Thứ Bảy, tháng 3 15, 2008

Ân tình của phở

Thấy anh em nói chuyện phở quá nhiều, ngứa ngáy quá. Bởi vì như vô vàn người khác tôi cũng là một tín đồ của phở, nhưng lại là –như một số không đông- một tín đồ cực đoan. Nghĩa là trước đây, khi còn trẻ, lúc vui tôi tìm đến phở,( đã đành rồi), nhưng lúc buồn, kể cả buồn đến mức như bị phụ tình, tôi cũng tìm đến phở. Nhờ thế tôi không bị sa vào rượu chè ,nghiện ngập. Cho nên, có lẽ khác với rất nhiều người, khi nghĩ đến phở, ngoài chuyện nuốt nước bọt, tôi còn hơn người khác ở chỗ có lòng tri ân.
Ngứa ngáy mà không viết được là bởi lẽ sắp có cao thủ về phở đến nhà chơi. Cao thủ ở đây chỉ có nghĩa với tôi về mặt nấu còn về mặt ăn thì nói anh em đừng cho là kiêu ngạo, khó có ai qua mặt được. Khi còn là thiếu úy, ở đơn vị, tôi đã có 45 ngày liên tiếp ,mỗi ngày có ít nhất 1 bữa, chỉ ăn phở. Từ đấy đến nay tôi để ý xem có ai ăn phở 46 ngày liên tiếp để mình bái làm sư, nhưng tuyệt nhiên không thấy. Còn nữa , khi có mấy người bạn Hà nội lên đơn vị thăm tôi, tôi dắt ra quán ruột để ăn phở. Ăn xong ai cũng nhìn tôi đầy thương cảm và ái ngại.! Nói thế để anh em hiểu, vượt được tôi về mặt ăn phở là điều không tưởng!
Cho nên, theo tôi, cái tài của cụ Nguyễn Tuân trong „Phở“thì 90% là ở cách chọn đề tài. Viết về phở thì kiểu gì cũng có người đọc. Nhưng viết về bản thân phở thì dễ bị lặp lạị ít nhất là lặp lại ở chữ“ ngon“! Nếu phở là tinh hoa trong tinh hoa thì những chuyện xung quanh phở lại là một sự bao la trong muôn bao la!
Hồi ở đơn vị có thằng bạn, một hôm nó buồn bã tâm sự với tôi:- Tao có con bạn đã ăn phở với tao ba lần, thế mà bây giờ đi yêu thằng khác! Hồi ấy nếu mời được cô bạn gái đi ăn phở với mình một lần thì coi như đã gần „xong“. Đến lần thứ ba thì đã có thể coi đó như một lời hẹn ước! .
Ông bếp trưởng người Pháp ở khách sạn Sophitel Hà nội đã xếp phở nằm trong 10 món ăn ngon nhất thế giới. Theo tôi ông ấy phải xếp phở lên hàng nhất trong top 10. Tôi đố có ai tìm đâu ra ở bất cứ đâu trên thế giới này một món ăn ngon như phở nhưng lại ở trong một quán bình dân? Hơn thế lại có khắp mọi nơi ở hang cùng , ngõ hẻm ?.
Vào khoảng năm 80-81 gì đó , tôi công tác ở A31-Miếu môn. Có một lần đạp xe về HN, qua Ba La Bông Đỏ, khoảng 2 giờ chiều, thấy một quán phở vắng hoe, tạt vào ăn, ông chủ quán thấy bộ đội nên thật thà tâm sự:- Buôn bán ế ẩm quá , từ sáng sớm đến bây giờ mới được chú mở hàng. Khi bưng bát phở lên thì tôi mới chợt hiểu tại sao đến 14 h mới có người mở hàng. Tuy vậy tôi vẫn nuốt ngon lành hết bát phở, đến khi trả tiền để đi tôi còn chợt nghĩ, có lẽ cái bát của mình ông ấy không phải rửa! Tôi hoàn toàn tuyệt vọng khi bây giờ , ngồi đây, cố gắng lục tìm trong trí nhớ mình xem đã khi nào mình ăn một bát phở dở chưa?- Tuyệt đối không! Với tôi phở như là một cô gái ấy. Trong chúng ta đây, liệu có ai đủ dũng cảm, để nói với một cô gái rằng em rất xấu hay không?
Cách đây rất lâu tôi có đọc một bài báo kể về một chuyến đi Bỉ của một người VN. Tác giả đi đến một thành phố nhỏ, thấy một quán ăn có đề chữ PHO VN. Trong quán người đông kín chỗ, mừng quá, bước vào kêu ngay một bát phở. Đến khi bưng lên thì ông ta bàng hoàng : một thứ súp sền sệt, thịt bò, thịt heo trộn lẫn với cả xúc xích và mỳ… Chẳng lẽ đây lại là phở hay sao? Thấy người VN nên chủ quán trực tiếp ra hầu chuyện. Anh ta kể rằng, anh ta qua đây năm 12 tuổi, trước đây ở VN vì ở vùng sâu nên bản thân anh ta cũng chưa bao giờ được ăn phở. Ở cái thời ấy, trừ nước Pháp ra, thí lấy đâu ra các ông Tây biết phở chính xác là gì? Những người Việt tha hương, như anh chàng này, lúc rời khỏi đất nước, thì hành trang anh ta mang theo chắc là có chữ „phở“. Và tại một thành phố nhỏ của Bỉ anh ta đã mang chữ phở ra và nó đã nuôi sống anh! Những lúc ấy có nên nói nước ta nghèo không nhỉ?
Có một lần , ở SG, Kiến Quốc rủ tôi đi ăn phở Bắc. Khi phở bưng lên, lấy cái thìa dài và đũa để chuẩn bị ăn, nó rất khó chịu và cằn nhằn:- Tao đã bảo với chủ quán mãi rồi là phải thay cái thìa mà nó không chịu nghe! Đúng rồi !Phải là cái thìa bằng nhôm , mỏng tang, hơi ngắn. Khi nhúng vào nước nóng để múc phở lên, ta cảm thấy như nó bị oằn lên và cong xuống. Tuy nhiên khi nhìn đến cái thìa ấy là ta nhớ đến bát phở Bắc rồi. Yêu phở qua nên có những điều mà người ta bắt Phở phải chấp hành, cứ in như là chấp hành luật pháp ấy.
Hôm kia tôi, Quang xèng, Hồng Hải đi ăn trưa. Quang xèng gọi một đĩa phở xào, Hồng Hải gọi một tô bún cần cá (vì ở Canada không có cần), còn tôi thì phở. Trong lúc chờ, Hồng Hải ghé qua nói với tôi:- Bát phở của mày đứng cho các thứ vào vội để tao nếm cái đã. Khi bưng phở lên tôi thấy nó múc khoảng nửa thìa . Sau khi nếm xong nó cực kỳ mãn nguyện. Tôi hiểu, chỉ với nửa thìa nước phở nó đã xếp xong thứ hạng nền „công nghiệp phở“ của đất nước này.
Hơn hai mươi năm qua Hồng Hải đã tự tay mình xây dựng nên 4 cửa hàng phở- sau khi liệng cái bằng kỹ sư học lại ở „bển“, mà theo nó nói, là vào sọt rác. Tôi không thể ngờ được nó lại giỏi đến thế! Phở đã nuôi sống thằng bạn mình ở cái xứ bắc Mỹ có 7 tháng mùa đông và bão tuyết ấy. Phở ơi , ngươi thật là ân tình!.
Tối qua không biết các nhà chính trị đi đâu mà để ba ông bán phở (Hải), bán rau(Quý), và bán cháo(Kỳ) ở ba nước nói chuyên chính trị với nhau. Trước khi lăn ra ngủ tôi còn kịp nhận ra thằng bán phở là thằng chính trị giỏi nhất !. Nhưng Hồng Hải thì trằn trọc không ngủ được! Ở bắc Mỹ chênh với đây 6 tiếng. Vì thế mà nó đã ngủ quên ở Paris và chênh mất một chuyến bay làm cho tôi đón hụt nó. Chuyến đi cũng tương đối phức tạp , nhưng nó kiên quyết sang thăm chúng tôi. Có hơi quá không nhỉ khi bây giờ tôi muốn nói rằng , khi nghĩ đến điều này , tôi cảm thấy rất là vinh dự.

12 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Hồng Hải nói "tao là người nấu, rồi tao sẽ nấu cho chúng mày ăn thử" khi tôi hỏi ai là người quyết định chất lượng phở ở tiệm của nó. Đợi nó về sẽ bàn chuyện này, bởi vì nó nói thêm "mà tao chỉ nấu được nồi trăm lít thôi nhé".

Nặc danh nói...

Một góc nhìn khác, một cảm nhận khác của một ngưới anh, một người bạn xa xứ về món quốc hồn quốc túy "phở". Phở gắn kết tình bạn, phở làm nên tình yêu đôi nứa, phở để chia tay, để đoàn tụ, phở để nhớ để thương một thời khốn khó. Bài viết có nỗi đau nhẹ nhàng, một nỗi buồn phảng phất ... mà đôi khi trong chúng ta không cảm nhận được, đơn giản vì chúng ta nhìn sự vật ở một góc nhìn khác. Cảm ơn bác một bài viết hay.

Nặc danh nói...

Phở tất nhiên là ngon, TGQuý ạ.
Nhưng có 1 chuyện:
Lần đấy, Chiến thộn rủ tôi vào làng ăn phở (một ngôi làng tạm bợ ra đời trong chiến tranh). Tới nơi, y kêu 2 tô. Phở bưng ra, mùi dường như bằng không, hay hôm nay mình ngạt mũi, nhưng "kì diệu" hơn là vừa cho đũa vào tô thì các sợi phở từ từ rã ra, tô phở trở thành tô bột dinh dưỡng trẻ em. Tôi đang đói (hồi đó lúc nào mà chả đói) nhưng chỉ ăn được đúng 1 tô là lắc.
Hóa ra bà chủ "tiệm" (tức bà chủ nhà) trực tiếp thi công từ khâu A đến khâu Z, bắt đầu từ xay bột cho tới chính sách hậu mãi, trong khi bản thân bà ta cũng chỉ loáng thoáng biết về nó.
trong suốt cuộc đời, đó là tô phở duy nhất tôi ăn không thấy ngon.
HCQuang

Nặc danh nói...

E thích "Ân tình của phở" wá a TGQ ui. Sau 1 tuần nữa e sẽ câu nó về K8 - lúc đó nó kcòn tính thời sự ở đây nữa, và theo lẽ tự nhiên, nó fải được fục vụ ae. Đó là e nghĩ thế thui, luật báo chí, luật bản quyền rắc rối lém...a TGQ cứ việc đi kiện nhá. hehe. Cho e hỏi thăm ae bên đó.

N.TV nói...

Tk8 ơi, đừng làm mình xấu hổ, được khen là đã sướng lắm rồi. Với anh em mình thì chỉ có "phở" là phải bản quyền thôi. Còn lại thì muốn sao cũng được, như hồi ở trường ấy mà.
Hiện nay chỉ có H. Hải ngồi cạnh ở đây, mình đã chyển lời rồi. Sắp tới thể nào H.Hải cũng vào Nam , ra Bắc lúc ấy chắc sẽ gặp được rất nhiều bạn bè.

Nặc danh nói...

Đúng là bệnh hoạn! làm bẩn cả nguyên tác của người khác. Làm bẩn cả chổ này.

Nặc danh nói...

Chào chú.
Lính Trỗi mình chỉ là con người xã hội chứ đâu phải thánh nhân, vui buồn yêu giận đủ cả. Cuộc sống (của họ) có quá nhiều thứ phải lo, phải nghĩ. Nay "chỉ còn" mỗi nơi này (blog này) để mà tán dóc với nhau, vậy mà chú lại đưa ý kiến "phi Trỗi" vô, nghe chừng không hạp. Thôi đi nhé.
Về quan hệ bạn bè: bạn bè là không đòi hỏi, không oán trách.
Nó khác với tình yêu hay mối quan hệ chính trị-xã hội là có đòi hỏi, có oán trách.
Chán chú quá.
HCQuang

HữuThành.Nguyễn nói...

Có hai ý kiến phản đối, đành phải dùng quyền do dân chủ trao cho để xoá lời góp của chú út.

TranKienQuoc nói...

Hai lần rủ Quý ăn phở ở SG. Một lần ở Q1 , là khách quen của quán nên chủ quán phở cũng thân thiết. Vậy mà nhắc nó đổi thìa mấy lần nhưng vì tăng chi phí nên hắn không làm. Ai đã từng sống ở HN thì ăn phở với cái thìa dài sẽ mất ngon.
Lần sau thì chú Hùng, Đội phó CSGT Gò Vấp, gặp tôi và Quý (đang đi xem đất ở Làng Hoa Gò Vấp) đã mời ăn ở quán phở Bắc trước cổng Z751. Thọat đầu Quý nghĩ là có làm ăn gì hoặc hay vi phạm luật lệ giao thông mới quen CSGT. Nhưng thật ra là quan hệ thân tình anh em. Hùng chơi với nhiều lính Trỗi.

Nặc danh nói...

Đ/n TQ: Lần sau có những nhận xét làm "bẩn" môi trường, TQ cứ việc xử lý thẳng tay, không cần phải giải trình.

hoquyky nói...

Ở bên này cắm cúi làm ăn . Lơ mơ nhìn cách sống của Tây . Nhâm nhi ly cà phê , cắ miếng bánh tự nhiên thấy mình am hiẻu dân chủ . Rồi phat biểu hồ đồ quên cả ai chăm sóc nuôi nấng mình . Trên thế giới ,mỗi nơi có một bản sắc dân tộc và hoàn cảnh riêng.
Ở thế kỷ 20 người Viêt nam ta đã hoan thành 2 nhiêm vụ vĩ đại là giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng công sản VN .Những khó khăn hiện nay sẽ có cách giải quyết .Còn cách phat biểu hồ đồ như HQK chẳng khac
nào cái việc .Nhìn qua nhà hàng xóm thấy nó khang trang thoải mai.Thấy cảnh nhà mình khó khăn . Nẩy ngay ra cái sáng kiến dân chủ đưa ngay ông bố dượng bà mẹ ghẻ về để cải thiện tình cảnh gia đình. Tao quả thât là hồ đồ .Quý nhẽo đã thấy tao sai rồi còn khuay vao làm gì.
Hồ Quý Kỳ

HữuThành.Nguyễn nói...

Khen thì sợ TGQ cười buồn "thường thế mà cũng khen à?" Nhưng quả thực bài của cậu có ít chữ mà tải được nhiều tình.