Thứ Bảy, tháng 1 05, 2008

Nhảy dù, không phải chuyện đùa



.
P5. Cú nhảy dù đầu đời của kẻ 55 tuổi.
.
Cơm tối xong, tôi ngả mình xem TV. Chương trình TV khá hấp dẫn, mà … sáng nay mình gấp dù quá chuẩn rồi, vả lại chính lão Chủ nhiện Dù Quân chủng giám sát gấp dù cơ mà, chắc chắn “nó” mở. Tôi thở “khí công” một chút rồi ngủ sớm. Một giấc ngủ bình yên.
.
Chuông đồng hồ réo, 4 giờ sáng. Xuống nhà, bữa sáng đã sẵn sàng: Bánh mì, bơ, trứng cá đen, li sữa, không cafe, không thuốc lá, hệt tiêu chuẩn phi công.
Vợ tôi tiễn tôi ra cổng cùng lời dặn dò “nhảy dù xong, anh nhớ gọi điện về nhà ngay nhé”. Sau mới biết, đêm hôm đó cô ấy cứ chập chờn mộng mị như thể ngày mai chồng đi chiến trường B5 vậy. Biết rằng xác suất rủi ro của môn nhảy dù là “một phần vạn” nhưng vợ tôi không muốn tôi tham gia, bởi nó “bạo lực” quá, nhưng như cô ấy nói, miễn sở thích cá nhân không phương hại tới “lợi ích cộng đồng” thì có thể “bỏ quá” (theo cách hiểu của tôi, tức là, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời). Từ lúc tôi ra sân bay, cô ấy bồn chồn ra vào cho tới lúc nghe thấy tiếng tôi oang oang trong điện thoại “anh nhảy dù thành công rồi, tuyệt vời!”.
.
Đúng 5 giờ sáng, nhóm nhảy dù đã tề tựu đông đủ. Một số anh em thuộc quân số ngày hôm sau cũng tới tiễn đưa. Họ siết chặt tay tụi tôi – những người “tiên phong” của Câu lạc bộ. Xe buýt đưa nhóm “tiên phong” ra sân bay và chở lực lượng tiễn đưa lên bãi đổ bộ ở Biên hòa.
.
Sân bay náo nhiệt.
Xuống xe, đã thấy các ba lô dù xếp đặt ngay hàng thẳng lối trên tấm bạt Tụi tôi nhận dù, tìm lại cái dù hôm qua mình gấp. Kế tụi tôi là tốp phi công chuyên nghiệp, mười mấy người, áo liền quần màu “nâu sồng”. Họ đang trong đợt huấn luyện định kì hàng năm.
Quân y Không quân đo huyết áp từng người. Không ai vượt ngưỡng, tất cả được “thông quan”.
Tụi tôi đeo ba lô, đội mũ bảo hiểm, điều chỉnh dây đai và gài dù dự bị với sự kiểm soát của các sĩ quan Không quân. Đeo xong, cả bọn dàn hàng ngang, nhảy nhảy vài lần theo lệnh, rồi tháo ba lô ngồi … chờ bay. Trời sáng rõ.
Chiếc trực thăng MI-171 màu vàng khởi động, tiếng động cơ gào lên, nhức nhối. Theo lệnh, tốp phi công chuyên nghiệp xếp thành một hàng dọc lên máy bay. Dường như họ hơi căng thẳng. Đúng thôi, tụi tôi đi nhảy dù để tìm niềm vui, còn họ chẳng vui thú gì khi đi nhảy dù. Máy bay cất cánh, mất hút.
.
Chờ đợi.
Anh em học viên kẻ đứng người ngồi, số khác đi tới đi lui, làm dáng, chụp hình.
Không biết trước lúc bước lên tàu vũ trụ, Iuri Gagarin nghĩ gì nhỉ?
.
Chiếc MI-171 đã trở về, tốp phi công đã hoàn thành bài nhảy dù, họ đang chờ tụi tôi ở bãi đổ bộ. Tụi tôi đeo lại dù dưới sự hỗ trợ của các sĩ quan, rồi thành một hàng dọc tiến tới máy bay. Máy bay cất cánh, thẳng tiến Biên hòa.
Tiếng động cơ rền rĩ, kích động. Bầu trời, mặt đất thấp thoáng sau ô cửa sổ.
Một ai đó thở phù. Một người di di lòng bàn tay vào quần. Một kẻ nhoẻn miệng cười.
.
Tới nơi rồi. Độ cao 800 mét, gió rất nhẹ, thời tiết tốt.
Tốp thứ nhất, bốn người, vào vị trí chuẩn bị theo thứ tự số 1, số 2, số 3, số 4. Đứng đầu tốp này là một huấn luyện viên. Chủ nhiệm Dù Quân chủng cùng một sĩ quan khóa dây an toàn của họ vào máy bay rồi quay sang móc “dây mồi” vào ba lô của từng người (xem P4: Tại sao dù không mở).
Cửa máy bay mở ra, gió đột ngột thốc vào, máy bay hơi rung rinh, đèn vàng chớp chớp, còi tín hiệu “ẹc, ẹc, ẹc” liên tục, dọa nạt. Chủ nhiệm Dù tay vịn cửa, ló đầu ra ngó nghiêng xác định thời điểm thả dù. Huấn luyện viên trưởng vỗ vai từng người “bình tĩnh nhé, đếm đủ ba giây hãy giật dù”.
Người số 1 khụy chân xuống “tấn”, Chủ nhiệm Dù đặt tay lên vai anh ta, thật giống cảnh Lễ tấn phong Hiệp sỹ châu Âu thời trung cổ, chỉ thiếu thanh kiếm hiệp sỹ.
Chủ nhiệm Dù vỗ vai số 1, hô “nhảy!”, giọng nhỏ nhưng đanh. Số 1 đạp cửa lao ra, một tiếng gió “phừng!” cất lên trước lúc anh ta mất hút – ấn tượng khá mạnh.
Người số 2 bước lên thay vị trí và lập tức xuống “tấn”. Tôi biết anh này, một giám đốc vui tính nhưng quyết đoán. Tin rằng anh chàng sẽ như vậy trong lúc này.
Chủ nhiệm Dù vỗ vai anh ta, hô “nhảy!”. Anh ta lao ra, không do dự. Tốt. Và sau mỗi 2 giây, một người lại lao ra cùng với tiếng gió “phừng!”.
Xong tốp thứ nhất. Chủ nhiệm Dù quay lại, dơ ngón tay cái.
Tuyệt vời. Cả máy bay vỗ tay.
Tốp thứ hai vào vị trí chuẩn bị. Bốn “dây mồi” lại móc lên nóc bốn chiếc ba lô.
Máy bay vòng lại. Chủ nhiệm Dù lại ló đầu ra cửa ngó nghiêng.
Người số 1 đứng trước cửa máy bay “nhận tước Hiệp sỹ” rồi lao ra, biến mất. Người số 2, số 3 số 4 cũng lần lượt biến mất.
Cả máy bay vỗ tay.
Máy bay vòng lại, tốp thứ ba tiến ra phía cửa và lần lượt biến mất
Bốn người “sót lại” trên máy bay lẹt đẹt vỗ tay.
Máy bay vòng lại, những người cuối cùng tiến ra phía cửa ...
.
Dù dự bị ở trước bụng. Nó ở trước bụng. Khi dù chính mất tác dụng, hãy hạ tay phải xuống nắm vòng chốt mở dù. Nắm vòng chốt mở dù, giật. Dùng hai tay lùa dù ra. Nhớ lùa theo chiều gió.
.
Số 1, số 2, số 3 lần lượt xuống “tấn” và rời cửa máy bay với tiếng gió “phừng! phừng! phừng!” ngắt quãng hai giây một. Tôi, người cuối cùng, phía sau không còn kẻ vỗ tay ...
Tôi lập tức bước vào vị trí, xuống “tấn”. Chân phải cách mép cửa khoảng 35 cm, thẳng hướng cửa, chân trái ở sau một bước, tay phải cầm vòng kéo chốt mở dù, tay trái đặt lên bàn tay phải, thật “chuyên nghiệp”.
Trước mặt tôi là vực sâu thăm thẳm. Gió phừng phực tạt vào mặt, mây mù bay bay, máy bay lắc lắc giật giật, tiếng động cơ gào thét. Các huấn luyện viên khuyên không nên nhìn xuống mà nhìn thẳng phía trước, sẽ đỡ hơn. Hầu hết học viên đều làm như vậy, nhưng với tôi, tôi không muốn rời mắt khỏi mép sàn máy bay, bởi nó là ranh giới giữa cõi thực và cõi hư vô.
Chủ nhiệm Dù vỗ vai, hô “nhảy!”. Tôi bước chân trái lên đạp vào mép cửa và lao ra ngoài.
.
Tôi rơi xuống ... rơi vào cõi hư vô ...
Rơi được một giây.
Hun hút ... Tay không chỗ bám, chân không chỗ nương, lưng không chỗ tựa, thật khó diễn tả.
Rơi được hai giây.
Hun hút ... Cơ thể hụt hẫng, không trọng lượng.
Rơi được ba giây.
Hun hút ... Bàn tay phải vẫn nắm khư khư vòng chốt mở dù. Bàn tay trái úp lên bàn tay phải, trung thành. Tôi giật mạnh chốt mở dù.
Rơi được bốn giây.
Hun hút …
.
Anh ngồi ở văn phòng. Điện thoại đổ chuông. Anh đặt tài liệu xuống bàn, quay sang cầm máy, nhìn số gọi, ngó quanh, rồi e hèm “tôi nghe đây” đã hết gần hai mươi giây. Khi nhảy từ máy bay ra, anh rơi có 3 giây và thêm 2 giây chờ dù mở, nhưng … lâu lắm, lâu như 3 phút, lâu như 30 phút, lâu như 3 tiếng, lâu như cả một học kì của cái thuở học trò.
.
Rơi được năm giây.
Hun hút …
Rơi được … Hực! Cơ thể như bị giật ngược, dù mở rồi.
Tôi ngước lên. Dù mở tròn xoe. Có thể nói, dù rất đẹp khi mở.
.
Tôi lơ lửng trên không ...
Tôi gài vòng chốt mở dù vào vị trí quy định, rồi một tay đu giữ nhóm dây dù, tay kia xê dịch dây đai để “ổn định chỗ ngồi” (chả là lúc dù mở, nó giật một phát làm dây đai lệch ra khỏi cái mà cha mẹ chu cấp cho mình để ngồi).
Trời trong xanh, gió hiu hiu. Bầu trời mặt đất trong tầm mắt. Xa xa dòng sông uốn khúc, hắt lên ánh bàng bạc. Phía trái nhà cửa san sát. Phía sau ruộng đồng xanh ngăn ngắt. Phía phải là sân bay quân sự Biên hòa với hai đường băng trắng toát pha nền xanh cây cỏ. Tất cả tĩnh lặng. Một cảm giác lâng lâng, dễ chịu. Mình đang ở tầm nhìn xa trông rộng.
Nhảy dù không ghê gớm như mình nghĩ.
Ai cũng có thể trở thành thi sỹ vào lúc này. Có một câu thơ, phải rồi, của Nguyễn Hữu Cầu:
“Nhất lung thiên địa tàng thân tiểu,
Vạn lý phong vân cử mục tầm”.
(Một vòm trời đất “giam hãm” một tấm thân nhỏ bé.
Vạn dặm gió mây chỉ trong tầm mắt).

Quả phù hợp với tâm trạng mình lúc này.
Một tiếng chào cất lên. Nhìn sang, thấy bạn dù vẫy vẫy. Tôi đáp lễ. Âm thanh truyền dẫn trên không trung hầu như không bị cản trở.
Thú vị thật. Bõ công bác mẹ sinh thành.
Đã nhìn thấy vạch chuẩn chữ “T” bằng vải trắng căng trên mặt đất.
.
“Số bốn, kéo dây lái phải” – tiếng loa từ mặt đất vọng lên, thức tỉnh những cái đầu mơ màng. Số bốn là mình đấy, đồng đội vẫn quanh ta.
Tôi kéo dây lái phải xoay dù về hướng tâm bãi, nơi có vạch chữ “T” đang đợi chờ. Rồi tôi lôi mạnh hai nhóm dây trước. Chiếc dù từ từ tiến. Hay thật, đúng y như sách.
Phễu đo gió uể oải – gió mặt đất gần bằng không, thuận lợi cho mình tiếp đất.
Dù lượn lờ, thấp dần. Ao chuôm, bụi cây, gò đống, nhà cửa, xe cộ rõ mồn một. Đã nhìn thấy anh em lăng xăng trên mặt đất.
Mặt đất từ từ dâng lên. Địa hình dưới chân toàn cây bụi, hố trũng khấp khểnh. Tốc độ xuống của dù là 5 m/s, tức mỗi giây mình xuống được năm mét, hơi nhanh, nhưng theo sách, lực tiếp đất bằng lực rơi khi mình tập “nhảy giò” thôi, không sao.
“Số bốn, chụm chân chuẩn bị tiếp đất” – mặt đất gọi. Vậy là mình đã gần đất xa trời rồi. Tôi vươn người nắm lấy khoen của hai nhóm dây điều khiển sau, kéo mạnh, toàn thân chuyển về tư thế chuẩn bị tiếp đất.
Tiếp đất này ... tiếp đất này ... huỵch! Không nặng như mình nghĩ.
Ô, mình không bị té nhào, mình đang đứng thẳng như cột đèn. Lính dù tiếp đất té sấp té nghiêng là chuyện cơm bữa. Tuyệt vời, y như tụi nhà nghề. Tôi ngó quanh, may đấy, lệch qua trái một chút là hụt chân trái xuống cái rãnh sâu nửa thước.
Một cảm xúc thật khó diễn tả. Chỉ có thể nói, tuyệt vời.
.
nh 1: Tụi tôi tìm lại cái dù hôm qua mình gấp (phía xa xa là “già làng”).
Ảnh 2: Lần lượt từng người lao ra khỏi máy bay. Do bị che khuất nên trong hình chỉ nhìn thấy phần chân (đang đạp vào mép cửa máy bay) và một phần lưng của một kẻ đang lao ra khỏi máy bay.
.
(Kì tới: Trời to bằng miệng giếng).

23 nhận xét:

HCQuang nói...

Chết rồi, lỡ tay, hình bé quá, mà nhấp chuột vào hình thì to quá. Vụng tay vụng chân quá chừng. Nhảy dù coi vậy mà dễ hơn xài vi tính.

HữuThành.Nguyễn nói...

Chả muốn xem tiếp chuyện nhẩy dù. Hồi vào SG, ở nhà cậu mấy ngày, sáng ra có thấy trứng cá đen bao giờ đâu nhỉ? Thực đơn 2007 à?

TK8 nói...

Nhảy dù, không phải chuyện đùa
Có cho nhảy chùa cháu chẳng đám Điên
Bác Quang lại nhảy tốn tiền
Fíp-Ty-Fai(55) vẫn Du Tiên bằng dù

TranKienQuoc nói...

Chuyện hay thì thật là hay. Dưng cơ mà tết nhất đến nơi rồi mà bác cứ như sống trong năm!!!

Nặc danh nói...

Bài hay ,đọc ra mồ hôi tay.
Nếu có thể đề nghị bác phổ biến ngắn gọn dễ hiểu cách tập thở khí công của bác thì hay,chắc sẽ có ích cho anh em .

Nặc danh nói...

Báo cáo đ/c KQuốc, Phó trưởng ban biên tập SRTKL-1,2,3 (và có thể 4).
Theo chỉ thị của đ/c, tôi xin tạm hoãn đăng bài nhảy dù để tập trung cho chương trình ngày tết.
Chúc đ/c ... khỏe!
HCQuang

HữuThành.Nguyễn nói...

A, anh Chí dỗi rồi. Tôi nói không muốn xem tiếp chuyện nhẩy dù, là đòi truy lĩnh suất trứng cá đen thôi :-).

Nặc danh nói...

Tổng quản thù dai thật. Ngày trước từ Hn vào, đến thăm nhà CQ, bị CQ cho "mút ngón tay" mấy bận, giờ nghe thấy "trứng cá đen" khí uất lại bốc lên, ae thông cảm.
TM

Nặc danh nói...

Ấy, bác HThành nói thế, nhà em không dỗi đâu. Chỉ thị của Trần Chính ủy ban ra là phải chấp hành (tập trung dứt điểm các chương trình phục vụ Tết).
Về vụ trứng cá đen: bác là khách quý, có món gì ngon là rước bác xơi, đâu dám giấu diếm.
Thực tình mà nói, em có thằng bạn chuyên "rình mò" ở cửa khẩu, hàng nhập khẩu là qua nó. Nó "nhót" 1 ít làm mẫu thử, và thay vì nó đưa vào máy phân tích, thì nó bắt em thử, ăn xong, hôm sau không đau bụng, không chết thì báo nó, nó cho hàng thông quan. Có hôm nó đưa cả mớ bắt thử, ăn không kịp, bị nó mắng xơi xơi, chả sung sướng gì đâu. Cái số vợ chồng em nó vậy.
Chả lẽ lại đưa nhà bác ra làm chuột bạch. Mà không rước bác xơi thì bác lại ... giận, cực lắm.
Đèn giời soi xét.
HCQuang

HữuThành.Nguyễn nói...

Soi với xét cái gì! Thằng ấy nó chuyển qua làm vệ sinh môi trường từ lâu rồi cơ mà? Ba cái thứ ấy có mà ăn bằng ... mắt!

Nặc danh nói...

Thuyết minh ảnh 1: này tụi bay, dù của bác đâu, cái này đ. phải của bác.

Nặc danh nói...

Thuyết minh ảnh1: dù này không an toàn, tụi bay gắn cho bác thêm 3 máy mở dù tự động nữa nhé.

Nặc danh nói...

Ánh 1: Bố đứa nào thó mất dù của ông rồi. Đừng tưởng ông già này ngán cái vụ nhảy..không dù nhá .
12ly7

Nặc danh nói...

Ảnh 1: Chúng mày không tìm ra dù của ông thì ông không nhảy nữa cho chúng mày biết mặt.

Thanh Minh nói...

Blog này đã chạy hết công suất đâu, cần gì phải ưu tiên phục vụ chương trình Tết nhất.
Anh Chí đang thích nhẩy thì cứ để anh ấy nhẩy. Có mỗi cái quyền được "nhẩy" mà cũng bị hạn chế, mất cả hứng!?
TM

Nặc danh nói...

Ảnh 1: người ta đeo dù cả rồi, tại sao mình bọ lại tần ngần thế nhỉ?
Ảnh 2: xem các pha kĩ xảo điện ảnh rồi mới hỏi: không biết ở bên ngòai cánh cửa này là bầu trời hay mặt đất nhỉ?

TK8 nói...

Đọc bài của bác Q mới biết lâu nay mình Thành Kiến kđúng về DÙ: Xe khách chạy DÙ, Ô DÙ bao che, chị đi DÙ...thậm chí còn có giá 50K/1DÙ...thế mà bác Q nói tốn cả triệu VND
Trước khí thế sôi sục của quần chúng đòi hiểu biết và làm rõ vụ việc, chúng cháu đề nghị bác Q cứ Post tiếp "Phóng Sự DÙ" fục vụ TẾT
ký tên: Cháu Ngoan Bác Hồ
:-D

Nặc danh nói...

Vài triệu ấy chứ. Đấy là đã được hưởng chính sách lấy thu chưa đủ bù chi của Không quân. Tốn kém lắm, có phải vỏ hến đâu.
Có khi phải vận động địa phương đóng góp, tính vào diện xóa đói giảm nghèo, chứ không thì toi.
Hay thôi vậy, rau cháo qua ngày đi nhảy dù. Nhớ hồi 9 năm, bộ đội ta ăn cháo vẫn đánh giặc:
Chúng tao thức 4 đêm rồi,
Ăn cháo 3 bữa chạy mười chín cây.
HCQuang

TranKienQuoc nói...

Có ai nói gì cái chuyện "nhảy" của bác Chí đâu, bác nhảy ai thì nhảy, cũng giống như hôm rồi về "Quảng Ninh thân yêu ơi" của bác GM thấy chú Phốc nhà bác, hình như, cũng nhảy được 4 con và mợ bác thu họach đâu như 1,8T. GM cũng sướng run chân run tay như chuyện CQ nhảy!!!

Phú Hòa nói...

Câu đố : Trên cánh đồng có mấy cái xương với một ba lô. Đố biết là cái gì.
Trả lời : Cố vận động viên nhảy dù với cái dù không mở.

P.S : Cái này không dành cho HCQ đâu nhé. Đừng chửi tớ, oan lắm.

Nặc danh nói...

Phú Hòa ơi, không phải là cố VĐV nhảy dù đâu. Nhảy dù phải có dù chính và dù dự bị, nghĩa là có 1 đống xương và 2 ba lô.
HCQuang

Nặc danh nói...

C Quang nói chuyện nhảy dù tớ thèm quá,mà tớ chỉ mới chỉ được nhảy từ cây sấu xuống đã hết hồn,giá như bây giờ được CQ phụ đạo thì ĐC chắc là học sinh giỏi.Nhảy dù bây giờ hình như chẳng cần dù đâu,vậy mà chổ mô các vận động viên cũng nhảy vô được,lại còn có nhiều loại ô dù xịn,dịch vụ sửa chữa ô dù lại có ở khắp nơi,không biết anh Chí có cái dù nào hư để sửa không...
ĐC

HCQuang nói...

Chào ĐạiCương.
Ô Dù là 1 khái niệm được nhiều người ưa thích, vì thế tôi nhảy dù, âu cũng là lẽ đời thường.
Coi chừng, thằng nớ có ô dù.
Thằng ni đi dù.
Thằng tê chạy xe dù.