!). Nghe thiên hạ đồn thổi (nhất là mấy thằng ngựa Cu ba) nó xúi, chứ thực tế thì em không biết nó đen trắng ra sao, các bác đừng có mà nghi, hay đổ vạ cho em nó mất cái "tư cách" đi. Cứ như thế ngày đi đêm nghỉ khoảng một tuần chúng tôi lại quay lại đúng cái nhà nghỉ lúc xuất phát nhưng theo một hướng khác. Tại đây chúng tôi nghỉ tự do vài ngày trước khi quay xuống biển. Cũng trong những ngày lang thang tự do này, tôi làm quen được cô cháu ngoại của vị Đại nguyên soái tài ba Xtalin. Câu chuyện xảy ra như thế nào, tình tiết ra sao tuần tới em sẽ viết hầu các bác.

7 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

DĐ bây giờ lại lộ ra không những là tay viết tiểu thuyết có tài mà còn biết viết truyện nhiều kì. Tuần sau em kể, để còn nghĩ đã!

Nặc danh nói...

Anh em K6 o HN khong ngo ban D. Dao lai co tai van chuong. Ngoai nay cung co nhieu nha van so bep muon tham gia, nhung khong biet cach gui bai. De nghi KQ mo them chuong muc dao tao ve CNTT cho moi nguoi. Huong dan cach gui bai len mang tren Blog.
nvtk6

HữuThành.Nguyễn nói...

Có thể gửi bài vào bằng cách copy bài đã soạn cho vào đây, mọi người sẽ chuyển ra ngoài mặt tiền cho. Là cách đơn giản nhất.

TranKienQuoc nói...

Chưa vội phải học (đó là chuyện lâu dài) mà anh em chỉ cần mail cho BBT chúng tôi:
huuthanh.ng@gmail.com
kienquoc.tr@gmail.com
Xọet! Xong liền như Duy Đảo vẫn làm. Haaaaa!

dathb136 nói...

Như đọc tiểu thuyết phơilơtông vậy,xem hồi sau sẽ rõ.Nhưng không lá cải chút nào,rất đời thường.Mong DĐ cứ thế mãi cho ae được sống trong tâm trạng nín thở,hồi hộp nhé.

Nặc danh nói...

Đảo ơi! Cháu ngoại Xtalin chưa sinh hay sao mà lâu vậy chưa có phần tiếp theo? (có lẽ là "ly kỳ" nhất)

HMK6

HữuThành.Nguyễn nói...

HMK6 đang được Duy Đảo nấu cho món "mầm văn".