Thứ Tư, tháng 1 02, 2008

Yên Từ ngày đầu năm

Nhân ngày đầu năm tôi và các Trỗi nhà đi thăm cảnh Yên Tử. Buổi sớm lạnh 14 độ C, nắng vàng, trời xanh. Không có gì vội vã, chúng tôi rời HN từ 8h30 gần 3 tiếng sau mới tới bãi đỗ xe. Chuyến đi đã định là lên xuống bằng cáp treo, chặng cuối khoảng 500m chiều cao sẽ leo bộ. Đương nhiên là như thế, nếu lên chùa Đồng. Vì tuyến cáp treo thứ hai còn đang xây dựng, chưa chắc mùa lễ hội năm nay đã dùng được.
Một năm mấy chuyến Yên Tử, mặt mình có khi người ta còn biết. Dù thế mỗi lần đi tôi vẫn cố tìm những góc nhìn khác. Ngọn tháp Tổ trên nền những cành đại cỗi và núi thiêng.
Thiền sư Minh Hành (Nhân Thiên Đạo Sư Thích Tại Tại, tượng trong tháp Tôn Đức). Tháp này dựng bên ngoài tháp tổ, chứa nhục thể của Thiền sư, xây dựng năm 1659 do chính vua Lê ban sắc chỉ. Thiền sư là người Kiến Xương, Giang Tây, Đại Minh, sinh năm 1595, sang ta năm 1633 và được trao y bát (trụ trì chùa Hoa Yên?) năm 1644, mất năm 1659.
Trong tháp Tổ cũng có tượng Trần Nhân Tông mà người ta đã đặt câu hỏi "tại sao không lấy bức tượng này làm mẫu" khi đúc tượng Tam Tổ thiền phái Trúc Lâm đặt trên chùa Đồng mới. Tôi không chụp bức tượng trong tháp Tổ, vì không vào gần hơn được do vòng rào và vì hơi ngại có làm mất nghiêm trang?
Mùa này thường là người ta đi thăm cảnh, nhất là người nước ngoài và Việt kiều. Có đôi nam nữ người châu Á, ăn mặc như ta, quỳ lạy 4 hướng, có lẽ không phải người Việt.
Nhưng cũng có những người đi lễ, có cả cụ bà lần đầu tiên lên chùa Đồng. Cụ tự xác định là lần cuối, con cháu động viên năm sau có cáp treo lên trên này, cụ còn đi nữa.
Mùa này khách không nhiều lắm, nhưng các hoạt động khác thì khá tấp nập. Tuyến cáp treo thứ hai về cơ bản xong phần cáp nhưng nhà ga thì chắc chưa kịp phục vụ lễ sắp tới đây.
Ga cuối tuyến trên cũng còn dang dở. Từ đây khách còn phải leo lên quãng trăm mét chiều cao nữa mới tới chùa Đồng. Đủ cho khách hành hương tỏ lòng thành mà không mất nhiều sức quá.
Vật liệu xây dựng từ cát, gạch cho tới xi măng, sắt đều hầu như trông vào đôi vai cửu vạn đưa lên. Trước tôi đã đưa ảnh những người vác xi măng và sắt, lần này là những người gánh gạch. Gạch đặc 3kg/viên. Người gánh nhiều được 18 viên/chuyến, ít là 14 viên. Ngày họ đi được 2 chuyến, lên cao gần nghìn mét với trọng lượng hàng từ 40-50kg, đơn giá 2500-3.000 Đ/kg.
Những người kinh doanh nhà hàng cũng lo tập kết từ giờ để mùa hội (sau Tết có hàng bán). Cậu thanh niên này đã xong 2 chuyến của mình và đang giúp vợ đi nốt chỗ hàng này. Trọng lượng mỗi chuyến của họ cũng trên 40kg. Công vận chuyển sẽ được "thanh toán" trong tiền hàng bán ra vào mùa hội tới.
Chuyến xuống chúng tôi còn gặp nhóm người vác lên 2 cái TV LG 21", cho hai chùa Vân Tiêu và chùa Đồng. Một thanh niên khoẻ mạnh vác thùng (hoặc TV rời) còn mấy người phụ nữ cầm anten và dây dợ theo sau hộ tống.
Chương trình xây cất Yên Tử không chỉ có tuyến cáp treo. Để chuẩn bị đón lượng người tăng đột biến nhờ cáp treo thêm vào biển người mùa lễ hội trên chóp núi nhỏ bé này, người ta đang lấp đá và lát mặt các khe giữa những hòn đá tự nhiên để tạo ra nhiều chỗ đứng hơn. Nói chuyện với tôi cậu thợ công nhận làm vậy mất cảnh quan, nhưng sẽ giải quyết được chỗ đứng và ngăn chặn sự cố gãy chân do lọt xuống đó thi thoảng vẫn xảy ra. Sát mép bờ vực sâu, người ta đang hàn nốt những mét rào chắn cuối cùng mà một trong những đoạn rào là ngay sau lưng chùa Đồng.
Thực ra cảnh quan Yên Tử đã từng là tranh cãi giữa phe "bảo tồn" và phe công nghiệp, khi việc khai thác than mở rộng ra đến lân cận đây. Ảnh ga trên cáp treo có thấy một khai trường than lộ thiên. Cũng khai trường ấy nếu ở một điểm nhìn khác, với góc ống kính hẹp hơn thì trông nó lở lói, "tố cáo" hơn nhiều.
Rồi một nhà máy nhiệt điện lớn, theo công nghệ TQ(?), cũng đang được xây dựng trong tầm nhìn. Có lẽ sau này khi vái lạy Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tại Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử chúng ta vẫn sẽ không thể "thoát tục" khi bầu không khí có lẫn khói lò hơi?
Đấy, có nhiều bức xúc tiềm ẩn. Chúng ở ngoài tầm tay với và chúng ta phải chung sống với nó. Hãy thưởng thức những gì còn có thể. Leo này.

Nghỉ mệt.









Xin chào.









Nếu đau chân rồi thì ta xuống ... ngang!

Còn một người trong đoàn không có mặt trong các tấm ảnh, là lão Hợp. Lão bị "hết hơi" khi lên được một đoạn từ Hoa Yên. Lo lão không ổn chúng tôi phải ăn cùng nhau để theo dõi. Hết bữa không thấy có chuyện gì chúng tôi mới bắt đầu leo. Vì ăn rồi mới leo nên có phần uể oải, lên xuống mất gần 4 tiếng. Cống hiến của lão Hợp trong chuyến đi là một số thông tin đã được dùng trong bài viết này.

15 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đang dự định có chuyến du ngoạn cửa thiền và kết hợp làm dịch vụ cõng hàng thuê (cửu vạn) đầu năm. Nhưng nhìn ảnh chụp VTM và các bác leo lên đã oải mà xuống cũng phải "đi ngang" kiểu cua thế thì tịt luôn ý định.

HữuThành.Nguyễn nói...

Nhầm rồi. VTM hôm ấy ở nhà nhậu với GM nhé.

Nặc danh nói...

Xin lỗi VTM nhé, nhìn loáng thoáng người trong ảnh tưởng là VTM.
HT đưa ảnh của các mỹ nhân nào mà không có chút nào lời giới thiệu làm cứ phải đoán già đoán non hoài

Nặc danh nói...

Hôm đó bận nên không đi được Yên Tử, cũng tiếc, nhưng bù lại là ngồi với chú Vinh K8, GM, TL, Bố con ĐC, CM,KViệt để mừng năm mới.
Bác nặc danh có rảnh thì lúc nào đó cùng tôi đi Yên Tử, thôi thì đi kiểu ngang hay dọc, chậm hay nhanh cũng được, cứ lên đến đỉnh là thành quả tu rồi.
VTM

Nặc danh nói...

Chờ ít nữa lên đến đỉnh bằng cáp treo luôn. "thành quả tu" kiểu đó có khác gì tiến sĩ mua bằng?
TM

Nặc danh nói...

Mỹ nhân đó là em gái tổng quản đấy !

Nặc danh nói...

Chả trách HT không chú thích gì cả làm anh em mắt cà là nhèm nhìn chẳng ra, cứ phải đoàn già đoán non hoài

Nặc danh nói...

Yên Tử tôi đã đi một lần rồi. Hồi đó chưa có đoạn cáp treo nào và chùa Đồng thì chưa đẹp như trong ảnh HT chụp bây giờ. Leo đến chùa Hoa Hiên thì nghỉ lại qua đêm ở nhà trọ. Tất cả ngủ chung lẫn lộn trên một chiếc giường dài 10m rộng 2m và cái màn thì bao trùm cả giường.
Sáng sớm hôm sau mới leo lên chùa Đồng. Khi leo lên đã khó, nhưng khi leo xuống còn khó hơn. Không mệt bằng lúc leo lên nhưng khổ nỗi độ dốc quá lớn, toàn trọng lượng cơ thể dồn vào đôi chân, vì vậy mà hai bắp chân đau ê ẩm mất mấy ngày sau đó. Cũng định khi nào có cáp treo thì đi lần nữa. Nhưng lại sợ mang tiếng là "mua bằng tiến sĩ" nên còn xem xét đã, phải không TM?
GM.

HữuThành.Nguyễn nói...

GM bằng tuổi lão Hợp, nhưng có vẻ chắc chắn hơn nhiều. Lão Hợp đang cay cú không lên được tới đâu. Khi nào tổ chức cho hai lão dìu nhau đi cho có bạn? Có lẽ nửa năm nữa, nếu có đi, cho nó qua mùa lễ hội.

VNQ nói...

GM + 1 Người Hà nội = 2 lần lên xuống Yên tử

Nặc danh nói...

@vinhnq
Trước tiên phải sửa là: GM + 1 "Người Hà Nội" = 2 lần lên xuống Yên Tử.
Và sau đó nếu theo vinhnq thì: GM + 1 "Em bé Hà Nội" = 1 lần lên xuống Yên Tử.
GM.

Nặc danh nói...

Thêm một chuyện nữa về chuyến đi Yên Tử lần trước của tôi.
Số là lần đó có một ông bạn từ trong Nam ra. Ông ta là người làm ăn nên sùng đạo lắm. Nghe nói chùa Đồng thiêng nên quyết lên tận đó để cầu xin bằng được. Khốn nỗi lực bất tòng tâm. Leo lên được một đoạn thì phải thuê một cửu vạn cõng. Sau khi đã nghỉ qua đêm tại cái giường 10x2m tưởng là ông ấy có thể leo tiếp được, ai ngờ ông ấy lại thuê cửu vạn cõng tiếp lên đến chùa Đồng và ngược lại.
Vì vậy nếu lần sau HT có tổ chức đi Yên Tử và rủ lão Hợp cùng đi thì cứ theo cách đó mà làm.
GM.

Nặc danh nói...

Ăn theo Vinh:
GM + 1 "cô gái Hà nội" = "ngoài vùng phủ sóng"
Chào anh Giang .Võ

HữuThành.Nguyễn nói...

Võ nói thì đúng rồi. Nhưng phải giải thích thêm cách nói riêng của mấy tay tung hứng kia. Kẻo anh Chí vốn đã bức xúc chuyện nói rút gọn, nói kéo dài, bây giờ kiểu gì cũng không luận ra được, thì ... đứt.
"Người Hà Nội" là chai Vodka Hà Nội to. Còn "Em bé Hà Nội" là chai Vodka Hà Nội nhỏ.
Vậy, đại ý là đệ nói "leo Yên Tử là chuyện nhỏ, đại ca của đệ có hôm leo hai lần". Đại ca nói "ừ, vui sơ thì leo một lần".

Nặc danh nói...

Các ông HN đất văn hiến mà ăn nói như thế, chả trách dân "chân chỉ hạt bột" phía Nam chúng tôi không hiểu nổi.
Cái gì cũng vậy, cần phải thống nhất các định nghiã, khái niệm trước đã. Vậy có chuyện rằng:
Tại một lớp tiểu học tại Kiên Giang, cô giáo hỏi:
- Các con hãy cho cô biết ngô khác với bắp ở điểm nào?
- Trò A( mới theo gia đình từ ngoài Bắc vào ):Thưa cô, mẹ em hay nấy hạt ngô lấu cho nợn ăn ạ!
- Trò B: Thưa cô , má em ở nhà thường hầm hột bắp cho heo ăn ạ.
Và đây là kết luận " sáng ngời" của cô giáo:
Các con của cô giỏi lắm. Đúng là ngô khác bắp ở điểm: ngô dùng để nuôi lợn và bắp dùng để nuôi heo.
TM