Thứ Sáu, tháng 3 14, 2008

Theo cụ Thiên Tích du xuân (nhiều kỳ)

I. Thăm Phủ Thành Chương

Phải nói Việt Trung, em tôi, có duyên gặp đuợc những người thày tài và tâm mà cụ Thiên Tích là một. Năm nay cụ đã 93, vậy mà đi lại vẫn băng băng, trí nhớ tuyệt vời, còn khỏan uống thì khối đứa ta còn kém. Cha cụ là thày đồ Nho, quê vùng đầm Dạ Trạch, Hưng Yên. Trước cách mạng, cụ từng áo nâu túi vải lang thang khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc, xem điền địa kiếm cơm. Hòa bình lập lại, cụ học khóa 1 Đông Y rồi sau này từng là Chủ tịch Hội Đông Y VN vài khóa. Cụ thông hiểu văn hóa kim cổ và là 1 pho tự điển sống. Quay đi quay lại, cụ “là bạn” của gia đình đã ngót 20 năm.

Dịp xuân Mậu Tý, GM và tôi thường được tháp tùng cụ đây đó. Đến chùa nào cụ cũng quen và có thể ngồi tụng Kinh, gõ mõ. (Ngày mẹ tôi mất đưa lên chùa trên Quảng Bá, cụ thay sư trụ trì làm lễ cầu an). Chủ nhật đầu tháng 3, Hữu Việt rủ lên thăm Phủ Thành Chương. (Chả là vì hắn và mấy tay họa sĩ của nhóm “Gangs of five” là đệ tử Vĩnh Xuân, quen thân với chủ nhân - con trai của nhà văn Kim Lân). Tới ngã ba Nội Bài thì rẽ trái đi Phúc Yên rồi qua Kim Anh thì rẽ theo hướng đi sân Golf Sóc Sơn. Phủ là 1 trang trại rộng vài hec-ta, có thế dựa vào sườn đồi, nhìn xuống vựa lúa Sóc Sơn. Vài năm nay Phủ Thành Chuơng trở thành điểm du lịch, nhiều đòan (cả khách nước ngòai) đến thăm viếng. Ngày nghỉ, nhiều bạn trẻ phi xe máy từ Hà Nội lên đây pic-nic.

Được báo trước nên ông chủ mời chúng tôi lên trò chuyện sau ngôi nhà đất trình 1 gian 2 trái, mái lợp rơm. Tường trình đất đỏ dày đến 40cm, bày biện như xưa. Giữa là gian thờ có tượng Phật, câu đối cổ cùng bộ bàn ghế tre tiếp khách; còn bếp núc, toat-let và phòng ngủ trang bị hiện đại để có thể sống được. Cổng vào ngôi nhà cũng làm bằng đất trình. Cầm bát nước vối trên tay, chủ nhà nói: “Ngôi nhà này cháu cho làm đúng kiểu ngôi nhà đã ở thời kháng chiến chống Pháp khi bố cháu theo cách mạng rời Hà Nội lên Bắc Giang… Cả khu này đầu tư dần dần suốt từ 2001 đến nay mới tàm tạm”.

Sau hồi chuyện trò xã giao, anh cử người đưa chúng tôi đi vãn cảnh. Cây quý được tuyển về trồng trong vườn, có cả đào rừng Tây Bắc đang nở rực một góc. Chó đá có lẽ đến trăm con bày quanh tháp, phù điêu cổ gốc Chăm gắn trên tường. Từ trên lầu cao nhìn ra thấy tòan cảnh Sóc Sơn, chếch tay phải là 1 hồ nước đẹp mà cánh ta nghĩ ngay tới khu nghỉ sinh thái, sau lưng là con đường trải nhựa ngày xưa đưa máy bay đi dấu sau mỗi lần xuất kích trở về. (Sáng này thấy mấy cô cậu thăm Phủ xong ra ôm nhau, hít thở khí trời).

Cái nhà anh này là họa sĩ nhưng sưu tầm được nhiều tuợng phật, câu đối cùng đồ cổ. Cụ Tích hay chữ nên đến gian nào cũng đọc và giải thích rành mạch, nhưng cái thằng tôi quên không ghi ra nên không kể hết cái hay cho anh em. Có những câu đối đặt ngược hay không đồng bộ được phát hiện cho gia chủ. Khi vào gian hầm, Thành Chương mang ra mấy bộ cốc uống trà cổ, mà nghe nói ngay cụ Vương Hồng Sển còn chưa lần nào được sờ tới, nhờ cụ Tích đọc mấy bài thơ cổ in trên thành cốc và xác định niên đại. (Ngắm cái thần của cụ khi đang đọc bài thơ mà sướng!). Cụ xem cẩn thận rồi hướng dẫn tỉ mỉ: “Bài thơ này anh tra trong Tuyển tập thơ Đường là có!”.

Anh tiễn bọn tôi ra xe. Trước khi chia tay, cụ cảm ơn khi được xem bộ sưu tập quý và không quên dặn: nên làm 1 nhà thờ và đưa hết tượng Phật vào đó. Hy vọng Phủ Thành Chương sớm hòan thiện và trở thành điểm giao lưu văn hóa của chúng ta.

Thầy trò chúng tôi vòng theo chân núi ra ăn cơm quê ở sau lưng E918 không quân. Xong xuôi vòng qua Học viện Phật giáo đang xây dựng rồi rẽ theo đường từ Thái về, ra Phủ Lỗ, xuôi Đông Anh. Lâu lắm, phải mấy chục năm mới quay lại con đường gắn đến 20 năm với cuộc đời mình. Bồi hồi, xúc động!

Không có nhận xét nào: